Văn nghệ với người lính và thời cuộc – “tấc lòng” vì nước của GS.TS. Đinh Xuân Dũng

Thứ Hai, 02/12/2024 08:59

. LÊ PHONG

Năm 2020, GS.TS. Đại tá Đinh Xuân Dũng bước sang tuổi 75, cái tuổi thách thức thân thể, trí óc con người một cách ghê gớm. Vậy nhưng, gặp gỡ và trò chuyện với ông, chúng ta vẫn nhận thấy sự nhanh nhẹn, tinh anh và mẫn tuệ. Bằng chứng cho những hoạt động trí lực không biết mệt mỏi, một tinh thần tất cả vì đất nước, thời cuộc, khoa học, văn chương và người lính, ông đã hoàn thành công trình Văn nghệ với người lính và thời cuộc (Nxb Lao động, Hà Nội, 2018). Công trình này vinh dự nhận được giải A Văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng 05 của Bộ Quốc phòng (2020).

Nhìn một cách tổng quát, công trình Văn nghệ với người lính và thời cuộc của GS.TS. Đinh Xuân Dũng là một cuốn sách quan trọng, đặt ra và giải quyết nhiều vấn đề thuộc về lý luận và thực tiễn của văn hóa văn nghệ Việt Nam. Đó là kết quả nghiên cứu trong thời gian từ 2015 - 2018 của ông. Tuy nhiên, phải đặt các vấn đề được nêu lên trong sách vào lịch sử nghiên cứu hơn nửa thế kỷ của GS.TS. Đinh Xuân Dũng cũng như trong bối cảnh văn hóa, văn nghệ, khoa học xã hội nhân văn ở Việt Nam chúng ta mới nhận ra tính liên tục cũng như những suy tư hệ thống, chiến lược của tác giả. Một đời nghiên cứu với gần 30 đầu sách, tập trung vào các vấn đề: Hiện thực chiến tranh và sáng tạo văn học; văn hóa văn nghệ và đời sống Quân đội; công tác tư tưởng - văn hóa trong xây dựng Quân đội; Hồ Chí Minh về văn hóa văn nghệ; phát triển văn hóa trong thời kỳ đổi mới; quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa văn nghệ; văn học nghệ thuật trong việc thực hiện cương lĩnh 1991; văn hóa trong chiến lược phát triển của Việt Nam; văn học nghệ thuật đương đại; định hướng nội dung cơ bản của lý luận văn nghệ Việt Nam… có thể thấy Đinh Xuân Dũng đã dành trọn đời mình cho những vấn đề cốt yếu nhất, căn bản nhất, cần thiết nhất đối với đời sống văn hóa, văn nghệ Việt Nam. Công trình Văn nghệ với người lính và thời cuộc ra mắt lần này tiếp tục những suy tư bền bỉ, tâm huyết ấy của ông đối với đất nước.

GS. TS ĐINH XUÂN DŨNG.

Cuốn sách được chia làm hai phần: Phần 1 - Cảm nhận về Tổ quốc, đồng đội và văn nghệ. Phần 2 - Mấy suy nghĩ lý luận từ thực tiễn văn hóa văn nghệ. Bằng lối văn giản dị, không khoa trương lý thuyết hay trích dẫn kinh điển Đông Tây, GS.TS. Đinh Xuân Dũng gợi lên những vấn đề máu thịt nhất của đời sống con người, dân tộc, văn hóa văn nghệ Việt Nam. Ông bày tỏ lòng tự hào và niềm tin tưởng sắt son vào tiền đồ dân tộc bằng những suy tư trước truyền thống biết ơn tổ tiên nguồn cội (Mãi mãi hướng về cội nguồn). Đó là văn hóa cũng là hành trang để mỗi người dân Việt Nam vững bước hôm nay và mai sau. Đó là lòng biết ơn, tôn kính những người con nước Việt đã “hóa thân cho dáng hình xứ sở” (Tổ quốc và đồng đội). Đối với thực tiễn văn hóa văn nghệ Việt Nam, chú tâm đến “Công tác tư tưởng - văn hóa trong quân đội với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, ông nêu lên ba nhân tố cần đặc biệt lưu ý: “đặc điểm khách quan của một giai đoạn lịch sử”; “yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn đó”; “đặc điểm của đối tượng” như là trụ cột của công tác tư tưởng văn hóa, nhất là trong Quân đội. Phân tích những hạt nhân này, ông chỉ ra “đối tượng công tác tư tưởng - văn hóa trong Quân đội … đang có những biến đổi, biến động rất cơ bản” gắn với thực tiễn đất nước. Từ đó, nhiệm vụ thiêng liêng lúc này là “bảo vệ Tổ quốc”, “kiên trì, kiên quyết đối mới sâu sắc, toàn diện và đồng bộ”, “sáng tạo và phát triển”. Giải pháp để thực hiện nhiệm vụ này là “nâng cao bản lĩnh, trình độ chính trị”, “gắn chặt nhận thực chính trị với tình cảm cách mạng”, “năng lực trí tuệ, định hướng hành động”, “trình độ đấu tranh về mặt lý luận”, “phương thức đấu tranh phi vũ trang”, “phát triển kiểu mẫu nhân cách Bộ đội cụ Hồ”, “bảo vệ bằng được các giá trị của tình đồng đội, bạn chiến đấu, tính dân chủ và kỉ luật nghiêm minh”. Trong công trình tâm huyết của mình, nghĩ về Bộ đội cụ Hồ, ông nhận ra đó là một “danh hiệu”, một “vinh dự lớn” đối với người chiến sĩ nhân dân. Từ đó, Đinh Xuân Dũng phân tích, làm sáng rõ những phẩm chất cao quý của Bộ đội cụ Hồ, đặt trong tương quan dài rộng của lịch sử quân sự Việt Nam. Vẫn trong những bài viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, Đinh Xuân Dũng đi sâu vào các vấn đề cụ thể như: tiểu thuyết những năm chống Mĩ cứu nước (1964 - 1975), văn học miền Nam trong lòng miền Bắc thời kì chống Mĩ, văn hóa văn nghệ trong tầm nhìn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, về tầm vóc quân sự và văn hóa của “lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn, về bản lĩnh nhà văn Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung… Ở vấn đề nào ông cũng đều viết bằng trải nghiệm thực tế, bằng tình cảm gắn bó mật thiết và sự suy tư cặn kẽ. Có lẽ vì thế, những trang viết của ông đằm thắm, nghĩa tình, chạm đến tình cảm người đọc.

