. KHIÊM GIANG
Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho là trường hợp đặc biệt của nền âm nhạc Việt Nam khi ông vừa là tác giả của những ca khúc nổi tiếng, như: Tiến bước dưới quân kì; Năm anh em trên một chiếc xe tăng (thơ Hữu Thỉnh), Người con gái sông La (thơ Phương Thúy)…, đồng thời cũng là tác giả của những tác phẩm thanh xướng kịch, giao hưởng được Đảng, Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật. Dù sáng tác ở thể loại nào, những tác phẩm của ông cũng đều phục vụ nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó; là lời hiệu triệu để quân và dân ta quyết tiến với “Một ý chí bay qua đầu ngọn sóng/ Một niềm tin tất thắng trong trận này”.
Tâm hồn tuổi đôi mươi
Mùa xuân này, nhạc sĩ Doãn Nho đã bước sang tuổi 91 nhưng qua những lần gặp gỡ, trò chuyện cùng ông và những việc ông làm hằng ngày, chúng tôi dường như không thấy dấu vết tuổi tác ở ông. Ông vẫn rất minh mẫn khi giữ thói quen đọc báo, xem ti vi, cập nhật tin tức hằng ngày và có thể kể vanh vách những câu chuyện từ thời ông mới là “lính tò te”. Tâm hồn ông lúc nào cũng tươi trẻ, phơi phới niềm lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Ông có một trái tim tràn đầy khát khao được yêu, rung động trước cái đẹp. Dù cuộc đời đi qua 2 thế kỉ với biết bao sương gió, với những cuộc trường chinh, những lần “vào sinh ra tử” trong chiến trường ác liệt nhưng ông lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết. Bởi ông quan niệm, mỗi năm qua đi là tuổi của thời gian chứ không phải tuổi của tâm hồn, nhất là với một người sáng tác âm nhạc thì phải giữ nguyên cảm xúc tuổi đôi mươi và không bị chi phối bởi bất cứ điều gì.
Nhạc sĩ Doãn Nho
Xuân Giáp Thìn này, trong căn nhà nhỏ của nhạc sĩ Doãn Nho đã vắng đi bàn tay của người phụ nữ. Tuy vậy, mọi thứ vẫn rất ngăn nắp, gọn gàng. Hôm chúng tôi đến, ông đã sắm sửa cành đào, cành quất, trái bòng… Không khí xuân đã ngập tràn khắp căn nhà nhỏ của người nhạc sĩ lão thành. Quan sát những bức ảnh treo trên tường, chúng tôi hết sức ấn tượng với một chàng trai cao lớn, diện bộ quân phục nghiêm trang, ôm cây đàn vi-ô-lông nở nụ cười hồn hậu. Đứng bên cạnh chàng trai là một nữ ca sĩ quân đội xinh đẹp đang say sưa thả hồn mình trong từng giai điệu. Thấy chúng tôi quan sát khá lâu với ánh mắt tò mò, ông khẽ nói: “Đó là vợ chồng tôi những năm trong chiến trường. Chúng tôi đã “đồng cam cộng khổ”, “kề vai sát cánh” cùng nhau biểu diễn phục vụ bộ đội khắp các tuyến lửa ác liệt. Giữa lằn ranh sinh tử, chúng tôi chỉ biết dâng cho đời những lời ca, tiếng hát đẹp nhất những mong đó sẽ là “liều thuốc tinh thần” cho những người lính. Chỉ tiếc là… chúng tôi đã không còn được đồng hành cùng nhau nữa...
Câu chuyện của nhạc sĩ Doãn Nho đã nhắc nhớ chúng tôi đến với chương trình “Dưới lá quân kì” (do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức nhân kỉ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2019) đầy xúc động để tôn vinh nhạc sĩ Doãn Nho. Cuối chương trình, vợ chồng nhạc sĩ Doãn Nho nắm tay nhau bước lên sân khấu ca vang bài hát Tiến bước dưới quân kì bằng chất giọng hào sảng, khí thế cùng nhóm “ngũ lão” (gồm các Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Quang Thọ, Doãn Tần, Quang Huy và các Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Mạnh Tuấn, Dương Minh Đức) trên nền nhạc hợp xướng Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam, dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, dàn nhạc kèn Đoàn Nghi lễ Quân đội. Điều đặc biệt hơn nữa, người cầm đũa chỉ huy dàn nhạc hôm đó là người con trai duy nhất của ông bà - nhạc sĩ, NSƯT Doãn Nguyên (nguyên Trưởng Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam).
“Binh chủng thép” bằng… âm nhạc
Trong những sáng tác của nhạc sĩ Doãn Nho, người nghe thấy được tinh thần, lòng tự hào, ý chí tự tôn dân tộc và lòng yêu nước nồng nàn của người lính Cụ Hồ. Những chất liệu ông đem vào các tác phẩm của mình đã được tích lũy, rèn giũa ngay từ thời niên thiếu (năm 1944, lúc đó ông mới 11 tuổi) khi ông được phân công làm liên lạc, bảo vệ cơ sở cách mạng. Cơ duyên là căn nhà mà gia đình ông ở (làng Cót, Cầu Giấy, Hà Nội) từng là cơ sở hoạt động cách mạng, nơi đây đồng chí Vũ Oanh (sau là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Dân vận Trung ương) từng chủ trì cuộc họp bí mật của Việt Minh. Được những đảng viên đi trước dẫn đường, chỉ lối, ông đã tham gia tổ chức Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu do đồng chí Vũ Oanh làm Đội trưởng. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông lần lượt tham gia các đội tuyên truyền ở Bắc Giang, Vĩnh Yên rồi vào học tại Trường Lục quân Việt Nam (nay là Trường Đại học Trần Quốc Tuấn) và chính thức bước vào con đường binh nghiệp.
Cũng giống như nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhạc sĩ Doãn Nho từng là cựu học viên Trường Lục quân Việt Nam, được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật… Nhưng nếu nhạc sĩ Phạm Tuyên thành công với các ca khúc viết về Đảng thì nhạc sĩ Doãn Nho lại ghi dấu ấn với những ca khúc viết về người lính. Những ca khúc của ông ra đời đúng thời điểm đã mang sức mạnh “ngàn cân”, là “binh chủng thép” trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Như ca khúc Tiến bước dưới quân kì - một trong 10 ca khúc truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam và là bản nhạc không thể thiếu trong nghi lễ Thượng cờ tại Quảng trường Ba Đình. Ca khúc được ra đời năm 1958 khi ông đến thăm Di tích đồi A1 Điện Biên Phủ và xúc động trước sự hi sinh của đồng đội cũng như nghĩ về sự nối tiếp của người lính, hết thế hệ này đến thế hệ khác tiến bước dưới ngọn cờ của Đảng. Rồi khi trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt ở miền Trung, ông đã bắt gặp ý thơ hay của nhà thơ Hữu Thỉnh và cho ra đời ca khúc Năm anh em trên một chiếc xe tăng đầy hào hùng, máu lửa. Hay khi có dịp đi thực tế đến vùng đất Đồng Lộc huyền thoại, dựa trên câu chuyện về 10 cô gái thanh niên xung phong hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ và cuộc gặp gỡ đầy cảm động với Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân La Thị Tám, ông đã viết ca khúc Người con gái sông La bằng cả trái tim cảm phục, lòng biết ơn sâu sắc.
Nhạc sĩ Doãn Nho đã nhiều lần được gặp Bác Hồ, mỗi lần gặp lại là một kỉ niệm khó quên đối với ông. Năm 1966, trước khi đoàn văn nghệ sĩ vào chiến trường Tây Nguyên, Bác Hồ đã hướng dẫn đoàn cách mắc võng, giăng mùng, cách ăn uống thế nào để có đủ sức khỏe phục vụ chiến sĩ trong chiến trường. Lần cuối được gặp Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch, thấy Bác yếu quá, cả đoàn ai cũng xúc động, lặng đi, nhưng Bác thì cứ tươi cười, giục giã: “Kìa các chú, sao cứ yên lặng thế, hát lên chứ, múa đi chứ!”. Cũng chính từ tình cảm được bồi đắp trong những lần gặp Bác mà khi ở chiến trường Tây Nguyên, nghe lời thơ chúc Tết Mậu Thân năm 1968 của Người trên sóng phát thanh: Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta, ông đã sáng tác ca khúc Tây Nguyên mừng đón thơ Bác. Điều đặc biệt nhất của ca khúc là ở phần điệp khúc, ông đã khéo léo lồng vào lời thơ chúc Tết Mậu Thân năm 1968 của Người, đem lại không khí hào hùng, như một lời động viên tinh thần đầy tha thiết gửi tới đồng bào, chiến sĩ cả nước. Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, Tây Nguyên mừng đón thơ Bác lại được vang lên khắp các buôn làng và là một trong những ca khúc hay nhất về Bác Hồ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên suốt hơn nửa thế kỉ qua.
