Trả hết cho rừng

Thứ Hai, 04/01/2021 06:43

. NGUYỄN THẢO NGUYÊN

 

Minh họa: Nguyễn Anh Minh

Ông Bình ngưng giấc sớm nằm nghe tiếng rừng thở, thói quen cũng như sở thích đã hình thành từ rất lâu. Đó không chỉ là tiếng sấm rền trong ánh chớp hòa vào gào thét của dòng thác đổ; nó còn là sự hòa điệu của muông thú với tiếng suối róc rách cùng tiếng gió ngàn biểu hiện nét sinh tồn đặc trưng. Vậy là đã mấy chục năm ông đến lập nghiệp ở khu đồi nương ven rừng này rồi. Trong suốt thời gian đó, ông tìm thấy bao điều thú vị về rừng, hài lòng trong mối quan hệ thân thiện của bản thân với tự nhiên. Những cảm nhận đó giúp ông hiểu rõ sự kì diệu và đáng yêu của cuộc sống này. Thời trai trẻ ông không hề nghĩ rằng mình có thể tìm được cảm giác yên bình, thanh thản với vùng đất đại ngàn. Khi đó với ông, trên vùng đất rừng này chỉ là những trải nghiệm sợ hãi của bản thân…

Chợt có tiếng hót của con chim rừng thức sớm, ông Bình rời giường mở cửa nhìn ra ngoài. Hơi lạnh vương nặng trong không gian mờ ảo đầy sương, ông thở dài, cứ mưa gió kiểu này không biết bao giờ mới xong việc. Ánh mắt chiếu ra xa, dừng thật lâu trên những chiếc lá còn mờ dáng trên đám rẫy đang oằn xuống bởi những giọt mưa đêm qua còn đọng. Đám khoai mì đó đã đến kì nhổ mà mưa liên tục suốt mấy ngày nay khiến việc chậm lại, đất nhão dính bệt xuống. Ông nóng ruột bởi sau vụ thu hoạch khoai mì không lâu là đến lúc bẻ trái khu bắp trồng, rồi thu hoạch lúa nương, lại còn phải sắp xếp thời gian để vào rừng hái thuốc. Dù không dám xem mình là lão nông tri điền nhưng ông cũng có hơn ba mươi năm gắn với việc nương rẫy, đã thuộc lòng thời vụ cùng kĩ thuật canh tác những cây trồng quen thuộc. Chỉ có điều, vài năm gần đây ông không thể đoán được thay đổi bất thường của thời tiết, những thay đổi đó có khi khắc nghiệt không ngờ mà nguyên nhân chủ yếu đã được xác định chính con người tạo ra. Hơn nữa, thời gian từ đây đến cuối năm, vợ chồng ông còn phải lo chuyện cưới hỏi cho thằng Trung nữa.

“Cái thằng... mới đó mà...”

Ông Bình nhủ thầm và tự mỉm cười với hình ảnh thằng con trai hồi còn ba, bốn tuổi cứ sáng ra luôn với cái giọng ngọng nghịu đòi má dẫn lên khu rẫy với ba Bình. Từ ngày cưới đến nay vợ chồng ông vẫn thường ở riêng. Bà ở gần chợ còn ông bám căn nhà trên khu rẫy nương của mình, cách nhau gần chục cây số. Tới vụ thu hoạch ông chuyển sản phẩm về để vợ đưa chợ bán, còn thường thường cứ hai ba hôm ông lại về với vợ con một lần. Loáng cái… thời gian trôi thật nhanh, thằng con trai thường ngày bận bịu với công việc đoàn thể ở ngoài thị trấn, lần lữa mãi đến ba mươi mấy mới chịu tính duyên cho mình. Nó nói cuối tuần này đưa vợ sắp cưới về thăm ba má.

