Hoa dành dành trắng

Thứ Bảy, 05/02/2022 06:58

Năm 1997, khóa đầu tiên thí sinh tự do học sĩ quan pháo binh ở Sơn Tây chúng tôi ra trường. Vì các đơn vị phía Nam đang rất thiếu cán bộ trung đội nên cả khóa khoảng hơn trăm học viên thì gần phân nửa được phân công vào trong đó. Tôi là một trong số vài sĩ quan phải đi xa nhất, về một đơn vị đóng ở biên giới Tây Nam giáp Campuchia. Vì chưa có điều kiện xây mới nên chúng tôi vẫn ở trong những ngôi nhà tường là lớp bê tông dày cộp lợp bờ rô xi măng của một căn cứ quân sự Mĩ để lại. Bao quanh đơn vị cũng thế, là những bãi mìn chưa gỡ, cỏ tranh mọc lút đầu. Lâu lâu, vào buổi đêm lại nghe như tiếng đì đọp nổ trong đó, không rõ có phải tiếng đạn nổ do con thú nào đó chạy vấp phải hay không. Hồi ấy, khu vực đó mọi thứ còn rất khó khăn, kiểm tra kiểm soát còn lỏng lẻo, dân quanh vùng thường tranh thủ đêm tối chạy xe lậu, thuốc lá Hero từ bên kia biên giới tuồn sang theo các đường mòn, lối tắt, lên Cần Thơ, Sài Gòn bán kiếm lời. Gần tiểu đoàn tôi có quán nhỏ, bộ đội thường hay xuống đó uống trà đá, cà phê, ăn hủ tiếu… Vì bận rộn, sợ con lang thang vào bãi mìn nên chủ quán - một phụ nữ - thường vẽ vòng tròn trên cát rồi bắt đứa con gái năm tuổi đứng vào đó, bao giờ mẹ cho phép mới được ra. Cô bé cũng rất ngoan, không bao giờ trái lời nên nhiều hôm bị mẹ “quên” đứng yên cả mấy tiếng đồng hồ dưới gió cát và nắng, nhìn rất thương.

Hoa dành dành trắng phần nhiều là kí ức của tôi những ngày ở đó…

Nhà văn NGUYỄN MẠNH HÙNG

******

Đoàn tàu rùng rùng băng vào bóng đêm. Còn một ga nữa sẽ đến Sài Gòn nên tàu khá vắng. Người khách ngồi cạnh Tụ ngoác miệng ngáp to không kịp đưa tay che rớt dãi nhểu dài hai bên mép uể oải đứng dậy chuẩn bị đồ đạc rồi lệt xệt kéo ra cửa tàu để xuống ga. Còn một mình, co chân hai tay bó gối, Tụ thu gọn người vào góc ghế, chăm chăm nhìn khoảng tối dưới sàn tàu. Chuyến công tác này, mấy ngày nữa đoàn mới khởi hành nhưng anh xin đi trước để xuống thăm đơn vị cũ thắp cho Khải nén nhang. Khi lên tàu, Tụ tưởng sẽ háo hức bởi gần mười năm rồi, từ ngày chuyển ra Hà Nội, chưa dịp nào anh trở lại mảnh đất ấy và trước khi đi, bạn cũ, bạn mới ở đó đã lên lịch hẹn gặp. Thế nhưng giờ đây, Tụ cảm giác mình như chiếc điện thoại chai pin, chỉ chực sập nguồn.

“Tàu chuẩn bị vào ga...". Tiếng cô phát thanh viên buồn tẻ nhắc đi, nhắc lại, sắc điệu hệt nhau vang lên. Loang lên kính tàu, ánh sáng nhòe nhợt nhạt từ một bến xe xép bên đường hắt lên khiến Tụ nhớ đến cái bến cuối nơi mình dừng chân ngày xưa. Cái bến xép nơi vùng biên hôi hám, lèo tèo vài ba chiếc ô tô nhỏ tróc sơn như nằm đó cả thế kỉ dưới ánh điện vàng vọt ấy, hoàn toàn khác xa vùng đất xa xôi, mới lạ trong tưởng tưởng khi Tụ nhận quyết định về đây công tác. Và ngọn đèn dầu đỏ quạch hắt lên gương mặt bụi bặm của Khải nơi quán nước đêm duy nhất ở cổng bến xe khi hai thằng hỏi thăm về đơn vị nữa. Tất cả bỗng dội về như vừa mới xảy ra.