Trọng tâm phần 2 của cuốn sách là các vấn đề lý luận đúc rút từ thực tiễn văn hóa văn nghệ Việt Nam. Thực sự, nếu nhìn vào hệ vấn đề mà ông quan tâm, bao quát và nêu lên, chúng ta có thể hình dung đó là những vấn đề trọng yếu nhất của văn hóa văn nghệ Việt Nam hiện nay. Ông chỉ ra 6 sự biến đổi, có tính căn bản, nổi bật của Việt Nam từ sau 1975 như sự dịch chuyển trạng thái xã hội, mô hình kiến thiết đất nước, mô hình thể chế, mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chiến lược ngoại giao… (Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam). Ông thẳng thắn chỉ ra “Rơi vào chủ nghĩa thực dụng kinh tế và hạ thấp vai trò của văn hóa là một sai lầm lớn”. Cũng trong cụm vấn đề trọng yếu về việc “nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ”, ông khẳng định, Đảng lãnh đạo văn hóa văn nghệ trên tinh thần thấu hiểu, đồng cảm, yêu quý văn hóa văn nghệ, có tầm nhìn xa đối với chiến lược phát triển hình thái ý thức đặc thù này. Về vấn đề toàn cầu hóa gắn với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Đinh Xuân Dũng cũng nêu lên vai trò của “sức mạnh nội sinh” và “năng lực tiếp nhận”, đặt ra đòi hỏi về khả năng “chọn lọc” và thích ứng các giá trị bên ngoài đối với truyền thống, bản sắc Việt Nam. Đinh Xuân Dũng nhận thấy “hai cặp giá trị văn hóa cần cho hôm nay” đó là những thế mạnh đáng tự hào, đồng thời là ý thức được những điểm còn yếu, còn cần phải nỗ lực để vươn lên trong tiến trình hội nhập của đất nước. Các vấn đề quan trọng khác như đào tạo và phát triển đội ngũ lý luận phê bình đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đất nước, về sự vận động và những “ẩn số” của văn học nghệ thuật đương đại, về nội hàm của khái niệm “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, về vai trò của xuất bản trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, về chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn,… cũng được Đinh Xuân Dũng bàn thảo rốt ráo, tâm huyết trong các bài viết của ông. Điều nhận thấy là, dù với vấn đề nào, lý luận hay thực tiễn, Đinh Xuân Dũng cũng luôn soi chiếu bằng cái nhìn nhiệt huyết, xây dựng, trăn trở không nguôi. Bởi thế, dù là khái quát lý luận từ thực tiễn, nhưng người đọc không có cảm giác khô khan, giáo điều.

Công trình Văn nghệ với người lính và thời cuộc của GS.TS. Đại tá Đinh Xuân Dũng là một cuốn sách giá trị, hữu ích trên cả lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn và quản lý văn hóa văn nghệ. Cuốn sách này cho thấy tinh thần làm việc, cống hiến của một trí thức, một nhà quản lý văn hóa văn nghệ, một trái tim người lính (Bộ đội cụ Hồ), một “tấc lòng” công dân yêu nước, vì nước.

LP

 

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất