. HÀ ANH
Thành danh ngay từ ca khúc đầu tay Đường lên Tây Bắc, tên tuổi nhạc sĩ Văn An sau này còn gắn với nhiều ca khúc nổi tiếng như Đôi dép Bác Hồ; Nhịp cầu nối những bờ vui; Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương; Lá cờ Đảng… Tuổi đời đã ngoài 80, nhưng mỗi khi nhắc tới một tình cảm nào đấy mà bạn bè và thính giả yêu âm nhạc dành cho mình, ông đều tỏ ra hết sức trân trọng. Bởi ông cho rằng, là một nghệ sĩ sáng tác đã là một vinh dự, nhưng tác phẩm của mình được nhiều người nhắc nhớ, đó mới thực sự là điều hạnh phúc nhất.
Nhạc sĩ Văn An và người bạn đời của mình là bà Chử Thị Anh Thư (vốn là một dược sĩ quân y). Bà Chử Thị Anh Thư là em gái của nhà phê bình văn học Nhị Ca, người đóng vai trò như một “ông mai” trong mối lương duyên của hai người. Bà Thư tâm sự, ngày mới quen ông, bà quý ông bởi cái tính hiền lành, chân thực, luôn yêu mến, giúp đỡ mọi người. Và cho đến tận bây giờ, những đức tính, phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ vẫn còn nguyên vẹn trong ông. Cả cuộc đời ông gắn bó với người lính, là nhạc sĩ khoác áo lính, ông đã dành nhiều tình cảm trong các sáng tác của mình cho người lính. Trong gia tài sáng tác của nhạc sĩ Văn An, nhiều người còn nhớ một số ca khúc đậm chất lính như Ta ra trận hôm nay, Sắc màu quê hương, Quân đội ta quân đội anh hùng… Trong mỗi chuyến đi thực tế sáng tác ở chiến trường cũng như ở một số đơn vị bộ đội, hình tượng người lính luôn để lại trong ông những tình cảm khó quên. Bởi vậy, ông nói rằng, ông viết về họ như viết về chính mình.
Nhạc sĩ Văn An đã đi qua trọn vẹn hai cuộc kháng chiến. Năm 1946, khi mới vừa tròn 17 tuổi, ông tham gia quân đội, theo đoàn quân lên miền Tây Bắc xa xôi trong cuộc trường chinh kháng Pháp. Ông đã cùng đồng đội của mình tham gia một số chiến dịch lớn như chiến dịch Biên giới, chiến dịch Tây Bắc. Nhận ra ông có năng khiếu văn nghệ, cấp trên đã điều ông về công tác tại Đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc. Thời gian đầu ông tham gia biểu diễn trong vai trò người kéo đàn Ác-coóc-đê-ông, nhưng sau khi tác phẩm Đường lên Tây Bắc ra đời, Văn An được chuyển hẳn sang bộ phận sáng tác. Khi có lớp đào tạo nhạc sĩ đầu tiên của Việt Nam năm 1957 do chuyên gia Triều Tiên tên là Mao Vĩnh Nhất hướng dẫn, ông được cử đi học cùng với các nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Văn Thương, Nguyên Nhung, Vũ Trọng Hối, Lương Ngọc Trác, Trọng Loan… Sau này, mỗi người một phong cách, nhưng họ đều là những người có những đóng góp quan trọng cho nền âm nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Văn An có nhiều năm gắn bó với vai trò biên tập văn nghệ ở Phòng Phát thanh chương trình Quân đội nhân dân. Ông cũng được xem là người có công trong việc xây dựng phong trào ca hát trong quân đội những năm tháng Tiếng hát át tiếng bom.
