Tiếng guitar của sự yêu thương và thức tỉnh

Thứ Sáu, 17/02/2023 14:34

Là Giáo sư Trung văn của trường Đại học Bắc Kinh, đồng thời là một trong những nhà văn viết truyện thiếu nhi xuất sắc nhất của nền văn học Trung Quốc đương đại, các tác phẩm viết cho lứa tuổi mới lớn của tác giả Tào Văn Hiên luôn có sự quyện hòa giữa tính học thuật cùng sự thấu hiểu con trẻ. Và tiểu thuyết Tiếng đàn guitar nơi ngã ba đường chính là tác phẩm thể hiện rất rõ phong cách sáng tác đó của ông, nhà văn Trung Quốc đầu tiên giành Giải Văn học Hans Christian Andersen.

Ở nơi ngã ba đường, chốn giao nhau giữa hai con phố, có một gia đình tệ hại. Ông bố tối ngày say xỉn. Bà mẹ mờ mắt trên chiếu bạc. Để năm đứa con nheo nhóc, khiến cậu con trai cả, 16 tuổi, có tài đánh đàn guitar nổi tiếng, phải làm thay công việc người bố, người mẹ, chăm sóc cho các em. Những đứa em có đủ mọi vấn đề mà một cậu bé 16 tuổi khi ấy, dù đã gồng mình lên, vẫn thật khó tránh khỏi những lần sai lầm, gục ngã.

Tiếng đàn của khúc nhạc bi thương

Trước tiên, cần phải nói rằng, tên gốc của tác phẩm là Quán cà phê nơi ngã ba đường, về sau khi xuất bản ở Việt Nam, tựa truyện được đổi thành Tiếng đàn guitar nơi ngã ba đường; khi đó, chủ thể trong tựa truyện chuyển từ “quán cà phê”, kết quả cuối cùng sau rất nhiều khổ đau những đứa trong câu chuyện đã trải qua sang “tiếng đàn guitar”, thanh âm biểu tượng xuyên suốt theo chiều dọc cuốn sách. Thứ thanh âm xuất phát từ tài năng và lòng kiêu hãnh của “tôi”, một cậu bé 16 tuổi sớm nhận thức cái tài bản thân lẫn bi kịch gia đình bên cạnh trách nhiệm cậu phải gánh trên vai.

Bởi thế, tiếng đàn được tấu lên từ cây guitar “tôi” mang, là thứ âm thanh thấm đẫm bi thương thay lời tự sự về cuộc sống người con cả về người bố, người mẹ tệ nạn, người em thứ nhất thường vô tình phá hoại của công vì sở thích đá bóng, người em thứ hai thì “ngốc nghếch”, người em thứ ba phải thói ăn cắp vặt, cô em út dễ thương nhưng em còn quá nhỏ. “Tôi hay đánh những bài nghe buồn buồn.” Dù chính cậu thừa nhận “Có trời mới biết nỗi buồn của tôi từ đâu tới.” Nhưng, hoàn cảnh như vậy, với một đứa trẻ chớm bước vào ngưỡng cửa trưởng thành, đối diện với hàng xóm và bè bạn, thì “nỗi buồn”, còn có thể xuất phát từ đâu, ngoài bi kịch gia đình.

Để rồi, thanh âm bi thương mở rộng trong tiếng đàn guitar của tôi đến cả sự tái hiện những rạn nứt, đổ vỡ trong mối quan hệ bạn bè chớm nở giữa cậu và cô bé Đan khi Đan biết về bí mật gia đình cậu vẫn luôn giấu kín. “Tôi dựa lưng vào tường, ôm cây guitar, cái cổ đã mềm nhũn của tôi cong xuống, tôi đàn mấy bài sầu thảm [...] tôi thấy nặng nề nghèn nghẹn, khó chịu vô cùng.”

