Sài Gòn trong hành trang của Bác

Thứ Năm, 22/07/2021 00:52

. TRÌNH QUANG PHÚ

 

Khởi sự con đường cứu nước

Giữa tháng 1/1911, Bác rời trường Dục Thanh ở Phan Thiết vào Sài Gòn tiếp tục cuộc hành trình tìm đường cứu nước. Ngày đó, phương tiện đi lại còn rất thô sơ, cả Sài Gòn chỉ chừng năm, bảy chiếc ô tô. Đường sắt miền Nam mới có đoạn Sài Gòn - Mỹ Tho, Sài Gòn - Biên Hòa. Đoạn Tánh Linh (Bình Thuận) nối Phan Thiết đang xây dựng nên hai trăm cây số từ đó vào Sài Gòn Bác phải đi bằng thuyền buồm. Về chuyện này, anh chị em ở hội Liên Thành cho biết, ngày trước có nghe các cụ tiền bối nói từ Phan Thiết, Bác theo ghe bầu (loại thuyền lớn) chở nước mắm của Công ti Liên Thành đến Vũng Tàu, sóng to gió lớn, thuyền không vào cửa được phải đậu ở gành Rái. Bác lên bờ qua Bà Rịa để đi Sài Gòn. Khi ấy, Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định còn tách riêng bởi nhiều ruộng, kinh rạch, ao hồ và đầm lầy, dân cư thưa thớt. Chợ Bến Thành chưa xây xong, chợ Sài Gòn còn rất nhỏ, nhóm họp trên nền Tổng Ngân khố ở đường Nguyễn Huệ bây giờ, nhưng Sài Gòn đã có nước máy, đèn điện. Trên các phố chủ yếu là xe ngựa đóng thùng kính gọi là “xe kiếng”, xe thổ mộ, xe song mã và xe kéo tay...

Bến cảng Nhà Rồng, nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: ST

Tới Sài Gòn, Bác ở nhà người anh em bạn dì của cụ Nghè Mô là ông Lê Văn Đạt tại xóm cầu Rạch Bần, nay là số nhà 185/1 đường Cô Bắc, khi ấy là vựa bán chiếu. Mấy ngày sau, cụ Nghè Mô và ông Hồ Tá Bang đưa Bác đến ở nhà 1-2-3 đường Tecxa, Chợ Lớn là trụ sở của Thương Quán Liên Thành phân cuộc. Những người kế tục Công ti Liên Thành cho biết, ngày trước ba gian nhà này chỉ có một tầng, lợp ngói âm dương. Khi miền Nam giải phóng (tháng 4/1975) đổi thành nhà số 3 và 5 đường Châu Văn Liêm (Chợ Lớn), căn nhà số 5 được giữ làm di tích nơi Bác ở. Sau, Bác dọn về 128 Khánh Hội (quận 4) gần bến cảng để thuận tiện việc ra vô tiếp xúc các hãng tàu, tìm đường ra nước ngoài. Bác vào Sài Gòn vừa kịp tết, mai vàng và các loại hoa xuân nở rực rỡ, kịp đón tết với cha. Cuộc hội ngộ có cả ông Nghè Trương Gia Mô, ông Ba Tiêu (Bùi Văn Tiêu), ông Hồ Tá Bang... Họ uống trà, nhâm nhi miếng riêm gừng (mứt gừng) sau đó ăn lát bánh tét với củ kiệu muối cùng cốc rượu gạo gò đen, bàn thế sự.

Đầu tháng 3, Bác xin vào học trường dạy nghề mở gần chợ Cũ, đào tạo công nhân hàng hải và công nhân chuyên nghiệp cho xưởng Ba Son. Theo đồng chí Hà Huy Giáp (từng là thư kí của Bác), có lần Bác nói: “Bác đâu có ý định học thợ, nhưng trong lúc lang thang để tìm cách sang phương Tây, mà có nơi cho mình học, có cái ăn là mình vô thôi”. Ngót một trăm ngày ở đây, Bác dành nhiều thì giờ xem xét tìm hiểu về “Hòn ngọc Viễn Đông”. Cái gì cũng mới lạ, hiện đại, nhưng điều lạ hơn cả là sao dân mình vẫn khổ sở, đói rách và bị khinh rẻ. Phải làm gì để cứu dân, cứu nước? Trong một lần Bác đến thăm cha, cụ Phó bảng nói với Bác: “Tìm thăm cha là tốt, nhưng cái cần hơn vẫn là tìm đường cứu dân tộc”. Suy nghĩ đúc kết những bước đi của các vị tiền bối, Bác khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp và nhiều chí sĩ khác. Các cụ giúp Bác thêm quyết tâm, ý chí và nghị lực. Nhưng Bác “không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào”. Sau này khi đang là Chủ tịch nước, Bác trao đổi với một nhà văn Mĩ: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, người kia cho là Mĩ. Tôi thấy phải ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.(1)