*

*        *

Hóa ra, sư đoàn chỉ cách bến xe mấy trăm mét. Qua cổng vệ binh, Tụ ngạc nhiên khi không thấy tường, hào xung quanh mà chỉ có cỏ tranh mọc lút đầu. Đi thêm đoạn xa nữa thì gặp ba dãy nhà thấp hình chữ U với cột cờ cũ mèn bằng tre phía trước, tường bê tông dày lợp bờ rô xi măng bao lấy khoảng sân rộng lầy cát bạc phếch. Đó chính là tiểu đoàn mà hai thằng sẽ về công tác.

Đêm đầu tiên, cán bộ đi tập huấn gần hết. Hai thằng nhao ra ngoài ngó nghiêng quanh đơn vị. Bao quanh vẫn là bãi cỏ tranh bịt bùng sâu hàng trăm mét. Trời nhức nhối sao. Soạt. Soạt. Nghe tiếng động, Khải tìm một viên đá rồi ném về hướng đó khiến con thú giật mình vụt chạy. Chặn đầu kia. Mau. Thêm món trải chiếu kê chân giường rồi. Khải rối rít rồi rón rén vạch cỏ tranh định chui vào. Thằng nào. Muốn mất xác hay sao mà lượn vào đấy hả? Tụ giật mình. Một dáng người gù gù như con gấu ở ngay sau lưng. Con thú gì to lắm anh ạ. Bọn em định… To cái con từu. Trong đó là mìn hồi môn của Mĩ đấy. Muốn banh xác phải không? Hóa ra, đó là tiểu đoàn phó chính trị vừa đi tập huấn về. Nheo mắt nhìn hai thằng từ đầu đến chân gật gù vẻ hài lòng, rồi như đã biết nhau từ trước, anh hất hàm về lối mòn cách đó một đoạn ngắn mà nãy giờ mải theo con vật nên Tụ không để ý, bảo. Hai thằng đói thì đi lối này ra ngoài kia mà ăn. Xong, không được đi lung tung, đúng theo lối ấy mà về nhé.

Sau bãi cỏ tranh, dưới gốc cây thốt nốt quả có một quán lá vẫn sáng đèn. Tụ sững người. Bên kia, ánh sáng đỏ quạch ụp xuống đứa bé đứng chôn chân trong vòng tròn vẽ trên cát. Đôi mắt trân trân ráo hoảnh. Trần truồng. Ánh điện mờ hun nó như bức tượng vừa tô. Trong nhà, đám đàn bà đánh bài cười ré như sành sứ vỡ. Một mái tóc ép buông thả trên bờ vai trần, cặp đùi nhễ nhại trắng trong chiếc váy cũn cỡn liền áo xuất hiện ở cửa tiến về phía đứa bé. Từ bờ môi mỏng mềm ướt rượt son xoe xóe âm thanh như xé vải: Mầy hổng phải đứng ưỡn ra như zdậy! Lần này là thứ bao nhiêu zdậy hả? - người đàn bà bước thêm một bước nữa, bàn tay móng dài sơn đỏ xòe ra, dứ vào mặt nó như những lưỡi lê. Đốp. Đốp. Những cái tát nổ tóe. Nó loạng choạng, nhưng rất nhanh, đứng nguyên về vị trí cũ ráo hoảnh. Đốp. Đốp. Đốp. Lần này, nó trấn chân cố giữ không vượt qua mép vạch. Mồm nó hình như rỉ máu. Mái tóc tơ nhàu nát bất ngờ bị vặn xoắn rồi giật ngược về sau. Lần này thì cái thân hình bé nhỏ ấy không còn trụ được nữa. Nó phệt xuống cát. Con ranh. Đừng có cà chớn. Xí. Nhìn cái mặt thấy ghê. Bữa nay, bước khỏi vòng nhừ xác với tao.

Khải dợm chân định bước sang nhưng Tụ kéo lại. Mắt Khải ngụt giận bỏng trên mặt Tụ. Mày sợ à. Tao không sợ - lúc ấy, không ngờ Tụ bình tĩnh đến thế. Mày mà sang thì càng tội cho con bé. Về thôi. Khải hằn học dứt một chiếc lá bên lối mòn đưa lên miệng miễn cưỡng đi về theo đà kéo của Tụ.