Thanh âm bi thương, ngân vọng từ khoảng không hữu hình nơi cây guitar cũ của chủ thể tự sự, và cũng ngân vọng từ khoảng không vô hình nơi nỗi âu lo, sợ hãi, thất vọng, bất lực khi bản thân, đã cố gắng rất nhiều để đổi thay hiện thực mà kết quả nhận về, vẫn chỉ là thất bại; khi nỗi giận dữ trở thành sai lầm mà nỡ làm tổn thương người thân thương yêu; khi sự trống rỗng ùa về lúc cậu bé, có thể trút bớt gánh nặng trên vai cũng là lúc cậu nhận ra, bản thân đã đánh mất và hi sinh quá nhiều. “Nhưng nghĩ đến những ngày tháng dài đằng đẵng sắp tới, tôi bỗng thấy trong lòng hoang mang và trống rỗng như đứng trên một sa mạc rộng lớn hoang vu không một bóng người.”

Câu chuyện mở đầu bằng lời giới thiệu gia đình của nhân vật “tôi” và được dẫn dẫn dắt bằng tiếng guitar dìu dặt, trầm buồn tới những đớn đau ngỡ như quá sức một đứa trẻ 16 tuổi phải chịu đựng. Tiếng đàn bi thương, là tiếng lòng con người, cũng là hiện thực bi kịch gia đình, bi kịch những định kiến xã hội trên trang văn Tiếng đàn guitar nơi ngã ba đường, trong trang viết như thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu tươi những cậu nhóc của tác giả Tào Văn Hiên đã đổ xuống.

Tiếng đàn của nghị lực và sự trưởng thành

Tác phẩm của Tào Văn Hiên.

Tiếng đàn guitar nơi ngã ba đường, trầm buồn bi thương. Nhưng tiếng đàn guitar ấy, bi thương mà không bi lụy; kể về những khoảng thời gian bi kịch, và cũng khắc họa lên cả hành trình của những yêu thương, thực tỉnh, nghị lực và trưởng thành của nhân vật “tôi”, đồng thời, cả những cá nhân xung quanh cậu bé đấy.

Thật vậy, với cương vị là đứa con trưởng, lớn tuổi nhất trong một gia đình chất chứa đầy những vấn đề phức tạp, “tôi” vừa là đứa trẻ tuổi 16, vừa là anh cả, vừa là cha là mẹ chăm sóc cho cả đàn em bốn đứa nheo nhóc. Cậu thấu hiểu rất rõ, dẫu gia đình cậu đang sống có chất chứa bao nhiêu khoảng tối, “rệu rã” tới đâu đi nữa, thì đó vẫn là gia đình của cậu, nơi người thân cậu sinh sống và dù cậu có mặc cảm hay lảng tránh, cũng không thể chối bỏ gia đình cùng những con người ruột thịt ấy.

Nên thất vọng hay lạc bước, “tôi” vẫn gồng mình “thức tỉnh” ý thức cá nhân mà “trưởng thành” trước tuổi với khao khát thay đổi hiện thực và hơn cả, là đổi thay tương lai về sau. Từ sai lầm, gục ngã tới hành trình trưởng thành, qua ngoại hình, qua nhận thức để đi tới hành động.

Hành động với trọn vẹn nghị lực của một đứa trẻ 16 tuổi khát khao ánh sáng ngày mai, cho em út có một chiếc váy mới xinh đẹp, cho em trai thứ hai được sống trọn với đam mê, chơi bóng đá một cách bài bản, cho em trai thứ ba được học hành tới chốn, và đưa cậu em thứ tư tránh khỏi con đường lầm lạc. Dù phải hi sinh, dẫu phải đánh đổi cả những tài sản riêng duy nhất cậu bé trân quý, kể cả lòng kiêu hãnh của chính mình. Để “nốt nhạc tiếp theo sẽ vang lên nốt nhạc vừa gảy sắp sửa biến mất. Đây là một ca khúc êm ái, nhẹ nhàng, trữ tình và đằm thắm.”

Và sự thay đổi, “trưởng thành” của “tôi”, cũng thúc đẩy quá trình đổi thay, trưởng thành của những cá nhân khác. Là những đứa em, thấu hiểu, thương anh mà cố gắng, cho trọn những hi sinh thầm lặng anh trai đã làm. Mà đâu chỉ trẻ nhỏ mới trưởng thành, chính người lớn trong cuốn tiểu thuyết này, chứng kiến chặng đường khôn lớn của những đứa trẻ, cũng phải nhìn lại, tự vấn bản thân để sống sao cho xứng với nghị lực tụi nhỏ vẫn gắng gượng mỗi ngày dù họ thờ ơ, tệ bạc.

