Thư viện tương lai, văn hóa và sự bền vững

Chủ Nhật, 05/03/2023 16:15

Vào năm 2015, nhà văn nổi tiếng Margaret Atwood ngồi trên một trong những chiếc xe điện chạy quanh thủ đô Oslo (Na Uy) để lên ngọn đồi phía trên thành phố. Từ nhà ga, bà đi theo con đường lâm nghiệp được bảo tồn tốt hướng thẳng vào rừng. Đi cùng với bà là vài chục người khác, tất cả đều đội mũ, khoác áo mưa hoặc đang che ô do tiết mưa phùn vẫn đang dai dẳng ở Na Uy. Lững thững đâu đó là một đàn cừu đầy màu sắc đi xuyên qua rừng bằng những lối mòn đi bộ đường dài. Có một khoảng trống hình tròn tồn tại trong rừng ngay giây phút này.

Thư viện tương lai

Những cái cây lớn gần đây đã bị đốn hạ, nhưng những cây con cũng đã được trồng thay vào. Chúng cao từ 6 đến 8 inch, được bảo vệ cẩn thận khỏi sâu bệnh bằng một lớp phủ màu trắng. Giữa những cây non, Margaret Atwood và những người đồng hành được mời cà phê ủ nóng trong chiếc nồi gang đặt trên ngọn lửa. Mọi người đứng xung quanh thành từng nhóm hoặc ngồi dưới đất, chụp ảnh, nói chuyện và chờ buổi lễ bắt đầu.

Atwood, tác giả của những cuốn sách đen tối mô tả sự khủng khiếp của chế độ gia trưởng đối với phụ nữ, sự nguy hiểm của các đầu sỏ tập đoàn và những hậu quả tiềm ẩn của các thử nghiệm nhân tạo, đã mang đến một chiếc hộp buộc bằng dây ruy băng tím. Bà giải thích rằng thứ nằm trong đó là một văn bản mang tên Scribbler Moon. Và đó cũng là tất cả những gì mà bà được phép chia sẻ, theo các quy tắc do Kate Paterson – người tổ chức sự kiện này, đặt ra. Sau đó Paterson đến gần, hôn nhẹ vào má Atwood trước khi nhận lấy chiếc hộp và trao nó lại cho đại diện của Thư viện Công cộng Oslo. “Hãy cẩn thận với cái hộp đó,” cô nói đùa, hoặc nửa đùa nửa thật, hoặc có lẽ là cô thực sự lo lắng.

Margaret Atwood tại buổi trao bản thảo cho Thư viện tương lai.

Những cử chỉ và hành động này không có một sự sắp xếp đã được diễn tập từ trước như một buổi lễ tôn giáo, và nó cũng không phải là vở kịch hài. Người đại diện của Thư viện Oslo sau đó cũng có một bài phát biểu ngắn, với lời hứa rằng sẽ chăm sóc chiếc hộp và giao nó cho người giám hộ tiếp theo khi thời điểm đến. Sau buổi lễ, Atwood đã có một cuộc phỏng vấn ngắn, kêu gọi độc giả của mình đừng “giết” đại dương. Rồi mọi người từ từ lên đường về nhà.

Atwood là tác giả đầu tiên mà Paterson mời đóng góp cho một dự án nghệ thuật kết hợp giữa ý tưởng lưu trữ văn hóa lâu dài với tính bền vững của môi trường. Khoảng đất trống trong khu rừng phía trên Oslo là một phần của dự án này và được đánh dấu bằng một biển hiệu. Bằng chữ màu đỏ, nó thông báo cho bất kỳ ai đi ngang qua rằng khoảng đất trống này là một phần của Framtidsbiblioteket, một từ được dịch sang tiếng Anh là Thư viện tương lai. Bên cạnh ba từ là những vòng tròn đồng tâm giống như các vòng của một thân cây.

Ý tưởng của Paterson là trong mỗi 90 năm tiếp theo, sẽ có một nhà văn nào đó viết một văn bản và cam kết giữ bảo mật mọi thứ về nó ngoại trừ tiêu đề. Các hộp chứa bản thảo sẽ được chuyển đến căn phòng đặc biệt trong Thư viện Oslo, nơi du khách có thể vào xem tựa sách nhưng không được đọc. Các văn bản sẽ được khóa kín cho đến năm 2114. Tại thời điểm đó, chúng sẽ được in trên giấy làm từ những cây được trồng dưới dạng cây non vào năm 2014.