Đã có những tia nắng đầu ngày…

Ông Bình bước ra ngoài, đến cạnh nhà kho chứa nông sản kéo tấm lưới trên cây sào xuống. Hơn năm trước, ông treo lưới vì bà lo lắng sau khi xem tivi thấy có vùng suối nguồn đâu đó có lũ quét cuốn chết người. Tặc lưỡi, ông vắt tấm lưới lên vai. Thằng Trung vốn rất thích món ăn được má chế biến từ cá bống suối. Nhiều năm nay loài cá có tập tính bơi ngược nước này khó đánh bắt do số lượng không còn nhiều. Nhưng ông hi vọng sáng nay sẽ có những con tụ lại các dòng suối chảy sau cơn mưa lớn đêm qua...

*

*       *

Tất cả xảy ra vào một ngày đầu hè và cuộc chiến đang đi vào giai đoạn kết thúc. Thời tiết đêm thật ngột bức. Ít cơn mưa chuyển mùa của vài ngày qua không đủ làm giảm sự khó chịu kèm cảm giác sợ sệt, lo lắng suốt gần ba tháng nay cứ đè nặng tâm tư cô gái mười tám tuổi. Cảm giác đó xuất hiện từ khi người yêu của cô tiện đường về thăm nhà vài đêm rồi vội vã ra đi. Hai người đã gặp và trao nhau niềm đam mê ái ân cháy bỏng, và cô biết trong cơ thể của mình đã có một mầm sống được tượng hình đang lớn dần từng ngày. Thời tiết, có thể cả những thay đổi sinh lí cơ thể vào giai đoạn đầu thai kì khiến cô thấy ngột ngạt, nóng bức.

Cô muốn tắm để được dịu mát hơn.

Rón rén mở cửa bước ra ngoài tránh làm ba má thức giấc, cô bước dần đến ngồi bên bờ suối. Những đám mây che lấp ánh trăng trung tuần, tạo ánh mờ bàng bạc gợi nỗi nhớ trong cô về người yêu cùng những kỉ niệm. Cô cởi bỏ áo, cúi xuống vốc nước khoát lên ngực và nghe cảm giác dễ chịu lan khắp cơ thể.

Soạt… soạt…

Bất ngờ có tiếng động mạnh sau lưng, cô quay lại, hãi hùng nhận ra sát bên mình là khuôn mặt nham nhở râu ria ẩn dưới mái tóc dài.

“Im ngay!”

Giọng nói sắc lạnh kèm bàn tay thô cứng bụm miệng cô. Gã đàn ông mang đầy nét hoang dại lôi cô đến đám cây bụi gần đó và trong trạng thái hoảng sợ, cô không còn đủ sức phản kháng cơn dục vọng đầy thú tính mà màn đêm bất ngờ đẩy đến. Cho đến khi có ánh đèn loang loáng kèm tiếng hô lớn “ai đó”, gã đàn ông hoang dại vội vã bỏ chạy để lại cô với thân thể lõa lồ trước mắt người đi soi đêm cùng ba má cô vừa nghe tiếng chạy ra.

Minh họa: Nguyễn Anh Minh

Và chỉ vài ngày sau chuyện của cô lan ra khắp vùng. Người yêu cô sau chuyến làm ăn trở về nhìn cô với ánh mắt buồn bã và nói lời chia tay sau khi nghe những lời bàn tán. Với nhiều người trong xóm, đêm ấy quan hệ giữa cô với người đàn ông lạ là sự trao thân chứ không phải cưỡng bức. Anh đã tin vào điều đó. Anh nói thẳng sự chung đụng của cô với anh trước đây không xuất phát từ tình yêu mà chỉ là sự ham muốn thân xác. Điều đó chẳng khác gì việc cô đã buông thả mình với gã đàn ông hoang dại kia. Khi ấy cô đã không giãi bày được với anh, giả dụ có giãi bày đi nữa anh cũng chẳng tin, cuối cùng chỉ biết lặng câm về cái thai đang lớn dần trong bụng mình.

