Dòng chảy  Văn nghệ

Kích hoạt khả năng biết cười

Thứ Bảy, 30/03/2019 21:01

Chiều thứ bảy ngày 30/3/2019, tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Tao Đàn phối hợp với Trung tâm TPD tổ chức chiếu bộ phim The Purple Rose of Cairo, tọa đàm về sách và phim của Woody Allen với sự tham gia của dịch giả Nham Hoa và đạo diễn Đỗ Quốc Trung. Sự kiện nằm trong chuỗi chương trình “Từ trang sách đến màn ảnh”.

The Purple Rose of Cairo là bộ phim hài giả tưởng lãng mạn, trong đó thế giới ảo của màn ảnh và thế giới thực cứ lẫn trộn vào nhau

Woody Allen thường được biết đến là một đạo diễn điện ảnh người Mĩ lừng danh gắn với những bộ phim kinh điển như Manhattan, Annie Hall, Hannah and Her Sisters… hay những bộ phim gần đây như Match Point, Vicky Cristina Barcelona, Midnight in Paris, Blue Jasmine…, trong đó những nhân vật hài hước rất đặc trưng được xây dựng từ chính nguyên mẫu Woody Allen. 4 giải Oscar (3 giải kịch bản, 1 giải đạo diễn) trong tổng số 23 lần được đề cử là phần thưởng mà Woody Allen xứng đáng được nhận cho sự nghiệp điện ảnh của mình.

Thực ra Woody Allen làm quen với nghề viết lách còn sớm hơn môn nghệ thuật thứ bảy rất nhiều. Đi vào hai hợp tuyển hài hước Tuyệt vọng lờiLộn tùng phèo tập hợp những truyện ngắn, tiểu luận, kịch... được Woody Allen viết hồi thập kỉ 1970, bạn đọc sẽ được làm quen với những nhân vật kiểu loạn thần rất… Woody Allen: bỗng dưng “muốn biến thành một cái ghế”, “tin mình là Igor Stravinsky sau khi tỉnh dậy ở bệnh viện”, “trộm cắp để có tiền boa cho đám bồi bàn”, “từ chức ở bệnh viện, đội mũ két gắn chong chóng, đeo ba lô và bắt đầu trượt pa-tanh"… Nổi bật trong hai hợp tuyển đó là truyện ngắn đoạt giải O'Henry - Tình tiết Kugelmass. Câu chuyện được kể trong truyện ngắn này về sau trở thành chất liệu chính cho bộ phim hài giả tưởng The Purple Rose of Cairo (1985) do Allen biên kịch và đạo diễn, trong đó nhân vật chính là cô phục vụ Cecilia cũng bị lạc vào bộ phim Hollywood lãng mạn.

Tuyệt vọng lờiLộn tùng phèo của Woody Allen bản tiếng Việt do Tao Đàn và Nxb Hội Nhà văn vừa ấn hành

Cecilia là một cô hầu bàn đang tìm kiếm lối thoát khỏi cuộc sống buồn tẻ của mình. Tom Baxter là một nhà khảo cổ trẻ tuổi bảnh bao, nhân vật chính trong bộ phim Bông hồng tím Cairo. Sau khi mất việc, Cecilia đi xem bộ phim này nhiều lần để cảm thấy phấn chấn hơn, và trong một lần cô kinh ngạc thấy Tom Baxter bước ra khỏi màn hình và bước vào cuộc đời cô. Vấn đề là... Tom không có thật. Trong khi đó Hollywood xáo trộn khi phát hiện nhiều vị Tom Baxter khác cũng đang cố gắng rời khỏi màn hình ở các rạp khác. Sau cuối, thế giới ảo của màn ảnh và thế giới thực vẫn cứ là… hai thế giới.

Dịch giả Nham Hoa (trái) và đạo diễn Đỗ Quốc Trung tại buổi toạ đàm

Dịch giả Nham Hoa chia sẻ: “Cốt lõi nhất của Woody Allen là hài hước, là tiếng cười tự trào, tự giễu. Nhân vật đáng cười nhất trong sách cũng như phim của Woody Allen là chính ông. Nếu sách gần như là một trăm phần trăm Woody Allen thì phim chỉ khoảng vài chục phần trăm ông mà thôi. Mà sách của ông, như hai cuốn Tuyệt vọng lờiLộn tùng phèo là rất khó dịch; dịch giả có xuất sắc đến mấy thì chất hài hước trong bản dịch cũng sẽ rơi rụng đi khoảng bốn mươi phần trăm so với nguyên tác. Dẫu vậy, xem phim hay đọc sách của Woody Allen qua bản dịch cũng đủ để bạn đọc Việt Nam kích hoạt khả năng biết cười, khi mà người ta không phải lúc nào cũng được hồn nhiên cười, và không phải cái gì cũng được (phép) cười cho đến nơi đến chốn.

Bộ phim The Purple Rose of Cairo như một lá thư tình mà Woody Allen dành cho điện ảnh. Cho dù nhiều ảo vọng, nhiều niềm đau vỡ với điện ảnh thì sau cuối ông vẫn đắm đuối với điện ảnh. Woody Allen yêu điện ảnh cũng như nhân vật chính Cecilia yêu bộ phim này”.

Đạo diễn Đỗ Quốc Trung cho rằng: “Các phim khác của Woody Allen khá lắm lời. Phim The Purple Rose of Cairo mang đến cho người xem cảm giác thoải mái, dễ chịu hơn. Mọi thứ trong phim bắt vào nhau rất khéo, rất duyên mà chỉ đạo diễn tài ba mới làm được. Bộ phim như đặt ra cho chúng ta câu hỏi, rằng liệu mình có đủ mộng mơ, lãng mạn để hạnh phúc như nhân vật chính trong phim”.

SỸ HÙNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)