Thư tháng tư

Thứ Ba, 11/06/2019 09:53

Người Biên Tập trở lại với các bạn yêu thơ trong những ngày tháng tư lịch sử. Thời gian qua Người Biên Tập nhận được rất nhiều thư, bài của các tác giả gần xa gửi về tòa soạn, và hầu hết đều viết về chiến thắng lịch sử ngày 30 tháng tư năm 1975 của dân tộc ta. Thơ ca trước nay vẫn luôn đồng hành cùng lịch sử, tái tạo và tái hiện lịch sử. Và có thể qua thơ lịch sử sẽ có thêm những diện mạo khác nhau.
Từ Thường Tín, Hà Nội, tác giả Thụy Anh, một cựu chiến binh, người từng tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử viết: “Chúng tôi đã trải qua những ngày đêm thần tốc để bước vào Dinh Độc Lập. Chiến tranh và chiến thắng cuốn chúng tôi đi nhanh đến nỗi, bây giờ nhìn lại tôi chợt nhận ra mình đã đánh rơi rất nhiều cảm xúc trên những bước chân lịch sử ấy”. Cùng với những dòng tâm sự, tác giả Thụy Anh gửi đến những câu thơ ông đã viết và cất kĩ suốt mấy chục năm qua: Những bước chân quen với đại ngàn/ Còn lạ lẫm trước Sài thành hoa lệ/ Những cô gái nấp mình sau khung cửa/ Có biết không, lịch sử đã chuyển mình/ Nếu không phải những cuộc chiến chinh/ Em có cùng anh qua quảng trường đầy gió... Hình ảnh những cô gái Sài Gòn trong thơ tác giả Thụy Anh mang đến cho chúng ta cảm xúc khác hơn. Nếu như tác giả khai thác sâu hơn vào chi tiết trữ tình này và tránh viết những câu miêu tả đơn thuần thì đây sẽ là một bài thơ ấn tượng.
Tác giả Vân Phong ở Yên Bái gửi về tòa soạn chùm thơ ca ngợi những người lính Trường Sơn, với những câu thơ pha trộn màu sắc dân gian và hiện đại: Lớn lên từ lời ru/ Bước qua phận cái cò cái vạc/ Không là Thánh Gióng, Thạch Sanh/ Những người lính như mùa xuân đất nước/ Xanh qua từng ngọn núi, dải rừng/ Rực rỡ những phố phường đi tới... Người Biên Tập hiểu tác giả Vân Phong đã cố gắng khắc họa hình ảnh người lính và xây dựng một tứ thơ chặt chẽ. Nhưng thơ không đơn thuần là sự lắp ghép những câu chữ từ đầu đến cuối bài, mà thơ còn cần đến sự kết dính của cảm xúc. Mong rằng bên cạnh những dụng công câu chữ thì tác giả Vân Phong sẽ lưu ý hơn đến cảm xúc thơ để có được những tác phẩm mềm mại và thơ hơn.
Tác giả Hoàng Phương ở Lai Châu có những câu thơ về người đồng đội là thương binh: Đất nước đã vẹn nguyên một dải/ Nhưng bạn tôi không lành lặn trở về/ Chuyến tàu hỏa mang tên Thống Nhất/ Còn bạn tôi mình Bắc, chân Nam/ Hợp tác xã mang tên Hợp Nhất/ Chỉ bạn tôi đơn lẻ một đời. Có lẽ đây là bài thơ làm cho Người Biên Tập cảm thấy khó nghĩ nhất. Cảm giác xót xa trước sự mất mát mà chiến tranh gây ra là có thật, tuy nhiên, việc so sánh những hao khuyết trên cơ thể con người với trạng thái của đất nước, tập thể thì có lẽ chưa được hợp lí và logic. Mong rằng tác giả Hoàng Phương sẽ lưu ý hơn. Tác giả Hoàng Phương cũng có những câu hỏi mong được giải đáp. “Những năm 1990 - 2000, đọc Văn nghệ Quân đội tôi gặp rất nhiều tên tuổi quen thuộc như Trần Đăng Khoa, Sương Nguyệt Minh, Hữu Thỉnh, Khuất Quang Thụy, còn bây giờ có quá nhiều tên tuổi xa lạ đã thay thế. Tôi ở xa ít có điều kiện theo dõi thường xuyên, vậy không biết các nhà văn nhà thơ ấy có còn sáng tác nữa không?”