Người thấy rõ và quyết định con đường nên đi. Đồng chí Hà Huy Giáp kể rằng, có lần Bác nói: “Cách mạng là con chim đại bàng có hai cánh, một vỗ ở các nước thuộc địa, một vỗ ở các nước chính quốc. Có hai cánh vỗ thì đại bàng mới bay được”.

Khi quyết tâm ra đi, Bác rủ một người bạn:

- Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thực ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm... Anh muốn đi với tôi không?

Người bạn sửng sốt hỏi lại:

- Nhưng... lấy đâu ra tiền?

Bác giơ hai bàn tay với lòng tự tin cả quyết:

- Đây, tiền đây. Chúng ta sẽ làm việc, làm bất cứ gì để sống và để đi.

Trước quyết tâm của Bác, anh bạn đã đồng ý, nhưng sau đó không đủ can đảm để thực hiện lời hứa.(2)

 

Bến Nhà Rồng ngày ấy

Tháng 4/1862, Công ti Vận tải đường biển Hoàng gia Pháp Messageries Impériales (viết tắt M.I) bắt đầu hoạt động tuyến đường từ Pháp đi Sài Gòn - Hồng Kông. Trụ sở của công ti ở Sài Gòn là ngôi nhà ba tầng nằm ở hữu ngạn vàm rạch Bến Nghé(3), trên nóc có hai con rồng quay đầu vào chầu mặt trăng theo kiểu “Lưỡng long chầu nguyệt”. Sau này (khoảng 1920) hãng M.I đổi thành hãng Messageries Maritimes, mặt trăng được thay bằng phù hiệu của hãng có hình đầu ngựa, mỏ neo, vương miện, hai bên vẫn là rồng chầu, nhưng đầu quay ra hai bên, bốn góc là cá hóa rồng chầu bốn hướng theo cung cách đình chùa Việt Nam. Một nhà báo Pháp viết rằng, đó là cách điệu của người Pháp để chỉ các con tàu ra đi từ xứ Á châu này. Coi mặt đặt tên, nhân dân ta gọi đó là Nhà Rồng. Tên gọi bến Nhà Rồng cũng xuất phát từ đó.

Bên này vàm rạch Bến Nghé có cột cờ Thủ Ngữ làm mốc cho tầu buôn ra vào. Cột cờ dựng ở trước Sở thuế của cảng Sài Gòn (khi đó còn gọi là Sở Thủ Ngự như tên dưới thời vua Tự Đức). Cũng như vậy, ngày 15/8/1862, tại Vũng Tàu, khánh thành ngọn hải đăng dẫn đường cho tàu vào cửa Cần Giờ.

Sau khi công ti M.I vào Sài Gòn, có thêm hãng tàu Chargeurs Resunis mới thành lập chạy đường Pháp - Đông Dương từ năm 1901. Hãng có đội tàu gồm 7 chiếc. Sáu chiếc lớn chia nhau chạy các tuyến giữa các hải cảng Pháp và Việt Nam, ngày đó các công ti hàng hải vẫn dùng từ Đông Dương. Chiếc Chợ Lớn nhỏ hơn, chạy bổ túc quanh năm. Từ Việt Nam đi Pháp có hai nơi khởi hành: Hải Phòng ngày 27 và Sài Gòn ngày 5, mỗi tháng. Hãng này có huy hiệu năm ngôi sao, nên người Việt Nam thường gọi là hãng Năm Sao. Tàu Amiral Latouche Trésville là một trong bảy chiếc của hãng do xưởng đóng tàu La Loire sản xuất ở vùng Saint Nazaire, hạ thủy ngày 21/3/1903, đăng kí tại cảng Le Havre năm 1904. Đây là một trong những tàu cỡ lớn đầu thế kỉ XX, vừa chở người vừa chở hàng. Bến đậu của hãng nằm trong Thương cảng Sài Gòn. Thương cảng Sài Gòn ngày đó dài chừng 600m, nối tiếp với quân cảng từ công trường Mê Linh tới cầu Khánh Hội bên này rạch Bến Nghé (khi ấy gọi là Quai Francis Garnier) nay cũng là một phần đường Tôn Đức Thắng.

