Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Về truyện ngắn đầu tay "Dưới hầm bí mật"

Thứ Năm, 10/04/2014 15:57

. Nhà văn XUÂN THIỀU

Tôi bắt đầu đi vào con đường văn học bằng thơ. Tôi yêu thơ từ khi còn là học sinh. Vào bộ đội, thỉnh thoảng vẫn viết thơ nhưng chỉ ghi vào sổ tay hoặc đọc cho bạn bè đồng đội nghe. Bấy giờ ở chiến trường Bình Trị Thiên gian khổ và ác liệt, đến tờ báo cũng không có mà đọc, nói gì đến văn thơ.

Năm 1955, hòa bình lặp lại, đơn vị chúng tôi tập kết ra Bắc thuộc bộ đội Quân khu 4. Tôi tham gia sinh hoạt với hội văn nghệ liên khu, bắt đầu có thơ in ở báo địa phương và tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bấy giờ phong trào văn nghệ toàn quốc mở rộng và phát triển nhanh chóng. Tôi là trợ lý văn nghệ câu lạc bộ ở lữ đoàn 341, bộ đội bảo vệ giới tuyến. Trong đơn vị tôi có nhiều anh em say mê văn học, chúng tôi thành lập một nhóm, gọi là nhóm văn nghệ Bến Hải bao gồm cả bộ đội và ty văn hóa đặc khu Vĩnh Linh. Những cây bút còn nơn nớt hồi ấy như Phạm Tường Hạnh, Lương Sĩ Cầm, Trúc Hà (tức Nam Hà), Cao Tiến Lê, Cảnh Trà, Văn Ngữ, Nguyễn Thắng Vu, Hồng Khanh… bây giờ nhiều người đã trở thành tác giả. Nhóm văn nghệ này đã có tác dụng kích thích sáng tác. Ngoài thơ, một số bạn bắt đầu viết truyện. Trên tạp chí Văn nghệ Quân đội lần lượt in Vợ chồng Bảy Theo của Phạm Tường Hạnh, Y Ngun của Lương Sĩ Cầm, Dưới chân đỉnh Leng Phù của Trúc Hà.

Nghe gà người ta gáy, gà mình cũng cất tiếng xem sao. Với ý nghĩ ấy, tôi thử viết truyện ngắn. Buổi đầu điếc không sợ súng, tôi viết ào ào. Chỉ một tuần ở trạm 50, trạm khách Quân khu 4, tôi phác thảo được 5 truyện ngắn. Trở về giới tuyến hý hoáy sữa chữa nâng cao rồi liều gửi hai truyện đến tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cả hai truyện đều có hồi âm giống nhau: “Rất cảm ơn nhiệt tình đóng góp của đồng chí”. Biết truyện mình không được đăng, tôi vẫn không nản. Hồi ấy, có một nhà văn quân đội thường xuyên vào vùng giới tuyến lấy tài liệu sáng tác, đó là nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn tức Nguyễn Thi. Tôi bèn tìm đến gặp anh. Anh Tấn hơn tôi vài tuổi đã có những truyện ngắn rất đáng khâm phục như Im lặng, Quê hương, Trăng sáng. Tôi mang một bản thảo nhờ anh đọc hộ. Bản thảo khoảng 20 trang viết tay có tên là Đêm trong vùng địch hậu.

Đọc xong bản thảo, anh hỏi tôi: “Anh viết truyện này là muốn nói lên điều gì?”. Một câu hỏi giản đơn mà tôi trả lời lúng túng. Anh Tấn nói tiếp: Khi ý nghĩ của ta chưa rõ ràng thì tác phẩm viết ra dễ lan man, không xác định được điều mình muốn nói, theo thuật ngữ văn học người ta gọi là chủ đề tư tưởng. Theo tôi, truyện này anh có thể viết thành hai truyện khác nhau. Anh nên tập trung vào đoạn chuyện kể của đại đội phó Thành về nhân vật chiến sĩ có tên là Đen. Đoạn này nói lên sự đánh giá con người, cách xử sự giữa người với người khá thú vị. Thực ra, văn học là cách đặt con người lên bàn cân cuộc đời để xem xét. Còn đoạn anh viết về mối quan hệ giữa bố cấp dưỡng già và chú bé liên lạc lại sang vấn đề khác. Anh có thể viết thành một truyện riêng.

Nghe anh Tấn nói vậy, tôi vỡ lẽ ra ngay. Thấy tôi ham chuyện, anh Tấn còn nói thêm về nhân vật, ngôn ngữ, không khí truyện… nghĩa là anh đã truyền lại cho tôi một số kinh nghiệm nghề nghiệp. Về doanh trại, tôi bắt tay ngay vào thực hiện lời chỉ bảo tận tình của anh Tấn. Đúng là tôi đem mổ xẻ truyện Đêm trong vùng địch hậu lấy cái cốt lõi còn những thứ “râu ria” để ra ngoài. Thế là tôi đã có trong tay một truyện gọn gàng lấy tên là Dưới hang bí mật. Lúc ấy,tạp chí Văn nghệ của Hội Nhà văn đang mở cuộc thi truyện ngắn. Trúc Hà rủ tôi cùng dự thi và tôi đã gửi truyện ấy đi trong nỗi chờ đợi hồi âm. Không có thư trả lời của tạp chí, nhưng hai tháng sau truyện Dưới hầm bí mật của tôi được đăng. Vui mừng hơn là khi cuộc thi kết thúc truyện của tôi được xếp giải ba. Trúc Hà cũng được giải ba nên hai chúng tôi được mời về Hà Nội nhận giải thưởng. Sau lễ trao giải lại được dự tiệc chiêu đãi của Hội Nhà văn. Đây là mọt kỷ niệm khó quên bởi lần đầu tiên được gặp gỡ các nhà văn lớn tôi hằng ngưỡng mộ: Đặng Thai Mai, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Huy Cận, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Bùi Hiển, Tế Hanh… Lại được làm quen với nhiều cây bút trẻ cũng được giải: Bùi Đức ái, Vũ Thị Thường, Lê Khánh, Võ Huy Tâm, Châu Diễm, Phượng Vũ, Ngô Văn Phú, Cầm Giang… Để lưu giữ kỷ niệm tôi đi xin chữ ký khắp lượt vào sổ tay mang theo. Đối với những cây bút trẻ mới vào nghề, các nhà văn, nhà thơ đi trước tỏ ra hết sức niềm nở và ai cũng sẵn sàng viết vài dòng, ký một chữ ký vào sổ tay lưu niệm của tôi. Người viết và người ký hẳn không nhớ mình viết gì, còn tôi, trong những bước đầu tiên đi vào con đường văn hoc lại hết sức sung sướng khi có trong tay những dòng lưu niệm quý giá ấy. Chỉ tiếc là ngày nay, cuốn sổ lưu niệm không còn nữa, nó bị ngâm nước lụt đến nát bấy trong trận lụt năm 1971 hồi tôi còn ở bãi Phúc Xá. Đúng là người viết không nhớ mình viết gì, bởi sau này có lần gặp anh Huy Cận tôi nhắc lại kỷ niệm ấy và hỏi liệu anh còn nhớ đã viết những chữ gì lưu niệm cho tôi không thì anh lắc đầu. Tôi bèn đọc lại tám chữ anh đã viết cho tôi: “Cùng người Đức Thọ, ham làm văn thơ”. Và anh cười xòa. Truyện ngắn đầu tay ấy như một liều thuốc kích thích. Tôi tìm đọc các nhà văn đi trước và các tác giả nước ngoài. Vừa đọc vừa viết. Sau đó truyện ngắn Trắng đêm của tôi được giải thưởng của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cuối năm 1959, tôi được Tổng cục chính trị điều về tạp chí Văn nghệ Quân đội. Gặp lại anh Nguyễn Ngọc Tấn, có thể coi như người thầy đầu tiên của tôi, tôi kể cho anh nghe việc viết lại Đêm trong rừng địch hậu thành truyện Dưới hầm bí mật, phần râu ria còn lại, tôi chọn lọc hư cấu thêm viết thành truyện Củ sắn lùi. Chúng tôi sống với nhau rất thân mật cởi mở và vui vẻ. Anh còn đọc góp ý choc tôi thêm nhiều truyện khác như Bé An, Niềm tin trước khi anh trở lại miền Nam.

Từ đấy tôi trở thành cây bút chuyên nghiệp ở tạp chí Văn nghệ Quân đội cho đến cuối năm 1997 mới về hưu. Đời văn của tôi có thành công, có thất bại. Nghĩa là có nhiều kỷ niệm, nhưng kỷ niệm về truyện ngắn đầu tay không thể nào quên.

X.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)