. MỘC THẢO
NSND Tường Vi đã vĩnh viễn về trời, khép lại một giọng ca huyền thoại với những ca khúc cách mạng bất hủ: Cô gái vót chông, Tiếng đàn Ta Lư, Em là hoa Pơ Lang. Bà hưởng thọ 86 tuổi. Bà là người nghệ sĩ duy nhất được vinh dự có tên trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam.
Những kỉ niệm đẹp
Tôi không bao giờ quên được cuộc gặp gỡ với NSND Tường Vi lần đầu tiên vào quãng năm 2006, lần ấy tôi đến nhà riêng của bà, ngôi nhà nhỏ xinh ở số nhà 24, B3 phố Mai Dịch, Hà Nội để viết chân dung nhân vật cho báo An ninh thế giới Cuối tháng. NSND Tường Vi tiếp tôi bên cây đàn piano. Bà tự hào kể cho tôi nghe về tổ ấm nhỏ xinh của mình, nơi mặc dù bà đã nghỉ hưu nhưng tình yêu, niềm đam mê và sự cống hiến cho nghệ thuật vẫn luôn chảy dào dạt trong huyết quản của bà. Về hưu nhưng bà chưa từng phút nào rời âm nhạc. Nơi đây, bà đã vun vén trao truyền, dạy dỗ cho nhiều thế hệ ca sĩ, bồi dưỡng tài năng cho nhiều nghệ sĩ thành danh sau này như: Thanh Lam, Khánh Thi, Giáng Son, Thái Thùy Linh, Hoài Phương, Hà Chương… và bà vô cùng tự hào chia sẻ về những mái ấm âm nhạc tình thương mà bà dày công xây dựng để ươm mầm những tài năng âm nhạc trong những em bé thiếu nhi có số phận thiệt thòi bất hạnh.
Bà bắt đầu công việc này từ năm 1992, khi gặp một số trẻ em mồ côi, phát hiện các mầm non âm nhạc ở các trung tâm bảo trợ, trại trẻ mồ côi. Bà đã âm thầm dạy hát miễn phí cho các em với mong mỏi âm nhạc sẽ giúp các em chữa lành những nỗi đau, phát triển tài năng, và mở ra những con đường ước vọng để các em có thể tự tin bước tiếp với ước mơ.
NSND Tường Vi
Những việc làm xuất phát từ tình thương sâu đậm của bà với trẻ nhỏ mồ côi đã cảm động tới cộng đồng. Bà được nhiều người ủng hộ giúp đỡ và quyên góp tài lực để lập Trung tâm Nghệ thuật tình thương. Trung tâm trực thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, với mục đích nuôi dưỡng và đào tạo nghệ thuật cho trẻ em bị khuyết tật, mồ côi.
Thời điểm tôi trò chuyện với bà, bà khoe hiện nay trung tâm có 3 cơ sở tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, do bà làm giám đốc. Những trẻ em tại trung tâm đã được đi biểu diễn nhiều nơi, nhiều em thi đỗ vào các trường nghệ thuật trong cả nước. Một học viên khiếm thị tại đây đã đỗ thủ khoa Khoa đàn bầu Nhạc viện Hà Nội. Trung tâm Nghệ thuật tình thương của bà cũng là nơi vinh dự đón những chuyến thăm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông còn sống.
Thời điểm đó, tôi cũng từng gặp ca sĩ Ngọc Anh trong ngôi nhà của bà cho cuộc phỏng vấn cho báo An ninh thế giới. Ngọc Anh lúc này đang hạnh phúc trong cuộc hôn nhân với nhạc sĩ Trần Hùng, con trai duy nhất của NSND Tường Vi với nhạc sĩ Trần Chương. Trong nếp nhà nghệ thuật ấy, tình yêu đối với âm nhạc được tôn vinh giữa những thế hệ.
Từ bấy đến nay, trải qua nhiều những biến động của thời gian. Một lần tôi đến nhà Tường Vi phỏng vấn bà cho bài báo nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngôi nhà của bà dường như vắng vẻ nhiều hơn. Bà kể con trai, và cháu nội duy nhất của bà sang Mỹ cùng vợ là ca sĩ Ngọc Anh. Cả gia đình định cư bên đó. Đôi mắt bà ánh nỗi buồn, nhưng xen lẫn niềm tự hào. Bà nói: Ở nước ngoài, chắc chắn cuộc sống của bọn trẻ sẽ tốt hơn. Bà vẫn một mình đi đi về về giữa quê hương Quảng Ngãi của bà và Hà Nội, nơi bà tiếp tục mở thêm những lớp học âm nhạc tình thương dành cho những trẻ em khuyết tật.