Dù chỉ dài 600m nhưng Thương cảng Sài Gòn có tới 6 đại lộ giao đầu vô bến. Đó là các đường Paul Blanchi (nay là đường Hai Bà Trưng), Catinat (đường Đồng Khởi), Charner (đường Nguyễn Huệ), Krantz và Duperré (đường Hàm Nghi). Nhà ga xe lửa đi Mỹ Tho và Biên Hòa đặt ở đầu đường Hàm Nghi. Nhà ga tàu hơi (Tram-way) cũng ở ngay đầu đường Nguyễn Huệ. Tàu hơi chạy dọc suốt thương cảng và quân cảng, một phía đi Gia Định rồi Hóc Môn, phía kia là Chợ Lớn. Thương cảng có 5 cầu tàu: 3 nhỏ ở đầu đường Đồng Khởi dành cho các hãng chuyên chở đường sông, 1 lớn ở đầu đường Nguyễn Huệ dành cho tàu viễn dương lớn, 1 ở đầu đường Hàm Nghi dành cho hãng tàu người Hoa. Brébion mô tả nó hồi 1911: “Trên bến Francis Garnier (nay là bến Bạch Đằng), phía bờ sông có nhiều loại cầu tàu chiếm chỗ. Một trong số cầu tàu lớn nhất là nơi cập bến các tàu lớn của hãng Chargeurs Résunis” (hãng Năm Sao).(4) Các tài liệu đã chứng minh, các tàu của hãng này chỉ đậu ở Thương cảng Sài Gòn và tàu Amiral Latouche Tresville là tàu lớn. Chuyến Sài Gòn - Marseille tháng 6/1911, tàu này đã cập và rời đi từ cầu cảng lớn nhất của Thương cảng Sài Gòn nơi đầu đường Nguyễn Huệ. Đây là vị trí khang trang và khoáng đạt nhất thành phố. Trung tâm Sài Gòn lúc này ở đây. Bên kia rạch Bến Nghé là trụ sở của cảng Nhà Rồng với dáng vẻ Âu Á pha trộn sừng sững.

Sau này khi Thế chiến thứ 2 nổ ra, ở Việt Nam là cuộc kháng chiến chống Pháp, hãng tàu Năm Sao không hoạt động ở Việt Nam và bến cảng bỏ phế. Các tàu bè ra vào chỉ cập cảng Nhà Rồng là chủ yếu. Đến thời đất nước bị chia cắt làm hai miền, Thương cảng Sài Gòn trở thành bến sông cho các thuyền dịch vụ và thành phố chỉ còn một bến Nhà Rồng. Ngày nay chúng ta vẫn nói Bác Hồ ra đi từ Bến Nhà Rồng, bởi nó là hiện thân tiêu biểu cho các thương cảng của Sài Gòn những năm đầu thế kỉ XX.

 

Trong hành trình cứu nước

Những tháng đầu năm 1911, Bác tìm đến cảng Nhà Rồng, đến Thương cảng Sài Gòn để tìm hiểu, đến các hãng tàu tìm cách làm quen và kiếm việc làm. Công nhân bến cảng và các nhà máy thời đó thường đi guốc mộc, mặc áo bà ba hoặc áo bành tô bằng vải ka ki màu vàng nhạt.

Ngày ấy, tiệm giặt ủi của cụ Bùi Văn Tiêu (Ba Tiêu), bạn thân cụ thân sinh ra Bác ở đường Lý Tự Trọng (lúc đó đường có tên Lagrandière) là nơi lui tới của thủy thủ trên tàu viễn dương có cùng ý chí yêu nước. Sau nhiều lần bàn bạc, Bác chọn con đường sang Pháp. Cụ Ba Tiêu giới thiệu để Bác làm quen được với một số người Việt Nam làm ở hãng Năm Sao, hãng này chạy đường Sài Gòn - Marseille (Pháp). Hai người “bồi” Việt Nam mà Bác quen là Nguyễn Văn Hùm và Bùi Văn Viên. Hai ông cho Bác biết, hãng đang tuyển “bồi” và chỉ cách để Bác xuống tàu xin việc làm.

Trưa ngày 2/6/1911, chiếc tàu Amiral Latouche Tréville của hãng Năm Sao từ Hải Phòng vào cập bến Thương cảng Sài Gòn. Bác xuống tàu xin gặp viên thuyền trưởng. Nhìn thân hình mảnh khảnh của Bác, thuyền trưởng hỏi:

- Anh có thể làm được việc gì?

