Lớp học mùa mưa năm ấy

Thứ Hai, 11/09/2023 15:29

. NGUYỄN TRỌNG LUÂN
 

Có một dạo, khoảng đầu mùa mưa năm 1974, ở Trung đoàn 64 F320 của tôi đang chiến đấu ở Gia Lai thì có một lớp “tập huấn” thật đặc biệt. Gọi là lớp tập huấn chứ thực ra đó là lớp học ngắn ngày chừng 2 tháng cho những chiến sĩ chưa biết chữ của các đơn vị. Lớp này do Ban Tuyên huấn Trung đoàn quản lí và thực hiện. Sở dĩ lớp tập huấn này khai giảng vào mùa mưa vì mùa này ít tác chiến hơn. Cũng thời gian ấy tôi được điều lên chép sử cho tuyên huấn trung đoàn một tháng. Ở Ban Chính trị thì xếp hạng nhất là các trợ lí cán bộ, tổ chức rồi sau mới đến bảo vệ… tuyên huấn. Tuyên huấn là hầm bà làng các công việc, nào là câu lạc bộ, viết lách, nhạc, hoạ, văn hóa văn nghệ động viên chiến sĩ… Tóm lại ở đó tụ hội nhiều anh tài nhưng không có chức sắc.

Minh hoạ: Hà Anh

Ở chiến trường có câu vui của bộ đội Cứ vui như đời “thằng mục” là thế. Tôi được ở cùng với các anh phụ trách lớp là những giáo viên nhập ngũ tháng 9 năm 1972, gồm các anh: Lê Hoả dạy toán nguyên là Hiệu phó Cấp 3 Hạ Hoà, Phú Thọ; Phạm Hoài Thuỷ giáo viên văn nguyên là giáo viên trường Cấp 3 Trần Phú, Vĩnh Yên; Nguyễn Đức Vận dạy địa lí của Cao đẳng Sư phạm Phú Thọ. Ở bếp ăn trung đoàn bộ, họ gọi các anh ấy là “mấy anh văn hóa” mà hầu hết các anh “văn hóa” đều hiền lành và tốt tính. Tôi hay xuống chỗ lớp học chơi với các anh vì đại đội tôi có 2 người là học viên tham gia lớp ấy.

Nghĩ cũng tài thật, chiến dịch liên miên đánh nhau thí xác mà các chỉ huy vẫn nghĩ ra cái việc dạy chữ cho bộ đội ta trong rừng. Về sau tôi cứ hay lẩn thẩn nghĩ, sao các ông ấy lại có tầm nhìn xa đến vậy. Một thời cách mạng Việt Nam bao nhiêu kì tích mà lịch sử không ghi chép lại được thật là có lỗi với con cháu sau này.

Nói về hai người của đơn vị tôi được đi tập huấn hồi ấy.

Người đầu tiên là anh Vũ Xuân Canh người Thạch Thất, Hà Tây. Anh Canh nhập ngũ tháng 3 năm 1967, đang là Trung đội phó. Ở đại đội của tôi, hàng ngũ cán bộ B thì anh Canh là loại cứng. Thứ nhất anh Canh rất dũng cảm và sức anh rất khỏe. Thứ nhì anh ấy thương yêu lính, luôn nhận phần khó về mình và cái mà tôi nể anh nhất là anh luôn khiêm tốn trước lính. Đánh trận với anh Canh thì khỏi nói, trong tác chiến anh ấy thông minh, xông xáo nhưng không liều lĩnh. Tuy vậy anh Canh mãi mãi ở cái chân B phó vì… không biết chữ. Lên đến B trưởng là phải đọc nghị quyết triển khai công việc trên giấy tờ kế hoạch, chứ đâu phải chuyện tính nhẩm mà xong.