Âm nhạc chữa lành
Phải nói rằng, NSND Tường Vi là người tiên phong mang âm nhạc để chữa lành ngay từ những ngày đầu chiến tranh ác liệt. Số phận bà gắn với âm nhạc chiến tranh cách mạng, gắn với những cống hiến đặc biệt. Nghệ sĩ có giọng hát huyền thoại lại sinh ra trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật. Giọng hát của bà hoàn toàn là thiên bẩm. Năm bà 16 tuổi, chứng kiến bà ngoại bị mất do trúng bom của thực dân Pháp, bà đã nuôi lòng căm hờn giặc và đó là lí do năm 1954, bà xung phong vào bộ đội.
NSND Tường Vi kể lại: “Ngày ấy, tôi gầy và nhỏ. Khi nhìn thấy tôi, đồng chí bộ đội tuyển quân hỏi: “Em nhỏ thế này mà đi bộ đội à?, gầy yếu thế này làm được gì?”. Lúc đó, tôi trả lời tức thì: “Em hát được, đi bộ đội em hát cho bộ đội nghe”. Nghe tôi nói vậy, đồng chí yêu cầu tôi hát một bài. Đồng chí tuyển quân gật đầu và nói "Em đi bộ đội được”. Vào quân ngũ tôi được học làm y tá ở quân khu V. Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, chứng kiến những người lính bị thương nặng, thuốc men thiếu thốn, những cơn đau quằn quại do vết thương nặng đã khiến cho họ đau đớn đến kiệt sức. Thương các anh, tôi đã cất giọng hát để động viên. Mỗi khi có bệnh nhân nào đau quá, rên rỉ thì tôi động viên bằng cách: “Để em hát anh nghe nhé, cho đỡ buồn". Những lúc đó bệnh nhân không còn kêu la đau đớn nữa mà im lặng nghe tôi hát”.
Sau năm 1954, NSND Tường Vi cùng đồng đội tập kết ra miền Bắc, bà làm y tá tại Bệnh viện Quân y 108. Để bệnh nhân bớt nỗi đau, bà tiếp tục mang lời ca tiếng hát phục vụ họ. Chính vì thế, bà được coi là một trong những thế hệ nghệ sĩ đầu tiên hát cho bệnh binh nghe. Tiếng hát của bà là thần dược chữa lành những cơn đau, góp phần giúp các chiến sĩ quên đi những vết thương đang rỉ máu, giúp họ vượt qua những cơn sốt cao, vượt qua những phút giây sinh tử hiểm nghèo.
Trong những lần hát cho bệnh nhân, có một nam bệnh nhân đặc biệt chú ý đến bà. Mãi sau này, bà mới biết người bệnh nhân ấy là Đại tá của Tổng cục Chính trị. Sau khi ra viện, vì yêu quý giọng hát của bà, ông đã trở lại Bệnh viện Quân y 108 tuyển bà về hát tại Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị. Tường Vi đã đồng ý, tạm biệt quân y về với lĩnh vực mới. Kể từ đó, NSND Tường Vi chính thức bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Hai năm sau, bà được đào tạo thanh nhạc bài bản, thi đỗ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và được học với các chuyên gia thanh nhạc nhiều nước.
Trong rất nhiều câu chuyện cảm động về những năm tháng mang tiếng hát ra chiến trường đánh giặc của NSND Tường Vi, bà luôn mang giữ trong kí ức một kỷ niệm. Đó là năm 1968, Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị từ Quảng Bình trở ra thì gặp một tiểu đoàn đặc công đặc biệt tinh nhuệ đi vào. Hai đoàn gặp nhau tại bến phà Long Đại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Khi ấy các chiến sĩ đặc công hô to: “A, Tổng cục Chính trị đây rồi! Có Tường Vi không?” - bên này đáp: “Có”. Thế là họ kéo tôi đứng lên mui xe rồi cùng hòa nhịp Tiếng đàn Ta-lư rộn vang cả một vùng. Khi tôi hát đến đoạn cuối cùng, các chiến sĩ cũng “hú” theo. Thời điểm ấy, khi đi các chiến trường cứ gặp chiến sĩ là hát, sân khấu ngay giữa rừng, dù không có micro nhưng tôi vẫn say sưa, vút cao tiếng hát để chia sẻ gian khó với các chiến sĩ", NSND Tường Vi chia sẻ.
Giờ đây tiếng hát huyền thoại ấy đã yên nghỉ ở tuổi 86. Ca sĩ Ngọc Anh và con trai cũng đang gấp rút bay từ Mỹ về viếng mẹ chồng cũ trong nỗi tiếc thương vô hạn. Dẫu ca sĩ Ngọc Anh không còn là con dâu bà nữa thì những gì chị đối xử với mẹ chồng cũ vẫn ấm áp yêu thương. Đó cũng là niềm an ủi lớn cho NSND Tường Vi.
MT
VNQD