Cất tiếng nói từ cõi lòng sâu thăm thẳm

Thứ Sáu, 26/04/2024 11:01

(Đọc Nắng dậy thì của Nguyễn Ngọc Hạnh, Nxb Hội Nhà văn, 2023)


Nguyễn Ngọc Hạnh có một bài thơ được nhiều người nhắc đến, đó là bài Làng: Làng tôi ở ven sông/ Bốn bên núi bốn bề yên ắng/ Chưa hiểu hết mưa nguồn/ Tôi đi về phía biển/ Qua bao nhiêu phường phố/ Thuộc hết những tên đường/ Người trên phố hàng cây và gió/ Đều nhận ra tôi dáng dấp làng quê/ Cái làng ấy ra đi cùng tôi/ Mà tôi nào hay biết/ Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết/ Con sông quê bóng núi cứ chập chờn/ Xưa, tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi. Bài thơ không chỉ như một tuyên ngôn, một nỗ lực của tâm thức sáng tạo, mà là thi mệnh, thể hiện bản mệnh thi ca, đòi hỏi, thúc bách cả đời thơ anh không thể rời xa cái mảnh hồn làng ven sông ấy. Bởi vậy, ngoài tập văn xuôi, đến Nắng dậy thì là tập thơ thứ tư của anh, vẫn thấy không hết chuyện làng quê, sông bãi. Đọc mà cảm tưởng, làng quê trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh như những chiếc đinh, để trên đó, anh treo lên nỗi buồn man mác khó nguôi ngoai.
Cứ lướt qua tựa đề các bài thơ trong tập: Chợ quê, Quê ngoại, Xa quê, Phút xa làng, Gửi quê nhà, Bếp lửa chiều quê, Bầu trời thơ dại, Trăng phía thượng nguồn, Giếng xưa... cũng đủ thấy làng quê như một thứ men rượu đã chưng cất thành chất liệu mĩ cảm sóng sánh và chảy tràn cảm xúc trong tâm hồn thi nhân, cứ viết ra thành câu thành chữ là có bóng dáng dòng sông, ngọn núi, trăng gió quê nhà. Dù đi đâu, sống ở đâu, tâm hồn anh cũng thao thức hướng về: Cứ ngỡ quê nhà nơi cố quận/ Nơi con sông bồi lấp mưa nguồn/ Đâu ai biết đêm xứ người cô quạnh/ Một góc trời lặng lẽ cháy hoàng hôn ( Xa quê).
Thơ là tiếng nói từ cõi lòng sâu thăm thẳm. Ở đó, tác giả không phải là người viết mà là người thể hiện tâm trạng. Nguyễn Ngọc Hạnh bằng chiều sâu của vẻ đẹp và buồn trong từng câu chữ, đã thả cảm xúc trôi theo dòng tâm trạng, gắn liền với sự thay đổi của không/ thời gian luôn chuyển động. Có lẽ, do con sông Vu Gia ám ảnh suốt cả một đời cầm bút của anh, nên anh thường nhắc đi nhắc lại từ trôi (trôi qua, trôi ngược, trôi xuôi, dần trôi, ngày trôi, đêm trôi, chiều trôi...), cả tập thơ có đến 45 lần anh nhắc đến sự trôi, trong đó có ba lần xuất hiện trong một câu thơ Dạt trôi và dạt trôi nhiều dạt trôi, thậm chí, anh còn có cả Giấc mơ trôi. Ngay bài thơ Nắng dậy thì anh lấy làm tựa đề cho cả tập cũng có sự trôi ngược: Tôi như vừa nhặt được câu thơ/ Rơi trên vai em trôi lên ngực/ Lấp lánh màu trời huyền diệu/ Chạm hồn tôi nắng sớm dậy thì. Sự chuyển động trôi trong không gian làm cho câu thơ dậy lên, bồi đắp sức sống, tạo nên những sinh thể nghệ thuật lạ lẫm và có sức sống lâu bền trong tâm tưởng người đọc.
Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh giàu cảm xúc nhưng rất kiệm lời. Đến tập thơ thứ tư này, càng thể hiện điều đó rõ ràng hơn. Anh thả lỏng dòng cảm xúc trôi theo dòng sông mĩ cảm rộng rinh, nhưng được tinh lọc qua từng câu chữ. Không cố rập khuôn theo từng thể thơ cố định, nhưng có lẽ sở trường của anh là thơ lục bát. Chiếm gần nửa tập thơ là âm điệu nhịp nhàng của vần lục bát, kể cả những bài thơ tự do, câu thơ rớt dòng vụn gãy, nhưng đọc lên vẫn thấy âm điệu của vần lục bát khá chỉn chu (Câu thơ mắc cạn, Ngập ngừng, Lạc,...). Có thể khẳng định rằng, Nguyễn Ngọc Hạnh là một trong những nhà thơ xứ Quảng đã rất thành công khi gửi gắm tình yêu cả một đời thơ để ngưỡng vọng về cái làng quê của mình, là vùng thẩm mĩ luôn thôi thúc, réo gọi trong tâm thức sáng tạo của thi nhân. Điều quan trọng là, chỉ cái làng nhỏ ven sông ấy thôi, không chỉ ở tập thơ này, mà còn ở cả ba tập trước, anh trở đi trở lại với mảnh hồn làng, với nắng mưa, cỏ cây, hoa lá... mà không hề có sự trùng lặp về cấu tứ, cảm xúc, chứng tỏ các vỉa tầng văn hóa làng quê đã thấm vào máu thịt, làm nên hồn cốt, bản lĩnh và nguồn mạch không vơi cạn trong anh. Câu nói sau đây của R. Gamzatov thật đúng với trường hợp Nguyễn Ngọc Hạnh: “Chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương, chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người”.
                                                       PHẠM PHÚ PHONG giới thiệu và chọn


