Một khía cạnh thơ Hữu Thỉnh

Chủ Nhật, 14/02/2021 00:24
 

(Đọc Ghi chú sau mây của Hữu Thỉnh, Nxb Hội Nhà văn, 2020)

Tập thơ này như nốt đàn lạ trong giàn thơ Hữu Thỉnh. Cái lạ ấy lại là một nét quen của các nhà thơ lớn tuổi: hướng tới những bài thơ đúc kết việc đời. Đúc kết cho nên thơ ngắn lại, không giãi bày mà chỉ kết luận. Ngắn đến mức có bài chỉ một câu, hai câu. Ở tập này, Hữu Thỉnh có 22 bài như thế. Không đặt tên, chỉ đánh số: Vô cảm là món lẩu của cái ác (16); Mặt trăng đến tay không/ Đêm nảy bao mơ mộng (22). Thơ có hơi hướng của phương ngôn tục ngữ trong hình thức diễn đạt, nương tựa nhiều vào phép tu từ: bài 15, 22 là phép tương phản, tạo nên tư duy nghịch lí: thật - dối, để nguyên - tinh chế, đến tay không mà tạo bao mơ mộng; bài 16 là tìm xuất xứ của thói vô cảm dưới hình thức một định nghĩa.

Nội dung thơ cũng kế thừa và phát triển chức năng khám phá hiện thực. Khác chăng, chỉ là phương ngôn tục ngữ tỏa ra nhiều chủ đề, có khi chỉ là quan sát hiện tượng thiên nhiên (thâm đông hồng tây/chẳng mưa giây cũng bão giật) hay ghi lại những kinh nghiệm lao động, mùa màng cấy gặt, phong tục tập quán, kinh nghiệm xử thế... ở nhiều cấp độ tư duy, từ đơn giản đến phức tạp.

Thơ Ghi chú sau mây của Hữu Thỉnh thì chụm vào việc phát hiện chân lí đời sống ẩn giấu trong những hiện tượng thường ngày, không mấy ai để ý. Phần lớn là những chiêm nghiệm sống của người từng trải, chịu đúc kết nhân tình thế thái. Đây là thơ học khôn, thơ dạy cách sống, tác động trực tiếp vào sự nghĩ ngợi, góp phần hoàn thiện nhân cách, cho người sống đúng tầm người. Tình cảm của loại thơ này thường đến sau nhận thức như ta từng thấy ở thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, (thớt có tanh tao ruồi đỗ đến, gang không mật mỡ kiến bò chi) ở thơ Nguyễn Trãi (Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi).

Cũng có thể nói đấy là thơ tư tưởng. Người ta đánh giá tầm vóc tài năng tác giả dựa vào sức khái quát của tác phẩm và sức gợi nghĩ của ngôn từ. Hữu Thỉnh tỏ ra có chú tâm về mặt này và anh đã thành công trong đơn vị câu, như câu thơ cây đổ về phương không có vết rìu mà tác giả viết như xen vào trong một bài đang êm chảy giọng trữ tình hiền lành. Một câu như tiện bút nhưng người đọc nhận ra sự cả nghĩ của cây bút này. Anh kể, anh tả, thậm chí anh đang hổn hển tâm tình bỗng nhiên thắt lại một nhận xét bằng một câu gợi nghĩ. Cái câu gợi nghĩ ấy có thể tách ra thành bài thơ riêng, một câu, đánh số như trong Ghi chú sau mây.

Từ đây có thể thấy Hữu Thỉnh khá mạnh trong tư duy khái quát, khái quát từ những chiêm nghiệm nhân tình thế thái. Tục ngữ phương ngôn thì tỏa ra mọi đề tài thiên nhiên, xã hội, lòng người… Chuyện vui xen lẫn chuyện buồn, tùy tình thế nhưng bao giờ cũng là kết quả của một quá trình quan sát. Người đọc có thể thấy nội dung lẫn cung bậc, khuynh hướng thu nhập kinh nghiệm sống của các giả.

Bài thơ sau bài 22 Hữu Thỉnh không đánh số nữa, anh đặt tên như xưa nay vẫn thế. Nhưng thi pháp vẫn có nét lạ. Lạ trong sự tương quan các hình ảnh, nhưng không khó hiểu, nó là một cách nhân hóa các vật thể, biến nó như người và cho nó những động từ thuộc hành vi người. Bài thơ có cách nói lạ để diễn đạt một chủ đề quen.