- Tôi có thể làm bất cứ công việc gì. - Bác đáp với lòng tự tin.

Nhìn thấy nét cương nghị và thông minh của Bác, viên thuyền trưởng tên Lui E-du-a Mai-sen quê ở miền Bắc nước Pháp mỉm cười:

- Được, tôi đồng ý nhận anh làm phụ bếp, sáng mai nhận việc. Anh tên là gì?

Trầm ngâm một chút, Bác đáp:

- Văn Ba.

Trên tàu khi đó đã có một thủy thủ làm việc từ trước có tên là Nguyễn Văn Ba.

Ngày 3/6/1911, Bác chính thức xuống tàu làm phụ bếp. Đây là một trong những tàu lớn hồi đó. Theo hồ sơ còn lưu ở bảo tàng hàng hải bên Pháp, thì tàu dài 124,1m, rộng 15,2m, chạy máy hơi nước, 2.800 mã lực, với tốc độ 13 hải lí/giờ, trọng tải 5.572 tấn và có đủ nhiên liệu để chạy một mạch 12.000 hải lí. Trong hồ sơ lưu còn có sổ lương và sổ thủy thủ. Lương tháng 6/1911 của Bác là 50 phơ-răng Pháp, trong khi những người bồi Pháp làm việc rất nhàn nhã thì lương gấp ba lần.

Trưa ngày 5/6/1911, con tàu Amiral-Latouche-Tréville rời Thương Cảng Sài Gòn với 72 thủy thủ. Hành trình đầu tiên đó, Bác dừng chân ở Singapore rồi Marseille và ngày 15/7 Bác đến Le Havre, cảng chính ở miền Bắc nước Pháp.

Bác ra đi giữa mùa bão tố tháng 6 với trái tim vĩ đại mang trọn tình yêu quê hương đất nước. Từ buổi trưa đó, Bác bước vào cuộc đời của một người lao động cực khổ. Trong tác phẩm Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch có kể lại lúc làm thủy thủ trên tàu như sau:

... Mỗi ngày anh Ba phải làm từ bốn giờ sáng, quét dọn sạch sẽ nhà bếp lớn trên tàu, rồi đốt lửa trong các lò. Khi thì đi khuân than, rồi xuống hầm lấy rau, thịt, cá, nước đá... Công việc khá nặng nhọc, lại gặp nhiệt độ luôn thay đổi vì dưới bếp rất nóng, còn trong hầm thì rất lạnh. Nhiều lần phải vác bao nặng leo lên những bậc thang trong khi tàu tròng trành lắc lư rất nguy hiểm. Xong, phải dọn cho chủ bếp Pháp ăn. Sau đấy, nhặt rau, rửa nồi, chảo và đun lò lại. Công việc kéo dài suốt ngày. Nhà bếp lo ăn cho cả bảy, tám trăm người, cả nhân viên và hành khách. Nhiều chảo bằng đồng lớn và nặng đến nỗi anh Ba phải kéo lê trên sàn. Những nồi cao quá, anh phải leo lên ghế để chùi. Và luôn là những tiếng sai:

- Ba, đem nước đây.

- Ba, dọn chảo đi.

- Ba, thêm than vào.

Suốt ngày, anh Ba người đẫm hơi nước và mồ hôi, mình đầy bụi than. Anh phải dùng hết tinh thần và sức lực mới hoàn thành xong mọi việc. Hàng ngày, đến chín giờ tối, công việc mới xong. Anh Ba mệt lử. Nhưng trong khi mọi người nghỉ hoặc đánh bài, anh lại học hay viết đến khuya... Một lần dọc đường, anh Ba suýt chết đuối. Biển nổi sóng. Sóng to như những quả núi chồm lên, đổ xuống. Hầu hết mọi người đều say sóng. Như mọi ngày, anh Ba lên bếp lại xuống hầm. Không thể vác những rổ rau lên vai vì tàu tròng trành dữ quá, anh phải buộc chúng vào dây sắt kéo đi. Chuyến thứ hai, một ngọn sóng lớn thình lình phủ lên sàn tàu và cuốn xuống biển mọi vật trên sàn tàu, cả những rổ rau và anh Ba nữa. May, anh chỉ bị đẩy vào giữa cột buồm và dây xích, nhờ vậy mà thoát chết…