Rồi một người đàn ông khác đã đến và làm lắng dịu dần sự tủi nhục cùng tâm lí chông chênh của người thiếu phụ trẻ cùng đứa con trai ba tuổi. Hôm ấy phụ má ở chợ về, cô gặp ba mình đang tiếp chuyện với một người lạ. Anh ta nói lâu nay sống ở khu nương rẫy trên đồi và thường xuyên có những thu hoạch nông sản theo thời vụ, nhưng vì chỉ có một mình và lại là đàn ông nên không có khả năng giải quyết số sản phẩm ấy, để bỏ cũng phí. Biết nhà này có người ngồi chợ nên anh muốn đưa số nông sản của mình đến nhờ giúp. Bù lại sau khi má con cô bán hết chúng anh chỉ xin nhận một số tiền đủ chi dùng cho cuộc sống đạm bạc cùng công việc tái sản xuất của mình.

Dần dà, gần gũi qua công việc rồi cảm mến, cuối cùng hai người đến với nhau...

Bà Thảo đang ngồi phiên chợ sáng với dòng hồi ức về một phần đời trước đây của mình. Những ngày này dù cũng với những công việc bình thường nhưng bà thấy mình như bận rộn hẳn lên, đôi khi xen kẽ với những hình ảnh quá khứ. Tâm tư bà cũng thường có những xáo trộn, lo toan. Điều khác lạ đó bắt đầu xuất hiện từ hôm thằng Trung về báo với vợ chồng bà rằng nó muốn cưới vợ. Vậy là điều bà mong đợi từ lâu cuối cùng cũng sắp đến. Thằng Trung đã có công ăn việc làm ổn định, bà vẫn luôn mong nó xây dựng được gia đình hạnh phúc. Bởi chỉ như vậy bà mới có thể xóa bỏ ám ảnh về những lời nguyền rủa trước đây của một số người. Khi ấy họ cho bà là người bội bạc đáng bị trừng phạt và rồi cuộc sống sẽ không có hậu về sau. Ở vùng quê này hơn ba mươi năm trước quan niệm phong kiến còn rất nặng nề, nhất là gia phong lễ giáo đối với phụ nữ.

Còn với ông Bình, bà Thảo không chỉ có tình yêu. Bà đã tìm được ở ông sự vững chãi để nương tựa, thằng Trung cũng được sự bảo bọc, nuôi dạy trong tình thương như của người ba đúng nghĩa. Những năm đầu đến với mẹ con bà ông đã bỏ hết ngoài tai những lời dị nghị. Điều duy nhất về ông đến nay còn làm bà buồn là hai người cố gắng bao năm vẫn không có được đứa con chung. Một lần nghe bà than thở, ông nói:

“Sao phải phân biệt như vậy. Thằng Trung không phải là con của anh với em sao?”

Ông nói vậy song bà linh cảm như ông vẫn trăn trở điều gì đó những khi ngồi tha thẩn một mình. Hôm qua bà điện cho chồng, ông nói cố gắng ít bữa nữa cho xong việc hái thuốc. Sau đó về vài hôm cùng bà đến thăm gia đình bên vợ sắp cưới của thằng Trung, đồng thời chuẩn bị ngày cưới cho hai đứa vào cuối năm nay…

*

*       *

Sáng nay ông Bình vào rừng hái thuốc. Ông học nghề này từ ba vợ do nghĩ nó có thể giúp được vợ con, thứ nữa là người làng người xóm. Và có vào nghề ông mới cảm nhận hết sự vất vả, công phu của công việc. Từ học để phân biệt thật chính xác từng loại lá, vỏ, rễ cây rừng, loại nào có dược tính gì; đến xác định thời gian thu mẫu trong năm với từng loài cây. Mẫu thuốc phải được lấy đúng thời điểm, khi chất thuốc đã được cây chuyển hóa đưa vào bộ phận tích lũy với lượng nhiều nhất thì mới có giá trị cao.

Hồi mới vào rừng cùng ba vợ, ông Bình mới gần ba mươi. Lúc ấy con người chưa đông, rừng ít bị chặt phá nên không phải vào sâu lắm đã có thể tìm thấy cây thuốc. Giờ ông đã chuẩn bị vô sáu mươi rồi, rừng ngày càng bị thu hẹp. Những năm sau này việc phải vượt qua nhiều cây số đường rừng khi đi hái thuốc là chuyện bình thường. Nhiều khi phải leo lên những dãy dốc đá lởm chởm hay vượt qua các con suối nước tuôn như thác hoặc bám đu các thân cây trơn trượt. Chưa kể còn phải giải quyết những con vắt rừng vào mùa mưa đu bám nhiều vô kể.