Đan xen giữa bi kịch và hi vọng, giữa đớn đau vụn vỡ và yêu thương, giữa bi thương và khát vọng sống tới mãnh liệt. Nói rằng, tiếng đàn guitar vô hình của sự kiên cường và tình người ngân lên trong cuốn tiểu thuyết Tiếng đàn guitar nơi ngã ba đường thức tỉnh lương tri con người là vì thế.

Tôi và những cá nhân thiếu vắng định danh

Như đã nói, là một nhà văn, cũng là một nhà giáo dục, văn chương viết cho thiếu nhi của tác giả Tào Văn Hiên gần như luôn đạt tới sự quyện hòa trọn vẹn nét hài hước dí dỏm với sự thâm trầm, sâu sắc; tính học thuật cùng sự thấu hiểu tâm lí con trẻ. Đặc biệt trong tác phẩm Tiếng đàn guitar nơi ngã ba đường, khi ông đặt điểm nhìn tự sự ở ngôi thứ nhất, để nhân vật chính xưng “tôi” đồng thời xóa mờ hoàn toàn định danh không chỉ của cậu bé “tôi” đó mà còn cả gia đình cậu cùng hàng loạt cá nhân khác.

Không một ai có tên riêng, tất cả chỉ được gọi bằng những đại từ như “tôi”, “bố”, “mẹ”, “thằng hai”, “thằng ba”, “thằng tư”, “bé út”, “người Quảng Đông”, “họ”, “ông hàng xóm”... Phải chăng, đây như một sự ngầm ám chỉ rằng, ngã ba đường nơi có gia đình “rệu rã” kia, cũng chính là một lát cắt trong tổng thể cuộc đời.

Khi vẫn còn đó, bao bi kịch gia đình mà trẻ nhỏ, là nạn nhân. Chúng phải tự đứng lên tìm đường đi, tìm ánh sáng cho cuộc đời vốn chẳng thể chọn nơi chốn chúng được sinh ra. Những đứa trẻ mới ở ngưỡng cửa tuổi mới lớn, thiếu cả sức vóc lẫn kinh nghiệm, vốn sống, đã phải gắng gượng vươn mình lên mà trưởng thành so với lứa tuổi bằng niềm kiêu hãnh, cái tôi bé nhỏ, yếu đuối nhưng kiên định, kiên cường. Còn người lớn, vẫn mãi chìm vào xúc cảm luẩn quẩn bản thân là nạn nhân trong bi kịch cuộc đời để rồi vô tình, làm thương tổn những trẻ, vốn rất mực trong sáng với cả tương lai phía trước.

Và trong câu chuyện ai cũng thiếu vắng định danh ấy, chỉ có cô bé “Đan”, được tác giả Tào Văn Hiên đặt một tên riêng như một sự tồn tại hoàn toàn khác biệt. Bởi Đan đẹp, một vẻ đẹp tâm hồn mạnh mẽ, cùng với tiếng guitar, đã khơi gợi những cảm xúc cùng cái “tôi” muốn đổi khác của cậu bé 16 tuổi vừa tài năng, vừa trầm lặng, cũng vừa mạnh mẽ, vừa nổi loạn kia.

Từ tiếng đàn guitar trong ngôi nhà u tối nơi ngã ba đường tới tiếng guitar trong quán cà phê cũng tại nơi ngã ba đường đó, là cả hành trình “nỗ lực vươn lên trong nghịch cảnh” được đánh đổi bằng máu lẫn nước mắt bên cạnh những yêu thương giữa con người với con người để đổi thay, cũng như khẳng định chỗ đứng giữa dòng đời “của cậu thiếu niên mười sáu tuổi.” Và tuổi trẻ, trên trang viết của tác giả Tào Văn Hiên vẫn luôn như vậy, nhạy cảm, mong manh mà phóng khoáng, can trường khôn cùng.

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)