Theo những bức thư của Bác gửi cho cụ Phó bảng thông qua nhà chức trách Anh còn lưu trong tài liệu mật thám Pháp thì 30/10/1911, Bác đã đến Colombo và ngày 15/12/1912 Người đến New York. Nhà sử học Mĩ nổi tiếng J. Stenson, người đã dành gần như cả cuộc đời để nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cung cấp tư liệu rất quý về Bác khi Bác đến Hoa Kì và đi thăm tượng Nữ thần Tự do. Bà viết: “Tất cả họ đều ghi cảm tưởng bằng những lời ca ngợi ngôi sao tỏa sáng trên vòng nguyệt quế là ánh sáng tự do... Duy chỉ có Nguyễn Tất Thành nhìn xuống dưới chân tượng và ghi: Ánh sáng trên đầu Thần Tự do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thì người da đen đang bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng như người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới”.

Từ ngày 5/6/1911 ấy, Bác đã trải qua bao gian nan, cực khổ của các nghề “bồi” ở dưới tàu, “bồi” ở khách sạn, làm nghề rửa ảnh, vẽ sơn mài… và cả làm nghề cào tuyết cho một trường học để sống, để đi, để hiểu và để hoạt động cách mạng. Tám năm sau, tháng 6/1919, cảng sông Sài Gòn tiếp nhận và chuyển đến nhân dân Việt Nam 8 điều yêu sách của Việt Nam mà Bác đã đại diện gởi đến Hội nghị Versailles. Văn kiện đó như một quả bom nổ giữa thủ đô của nước Pháp, nó là tiếng thét của hàng triệu người Việt Nam. Bác đã bỏ tiền ra để in tài liệu này gởi đi các nơi và gởi về Việt Nam. Nhân dân ta biết Nguyễn Ái Quốc từ đó. Một nhà nho yêu nước ở Việt Nam đã nói: “Bầu trời Việt Nam đã xuất hiện một vì sao mới, đó là Nguyễn Ái Quốc”.

Từ ngày 5/6/1911 ấy, Bác rời Sài Gòn và đã đi qua gần đủ năm châu, bốn biển trên thế giới và tìm ra con đường giải phóng dân tộc, để mùa xuân của 30 năm sau (tháng 2/1941), Bác trở về Pắc Bó lãnh đạo cách mạng Việt Nam và sau đó khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Và rồi ngày 30/4/1975, con cháu Bác trong chiến dịch mang tên Người, với đường lối và tư tưởng quyết thắng của Bác đã tiến vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Ý chí quyết tâm và lòng tin của Bác trước sau như một. Ngày Bác ra đi chỉ có hai bàn tay trắng. Khi Bác về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam cũng chỉ có vậy. Trong bài thơ Pắc Bó hùng vĩ Bác viết:

Non xa xa, nước xa xa

Nào phải thênh thang mới gọi là

Đây suối Lê-nin, kia núi Mác

Hai tay gây dựng một sơn hà.

Tất nhiên hai bàn tay mà Bác nói đây là hai bàn tay của ngót 25 triệu đồng bào Việt Nam(5). Bác tin tuyệt đối ở nhân dân, tin ở sự “đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh” (thơ Bác Hồ năm 1941) của tất cả mọi người Việt Nam.

 

Sài Gòn trong tim Bác

Sài Gòn, thành phố phía Nam của Tổ quốc, nơi đã hun đúc những tình cảm trân quý, yêu thương và ngọn lửa nồng cháy tìm đường cứu nước, nơi đã in sâu vào tâm trí Bác nhiều ấn tượng sâu sắc về chế độ thực dân và về những người dân nghèo bị áp bức. Nếu chúng ta có dịp đọc lại những bài viết trong những năm 1920 trên các báo Người Cùng Khổ (Le Paria), Đời Sống Công Nhân (La vie ouvrière), Nhân Đạo (L’Humanité) xuất bản ở Pháp, cũng như tác phẩm Bản án chủ nghĩa thực dân Pháp của Bác, sẽ thấy Bác luôn nhắc đến Sài Gòn, dõi từng bước đi, từng nhịp thở của nhân dân Sài gòn ngay từ lúc mới xa Tổ quốc. Bác lên án “bọn người Âu mắng phụ nữ Việt Nam là “con đĩ, con bú dù” và “ngay giữa chợ Bến Thành Sài Gòn - mà người ta bảo là một thành phố Pháp, bọn gác chợ người Âu cũng không ngần ngại dùng roi gân bò, dùi cui đánh phụ nữ bản xứ để bắt họ tránh khỏi làm nghẽn lối”. Trong bài Khai hóa giết người đăng trên báo Le Paria ngày 1/8/1922, Bác đã tố cáo trường hợp chủ Pháp giết anh công nhân ở Sở xe lửa Nam Kỳ cực kì dã man. Nhiều và rất nhiều những chi tiết về Sài Gòn như thế của Bác trên báo chí ở Pháp.

