Dòng chảy  Văn nghệ

Tre - một “giá đỡ” cho văn hóa Việt

Thứ Hai, 11/03/2019 23:50

Tối 11/3/2019, tại Thư viện Kiến trúc - Nghệ thuật (CA’ Library), tầng 3 Agohub, 12 Hòa Mã, Hà Nội, người yêu nghệ thuật đã có dịp giao lưu với KTS. Nguyễn Mạnh Tuấn, cùng nghe những chia sẻ xung quanh mối quan tâm thời gian gần đây của anh về tre và những trải nghiệm của anh về World Bamboo Workshop Manipur India 2019.

World Bamboo Workshop là một hoạt động thường niên được tổ chức bởi Tổ chức Tre Quốc tế (World Bamboo Organization), với mục đích phổ biến sự sử dụng truyền thống của cây tre tại một địa phương trên thế giới và cùng lúc đem những kiến thức khoa học, kĩ thuật cũng như truyền thống của các nơi khác trên thế giới tới vùng đất đó.

World Bamboo Workshop lần đầu được tổ chức tại Mexico vào năm 2017, lần thứ hai tại Peru năm 2018, và lần thứ ba từ mồng 4 tới 8 tháng 2 năm 2019 tại Manipur, một tiểu bang vùng Đông Bắc Ấn Độ - “viên ngọc của Ấn Độ”.

Manipur cũng là thiên đường của tre, là một trong những bang dồi dào nhất Ấn Độ về sự đa dạng, phân bổ, cũng như sự sử dụng của cây tre trong đời sống thường ngày và cũng là nơi kết nối sâu với văn hóa, các lễ hội và tín ngưỡng tôn giáo, kinh tế và thương mại của người dân. Do vậy, đây là địa điểm tốt nhất cho sự kiện quan trọng này của cây tre do Ấn Độ đăng cai tổ chức năm 2019.

Sự kiện 5 ngày diễn ra tại thành phố Imphal - nơi đặt hội đồng đô thị (Municipal Council) của quận Imphal West & Imphal East thuộc bang Manipur, Ấn Độ - bao gồm các buổi thuyết trình, tập huấn thực tế, triển lãm, biểu diễn văn nghệ, và hơn thế nữa, với tre.

Đại biểu tham gia World Bamboo Workshop Manipur India 2019 đến từ khoảng 35 quốc gia khác nhau. Nguyễn Mạnh Tuấn là kiến trúc sư Việt Nam duy nhất tham dự sự kiện quốc tế này.

Nguyễn Mạnh Tuấn là kiến trúc sư Việt Nam duy nhất tham dự World Bamboo Workshop India 2019

Tại buổi Talks hôm nay, KTS. Nguyễn Mạnh Tuấn chia sẻ về mối quan tâm thời gian gần đây của anh về tre và những trải nghiệm của anh về Workshop nói trên.

KTS. Nguyễn Mạnh Tuấn tại buổi Talks đêm 11/3/2019 

“Cây tre có thể nói luôn hiện diện khắp nơi trong văn hóa Việt và trong phong cảnh làng quê Việt Nam. Từ xa xưa, cây tre đã được dùng trong sinh hoạt đời thường của người Việt, từ đồ vật trong nhà tới công cụ lao động sản xuất, trong xây dựng nhà cửa và cả các kết cấu trong đô thị.

Sau một thời gian dài dường như bị lãng quên, trong những năm gần đây, cây tre đã trở lại như một vật liệu sinh thái nổi bật. Càng ngày càng có nhiều công trình ứng dụng các kiến thức truyền thống cũng như thử nghiệm mới với vật liệu tre. Việt Nam cũng không phải là ngoại lê: những công trình bằng tre như của KTS. Võ Trọng Nghĩa chứng tỏ được tính chịu lực và độ dẻo dai của cây tầm vông trong những hình khối cong bắt mắt. Ngược lại, những nghệ nhân như Nguyễn Văn Công lại sử dụng cây luồng Thanh Hóa trong những cấu trúc đơn giản, khỏe khoắn nhưng cũng không kém phần tinh tế. Các nghệ nhân như Võ Tấn Tân thì mang tới vẻ đẹp trong việc ứng dụng cây tre vào các đồ vật hàng ngày và đồ thủ công mĩ nghệ.

Dấu ấn tre của KTS Việt Nam Võ Trọng Nghĩa tại Mexico

Với xu hướng dùng sản phẩm tre và công trình bằng tre càng ngày càng “xa xỉ”, chúng ta không nên quên khía cạnh văn hóa của cây tre Việt: một vật liệu phục vụ cho cộng đồng và biểu tượng cho sự gắn kết con người. Các hướng đi mới trong sử dụng cây tre hiện mong muốn phổ biến kiến thức về tre cho phần lớn cộng đồng, tiêu biểu như làng tre Phú An ở Bình Dương, hay ý tưởng cho Trung tâm Tre trong Công viên sinh thái Tre Luồng Thanh Tam ở Thanh Hóa, với tầm nhìn cho sự hợp tác và phát triển các trang trại tre, sản phẩm tre, nhằm góp phần nâng cao kinh tế cho vùng.

Nếu như trong quá khứ, cây tre đã từng cùng với người dân đứng lên đánh giặc cứu nước, thì ngày nay cây tre đóng một vai trò quan trọng trong “cuộc cách mạng” đối diện với việc đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng. Vì lí do này, cây tre phải trở lại trong tâm thức của văn hóa đương đại một lần nữa, không chỉ để thúc đẩy một nền kinh tế bền vững hơn, mà còn nhằm kết nối lại con người với nguồn gốc và tinh thần của mình, để cây tre tiếp tục là một “giá đỡ” cho văn hóa Việt”.

KTS. Nguyễn Mạnh Tuấn sinh tại Hưng Yên, gần đô thị cổ Phố Hiến, và lớn lên tại Hà Nội. Hiện làm việc giữa hai thành phố New York và Hà Nội với một số dự án liên quan tới thiết kế bền vững, trong đó có sử dụng vật liệu sinh thái như tre. Bên cạnh chuyên môn, anh cũng tham gia tích cực vào hoạt động văn hoá xã hội, và là thành viên của Trung tâm Di sản Việt Nam tại thành phố New York, góp phần giới thiệu giá trị truyền thống của Việt Nam tới cộng đồng quốc tế.

P.V

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)