Vàng On - Dòng sông mấy lưng núi

Thứ Năm, 21/04/2022 12:05

. LÊ QUỐC THU
 

Qua chiếc cầu treo nhỏ, mỏng manh nhưng khá vững chãi là đến rìa mép đất của thôn Vàng On(1). Ghé vào lán sửa xe cạnh đường, nhờ anh người Mông đưa lên trên bản, anh thủng thẳng nói “mấy hôm mưa to, nước nó lao xuống đường, có cái hố sâu đấy, muốn đi, chỉ có con ngựa móng tròn, với cả hai chân của tao nữa, mới cõng được mày lên thôi”. Tôi bảo: tốt quá, có anh đưa đến là quý rồi. Vậy là bắt đầu cuộc hành trình. Đoạn đường khá trơn và rất dốc, vài chỗ nước ngập sâu đến tận chỗ để chân, phải xuống xe cuốc bộ. Bên dưới này là sông Phó Đáy, dòng nước chảy cuồn cuộn từ huyện Chợ Đồn của tỉnh Bắc Kạn sang. Con đường đất vòng vèo, bám theo triền núi dốc, bên này là sông, bên kia là núi. Đường và sông lúc đầu còn gần sát bên nhau, nhưng càng lên cao con sông càng trở nên xa tắp. Lên đến đỉnh đèo, cả dòng sông chỉ còn vài chấm sáng nhỏ nằm chìm dưới dãy núi xa mờ. Trên đỉnh Đèo Ải là một bản nhỏ, nơi này cách trung tâm xã chừng chín cây số, không xa nhưng cao đến tận lưng trời. Bản nhỏ có hơn hai chục nóc nhà, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Những ngôi nhà gỗ xinh xắn nằm cạnh ven đường, có nhà nằm lẫn vào trong những đám ruộng. Làn gió nhẹ đung đưa những chiếc lá trên thân cây cọ già. Cây cọ như thần làng giữ bản, giơ những tay gai nhọn hoắt ra để bảo vệ con người sinh sống trên mảnh đất này.

Con đường đến bản Vàng On

Đến nơi, anh trưởng bản còn trẻ và khá đẹp trai là Giàng Seo Mùa dẫn tôi thăm một vòng, qua những vạt nương ngô, vắt sang những đám ruộng. Vừa đi, anh vừa bảo “mày có muốn đi xem thần đá trên núi không”, tôi lơ đễnh gật đầu: đá à, có xa lắm không, “không xa mấy đâu, một lúc thôi, đá to thế mà ngồi được lên đầu nhau đấy”. Một chút nghi hoặc xen lẫn tò mò “thật à, ừ thì đi” tôi nói, rồi phăm phăm bước theo hướng tay anh chỉ. Đi theo con dốc thoai thoải, gồ ghề những thân đá nửa chìm nửa nổi, anh Mùa dang hai tay hướng về trước mặt nói “bên này là của Bắc Kạn, bên kia là đất Thái Nguyên”. Quãng đường vừa đủ thử thách với độ dẻo dai của đôi chân, “một lúc” của anh bằng một phần ba giờ leo bộ, nhưng càng đi càng thấy nhiều thú vị.

Giữa lưng chừng núi xuất hiện những khối đá màu nâu xám, cao bằng bốn đầu người nối với nhau, chúng có hình thù khá vui mắt, không có hòn nào giống hòn nào. Các tảng đá được xếp chồng lên nhau như toà tháp, nhìn từ xa như khối đồ chơi của đứa trẻ/người khổng lồ. Ngồi trên cùng là hòn đá tròn vát nhọn, như đỉnh của ngọn núi cao, mũi đá hiên ngang chĩa thẳng lên bầu trời.

Hình như những hòn đá này được tạo hoá khéo léo kê, đặt lên nhau trong lúc ngài đang phấn khích. Đá đứng chênh vênh, lặng im đứng giữa trời sương gió. Lớp da ngoài bị mưa, gió bào mòn đi theo năm tháng, các góc cạnh cũng mờ dần không còn sắc nhọn, vệt thời gian cứ lặng lẽ in dần vào thân đá. Dù đứng chông chênh giữa núi, dù mưa tuôn hay gió quất nhưng đá vẫn bình thản, lặng im, kiên gan, như tự nghìn đời nay vẫn thế. Hẳn đá cũng cất giấu trong mình biết bao những điều bí mật. Và đá cũng gìn giữ mảnh đất này luôn được bình yên dưới trời mây xanh biếc. Tôi bảo Mùa: đẹp nhỉ, bà con mình có hay đến đây xem đá không? Mùa chỉ tay vào hòn đá trên cùng bảo “mày nhìn xem, đây là mồm ông Cóc đấy, ông bảo vệ người mà”, tôi chăm chú nhìn theo và gật đầu. Mùa lại nói “ngày xưa có Gà trống vàng đậu ở đây, buổi sáng gà gáy một tiếng, cả vùng núi xa tận kia đều nghe thấy”.