Thư viện tương lai liệu có trường tồn?

Tuy thế về phía tương lai, Na Uy hay Oslo có thể quyết định rằng các thư viện là một khoản chi tiêu vô ích và do đó bán bớt tài sản của mình sau hơn 100 năm nữa. Nếu trường hợp đó xảy ra, thì sự bảo tồn mang theo mục đích văn hóa có được giữ nguyên?

Trong ba phần của dự án này, khu rừng là phần khác thường nhất, và cũng là phần nói lên ý thức chung nhất của chúng ta về khủng hoảng môi trường và nhu cầu cần phải theo đuổi lối sống bền vững. Nó cũng là phần dễ bị tổn thương nhất. Biến đổi khí hậu có thể khiến cho những cây non được trồng trong năm 2014 không thể tồn tại, ngoài ra mối đe dọa bởi những loài gây hại mới, những cơn bão cực đoan, cháy rừng hoặc những tác động bất lợi của con người… cũng có thể khiến dự án lùi xa vĩnh viễn.

Nhưng các khu rừng của Na Uy rất rộng và nó cũng không nằm trong danh sách các quốc gia bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Theo nghĩa này, sự lựa chọn của Paterson là một lựa chọn thích hợp. Có lẽ cô ấy được truyền cảm hứng bởi thực tế là Na Uy đã đặc biệt tham gia vào chủ nghĩa bảo vệ môi trường, khi quốc gia này tự hào với tỉ lệ xe điện cao nhất, cùng với những thành tựu khác?

Tất nhiên là các thủ thư trong tương lai cũng hoàn toàn có thể quyết định loại bỏ quy định rằng những tác phẩm này phải được in trên giấy làm từ những cây được trồng trong rừng và thay vào đó là đưa chúng lên internet, điều này có thể tốt hơn cho môi trường (với điều kiện là điện năng cung cấp cho nó phải được sản xuất một cách bền vững). Lưu trữ đám mây cũng có thể là lựa chọn tốt, mặc dù vẫn có một số người lo lắng về tuổi thọ của lưu trữ do tốc độ thay đổi định dạng ngày càng nhanh chóng.

Giống như nhiều xã hội ngày nay, Thư viện tương lai đặt niềm tin vào trong chữ viết. Kể từ khi chữ viết xuất hiện cách đây 5000 năm, nó đã gắn liền cùng với uy tín dựa trên tuổi thọ, trái ngược với bản chất phù du của tiếng nói. Trên thực tế truyền thống truyền miệng có thể phục hồi một cách đáng ngạc nhiên, cung cấp khả năng lưu trữ phân tán dựa trên những người lưu giữ hơn là trên các thiết bị lưu trữ và hệ thống ghi nhớ bằng biểu tượng dễ dàng bị phá hủy. Truyền thống truyền miệng cũng có thể linh hoạt hơn so với văn bản viết, thích ứng với môi trường mới, trong khi chữ viết phụ thuộc vào một hệ thống ghi âm và mã hóa cụ thể.

Những sự gián đoạn

Thế nhưng Thư viện tương lai đã bị gián đoạn vào năm 2020 chỉ 6 năm sau khi nó ra mắt do virus Corona. Dự án hoạt động trơn tru, có một căn phòng mới toanh trong tòa thư viện mới, những cây non đang phát triển tươi tốt trong rừng, nghi thức bàn giao hàng năm thu hút được khách thăm quan… Tuy nhiên tất cả điều này đã bị dừng lại một cách không ngờ.

Rắc rối bắt đầu từ nhà văn Knausgård. Vì sống ở Vương quốc Anh nên ông không thể đến Na Uy để dự lễ bàn giao do việc hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch. Trong khi đó Ocean Vương nhận lời đóng góp tác phẩm nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong việc sáng tác do đại dịch. Và vì vậy, dự án ít nhất là tạm thời bị đình trệ sớm hơn nhiều so với dự kiến ​​của bất kì ai.

Các cây trồng sẽ được chặt hạ để in tác phẩm trong 100 năm nữa.