Mấy hôm sau nghe kể, Tụ mới biết, người đàn bà đó là Diễm lai. Mẹ Diễm cặp với một lính Mĩ trong căn cứ nơi Tụ đang ở. Ông ta chết trong chính bãi mìn. Chồng Diễm sốc ma tuý rồi chết. Con bé hôm ấy tên Linh. Mẹ nó không phải Diễm mà là một người đàn bà ở nhờ nhà Diễm, ban ngày đi đào đạn về cưa lấy thuốc nổ bán, đêm cõng hàng lậu thuê qua biên giới. Mẹ nó chết trong một buổi trưa khi trái tạc đạn đang cưa phát nổ. Từ đấy, nó trở thành bồ côi bồ cút ở với Diễm.

 

Minh họa: Đặng Tiến

Chiếc taxi lướt trên đường. Buồng xe mờ tối. Trời bắt đầu mưa nặng hạt. Những giọt to tướng lao đập vào đèn xe tóe xung quanh như ánh lửa hàn. Mùa mưa, nhất là những đêm mưa to bao giờ cũng là những đêm đi của Khải. Có bữa, bừng bừng lửa giận, Tụ thụi Khải một trận ra trò: Con Diễm nó bỏ bùa mê thuốc lú cho mày à. Một ổ lậu, ổ ết trong ấy đấy. Tao không ngờ mày lại khốn nạn, bệnh hoạn đến vậy. Nhưng rồi đâu lại đóng đấy. Không ít lần, Tụ gặp Khải chở Diễm phóng lầm cát trên đường trong đêm, gần sáng mới trở về đơn vị trong trạng thái phờ phạc, vật vờ như cá ươn. Người Khải xác như ve. Khải nợ ngập đầu đến độ, chẳng bao giờ được cầm đồng lương từ tài vụ. Tình cảm hai thằng cứ hao hót đi. Tụ đã không thể nào lí giải sao Khải bỗng dưng đổ đốn ra như vậy.

Hồi ấy sau khi nhận công tác, một thời gian sau, hai thằng cùng chuyển sang đại đội vệ binh. Cổng mà trung đội Khải đảm nhiệm án ngữ con đường duy nhất vượt qua bãi mìn. Thường thì, cứ khoảng ba bốn giờ chiều, khi mặt trời rang bụi cát đến khô róc và như ống bễ lò rèn, gió tung từng vụm mù mịt khiến chẳng ai dám ló mặt ra ngoài là lúc Khải lang thang tìm cảm hứng cho những bức vẽ của mình. Con bé Linh, trên tay cầm những quả dành dành chín vàng, lầm lụi giữ một khoảng cách theo sau. Nó mê mải nhìn Khải vẽ, rồi cũng tô tô xóa xóa trên tờ giấy nhàu nát, chán lại ngửa cổ lên trời thổi viên đất tròn nhỏ xíu lập lừ bay từ ống cuống hoa dành dành. Phải mất một thời gian dài, Khải mới bắt quen được với nó. Từ đó, nó theo sát Khải như hình với bóng. Những bức vẽ của Khải, Tụ đã được xem. Nó có thể không đẹp nhưng có một cái gì đó rất lạ khiến người ta có cảm giác đang đứng giữa không gian của miền đất khô nóng này...

Chiếc xe chồm lên giật mạnh làm Tụ mở choàng mắt thoát khỏi dòng kí ức. Mưa đã tạnh. Bầu trời đêm sâu thẳm chi chít sao nhấp nháy. Đến rồi anh ơi - tiếng bác tài - đoạn này xe không vào được, anh chịu khó đi bộ nhé. Tụ bước xuống rút ví trả tiền rồi lững thững thả bộ. Con đường mòn vòng sát đơn vị mà ngày xưa Khải hay chở Diễm qua có vẻ không thay đổi là bao. Nhiều đoạn lở lói hoẳm vào tận tim đường, những bãi phân trâu bò như những chiếc bẫy vô hình khiến Tụ mấy lần suýt ngã. Tụ dừng lại gần chỗ quán Diễm ngày xưa. Cái quán không còn nữa, nhưng vẫn còn một khoảng cây thẫm đen chỗ ngày xưa Diễm trồng bồ đà, không biết giờ có phải loại cây ấy hay không. Diễm trồng loại cây này vừa dùng cho đám đàn bà hay tụ tập ở đó hút, vừa trộn với thức ăn cho gà để chúng nghiện ăn và sạch giun sán. Đến giờ Tụ cũng không hiểu nổi tại sao Khải lại chết mê chết mệt thứ bánh canh nhão nhoét, sợi giống bún nhưng lại to như chiếc đũa nổi lều phều trên mặt tô với thứ nước dùng trong lẻo nhìn rõ đến tận đáy ấy. Đã có lần Tụ nghĩ hay Diễm cũng trộn thứ lá ấy trong đồ ăn cho Khải giống như vẫn làm cho lũ gà lợn của mình.

Bây giờ, Khải đã nằm dưới tấm bia đá câm lặng. Đêm cuối cùng, hai thằng ngồi với nhau ngay chân chiếc cầu bắc ngang qua suối. Hơi chếch phía trước, một đám cỏ tranh được cắt sạch sẽ. Trong khoảng mấy chục mét vuông ấy, công binh đã dò mìn xong. Sáng mai, trung đội của Khải sẽ đảm nhiệm việc đào bới tìm hài cốt một người lính Mĩ bàn giao cho bộ phận MIA. Còn Tụ, chỉ phải chỉ huy trung đội làm nhiệm vụ canh gác bảo đảm an toàn. Hôm ấy, gương mặt Khải bỗng sáng lên. Vị trí cần đào hơi lệch chút so với lúc sáng đã xác định. Khải cuộn tấm bản đồ rồi đút chiếc địa bàn vào túi. Nghe nói lính Mĩ tử trận trong chiến tranh nếu không tìm thấy xác thì vẫn được ăn lương theo cấp bậc, quân hàm niên hạn thì phải, nếu đúng vậy, bộ xương này có lẽ phải lên cấp tướng chứ chẳng chơi. Ừ tao cũng nghe nói vậy - Tụ góp chuyện mắt lướt qua vùng trống trơn như đám lông gà bị vặt trụi nhang nháng trắng - Khiếp thật. Ngày xưa lính Mĩ gài bãi mìn này không biết bao nhiêu tầng. Công binh dò đến hai ba lần rồi mà vẫn nhiều như lợn con ấy. Thấy bảo đoàn MIA có cả một lão ở bang California trước là lính căn cứ này. Lão kể, trước khi rút chạy, lính Mĩ hoang mang đến cực điểm. Ngay ở phòng mày có một tay treo cổ tự tử. Tay lính Mĩ mà mình đang tìm hài cốt ấy, hình như là cha Diễm, ra nhà người tình, uống rượu say loạng quạng thế nào lại chui vào đây mà chết. Tao sợ xương cốt mủn hết rồi cũng nên. Chỗ cây bồ đề kia, như có dớp ấy. Khải nén tiếng thở ra. Bé Linh cũng bị ở đó. Tao chỉ tiếc mấy cây dành dành đang độ hoa kia. Bé Linh mà biết nó bị chặt rồi chắc tiếc lắm. Trầm ngâm một chút, Khải chợt ngậm ngùi. Bố tao ngày xưa cũng chiến đấu ở vùng này. Mẹ tao bảo mộ trong nghĩa trang chỉ có cái gáo dừa. Xương cốt gì đâu và cũng chẳng biết hi sinh ngày nào. Mẹ tao vẫn lấy ngày hai bảy tháng bảy hàng năm để làm giỗ. Khải đứng dậy vươn vai, cong mình vặn lưng răng rắc. Con bé Linh phải chuyển lên viện thành phố. Nó bồ côi, bồ cút, bây giờ lại như thế. Tao tính xong vụ này sẽ nghỉ phép để lên đấy xem thế nào.

Nghe nhắc đến con bé Linh, Tụ bỗng lặng đi. Chuyện ấy xảy ra cũng đã mấy tháng rồi. Đêm ấy, đội tăng cường do Khải làm đội trưởng, Tụ đội phó phối hợp cùng biên phòng truy quét buôn lậu qua biên giới. Trăng cuối tháng cứa lẹm vào nền trời như vệt máu khô. Từ phía xa, đám người vác hàng thuê như một đàn kiến đen chạy bão lầm lụi vượt qua cánh đồng. Gió lặng phắc. Vệt pháo hiệu đỏ lừ găm vào nền trời. Hiệu lệnh bắt đầu đợt truy quét. Đàn kiến đen vỡ tứ tán. Họ túa vào các bụi cây, vào đám cỏ tranh để giấu hàng. Tổ của Khải bị một toán người vây cản không cho tiếp cận một tốp đang cố sống cố chết vác hàng chạy thục mạng phía sau. Sau loạt chỉ thiên, một tiếng bùm rồi cột khói cuộn lên. Tất cả khựng lại. Khi Tụ và Khải đến nơi, người vướng mìn lại chính là con bé Linh. Không rõ nó vác hàng hay lặng lẽ đi theo Khải rồi bị đám người xô vào đó. Ánh mắt của nó bợt bạt đớn đau cứ tối dần, lịm dần. Chiếc áo hoa cà đẫm đỏ, máu nhỏ thành giọt tong tong từ gốc cây bồ đề qua mấy cây dành dành ra tận phía ngoài. Thân hình bé bỏng cong cong trên tay Khải như con tôm búng nước.

Chớp phía chân trời lóe lằn soi rõ đám mây hình cái cây cụt ngọn. Cát đằm ươn ướt dưới chân, Tụ nghe được cả tiếng thở của mình trượt trong đêm. Đến khi xuống dưới mồ, Khải vẫn phải mang án kỉ luật cảnh cáo trước sư đoàn vì tội buôn lậu chưa kịp đọc. Tụ bỗng thấy cay cay khóe mắt. Hôm ấy cũng đã gần trưa, nắng chói trên ngọn bồ đề. Bóng người đổ ngắn cũn quần quật đào bới. Mồ hôi nhỏ xuống tong tong. Tất cả đã bị xới tung lên, đào kĩ đến từng xăng ti mét mà vẫn không thấy bộ hài cốt đâu. Tao nghĩ cái cây bồ đề cụt ngọn kia đã mọc trùm. Có khi phải bật mẹ gốc nó lên mất. Một cái gì đó lạnh như nước đá chạy ngược đầu khi Tụ nghe Khải nói vậy. Chưa kịp ngăn, chiếc cuốc chim trong tay Khải đã lê trên mặt đất về phía đó. Cụp. Cụp. Cụp. Cây bồ đề rung chằm chặp. Cụp. Cụp. Cụp. Mồ hôi cay xè mắt, Tụ chợt thấy cây đó như đang động cựa. Chiếc rễ bật lên. Hình như Khải phát hiện ra điều gì đó nên bàn tay bơi đất liên tục. Bùm! Một nháng lửa cùng cụm khói đen bùng lên. Cái chết hình cầu đã chán ngán trò chơi trốn tìm một cách vô vị trong lòng đất. Nó ẩn nấp khá kĩ dưới rễ cây, lẩn trốn chiếc máy dò mìn. Nó thèm khát mùi máu thịt con người. Nó muốn tái hiện những kí ức đau thương của mảnh đất này, muốn hả hê chứng kiến nỗi khiếp sợ. Vài mảnh xương nát vương trên đất. Ba người bị thương. Còn Khải, một khoảng ngực nát bấy rách toang, không nói được gì trước khi lịm đi. Nhưng ánh mắt, hình như có điều gì đó khẩn thiết muốn giãi bày, gửi gắm. Sau này, rất nhiều lần Tụ bắt gặp ánh mắt ấy. Giá như, hôm ấy Khải gọi công binh. Giá như đêm trước Khải không đi nữa. Mà thôi, giờ chẳng còn cơ hội để cho hai từ giá như ấy nữa. Lần đầu tiên Tụ thấy nhiều vòng tang trắng đến thế. Tụ bắt gặp không ít những ánh mắt sẫm tối, xầm xèo Diễm đội vành tang trắng đi phía sau một đoạn xa. Tụ cũng không hiểu tại sao đơn vị lại không đưa Khải về quê. Có lẽ, do đường xá xa xôi mà phương tiện thì không sẵn. Cũng có thể, có gì đó liên quan đến tâm linh. Mộ của Khải ở nghĩa trang cách quán Diễm chỉ một đoạn đường.

