Dòng chảy  Văn nghệ

“Bến không chồng” có công trình bia lưu niệm

Chủ Nhật, 11/11/2018 09:48
Logo VNQĐ Online mới Bến sông Đình Đoài, xã Thuỵ Liên, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình đã được xây dựng khu bia lưu niệm “Bến không chồng”. Ý tưởng được manh nha từ UBND xã Thuỵ Liên, nhằm lưu danh bến sông huyền thoại, vinh danh nhà văn Dương Hướng và tiểu thuyết Bến không chồng. Tượng đài và bia lưu niệm mang tính khái quát cao, được chế tác từ đá nguyên khối có dáng dấp một thiếu phụ bồng con đứng trông chồng.
 
Phiến đá lớn tại khu bia lưu niệm có dòng chữ được khắc trang trọng:
“BẾN KHÔNG CHỒNG
Bến sông này cùng với mảnh đất và con người nơi đây đã đi vào đời sống văn học nghệ thuật, ghi một dấu ấn sâu sắc, như bản tình ca bi tráng về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Tiểu thuyết "Bến không chồng" của nhà văn Dương Hướng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, chuyển thể thành phim truyện, được nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, giải thưởng Nhà nước năm 2016”.

 
Công trình lưu niệm “Bến không chồng” có nhiều hạng mục. Nhà văn Dương Hướng thông tin, cho đến thời điểm này đã hoàn thành phần bia biểu tượng và bậc đá lên xuống bến sông, riêng phần mở rộng dòng sông phía bờ bên kia thì chưa làm được. Kinh phí công trình được huyện Thái Thuỵ cấp là hơn 2 tỉ đồng, còn lại là huy động các nguồn lực xã hội hóa.
 
DH
Nhà văn Dương Hướng (hàng đầu, thứ ba từ phải sang) cùng lãnh đạo xã Thuỵ Liên và một số bạn văn
chụp ảnh lưu niệm bên công trình (Ảnh: NVCC) 

Tác giả tiểu thuyết Bến không chồng xúc động chia sẻ thêm: “Tôi ghi nhận sự quan tâm hết sức nhiệt tình của lãnh đạo huyện Thái Thuỵ, đặc biệt là của xã Thuỵ Liên, từ bí thư chủ tịch đến các ban ngành đoàn thể đến bà con trong xã. Tôi vô cùng xúc động trước tình cảm của quê hương dành cho bản thân. Thiết nghĩ, công trình lưu niệm này có ý nghĩa sâu sắc về mặt xã hội. Chỉ cần đọc nội dung trên tấm bia đã thấy rõ được sự hi sinh to lớn đến nhường nào của hơn 30 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã mất con. Chính bến sông này, mảnh đất này rất cần phải lưu lại dấu ấn sâu sắc cho muôn sau. Tôi trân trọng và thực sự biết ơn nhân dân và lãnh đạo xã đã làm nên một vẻ đẹp về nhân văn, vẻ đẹp về tư tưởng không chỉ cho riêng xã nhà mà còn ghi lại dấu ấn cho tất cả chúng ta. Tôi rất ấm lòng và ngộ ra một điều là những người cầm bút nếu hết lòng viết vì nhân dân mình, vì quê hương đất nước này, vì dân tộc này thì ắt sẽ được tất cả ghi nhận. Tôi rất tự hào và may mắn vì cả sự nghiệp sáng tác của bản thân từ tiểu thuyết đến truyện ngắn đều viết về chính làng xóm quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên. Các nhân vật đều là những người thân yêu bạn bè gia đình họ tộc mình. Có những nhân vật cho dù có những hạn chế lỗi lầm của lịch sử nhưng bản chất của họ vẫn là những người nông dân đáng yêu. Tôi trân trọng yêu quý họ”.
 
1 Ben khong chong
Bìa tiểu thuyết Bến không chồng 

Tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng là một niềm tự hào của văn học Việt Nam thời kì Đổi mới. Tác phẩm được coi là một câu chuyện “hòn vọng phu” thời hiện đại, góp một cái nhìn nhân văn nhân bản về hậu chiến trong những năm đầu thập niên 1990. Bến không chồng cùng với Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) và Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường) là bộ ba tiểu thuyết nhận giải thưởng uy danh, đình đám của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991. Giáo sư Phong Lê từng nói về Bến không chồng: “Một ngôn từ không lấp lánh tài hoa, mà giản dị, tự nhiên, và với ưu thế đó, Bến không chồng là tác phẩm khẳng định được ngay vị trí của nó trong lòng độc giả mà không hề gây tranh cãi”.

Tiểu thuyết Bến không chồng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, được đạo diễn Lưu Trọng Ninh chuyển thể thành phim truyện cùng tên năm 1999, rồi phim truyền hình Thương nhớ ở ai năm 2017.

Nhà văn Dương Hướng sinh năm 1949 tại xã Thuỵ Liên, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình, hiện sống và viết tại Quảng Ninh.
 
KHẢI HUYỀN
VNQD
Tin tức khác
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)