Người già tại bản Vàng On này vẫn lưu truyền cho con cháu nghe câu chuyện về Gà Thần, chuyện kể rằng: “Thuở xưa, vùng núi đá cao và xa xôi này có một dòng họ người Mông, khi bị giặc cướp phá họ phải rời bỏ nơi ở đi tránh giặc. Họ cứ hướng theo phía mặt trời lặn rồi mải miết chạy. Họ đi mãi, khi thì băng qua những cánh rừng rậm rạp, lúc phải xuôi theo những con sông sâu, vượt dòng thác dữ. Khi đi đến vùng đất này thì trời tối, họ dừng chân nghỉ lại để ngày mai tiếp tục lên đường. Gặp mỏm đá lớn ở giữa lưng chừng núi chắn được gió, che được mưa nên tất cả trẻ già, lớn bé đều chui vào dưới mỏm đá ngủ tạm qua đêm. Họ không biết đó là hòn Đá Kê, nơi Gà Trống vàng thường bay xuống, đậu trên mỏm đá trong những buổi sáng tinh sương.

Gà Trống vàng là vị Thần của dãy núi Hùng Minh được Ngọc Hoàng cử xuống để bảo vệ người dân sinh sống từ chỗ thung lũng thấp, lên đến tận núi cao biên ải. Buổi sáng kia, Gà Thần cất giọng gáy vang, tiếng vọng bay ra khắp núi rừng. Thần gọi ánh bình minh xua tan những cơn gió lạnh, gọi ánh nắng mặt trời rọi chiếu lên dòng sông mây mịt mờ lưng núi.

Mọi người giật mình tỉnh giấc, tiếng trẻ con khóc thét lên vì sợ hãi. Gà Thần nhẹ nhàng vỗ cánh bay lên không, lượn vài vòng quanh vùng đất rồi xa khuất sau những rặng núi cao. Người đàn ông trưởng họ biết đây là vùng đất lành, nơi này sẽ là chỗ trú ngụ của dòng họ mình”. Trải qua biết bao mùa mưa nắng, Thần đá vẫn ôm ấp, chở che cho mảnh đất Vàng On này luôn được bình yên.

Vào dịp đầu năm mới, bà con trong bản mặc những bộ quần áo mới, cùng nhau đến hòn Đá Kê để thắp nén hương khấn cầu, mong một năm mới mọi người được yên lành, không mưa to, gió lớn, ngô thóc chất đầy nhà, trâu ngựa đứng chật chuồng...

Nghỉ lại ở nhà trưởng bản, căn nhà nhỏ cũng khá đơn sơ, ngọn đèn led chạy bằng pin mặt trời vừa đủ chiếu sáng gian nhà. Bên trong buồng xếp đầy những bao ngô, bao thóc vừa phơi khô. Nhà chỉ có ba người thôi à?, tôi hỏi. “đứa trai lớn đang đi học cấp 1 ngoài xã, còn đứa này cũng sắp xuống xã học rồi”, Mùa nói và chỉ tay vào đứa con gái nhỏ. Biết nhà có khách, cô vợ Mùa nhẹ nhàng cất tiếng chào, anh chồng bảo vợ “mày đi bắt con gà to để mời khách quý nhé” cô vợ “dạ” một tiếng rồi tất tả xuống bếp. Nếu đường từ xã lên đây được rải nhựa, điện lưới mà kéo đến bản nữa thì ở đây thích lắm đấy” Mùa nói giọng ao ước. Bữa cơm tối được dọn ra giữa nhà, hú gọi thêm mấy bác cùng bản đến chung vui. Sau vài ngụm rượu ngô, câu chuyện trở nên hào hứng “năm nay cả bản nhà nào cũng được nhiều lúa, ai trồng ngô cũng chắc hạt, nuôi trâu bò, lợn gà cũng tốt...”.

Đêm trên Đèo Ải khá lạnh, quấn chặt tấm chăn vào người và mơ màng ngủ. Gần sáng những tiếng gà trống to, nhỏ gáy vang cả bản. Tôi tự hỏi “không biết tiếng của chú Gà Trống vàng có gáy nhiều như vậy không nhỉ”. Bước ra cửa, ánh bình minh đang chiếu xuống những tia nắng chan hoà và ấm áp.

Vào những ngày họp chợ, hay những ngày lễ hội, đồng bào Mông, Dao, Tày, Nùng… ở các thôn trong xã, lại tụ về bãi đất trống cuối chợ, để được nghe những những điệu khèn Mông, những bài hát Cọi và điệu múa mừng Cơm mới. Những bộ trang phục đủ sắc màu. Tiếng hát, tiếng khèn, tiếng sáo… cùng những tiếng cười quấn quýt với nhau. Tất cả những âm, sắc đó cùng hoà quyện làm cho không gian nơi đây thêm rộn ràng sức sống.

Ngày mai, khi con đường đất gồ ghề này được rải nhựa, ngôi bản nhỏ xa kia ánh điện sẽ chan hoà. Dòng sông mây sẽ được khoe mình trôi xa đến các phố phường. Tiếng gà gáy trên đỉnh Đá Kê sẽ vang xa, bay cao đến tận lưng trời. Những đứa con trai, con gái người Mông, người Dao trong bản của Giàng Seo Mùa sẽ bận bịu đón chào những cô bạn xa, những anh khách lạ đến đây từ khắp phương trời. Những ánh mắt thơ ngây của các em nhỏ không còn lạ lẫm trước những người khách mới. Và một mùa xuân tươi xanh đang đến thật gần với bản nhỏ Vàng On. Thêm thân thương và quyến luyến mảnh đất mến yêu này.

L.Q.T

(1) thôn Vàng On, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang

VNQD
Thống kê