Những ngày ấy, Tụ thường hay uống rượu. Nhưng càng uống càng tỉnh. Càng uống càng nhớ. Có gì đăng đắng thấm sũng trong hồn Tụ. Có một giấc mơ nhiều đêm trở đi trở lại dày vò. Nó không trọn vẹn, chỉ có hai màu trắng đỏ. Trắng lóa cười. Trắng đục sương. Trắng rờn rợn của mười mấy vòng hoa tang cứ lóa lên trong những vòng tròn đỏ nhức nhối.

*

*         *

Hình như có cái gì đó dẫn Tụ đi. Anh nhận ra, đó chính là mùi hương trầm. Chỉ một đoạn ngắn nữa sẽ đến mộ Khải. Hôm nay đúng ngày chính giỗ. Bao năm rồi, giỗ Khải, Tụ chỉ biết bái vọng từ xa.

Có bóng người đổ về phía sau bởi ánh sáng từ mộ hắt lên. Tụ đứng im khẽ nhắm mắt. Nếu là Khải linh thiêng, anh sẽ được nói chuyện như hai người bạn xa cách lâu ngày không gặp. Và nếu là người, chắc sẽ không bao giờ là kẻ xấu. Tiến thêm mấy bước, Tụ nhận ra đó là một người đàn bà nhờ mái tóc thả dài. Người đàn bà xách chiếc đèn măng xông điện kéo vạt áo đứng dậy chợt giật mình khi phát hiện có người đứng phía sau. Chiếc đèn được giơ lên ngang mặt khiến Tụ hơi chói nhưng cũng kịp nhận ra những nét quen quen. Hình như Diễm. Ủa... Ai zdậy? Anh Tụ? Anh Tụ hả? Đúng không? Người đàn bà bật lên tiếng thảng thốt. Anh vô bao giờ zdậy? Thấy Tụ lúng túng, người đàn bà tiếp. Em, Diễm. Diễm bánh canh nè. Anh quên rồi sao? À… Tôi vừa đến. Định ra thắp cho Khải nén hương rồi mới vào đơn vị cũ. Giọng Tụ gường gượng. Sao anh ra mộ mà chẳng có đèn đóm gì? Diễm mở giỏ lấy mấy nén hương đưa cho Tụ. Anh thắp cho ảnh đi rồi mình cùng về.

Sương đêm lành lạnh. Diễm im lặng đi. Tụ nghe rõ bước chân hai người xào xạo trên cát. Hình như đã gần đến chỗ rẽ. Cô Diễm dạo này thế nào. Khải đã mất cả chục năm rồi mà sao cô còn nặng lòng thế. Dạ. Nhà em bây giờ ở ngoài kia - Diễm chỉ tay về phía khi nãy Khải vừa xuống xe. Sau khi anh Khải mất, anh Tụ chuyển ra Hà Nội luôn nên chắc không rõ chuyện của anh Khải đúng không? Tụ khẽ gật đầu. Im lặng một chút, Diễm tiếp. Em biết, anh khinh em lắm. Ngày ấy, sau khi con Linh bị vướng mìn, ngay sau hôm đưa nó lên viện, anh Khải có ra gặp em. Mấy hôm sau, anh ấy lại ra để bàn cách có tiền chữa chạy phẫu thuật cho nó. Em biết, anh ấy là sĩ quan, có quen biết với một số bộ đội biên phòng và công an nên nếu anh ấy chạy xe lậu lên thành phố cho em thì sẽ rất dễ dàng.

