Nỗi buồn nguồn cội

Thứ Năm, 23/04/2020 14:40

Nỗi buồn nguồn cội
(Đọc Gặp người ở ngõ thế gian, Đỗ Trọng Khơi, Nxb Phụ nữ, 2019)

Khi đọc Đỗ Trọng Khơi có lẽ chúng ta chẳng nên bàn nhiều về lục bát, thể loại mà anh đã định danh mình trong nền thi ca đương đại. Gặp người ở ngõ thế gian là thi tập mới nhất của nhà thơ này và ở đó tôi gặp anh với nỗi buồn nguồn cội: Trăm năm - một đoạn đường thôn/ rằng vui, đã cạn; rằng buồn, chửa tan. Đó có phải là nỗi buồn mà Đỗ Trọng Khơi đã lựa chọn khi trót Đem mình buộc cội đam mê/ hồn ta chim sẻ đồng về líu lô. Nếu thơ là câu trả lời cho những hối thúc nội cảm của người viết thì sự thâm trầm sâu sắc sẽ làm cho thơ trở nên vô cùng.
Thơ không bao giờ là những cái ngoài kia, những gì nhà thơ viết nên khi soi vào sự tinh lặng của lòng mình sẽ làm cho một khoảnh khắc trở thành vĩnh cửu: Ai cho tôi được gọi tên/ chiều đương đứng chín im lìm trong mưa. Thôn làng trong thơ Đỗ Trọng Khơi được bắt đầu bằng những câu thơ như thế, đó là một thôn làng được chưng hiện qua nhiều tầng vỉa. Từ cảm xúc thực đến ảnh hình mà nhà thơ nhìn thấy và chung cục là những tưởng tượng mà câu thơ gợi ra như một phép đồng hiện kì diệu cho những ai cảm thấy mình có thể tham gia được vào trò chơi ấy. Ở đây tôi muốn nói đến cảm-giác-thơ Đỗ Trọng Khơi mang lại cho người đọc.
Vẫn biết người viết thường có thiên hướng suy tư nhiều về nguồn cội và mọi nhà thơ dường như đã cúi đầu tiếp nhận nỗi buồn nguồn cội như một sự biết ơn thiêng liêng khi bản quán trao vào tay họ niềm bí mật say mê, niềm kiêu hãnh âm thầm. Nhưng với Đỗ Trọng Khơi nỗi buồn đó dường như còn ôm chứa cả nỗi khắc khoải, trống vắng, mất mát, vô vọng: Dấu giầy lưu một tháng năm/ tháng năm lưu một dấu làng, đã xa. Ngẫm tưởng thế gian mênh mông là vậy nhưng cái mênh mông ấy lại khiến ta hình dung đó chính là làng, là những vẻ đẹp, nỗi buồn, thân phận, văn hóa, tập quán... trong căn cốt của mỗi người.
Cũng không quá ngạc nhiên khi đọc Gặp người ở ngõ thế gian lại gặp cả những bài thơ tự do dù đã quen với nhịp thơ lục bát ngay khi đọc nhan đề tập thơ. Thể loại chỉ là một cách biểu đạt để người viết cốt sao thấu rõ được lòng mình. Và chính ở đây, không còn là những chỉ dấu của nỗi buồn quán xứ, Đỗ Trọng Khơi đã thổ lộ lòng mình sau những trải nghiệm thời gian và đời sống:
Vin một làn khói
tin lửa trong củi
ngày mai ở đâu trong xa thẳm kia?

Cánh đồng ấu thơ còn giấu hương lúa
giấu mùi sữa mẹ
giấu một nỗi buồn nguồn cội.

Có phải vì Ta là con của sông Hồng/ tình như lúa, tính như đồng đất quê nên tôi luôn thấy một Đỗ Trọng Khơi đang kiên nhẫn trổ mình từ nơi đồng đất để sáng tạo nên những sinh thể thơ ca mà đời sống của nó không còn phụ thuộc vào nguồn gốc hay cách thức nó được sinh ra.

NGUYỄN THỊ KIM NHUNG chọn và giới thiệu

Thôn làng

Ai cho tôi được gọi tên
chiều đương đứng chín im lìm trong mưa

Đường quê đi mới như vừa
dứt ra khỏi sự dây dưa lá vàng

Sông gày khói một dòng lan
chèo dời đôi nhịp, nước hàng đôi chia

Ông bà đôi nấm mộ kia
cỏ đôi vầng ngủ đầu kề non đông

Thôn yên không, làng đẹp không
cúi xin được ấm đôi vầng cỏ quê.

Ở ngõ thế gian

Bỏ chim nghe cỏ xanh mơ
bỏ bướm xem lũ giun mù chơi đêm

Chiếc thân hồ huyễn bao niên
buông se sẽ xuống một phiên nắng chiều

Áo khăn thấm tháp rong rêu
hỏi giun giun biết đôi điều thiệt hơn

Trăm năm - một đoạn đường thôn
rằng vui, đã cạn; rằng buồn, chửa tan

Gặp người ở ngõ thế gian
hỏi ngàn năm cũ lối sang bây giờ.


Ghi ở trên đường

Tôi thèm đi trên con đường
chưa cả dấu chân tôi
và tôi biết, đường không đi về phía mặt trời

Tôi thèm đi trên con đường
thân thiết cùng cát bụi
cát bụi trở thành một vẻ đẹp, bởi không vùi dấu chân người

cát bụi là tôi - tôi là một đất trời

Tôi thèm đi trên con đường
có cái chết - ngôi mồ không lưu hạn tuổi
cho người đến sau, khi bước tới
từ ngôi mồ một con đường mới sinh ra.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)