Nhạc sĩ Văn An không có thói quen thống kê số lượng những ca khúc ông đã sáng tác. Ông chỉ nói rằng, con số đó là “hàng trăm”. Và với ông, tác phẩm nào ông cũng coi là tác phẩm gan ruột. Tuy rằng, mỗi đứa con tinh thần ấy có những “số phận” khác nhau. Thuở còn cắp sách đến trường, bởi yêu mến âm nhạc mà ông tự học hỏi qua thầy, qua bạn, đầu tiên là để thỏa mãn sở thích của chính mình, dần dà nhu cầu sáng tác tự tìm đến... Ông cho biết, ông sáng tác ca khúc Đường lên Tây Bắc cũng thật tình cờ, trong một buổi chiều hành quân và nghỉ lại ở một bản miền núi. Từ trên triền đồi nhìn xuống, ông bắt gặp một bức tranh sơn thủy hữu tình, hình ảnh nhân dân tăng gia sản xuất bên các chiến sĩ và dân quân. Vậy là những nốt nhạc tha thiết cứ thế cất lên: Đường lên Tây Bắc xa xôi/ Nếp nhà sàn thấp thoáng/ Đằng xa tiếng hát dân quân/ Tiếng reo lưng đồi nương/ Cùng bảo vệ quê hương/ Sức trai bền gan chiến đấu/ Tay súng dân quân bao phen còn ghi máu thù/ Giặc lên không mong ngày về/ Đồng quê vang khúc mến yêu/ Đường lên Tây Bắc quanh co/ Tiếng chim rừng đây đó/ Đằng xa tiếng hát đồng xanh, lúa reo trên đồi cao …. Và đây cũng chính là tác phẩm có dấu ấn đặc biệt đánh dấu mối “lương duyên” của ông với âm nhạc. Ngay từ khi ra đời, bài hát đã chiếm được tình cảm của đông đảo khán thính giả, được nhiều ca sĩ thể hiện thành công. Sinh thời, nhạc sĩ tâm sự: “Tôi là người luôn có xu hướng đi tìm vẻ đẹp trong cuộc kháng chiến dẫu nhiều khó khăn, gian khổ, mất mát, hi sinh. Vì thế, các bài hát cách mạng thành công của tôi hầu như đều mang màu sắc trữ tình”.
Cũng như nhiều nhạc sĩ khác, nhạc sĩ Văn An có sở thích tìm đọc những bài thơ đăng trên các báo để tìm ra “cái tứ” cho bài hát của mình. Trong số những ca khúc phổ thơ của ông có một số bài hát để lại ấn tượng đặc biệt cho người nghe như Đôi dép Bác Hồ; Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương phổ thơ Tạ Hữu Yên và bài Nhịp cầu nối những bờ vui phổ thơ Phạm Văn Từ. Nhà thơ Tạ Hữu Yên, ngoài việc cùng công tác tại những đơn vị thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, hai người còn là những người bạn thân thiết, thường chia sẻ với nhau về đề tài sáng tác. Bài hát Đôi dép Bác Hồ ngay từ khi mới ra đời đã nhận được nhiều thư yêu cầu của thính giả được nghe lại trên Đài Tiếng nói Việt Nam, và tác giả thì nhận được nhiều thư tâm sự, chia sẻ niềm cảm mến.
Trong sự nghiệp của nhạc sĩ Văn An, không thể không nhắc tới ca khúc Lá cờ Đảng được ông viết năm 1975 khi cả nước đang hân hoan trong niềm vui giải phóng. Hơn ba mươi năm qua, Lá cờ Đảng vẫn là một trong những bài hát viết về Đảng hay nhất, có sức lay động và được phổ biến rộng rãi nhất: Đất nước bốn nghìn năm ôi tự hào biết mấy/ Hạnh phúc trong tay ta đang nở hoa kết trái/ Còn gì đẹp hơn, còn gì đẹp hơn Lá cờ đỏ búa liềm/ Đảng ta đó hân hoan một niềm tin…. Nhạc sĩ Văn An tâm sự rằng, với bài hát này, ông viết bằng tình cảm chân thành đã ấp ủ, tích lũy từ lâu chứ không phải viết nhân dịp gì hay nhân ngày hội nào của đất nước. Nó vẫn mang nét mộc mạc, hồn nhiên, viết về niềm tin với Đảng mà thật ngọt ngào, tha thiết chứ không bị ràng buộc bởi một cuộc thi, cuộc vận động sáng tác hay nhằm mục đích tuyên truyền gì. Lời ca giản dị, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người - đó là điều lý giải vì sao đã nhiều năm tháng trôi qua nhưng ca khúc Lá cờ Đảng vẫn được đông đảo khán thính giả gần xa yêu mến.
HA
VNQD