Diễm ngừng kể, hai người dừng ở lối rẽ. Bây giờ hãy còn sớm, qua em chơi chút rồi hãy ghé đơn vị. Tụ gật đầu rồi rảo bước theo Diễm. Tiếng lạch cạch tra chìa vào ổ. Căn phòng bỗng bừng sáng. Trên bàn thờ, chân dung Khải lồng trang trọng trong khung kính vẫn phảng phất mùi nhang. Anh ngồi chơi nghen. Chờ em hâm lại nước cho nóng chút xíu. Diễm bước xuống bếp. Tụ thắp cho Khải nén nhang rồi lững thững bước quanh nhà. Cửa buồng để ngỏ. Ngay đầu giường ngủ treo bức vẽ Diễm khỏa thân với bông dành dành trắng trễ nải che đôi bầu ngực. Bông hoa như sáng bừng khuôn mặt và thân hình, gột rửa tất cả những bụi bặm, phong sương của người đàn bà làng chơi để lắng lại những gì trong sáng, đằm mịn. Anh ăn gì chưa để em nấu. Tôi ăn rồi. Tụ ngượng nghịu trả lời rồi quay lại ghế ngồi. Không biết con bé Linh ở với cô nên chẳng có quà gì cho nó cả. Dạ. Nó cũng có ở nhà đâu anh. Diễm ngồi xuống ghế, bình trà nóng bốc hơi nghi ngút trên tay. Bức tranh treo trong buồng kia, không ngờ là bức vẽ cuối cùng của anh Khải - Diễm chợt lặng đi. Hồi ấy, thi thoảng có chuyến, em đi cùng anh ấy để thanh toán, bao giờ anh ấy cũng ghé chỗ con Linh rồi mới cùng em về. Trong mắt em, việc của anh ấy làm cho con Linh không đáng một xu. Nó giả giả thế nào. Tiền là lẽ sống của em hồi đó. Trong em, cồn lên ý nghĩ phải biến anh ấy trở thành một kẻ đàng điếm. Đàng điếm hơn cả lũ đàn ông vẫn đến chỗ em. Diễm ngừng lời ngước mắt về phía bức tranh rồi tiếp. Bức tranh kia, em nhờ anh ấy vẽ hôm sinh nhật - đòn cuối cùng để hạ gục anh ấy…

Trên bàn thờ, những tàn nhang cháy hết cuộn lại quyện vào nhau. Diễm đứng dậy đốt thêm mấy nén cắm lên đó. Con Linh về giỗ mới đi hồi chiều. Suốt ngày cha Khải. Sau khi anh Khải mất, số tiền anh ấy kiếm được, em dành cả chữa bệnh cho nó. Nó sống khép kín, chỉ mở lòng với bức ảnh thờ của anh Khải. Có lần, nửa đêm tỉnh dậy, em bắt gặp nó đang ngồi bó gối trước bàn thờ lầm rầm nói chuyện với anh ấy: Con phải học thật giỏi để có giấy khen về khoe với cha Khải kẻo cha buồn, cha không yêu nữa. Bây giờ, hễ em về là nó lại kiếm cớ lên chỗ trọ. Diễm thở dài. Em với nó cứ như mặt trăng, mặt trời ấy. Hồi học gần nhà, có bữa nó về máu me đầy mặt. Gọi không nói, hỏi không thưa, cứ lầm lầm, lì lì. Mãi sau mới biết nó đánh nhau với bọn con trai chỉ vì tội bọn kia dám chửi cha Khải nó. Em cứ nghĩ, nếu không có bức ảnh của anh Khải trên ban kia, có lẽ nó bỏ em đi lâu rồi. Hồi nó mới ở bệnh viện về, rất nhiều đêm nó đi lang thang. Sáng ra, người ta bắt gặp mắt nó vẫn còn mọng nước ôm lấy mộ anh ấy mà ngủ. Mãi khi em xin được tấm ảnh này, phóng to đặt trên bàn thờ, thói quen ấy mới đỡ dần.

Tụ hắng giọng để nén những cảm xúc đang dâng trong lòng. Thế còn Diễm... Như hiểu ý, Diễm cười buồn buồn: Bụi bặm két quá dày mất rồi anh ơi. Gột cả đời này cũng không hết. Sẽ chẳng còn người thứ hai như anh Khải nữa đâu.

Tụ khẽ nén tiếng thở dài. Một nỗi buồn trườn tới, mênh mang trong hồn...

*

*          *

Đêm nay sẽ là đêm cuối cùng Tụ ở lại với kí ức của mình. Mai, anh sẽ phải trở lên Sài Gòn cùng đoàn công tác. Cuộc sống của Tụ rồi lại trở về với vòng tròn đơn điệu như những chiếc kim đồng hồ kia. Chiếc điện thoại trên bàn rù rù lập lừ thứ ánh sáng ma quái. Tụ bấm máy. Alô. Về Sài gòn zdui zdẻ với các em đi Tụ ơi. Đầy đọa mình ở cái nơi khỉ ho cò gáy ấy làm gì. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt mày... Tụ tắt máy, thở nhẹ rồi bước ra ngoài. Trước mắt anh, những bông hoa dành dành trắng mịn khẽ lay động giữa một vùng cỏ tranh xém quạch lút đầu.

Hà Nội, 28/ 11/ 2006

N.M.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)