Phút xa làng

Con sông quê đầu nguồn
nơi tôi tắm giấc mơ tuổi nhỏ
nơi mẹ một mình ra sông giặt áo
cứ lặng lờ con nước trôi

Nhớ một ngày xa xôi
bỏ làng ra đi, cha tôi không về
mẹ dẫn đàn con chạy giặc
con đò trôi xuôi
mà gió nồm thổi ngược
cánh buồm căng bịn rịn phía quê nhà
làng nhỏ khuất dần
bóng núi mờ xa

Mẹ nhớ làng
tôi đâu hề biết
lúc ra đi
mẹ quấn quít mấy giàn trầu
tôi thì khôn nguôi
nhớ ánh nắng chiều vàng
nhớ tiếng trâu gọi bầy
thương anh em tôi đứt ruột
rồi đây mỗi đứa một phương

Mẹ nhớ gì đâu ai biết
tôi thì thương hoài tiếng chim dồng dộc hót
trước lúc chia tay ở cuối cổng làng
mang theo cả bầu trời thơ dại
dễ gì quên tiếng chim ấy, quê ơi

Bất chợt nhớ
chợt yêu đến lạ
phút xa làng chim dồng dộc bay xa...


Ngọn gió như lời ai hát

Ngọn gió như lời ai hát
mênh mông rừng dương âm vang
chồi xanh lách lên trong cát
mưa xuống trên dòng Trường Giang

Tôi đi giữa chiều mưa ấy
nghe cây cỏ nói trong vườn
chuyện đất và lời của nước
ngọt ngào biển gió Bình Dương

Làng quê những năm chiến tranh
mặt đất mặt người trơ trụi
số phận đâu chờ may rủi
từ trong cát trắng, xanh lên

Muốn nói đôi điều với cát
mà sao cát vẫn lặng yên
cháy giữa lòng tôi cơn khát
trước màu trắng ấy vẹn nguyên

Tôi đi trong chiều bâng khuâng
tôi đi trong chiều mưa đằm
cây thắm trên vùng đất mới
vẫn còn cơn khát nghìn năm.

Quê ngoại

Ba đưa con về thăm quê ngoại
quê thì xa, năm tháng chẳng gần
khi trở lại làng quê ngày xưa ấy
con gặp ngoại con thời thơ ấu tảo tần

Khi vui đùa chạy nhảy trong sân
bàn chân con giẫm lên dấu chân bà thuở nhỏ
có một thời chiến tranh khốn khó
bà bỏ lại tuổi thơ trên những đường làng

Ngày xưa bà không được bằng con
xa quê từ lúc còn con gái
xa họ hàng, xa hàng tre trước ngõ
rồi ra đi từ đó không về...

Mỗi đời người chỉ có một quê
khi trở lại mới biết mình lưu lạc
dẫu trọn đời gửi thân nơi quê khác
bà vẫn là người dưng ngay giữa quê chồng

Đâu dễ gì con hiểu hết quê hương
ngày khôn lớn sẽ tìm về nguồn cội
không như bà, con sống ngay trên quê nội
mà ngỡ như lạc lõng giữa quê người

Xa thì xa tít tắp mù khơi
ba vẫn đưa con về thăm quê ngoại
có bao giờ một mình con tự hỏi
quê nội gần, gần lắm thế mà xa!

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)