Ở xa Tổ quốc, Bác biết những vụ bạo động, những cuộc biểu tình đổ máu của người Việt Nam phản đối việc bị bắt đi lính cho Pháp ở Biên Hòa, ở Sài Gòn. Bác biết rõ tháng 11/1922, sáu trăm thợ nhuộm ở Chợ Lớn vì bị bớt lương nên đã quyết định bãi công đấu tranh (Nguyễn Ái Quốc - Bản án chủ nghĩa thực dân Pháp). Bác biết và hiểu rõ tâm tư của mọi người dân lao động Sài Gòn vì suốt thời gian lưu lại ở Sài Gòn, Bác cũng là người lao động sống cực khổ. Sau này, khi làm Chủ tịch nước, mỗi lần tiếp các đại biểu Sài Gòn, Bác thường nhắc về những kỉ niệm lúc mình ở Sài Gòn. Bác nhớ rõ cảnh những người nghèo không nhà, không cửa, sống nhờ trên hè phố và các gầm cầu. Một lần, khi nữ anh hùng Tạ Thị Kiều về thăm, Bác có nhắc lại một kỉ niệm nhỏ khi ở Sài Gòn. “Sài Gòn hồi đó có “nhà che cơm tấm”, Bác hay ăn lắm, họ nấu cơm tấm rất giỏi, không nhão mà ăn với tép rang hoặc tôm kho tàu rất ngon, lại rẻ tiền”. Nhiều lần Bác nói: “Bác nhớ miền Nam, nhớ Sài Gòn lắm. Bác mong miền Nam mau giải phóng để Bác vô thăm.”

 

Người con gái Sài Gòn

Sài Gòn, miền Nam đã luôn luôn trong Bác, và mảnh đất này cũng là nơi đã để lại rung động đầu đời khi Bác ở tuổi đôi mươi.

Sau khi bị Quốc dân Đảng lưu đày ở Trung Quốc, trong bài thơ Tân xuất ngục học đăng sơn (Mới ra tù, tập leo núi), Bác viết:

Bồi hồi độc bộ Tây Phong lĩnh

Dao vọng Nam thiên ức cố nhân

Nam Trân dịch:

Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh

Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa

Với bút danh T.Lan (trong Vừa đi đường vừa kể chuyện), Bác đã dịch lại:

Bùi ngùi dạo đỉnh Tây Phong

Trông về cố quốc chạnh lòng nhớ ai

Hai chữ “nhớ ai”, phải chăng là mối tình riêng của Bác những ngày ở Sài Gòn, trước khi ra đi tìm đường cứu nước?

Nhà sử học người Mĩ J. Stenson trong bài viết về Bác Hồ có đoạn như sau:

“Vừa rồi, tôi có đọc một bài hồi kí đăng trên tạp chí Lịch sử quân sự của Viện Quân sự Hoa Kì do một số sĩ quan Anh - Mĩ trong đội quân của Đồng minh viết về giai đoạn họ sang giúp Việt Nam huấn luyện quân sự trong kháng chiến chống Pháp. Tác giả viết: “Tôi sống cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu khởi nghĩa. Chúng tôi có hỏi - không phải tò mò mà trên danh nghĩa là đàn ông với nhau - tại sao Chủ tịch không lấy vợ, không lập gia đình? Hồ Chí Minh trả lời một cách chân tình và thân mật: “Khi còn trẻ phải đi hoạt động cách mạng, khi giành được độc lập thì đã già, nên không dám tính chuyện đó. Trước khi tôi ra đi, tôi có yêu một người con gái, người con gái đó cũng rất yêu tôi. Nhưng phải dừng lại về chuyện yêu đương, sau nhiều năm mất liên lạc, tôi không biết người con gái đó đang ở đâu, còn hay mất.”(6)

Nhiều người vẫn nói hàng ngày trong phòng ở của Bác luôn có hoa huệ thơm ngát. Có ai hỏi thì Bác nói “để nhớ những người đã khuất”, nhưng cũng có người cho rằng hoa huệ là tượng trưng cho người con gái Bác thương yêu.