Còn sợ nhất với người đi rừng là gặp rắn, ong độc, cũng có thể bị sa bẫy do những người săn bắt thú rừng đặt. Trong các loài ong độc có ong bầu đất thường làm tổ ở các khe dọc bờ đá hoặc trên các tán cây thấp bên dốc đồi. Chỉ vài ba con ong này đốt thôi thì nạn nhân đã bị sốt, suy hô hấp và nếu không cấp cứu kịp có thể nguy hiểm tính mạng. Do vậy người đi rừng cẩn thận bao giờ cũng thủ theo một vài loại lá thuốc phòng thân. Còn khi chẳng may chạm vào tổ của chúng thì phải nhanh chóng mọp người lăn ra xa rồi nằm bất động. Loài ong này thường chỉ tấn công mục tiêu di động và nếu không phát hiện điều đó chúng sẽ bay trở vào tổ. Kinh nghiệm này từng hơn một lần giúp ông Bình thoát khỏi sự tấn công của bầy ong bầu đất...

Ông chuẩn bị vào chặng cuối trước khi đến nơi cần đến. Đây là khu vực có nhiều cây cao mà ông phải vượt qua để tới được lối mòn dẫn lên các dốc đá nối tiếp xen trong các thảm cây bụi và cây thân gỗ nhỏ. Nơi đó ông có thể tìm hái các mẫu thuốc. Ông thận trọng quan sát rồi quơ chiếc xà gạc đập vào cỏ và đám cây bụi xung quanh, trước khi ngồi nghỉ trên một bạnh rễ nhô cao của cây cổ thụ. Hớp vài ngụm nước mang theo, ông Bình đưa mắt nhìn những tia nắng mờ quyện hơi nước đang xuyên qua các tán cây. Những cơn mưa liên tục của các ngày qua chắc chắn đã làm lối đi trên thảm cỏ dưới tầng các cây cao trước mắt còn sũng nước, cùng các dốc đá và lối vào trở nên trơn ẩm. Ông quan sát, suy nghĩ xác định các vị trí có thể di chuyển an toàn...

Ừ, an toàn…

Còn nhớ hồi ba vợ của ông còn sống, mỗi lần hái thuốc thường nhắc nhở quy tắc mang tính sinh mạng của người đi rừng là không được liều lĩnh… Không bao giờ được liều lĩnh…

*

*       *

Má con bà Thảo được báo ông Bình nhập viện trong tình trạng chấn thương nghiêm trọng. Theo lời hai người đi rừng, họ nghe tiếng kêu cứu và nhìn từ xa thấy ông Bình vướng người vào một thân cây mọc lưng chừng trên dốc đá bên bờ vực. Đến lúc họ theo lối mòn cắt đường chạy sang được thì ông đã rơi xuống. May các nhánh cây bên dưới đỡ ông vướng lại một khe đá. Và phải mất thêm nhiều giờ cứu hộ mới đưa được ông vào bệnh viện.

Các kết quả hình ảnh và xét nghiệm cho thấy ông bị gãy một xương đùi, nứt một bên xương chậu cùng những thương tổn khắp người. Điều làm má con bà Thảo bất ngờ là qua kiểm tra người ta còn phát hiện cơ thể ông Bình mang một khối u ác tính. Do thể trạng ông Bình đang rất yếu nên trước mắt các thầy thuốc chỉ xử lí phần xương, cơ và giải quyết khôi phục vận động, còn việc điều trị ung thư phải đợi sau này.

Ông xin được về nhà điều trị ngoại trú sau hai tuần bắt buộc phải nằm viện để được theo dõi và chỉ định dùng thuốc. Ông nói với vợ con rằng mình có phần ân hận, vì quá nôn nóng với công việc mà quên lời ba vợ ông đã từng nhắc nhở.