Hữu Thỉnh có thể không dành được nhiều thời gian cho thơ, anh làm tới hai vai trò quản lí và được anh em trong giới khen là cần mẫn, sâu sát, kín trên bền dưới nhưng với nghệ thuật anh không lười mà chịu tìm, chịu nghĩ, chịu làm lạ hóa các quan hệ. Anh biết tạo ra sự cách bức của các chất liệu thơ, người đọc phải động não để tìm ra chất kết dính đính nó lại: Lẽ phải ra khỏi rừng/ mệt mỏi ngồi trên gò đất trống/ cay đắng rịt lại từng giọt máu tươi/ hằn vết răng thú dữ/ những đám mây vừa được cứu thoát/ kéo qua vai/ vô tình như khách lạ (Khách lạ).

Sao người khách lạ từ rừng ra, ngồi rịt vết răng thú dữ lại chú ý tới đám mây trên trời vừa bay qua và tưởng như nó cũng vừa được thoát khỏi răng thú dữ (như mình). Nghĩa là cùng tình cảnh như mình mà nó lại nhìn mình như khách lạ. Thơ Hữu Thỉnh trước đây hay nói nhiều về mơ mộng, bây giờ ở tuổi cao niên anh muốn tìm về bến thực. Thả tâm hồn mình vào cái bến thực ấy như ông chài thả lưới nhưng kéo vó lên thì không phải cá mà là vầng trăng, vẫn là thứ mơ mộng. Trong cửa hàng rau sạch, anh lo âu trong ý kết rau sạch bị bán kèm/ như sự thật bởi trong ý mở đầu bài thơ anh nói Cầm bó rau sạch / hạnh phúc / như nghe lời nói thật. Chặt chẽ, thống nhất trong hình tượng và phát triển trong nội dung tư duy đã thành một thi pháp Hữu Thỉnh.

Đọc Hữu Thỉnh nên tỉ mỉ câu chữ một chút. Tỉ mỉ để thấy ý tình anh cất giấu, để thấy cả bút pháp mà anh gắng gỏi để hình thành. Bài thơ ngắn lại, chữ hàm xúc nghĩa, mà nghĩa thì gợi nghĩ (chứ không chỉ nhằm gợi cảm) cảm giác, tình cảm sinh ra sau nghĩ ngợi. Nâng phẩm chất trí tuệ cho thơ là thứ mà nền thơ nước ta đang cần. Đóng góp của Hữu Thỉnh là đáng quý. Đáng quý hơn nữa là cái cách lặng lẽ rút ra kinh nghiệm sống ở cuộc đời này và thực thi nó. Ngay cái tên tập thơ Ghi chú sau mây, ghi chú là thể loại khiêm nhường hơn thơ nhiều lại ghi vào phía sau của làn mây, phù vân lắm chứ. Có thể nói tập thơ này, các bài khá đều nhau trong khuynh hướng lần vào lõi của cuộc đời và dẫn dắt bạn đọc vào một khuynh hướng nghĩ xa hơn chính câu thơ mà lại tìm về thiết thực ở trong đời.

VŨ QUẦN PHƯƠNG giới thiệu và chọn

Tự bạch

Một ít muối
một ít lửa
và rất nhiều cả tin
tôi xa quê từ đó

Hết muối có thể tìm ra muối
hết lửa có thể tìm ra lửa
nhưng cả tin không thể xin đâu

Sự cả tin làm tôi đớn đau
tôi nhầm người như va đầu phải cột

Tôi luôn dặn mình đây là lần chót
nhưng lần chót cứ theo tôi suốt cả cuộc đời.


Nghệ nhân Bát Tràng

Đất đã nặn nên hình
củi đã thành lửa đỏ

Khó nhất là thu lại lửa
và khó hơn là thu lại một lỗi lầm

Khó nhất phóng bút thu được cả trời đất
và khó hơn làm vạn vật sinh tình

Tạo hóa trong tay anh
nhưng lòng tốt lại ở ngoài thiên hạ.

 

Cát thờ

Bạn xông nhà cho quà bằng cát
cát Hoàng Sa vằng vặc mây xưa
tôi đặt lên bàn thờ
vời vợi cát trùng dương vời vợi biển

Tôi thờ thuở hồng hoang đất nước
đảo bàng hoàng đội biển nhô lên
đảo non bấy sinh ra từ vô tận
trời đặt tên
Đất Việt
chủ quyền

Tôi thờ bác ngư dân thứ nhất
cắm chân
buộc biển
dựng nhà
tôi thờ những cánh buồm bợt nắng
ngực trần
bạt gió
ló quê xa

Tôi thờ những gian nan vạn kiếp
máu vô danh cho đảo thành danh
tôi thờ những tiếng kêu nức nở
cát Hoàng Sa đang gọi đất liền.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)