Một lần gặp chú Tô (tức Thủ tướng Phạm Văn Đồng), nhân lúc chú dặn dò việc viết về Bác Hồ, tôi hỏi chú về chuyện vợ con của Bác và về người con gái Sài Gòn mà Bác yêu thương. Chú Tô cười: “Bác Hồ là người giàu tình cảm, giàu lòng thương người. Có thể nói chính sự giàu đó mà Bác cứu được dân tộc ta, nhưng Bác là người đã dũng cảm hi sinh tình yêu riêng và để nó hòa vào tình yêu nhân dân, đất nước.” Im lặng một lúc, chú nói tiếp: “Chú biết Bác có quen một cô gái Sài Gòn từ lúc ở Huế và khi vào Sài Gòn gặp lại, hai người nặng tình với nhau, nhưng mọi việc chỉ dừng ở đó…”

Mới đây, tôi rất xúc động khi đọc Đi tìm Út Huệ của nhà văn Sơn Tùng trong tác phẩm Cuộc chia li trên bến Nhà Rồng. Tôi vỡ òa cho sự tìm kiếm bấy lâu. Xin cảm ơn nhà văn Sơn Tùng, người anh em đồng chí, người anh hùng lao động cả đời tìm tòi viết về Bác. Người con gái ở Sài Gòn năm đó là bà Lê Thị Huệ.

Năm 1948, trong một lần trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thanh, chị ruột Bác Hồ, Sơn Tùng đã nghe bà kể:

Khi nhận được điện từ miền Nam gởi ra báo là bố o(7) (tức cụ Nguyễn Sinh Sắc) ốm rất nặng, o liền khăn gói lên đường vào Nam, nhưng khi tới nơi mới biết bố o đã qua đời và đã được chôn cất. Nhờ có cô Huệ rất nhiệt tình đưa o đi xuống tận Cao Lãnh mới tìm ra mộ bố. Cô Huệ thương cậu Thành. O có biết chi mô, khi vào trong nớ mới hay gia đình ông Diệp Văn Cương, rồi gia đình cụ Hồ Tá Bang cứ vun vào cho cậu Thành, nhưng cậu Thành lại chưa chịu dừng lại một chỗ. Cậu như con chim bằng còn muốn cất cánh bay xa. Cậu Thành cũng thương cô Huệ lắm. Thật là, “già tình bạn, non tình yêu”.(8)

Nhà văn Sơn Tùng đã tìm gặp được Út Huệ, cô gái Sài Gòn năm 1911, giờ là cụ bà Lê Thị Huệ. Tôi xin trích một đoạn của Sơn Tùng ghi lại cuộc gặp gỡ hiếm có đó:

“Trước khi kể cho tôi nghe câu chuyện về mối tình của cô Huệ với anh Nguyễn Tất Thành, cụ dặn tôi tuyệt đối không được viết, cũng như không được nói cho ai biết khi cụ còn sống. Vì theo cụ: “Hiện nay, cả dân tộc Việt Nam đang tôn thờ Bác Hồ, nếu nói điều này ra thì sẽ không ít người nghĩ rằng tôi cố vơ vào để rồi đòi hỏi chế độ, chính sách ưu đãi gì đây”. Rồi cụ kể: “Tôi là học trò của cụ Phó bảng, học chữ Nho tại kiệt (âm xứ Huế có nghĩa là hẻm), đường Đông Ba (Huế), thời bấy giờ cha tôi làm quan ở đó. Sau này tôi gặp anh Thành và tôi đã tôn thờ con người ấy suốt cả cuộc đời (cụ thở dài), con người ấy thật đáng yêu, đáng kính. Nhưng có lẽ do số phận đã không cho chúng tôi được bên nhau. Khi chia tay nhau, chúng tôi không hứa hẹn mà chỉ nói nếu sau này còn sống trở về sẽ tìm lại nhau. Một vài năm sau đó, tôi nhận được tin Nguyễn Tất Thành đã chết tại Hồng Kông. Tôi đau đớn vô cùng. Nhưng mãi tới năm 1948, tôi nhận ra Nguyễn Ái Quốc chính là anh Thành. Anh cũng không gia đình, vợ con”.(9)

Mối tình cao đẹp đó được Nhà xuất bản Kim Đồng tóm lược giới thiệu:

Nhà văn Sơn Tùng chú ý khắc họa rõ hơn tình cảm cao thượng và đẹp đẽ của cô gái Lê Thị Huệ (Út Huệ) với chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Tình cảm này được nhen lên từ ngày Nguyễn Tất Thành còn là cậu học sinh Trường Quốc học Huế, cho tới khi anh rời bến cảng Nhà Rồng, ra đi tìm đường cứu nước. Trước lúc chia xa, Nguyễn Tất Thành đã trao tình cảm sâu nặng trong sáng cho cô gái bằng tiếng lòng của chàng trai ra đi vì nghĩa cả: “Chiếc lược này là của mẹ anh. Nó là vật kỉ niệm mà cha anh sắm cho mẹ anh lúc vào kinh đô thi Hội lần thứ nhất. Mẹ anh đã chải tóc bằng chiếc lược này qua nhiều năm tháng. Ngày mẹ anh qua đời, anh cất giữ cái lược trong người mình cho tới hôm nay. Anh trao em cái lược này thay cho tiếng thiêng liêng mà em hằng chờ đợi”.(10)

Mối tình thiêng liêng đó đã theo Bác từ Huế đến Sài Gòn, và hẳn còn khắc sâu trong tim Bác trên những chặng đường bôn ba hải ngoại sau này. Bác đã hi sinh tuổi thanh xuân, hi sinh cả tình riêng của mình để quyết ra đi tìm đường cứu nước.

*

*         *

Sau ngày giải phóng, thành phố Sài Gòn chính thức mang tên Bác. Con đường dẫn chúng ta vào cảng Sài Gòn hôm nay mang tên đường Nguyễn Tất Thành. Bến Nhà Rồng được xây dựng có cấu trúc gồm hai tầng chính và một tầng gác phụ của ngày xưa. Cấu trúc nhà hơi lạ, hai tầng chính xây dựng theo cung cách Pháp, nhưng trên sân thượng lại có một tầng nhỏ nữa cất nhô lên theo kiểu Việt Nam có hai mái và hai chái lợp ngói. Bốn góc là bốn con cá hóa rồng nằm lượn quay mặt ra bốn hướng. Trên nóc nhà, chính giữa có phù hiệu của hãng tàu rõ một đầu con ngựa lồng trong chiếc mỏ neo và vương miện. Hai bên nóc hai con rồng uốn lượn quay đầu ra hai bên. Hai đầu hồi là chữ M.I và phù hiệu ống khói tàu thủy. Tầng trên ban công rộng, thành xây cao vây tròn lấy mấy căn phòng. Đứng trên đó có thể nhìn rõ toàn cảng Sài Gòn, vàm rạch Bến Nghé, bến Bạch Đằng thương cảng ngày xưa cùng một góc khá rộng của Thành phố Hồ Chí Minh. Nhìn những con tàu lớn của năm châu bốn bể cập bến, làm sao không nghĩ đến con tàu Amiral Latouche Tréville… Thành phố đã dựng tượng Bác ở sân Nhà Rồng với bia kỉ niệm ghi đậm ngày 5/6/1991, ngày Sài Gòn tiễn Bác. Nhà Rồng đã trở thành khu lưu niệm về Bác. Nhìn lớp lớp thanh niên xung phong đến chào Bác trước khi lên đường xây dựng đất nước, những đoàn quân trang nghiêm đứng trước tượng Bác ở sân Nhà Rồng vang vang lời thề “Quyết thắng” trước lúc hành quân... lòng chúng ta rộn vui, vui như được đón Bác về thăm.

Sài Gòn có vinh dự tiễn Bác ra đi. Sài Gòn mấy chục năm gan vàng dạ sắt, chiến đấu anh hùng. Sài Gòn đã từng đi trước về sau. Ngày nay, thành phố đang nỗ lực phấn đấu xây dựng và phát triển để luôn luôn là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội cùng cả nước đi lên với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” .

Sài Gòn đã và đang xứng đáng là thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng.

T.Q.P

------

1. Báo Nhân dân, ngày 18/5/1965.

2. Theo Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên, NXB Trẻ 2005.

3. Vàm rạch: cửa sông nhỏ.

4. Theo tài liệu trong thư viện riêng của nhà nghiên cứu sử địa Nguyễn Đình Đầu.

5. Năm 1945 dân số Việt Nam là 25 triệu người.

6. Theo báo Đại Đoàn Kết, Chủ nhật số 19/5/1997.

7. O: âm Nghệ An, là “cô”.

8; 9; 10. Trích từ tác phẩm Cuộc chia li trên Bến Nhà Rồng của Sơn Tùng, NXB Kim Đồng, 2015.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)