. Thưa tác giả Hoàng Phương, những nhà văn, nhà thơ mà tác giả quan tâm hiện vẫn đang viết và vẫn có tác phẩm in trên Văn nghệ Quân đội. Việc hiện diện của những tên tuổi mới chính là sự tiếp nối với các thế hệ đàn anh để góp mình vào đời sống văn chương nước nhà. Cảm ơn tác giả Hoàng Phương luôn yêu quý tạp chí Văn nghệ Quân đội và mong tiếp tục nhận được thư, bài của tác giả.
Từ Nghệ An, tác giả trẻ Lương Đàm gửi về tòa soạn lời tâm sự của một chàng sinh viên yêu văn chương. “Em tìm thấy cảm xúc của mình khi đọc thơ in trên Văn nghệ Quân đội, và rồi em ước mong mình cũng có thơ được in. Một người viết chập chững như em liệu có thể được tự do gửi bài đến tòa soạn không ạ? Và nếu được thì cho em hỏi yêu cầu của thơ để được in là gì?”. Lương Đàm thân mến! Người Biên Tập rất hiểu cảm xúc của bạn khi lần đầu chạm ngõ với thơ. Tòa soạn sẽ rất vui khi nhận được tác phẩm của bạn, nên Lương Đàm đừng e ngại điều gì nhé. Còn yêu cầu của thơ để được in thì rất đơn giản, đó là một bài thơ hay. Thật khó để có khái niệm thơ hay, nhưng chắc chắn đó phải là một bài thơ có cảm xúc, có tư tưởng, được thể hiện bằng câu, chữ phù hợp, giàu tính nghệ thuật... Hay để dễ hiểu hơn, thì đó chính là khi đọc ta thấy được/ gợi lên cảm xúc của mình trong đó như bạn đã từng cảm thấy ở trên. Trong bài thơ Tháng tư tác giả Lương Đàm gửi về có đoạn viết: Tháng tư trở thành cớ/ Để em dối lòng tôi/ Bên dòng Lam xanh biếc/ Đã vắng lứa đôi ngồi/ Tôi tìm về quá khứ/ Gặp hình dáng cha ông/ Tháng tư thôi đau khổ/ Bởi những trang sử hồng. Có lẽ do đây là một trong những trang viết đầu tay nên bài thơ của Lương Đàm không tránh khỏi một chút giản đơn, quen thuộc trong cách biểu đạt. Cách tư duy thơ vì thế cũng chưa được chặt chẽ. Có thể trong đời thường bạn gặp đau khổ trong tình yêu, và bạn nhận ra đau khổ ấy chưa thấm tháp gì so với những nỗi đau của cha ông đã hi sinh vì đất nước, ý nghĩ ấy khiến bạn lạc quan và mạnh mẽ hơn để bước đi, điều này là đáng quý. Tuy nhiên, trong thơ thì sự diễn giải ấy làm cho thơ mất đi tính cô đọng, hàm súc. Và cách bạn đặt hai vấn đề tình yêu và lịch sử ở cạnh nhau trong một bài thơ như thế cũng chưa phải là xác đáng. Một bài thơ hay và hoàn chỉnh, tuy không có chỗ cho sự giải thích nhưng lại gợi lên rất nhiều sự liên kết giữa các vấn đề được tác giả đưa ra. Mong rằng Lương Đàm đọc và tìm tòi nhiều hơn nữa trong thơ và luôn giữ được tình yêu với văn chương.
Thời gian, đặc biệt là những dấu mốc lịch sử luôn là đề tài lớn cho thơ ca. Tuy nhiên để viết hay về đề tài ấy thì người viết cần phải khai thác, đào sâu, tìm kiếm những yếu tố mới, hoặc viết về cái cũ với cách nhìn khác, để tránh rơi vào sự đại khái, sáo mòn.


NGƯỜI BIÊN TẬP

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)