Dòng chảy  Văn nghệ

Vẻ đẹp trong sự đau khổ, tuyệt vọng

Chủ Nhật, 31/03/2019 22:43

Trong tuần cuối cùng của Tháng phim tài liệu đương đại, tối Chủ nhật 31/3/2018, Trung tâm TPD (51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) tổ chức trình chiếu bộ phim Mùa cát vọng của đạo diễn Phạm Thu Hằng và thảo luận về bộ phim.

Khoảng 15 năm qua, phim tài liệu Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, với nhiều dấu mốc và bước ngoặt đáng nhớ. Nguồn tài trợ của các quỹ văn hóa, các lớp học, workshop liên tục ra đời, sự phát triển của internet, mạng xã hội, sự lớn mạnh - hợp tác của các cộng đồng làm phim trong và ngoài nước, đặc biệt là sự dấn thân của nhiều đạo diễn trẻ… đã dần làm thay đổi bộ mặt của thể loại phim tài liệu, đặc biệt là ở mảng phim độc lập với những bộ phim có tiếng vang như Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng - đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, Lửa Thiện Nhân - đạo diễn Đặng Hồng Giang, Đi tìm Phong - đạo diễn Phương Thảo…

Đạo diễn Phạm Thu Hằng theo đuổi dòng phim tài liệu độc lập khi nhận ra dòng phim này là phương tiện hữu hiệu nhất để chị chia sẻ những cảm xúc của mình về đời sống. Chị đã dành 4 năm để làm bộ phim tài liệu Mùa cát vọng với góc tiếp cận khá độc đáo và mới mẻ về đề tài hậu chiến.

Chọn bối cảnh là những bãi bom xung quanh một làng quê nghèo ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, Mùa cát vọng kể câu chuyện cuộc sống của 4 người đàn ông với những nhịp điệu thường ngày. Họ tụ họp trong một ngôi nhà không có cửa, uống rượu, chơi đàn và hồi cố, suy tư về một cuộc chiến mà họ không trực tiếp dự phần. Được khởi quay từ năm 2014, bộ phim độc lập của đạo diễn Phạm Thu Hằng đã khéo léo ghi lại bóng tối của chiến tranh qua những biểu hiện đơn giản, thường nhật.

Một cảnh trong phim Mùa cát vọng của đạo diễn Phạm Thu Hằng

Đạo diễn Phạm Thu Hằng từng chia sẻ, khi đi học ở nước ngoài, sống trong một cộng đồng có nhiều người đến từ nhiều quốc gia và nhiều nền văn hóa khác nhau, bản thân chị thấy cần phải có gì đó để dựa vào, và chị nhận ra đó chính là căn cước văn hóa, lịch sử của đất nước mình. Trong bối cảnh đó, chị đọc được bài báo về hai em bé Quảng Bình chơi bom bị chết. Chị rất lấy làm ám ảnh và nhận ra bấy lâu mình hơi bàng quan đến lịch sử, số phận đất nước mình. Về nước, chị tìm đến Quảng Trị, một trong những tỉnh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Lúc đầu chị muốn tìm gặp những con người kiếm sống bằng nghề thu gom phế liệu từ bom mìn, nhưng đa phần trong số họ đã bỏ nghề này vì nó quá nguy hiểm. Và rồi chị đã gặp những người đàn ông trong làng - những người chưa từng ra chiến trường nhưng đời sống của họ, cả tuổi trẻ của họ đã bị hủy hoại. Chị quyết định làm phim về họ. Chị cho rằng, dấu vết cuộc chiến sẽ nặng nề hơn khi mình cảm nhận được chứ không nhìn thấy được. Với chị, đây là một bộ phim đẹp, vẻ đẹp trong sự đau khổ, tuyệt vọng. Dòng phim tài liệu độc lập mới chỉ bắt đầu ở Việt Nam từ năm 2009, từ khi có trung tâm Doclab, nên để có kinh phí làm bộ phim này, chị phải mang dự án thuyết trình tại nhiều diễn đàn về phim tài liệu ở nước ngoài; rất may, sau nhiều chuyến đi, cuối cùng dự án phim Mùa cát vọng của chị được 3 quỹ điện ảnh của Hàn Quốc tài trợ kinh phí thực hiện.

Nữ đạo diễn Phạm Thu Hằng (giữa) đã được vinh danh tại hạng mục Đạo diễn xuất sắc với dự án phim tài liệu Mùa cát vọng (The Future Cries Beneath Our Soil) tại lễ bế mạc Liên hoan phim quốc tế Singapore 2018 diễn ra tối ngày 8/12/2018 (Ảnh: BTCCC)  

Buổi chiếu phim tối Chủ nhật 31/3/2018 tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội đã thu hút rất đông người yêu điện ảnh, đặc biệt là các bạn trẻ quan tâm đến dòng phim tài liệu độc lập cũng như bộ phim Mùa cát vọng. Sau khi xem phim, khán giả đã ngồi lại thảo luận khá hứng khởi về bộ phim. Nhiều ý kiến rất tâm đắc trước sự công phu, khả năng “trực chiến” của đạo diễn để có thể chộp bắt được những cảnh quay đắt, phản ánh một cách chân mộc, sinh động cuộc sống ngày thường của những con người “chấn thương” bởi chiến tranh, mặc dù họ không trực tiếp can dự vào chiến tranh và mặc dù chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỉ.

Anh Khổng Văn Quảng - thu thanh tiền kì của phim Mùa cát vọng - chia sẻ tại buổi thảo luận: "Tôi rất may mắn khi lần đầu tiên tham gia vào dự án phim tài liệu lại được cộng tác cùng chị Phạm Thu Hằng. Những ngày làm phim tại Quảng Trị đem lại cho tôi thật nhiều kỉ niệm, thật nhiều cảm xúc, thật nhiều kĩ năng làm nghề. Tôi hi vọng mình sẽ lại có duyên với chị Phạm Thu Hằng, sẽ lại được cộng tác cùng chị trong những dự án phim tài liệu độc lập tiếp theo".

SỸ HÙNG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)