Sự gián đoạn một cách đột ngột đã làm nổi bật lên sự mong manh của cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc bảo tồn văn hóa. Nếu 100 năm có vẻ là khung thời gian khá ngắn khi so sánh với hàng chục nghìn năm của các bức tranh trong hang động hoặc 5000 năm của chữ viết, thì virus đã cho ta thấy các thể chế văn hóa dễ bị thất bại đến mức độ nào. Chúng ta có thể xây dựng một thư viện mới được hỗ trợ bởi một trong những nền dân chủ ổn định nhất và được bảo lãnh bởi một quỹ đầu tư quốc gia, nhưng một loại virus nhỏ mà bản thân nó là sản phẩm của sự thay đổi môi trường cũng có thể khiến ngành du lịch và nhiều thứ khác bị đình trệ.

Tương lai không thể đoán trước nhắc nhở chúng ta rằng văn hóa là một sợi dây mà ta liên tục phải chữa trong mọi thế hệ. Cuối cùng, điều sẽ cho phép Thư viện tương lai tiếp tục sau một sự gián đoạn xảy ra sớm hơn nhiều so với dự đoán của bất kì ai là một thứ khác ngoài tuổi thọ của cây cối, đó là liệu mọi người có còn quan tâm đến một dự án như Thư viện tương lai hay không?

Con người tương lai, những người mà lúc sinh ra có thể ta không còn nữa, rất có thể coi việc chặt cây để làm giấy là một sự thất bại nghiêm trọng về mặt đạo đức, và phán xét chúng ta nghiêm khắc như chúng ta hiện nay đang phán xét các tác giả trong quá khứ vì hành vi của họ hay những sai lệch so với các chuẩn mực pháp lí, xã hội và đạo đức của chúng ta. Tương lai có thể tố cáo Thư viện tương lai là sản phẩm điển hình của một thế hệ đã phá hủy hành tinh, với lí do việc trồng một số cây không bù đắp được cho sự tổn hại môi trường nặng nề mà toàn bộ dự án gây ra, với chi phí carbon đáng kể trong việc đi lại, xây dựng cũng như in ấn.

Sau đó, điều mà Thư viện tương lai phải hi vọng là những độc giả trong tương lai sẽ chấp nhận sự khác biệt về giá trị này, rằng họ sẽ sẵn sàng tương tác với con người từ quá khứ mà họ gần như chắc chắn sẽ thấy hành vi đó là thiếu sót một cách đáng tiếc. Đây là sự tin tưởng lớn nhất mà Thư viện tương lai yêu cầu: một sự tin tưởng rằng tương lai sẽ phán xét chúng ta ít gay gắt hơn so với những gì nó có lí do để làm, hoặc ít nhất là đánh giá cao và bảo tồn những sáng tạo văn hóa của chúng ta mặc dù chúng không phù hợp với các tiêu chuẩn trong tương lai.

Sự tin tưởng này dựa trên nền tảng không chắc chắn. Lịch sử văn hóa là lịch sử của sự hủy diệt từ phía quá khứ. Nhưng văn hóa cũng bị phá hủy bởi người đến sau được coi là những giá trị và niềm tin mới.

Chắc chắn chúng ta đã học được một số bài học từ lịch sử hủy diệt xuyên suốt nền văn hóa. Các luật mới đã kiểm soát chặt chẽ hành vi trộm cắp và nhiều bảo tàng cũng đang trả lại các cổ vật đã bị khai thác dưới thời chủ nghĩa thực dân, có được trong những hoàn cảnh đáng ngờ hoặc hoàn toàn là bị đánh cắp. Chúng ta cũng quan trọng hơn việc bảo tồn văn hóa thông qua các di sản của UNESCO và các sáng kiến ​​cấp cơ sở, đồng thời chú ý hơn đến các hoạt động văn hóa phi vật thể như khiêu vũ truyền thống, trình diễn cũng như các dạng kiến ​​thức khác được truyền miệng từ thế hệ cũ cho thế hệ mới, từ người này sang người khác. Đây là những thành tựu quan trọng cần được phát huy, thực hiện rộng rãi hơn nữa trong việc bảo tồn văn hóa.

ĐOÀN ANH TUẤN trích dịch một chương của cuốn Culture: The Story of Us, from Cave Art to K-Pop từ tác giả Martin Puchner.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)