Rồi mọi chuyện cứ thế cuốn đi, vào một ngày cuối tháng tám, nhúc nhắc mãi vẫn chưa đi lại được, người ngày càng yếu, ông Bình nói sợ rằng khó chống chọi được lâu với tình trạng sức khỏe hiện tại. Ông nhập nhằng khó nhọc kể lại câu chuyện của mấy chục năm trước với vợ con…

Đó là ngày 21 tháng 4 năm 1975, phòng tuyến Xuân Lộc - một trong các vị trí bảo vệ cửa ngõ thủ đô của chính quyền Sài Gòn bị quân giải phóng phá vỡ. Trong cuộc lui quân, có nhiều người lính thuộc quân lực Việt Nam Cộng hòa đào ngũ. Ông Bình có trong số người trốn chạy đó và lúc hoảng loạn, với suy nghĩ băng đường vào rừng để an toàn trước rồi sẽ tính, nhưng cuối cùng ông đã không tìm được lối ra. Gần một tuần bị lạc, ông sống bằng nước suối, quả rừng, chim thú nhỏ bắt được. Vào một đêm, ông tìm ra khu dân cư gần cửa rừng và nhìn thấy một cô gái bên suối. Do mấy ngày bị lạc mù tịt với tình hình bên ngoài nên ông không dám mạo hiểm, quay người với ý định ngược trở lại rừng chờ sáng ra nghe ngóng rồi quyết định.

Đúng lúc ấy ông bất ngờ nhìn lại, vừa lúc cô gái cởi xong áo ngồi xuống khoát nước. Ông nghe người mình nóng bừng lên, tim đập nhanh trong sự ham muốn bất chợt dâng. Giờ ông mới nhìn kĩ, khuôn ngực cùng gương mặt gợi cảm của cô nổi hẳn lên dưới trăng. Có sự giằng co, đắn đo trong suy nghĩ, rồi cuối cùng không kìm nén được dục vọng ông đã...

“Trời ơi...”

Nghe tới đây, bà Thảo thốt lên hoảng hốt. Đôi mắt bà mở to bàng hoàng nhìn ông.

“Đúng vậy... Người bức hại em đêm ấy... là... anh.”

Nói xong ông mệt mỏi nhắm mắt trong tiếng gọi “ba ơi” của thằng Trung cùng tiếng khóc nghẹn ngào của bà Thảo. Những hình ảnh quá khứ vẫn không ngừng đan xen quẫy đạp trong đầu ông Bình.

Khi bị người đi soi đêm phát hiện ông quơ vội quần áo rồi bỏ chạy. Lẩn trốn ở khu vực bìa rừng thêm vài hôm và nghe ngóng tình hình. Biết tin quân giải phóng đã vào tiếp quản Sài Gòn, ông trở ra ngoài tìm đường về quê. Được biết người thân duy nhất còn lại của mình là mẹ cũng không còn, bà bị đạn lạc khi cùng đoàn người chạy di tản về hướng Sài Gòn những ngày cuối chiến sự. Ông ra trình diện, được đưa đi học tập cải tạo gần một năm. Trở về loay hoay tìm cách mưu sinh trong nỗi nhục nhã ê chề cùng những ánh mắt ghẻ lạnh bắt gặp thường trực ở những người xung quanh. Cuối cùng ông trở lại vùng đất rừng của ba năm trước từng lẩn trốn. Quyết định đó của ông Bình không chỉ vì mưu sinh, trong thâm tâm còn muốn tìm lại người con gái đêm nào bên suối.

“Thật lòng...” - Ông Bình nhìn vợ - “Những tháng ngày bươn chải trong tuyệt vọng đó cùng thời gian ở trại cải tạo rất nhiều lúc anh nhớ em…”

Lúc này bà Thảo không còn khóc, chỉ nhìn ông với ánh mắt thật u buồn.

Từ ngày quay trở lại khu ven rừng này để tìm gặp bà, ông tự bảo hãy vùi chôn câu chuyện vừa rồi, cùng quá khứ của mình đi nhưng không được. Sau này, nhiều lúc đang vui cùng gia đình trong ông cứ nhói lên nỗi ám ảnh về món nợ nặng mang từ mẹ con bà vào đêm ấy. Ông nói mình tuy có buồn nhưng không quá bất ngờ với kết quả bị ung thư. Nhớ lại những chuyện đã trải qua cùng mấy chục năm sống với bà không có con, ông nghĩ chắc chắn mình bị nhiễm chất độc lúc còn cầm súng. Đó cũng là thời gian ông thường xuyên sống trong cảm giác căng thẳng, lo sợ cùng nỗi ám ảnh về việc con người phải bắn giết lẫn nhau.

Ông còn lảm nhảm kể thêm mặc sự ngăn cản của má con bà Thảo. Hồi ấy đơn vị của ông thường hành quân hoặc tấn công vào căn cứ cách mạng trong các cánh rừng miền Đông và Nam Tây Nguyên. Có lúc dưới các tán cây còn vương mùi hóa chất, ông cùng chiến hữu tắm rửa trên các dòng suối và vô tư lấy nước uống chẳng nghĩ gì.

*

*       *

Trong chuyến đi công tác gần đây, tôi ghé qua đêm ở nhà Trung và được nghe anh kể chuyện về ba má mình. Chúng tôi thân nhau từ những ngày Trung còn phụ trách công tác đoàn thanh niên, rồi sang làm thư kí hội đồng nhân dân ở thị trấn quê anh. Hết nhiệm kì đó Trung xin nghỉ việc ở cơ quan. Gặp tôi anh cho biết từ khi nghỉ việc ở thị trấn đã về căn nhà này của ba hồi trước để tiếp tục công việc nương rẫy. Vợ anh hàng ngày tiếp tục lo chuyện chạy chợ, còn con trai anh quanh quẩn với bà nội.

Từ nhỏ anh đã không quan tâm đến việc ai là ba ruột của mình. Mỗi khi gần ba Bình là anh bám lấy và hay đòi má đưa đi thăm ba trên rẫy lúc thấy vắng ông. Đến khi tỏ tường chuyện của người lớn anh nghĩ mình cũng không có lí do gì để trách cứ người đàn ông đã sinh ra anh rồi bỏ đi. Điều đó chỉ càng khiến anh thương quý ba Bình hơn.

“Những ngày đầu sau khi ba kể lại chuyện xưa, má tôi có bị sốc nhưng dần dà bà cũng bình tĩnh lại…”

Anh nói, vẻ như bà sợ anh bị phai nhạt tình cảm dành cho ba sau khi biết chuyện nên thường bảo, ai cũng có lúc phạm sai lầm, nhưng ba Bình đã làm điều mà không phải ai cũng dễ dàng thực hiện, đó là nhận lấy trách nhiệm việc mình làm dù có thể trốn tránh được và bằng mọi cách sửa chữa lỗi lầm. Không phải mấy chục năm qua ba đã dành hết tình thương cho má con mình đó sao. Và má anh sợ ba còn dằn vặt bởi mang nặng mặc cảm tội lỗi nên thường xuyên gần gũi, khuyên ông cố quên. Bà cũng nói với ông, giờ bà không còn vương mang chuyện buồn trong quá khứ nữa. Cả với sóng gió cùng nỗi ám ảnh thời ông còn cầm súng, đó là việc không mong muốn từ những ngày bên các tán rừng thì hãy trả hết cho rừng để lòng thanh thản...

Buổi sáng, trước khi chia tay, tôi cùng Trung ra đốt nhang cho ba anh. Nhìn bia mộ: “Dương Thanh Bình - Sinh: 1955 - Mất: 2011...”, tôi nói với Trung, cuộc đời của ba anh có những giai đoạn không êm đềm như cái tên ông đã mang từ ngày được sinh ra. Mong rằng khi nằm xuống ở vùng đất ông đã chọn để được gần gũi người phụ nữ từng bức hại và rồi thật sự thương yêu, linh hồn ông sẽ có được sự thanh thản.

Trung nhìn tôi khẽ nói:

“Chắc là vậy, anh! Nhìn nụ cười của ba trước lúc nhắm mắt, tôi và má đều nghĩ ông đã trút bỏ hết những muộn phiền cho rừng rồi”.

N.T.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)