Sáng tác không được “Tây” hóa
Mặc dù nổi tiếng với nhiều ca khúc, thế nhưng nhạc sĩ Doãn Nho lại cho rằng, đó chỉ là thể loại “xung kích”, còn sự nghiệp của ông chủ yếu nằm ở các tác phẩm lớn, trong đó nổi bật là thanh xướng kịch Hoa Lư - Thăng Long: Bài ca dời đô (cùng với thanh xướng kịch Trẩy hội đền Hùng, liên khúc giao hưởng Chiến thắng và giao hưởng Khúc tưởng niệm) đã giúp ông vinh dự được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật. Một điều thú vị là nhân Đại lễ 1000 Thăng Long - Hà Nội, khi ở Ninh Bình công diễn vở thanh xướng kịch Ngàn năm nhớ về thuở ấy của người con cố đô Hoa Lư - nhạc sĩ Đinh Quang Hợp thì ở Hà Nội lại công diễn vở thanh xướng kịch Hoa Lư - Thăng Long: Bài ca dời đô của người con Hà Nội - nhạc sĩ Doãn Nho. Hai tác phẩm đều cùng một thể loại, đều hướng đến một sự kiện trọng đại của dân tộc, của Thủ đô nhưng được viết dưới góc nhìn, tâm thế khác nhau, thể hiện nỗi niềm, sự tự hào của hai người con ở “điểm đi” và “điểm đến” của kinh đô xưa.
Trước đó, liên khúc giao hưởng Chiến thắng đã được biểu diễn ngay trong lễ tốt nghiệp nhận bằng Tiến sĩ của nhạc sĩ Doãn Nho tại Nhạc viện Kiev (Liên Xô cũ). “Chiến thắng” chính là niềm khát khao đến cháy bỏng về nền hòa bình, độc lập của người con xa xứ. Liên khúc giao hưởng như một cuốn tiểu thuyết ngợi ca cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, xuyên qua không gian, thời gian khác nhau. Người xem cảm nhận được khí thế hừng hực “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” cho đến những cống hiến, hi sinh thầm lặng từ hậu phương, cả niềm vui vỡ òa trong ngày chiến thắng. Nhiều ca khúc nổi tiếng, những bài dân ca quen thuộc của Việt Nam đã được ông mượn giai điệu, phát triển lên một cách nhuần nhuyễn, uyển chuyển, tinh tế. Người Việt nghe giao hưởng Chiến thắng sẽ bắt gặp những giai điệu lạ mà quen của Cái cây xanh xanh/ Thì lá cũng xanh/ Chim đậu trên cành/ Chim hót líu lo… (Dân ca).
Tháng 12-2022, nhân kỉ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã quyết định dựng vở opera Bài ca tình yêu của ông - vở opera thứ bảy về người lính Cụ Hồ được công diễn ở Việt Nam. Đây cũng là vở opera đầu tiên ông viết dựa trên câu chuyện có thật trong giai đoạn từ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đến trước chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Viết về người lính trong chiến tranh nhưng ông không muốn khai thác ở khía cạnh nhuốm màu đạn bom, chết chóc mà muốn khai thác khía cạnh tình yêu của họ. Ông luôn trăn trở rằng opera là âm nhạc của phương Tây, viết cho người Việt nghe thì phải vận dụng dân ca của người Việt. Mặc dù là vở nhạc kịch nhưng ông đã khai thác những đặc thù rất riêng của nghệ thuật cải lương, tuồng, chèo, kết hợp giữa dân tộc và hiện đại để phù hợp với khán giả, nhất là khán giả trẻ.
Nhạc sĩ Doãn Nho luôn coi nhạc sĩ Đỗ Nhuận là người thầy của mình. Thời kì là học viên trường Lục quân Việt Nam, ông sáng tác bài hát Đào than được đơn vị hồ hởi đón nhận. Tuy nhiên, một lần nhạc sĩ Đỗ Nhuận vào thăm trường, nghe được bài hát này đã thẳng thắn chê bai: “Mày viết “Tây” quá!”. Sau này, tác giả của vở opera Cô Sao còn tiếp tục gợi mở cho nhạc sĩ Doãn Nho: “Để sáng tạo ra một thủ pháp mang cá tính riêng, phải ngấm dân ca với tất cả tâm hồn của mình cùng với nắm bắt tính độc đáo trong ngôn ngữ của từng vùng”. Chính vì điều đó, khi nhiều người tán dương Bài ca tình yêu, nhạc sĩ Doãn Nho khẳng định: “Toàn bộ vở Bài ca tình yêu từ kịch bản đến âm nhạc với tính cách các nhân vật thể hiện qua các trạng thái tình cảm “hỉ, nộ, ai, lạc” (mừng, giận, buồn, vui) đều nằm trong hướng đi, hướng sáng tạo mà tôi học được ở nhạc sĩ Đỗ Nhuận”.
Có thể nói hơn 90 năm cuộc đời, trong đó có gần 70 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng và tròn 80 năm “Tiến bước dưới quân kì” (tính từ thời điểm ông làm liên lạc, bảo vệ cơ sở cách mạng), nhạc sĩ Doãn Nho đã đi theo Đảng, làm cách mạng… bằng âm nhạc. Những tác phẩm âm nhạc của ông ra đời đúng thời điểm đã cổ vũ, động viên tinh thần của quân và dân ta trong những cuộc kháng chiến ác liệt nhất và hôm nay những tác phẩm đó vẫn vẹn nguyên giá trị...
KG
VNQD