Người thứ hai cùng trang lứa tôi tên là Lượng, người Vĩnh Bảo. Tên là Lượng mà nó lại không hiểu trọng lượng là gì. Những lúc rảnh rỗi tán phét chúng tôi hay hỏi là tại sao Lượng không đi học. Thấy chúng tôi hỏi thế, nó buồn, mãi sau mới nói: “Nhà tao nghèo quá, bố mẹ tao cũng muốn cho tao đi học lắm chứ, nhưng nhà đông con lo ăn còn chả đủ... Chắc bố mẹ chỉ thèm muốn cho tao đi học nên đặt tên tao là Học. Bọn bạn cùng xóm đi học về qua ngõ nhà tao hay réo lên, thằng Học mà không đi học. Tao khóc bắt bố đổi tên. Bố tao đổi ra thằng Lượng. Khổ thật!” Có thằng còn hỏi: “Không biết chữ thế mà mày lại đi bộ đội?” Nó trả lời: “Thì tao cũng nói tao không biết chữ đấy chứ, thế mà trên huyện vẫn cho đi. Đi thì đi, chúng mày đi được tao cũng đi được chứ sao!” Ở đại đội chả mấy ai nhớ cái chuyện thằng nào nhiều chữ, thằng nào ít chữ làm gì, tất cả bằng nhau tuốt. Trước cái chết, sự oai vệ, lòng dũng cảm, tình yêu nước, trình văn hóa nó công bằng vô cùng. Nó càng công bằng hơn cho những người khi cầm súng trước quân thù. Thằng Lượng lầm bầm: “Nhiều hay ít chữ cứ vào trận là khắc biết.” Một lần các anh văn hoá phụ trách lớp bảo tôi: “Hôm nay anh Vận sốt rét, nhờ Luân dạy hộ mấy buổi đi.” Tôi đang rỗi việc, vả lại cũng khoai khoái lớp học này nên đồng ý liền. Tôi vào lớp. Cái lớp học dưới một căn nhà âm của C26 (đại đội an dưỡng cho lính ốm yếu đi viện về ở gần làng Ngo Lê do anh Thái Doãn Thời người Nghệ An làm Đại đội trưởng) rộng đến 40 mét vuông. Hai chục học viên đứng lên chào như một lớp học ngoài Bắc. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy tôi oai và xúc động đến vậy. Tôi nhìn thấy anh Canh B phó của tôi và thằng Lượng cùng tiểu đội mặt mày rạng rỡ. Anh Canh, rồi thằng Lượng há hốc mồm nhìn thằng lính cùng đại đội đang làm thầy... là tôi. Tôi dạy cả toán lớp ba, rồi cả văn, cả chính tả. Không biết các anh ấy soạn chương trình kiểu gì mà mới gần hai tháng ai cũng viết chữ rất tốt, làm toán rất cừ. Và đặc biệt ai cũng thích học văn học. Về sau tôi cứ hay tự hỏi, vì sao thế hệ những người chống Mĩ, chống Pháp khi xưa yêu văn chương nghệ thuật đến thế. Rồi cứ tự mà trả lời, văn chương nghệ thuật là thuộc tính của con người, càng khổ đau càng khó khăn bao nhiêu thì sự khao khát văn chương càng lớn bấy nhiêu. Nó giải tỏa và giúp con người ta vượt lên số phận để chống lại mọi nỗi khổ đau.

Mùa mưa, rừng Tây Nguyên rỉ rả. Thỉnh thoảng pháo địch bắn qua u ú. Tôi đọc bài thơ Bầm ơi rồi giải thích những là tình thương yêu của con trai, nào là tình yêu cha mẹ biến thành tình yêu Tổ quốc, tình yêu đồng loại. Những khuôn mặt khắc khổ dạn dày khói súng ngồi im thin thít, mặc cho thỉnh thoảng đại bác địch lại vi vút rơi gần đó. Trời xui quỷ khiến, lan man tôi lại nói về thơ Nguyễn Bính lúc nào không hay. Tôi đọc và phân tích theo cách hiểu của tôi về bài Lỡ bước sang ngang. Đang đọc, tôi bỗng im bặt vì thấy có anh trong lớp khóc. Tự dưng tôi bỗng thông minh ra, hiểu rằng nhiều anh ngồi đây đã có vợ và đang rất nhớ vợ ở nhà. Vèo cái đã hết chiều. Tối ấy, tôi đang ăn cơm với các anh giáo viên và ngủ ở lớp C26 thì thấy anh Canh ngó vào nhà giáo viên: “Thưa thầy cho em gặp anh Luân… à à… thầy Luân.” Tôi chui ra, anh kéo tôi: “Thầy ra đây tôi bảo.” Tôi ngượng quá, anh ấy cứ lôi xềnh xệch tôi về hầm của anh. Hoá ra chiều ấy các anh kiếm được cái hoa chuối, dành dụm từ đời nảo đời nào hộp thịt lấy được của địch để nấu nồi canh thơm phức. Anh bảo, về đây ăn cùng với lính tiểu đoàn mình. Anh gọi tôi là thầy. Thằng Lượng lúc thì mày tao lúc thì thầy bà. Tôi bảo anh, đừng gọi thế nghe kinh bỏ mẹ. Anh Canh cười: “Thầy ra thầy trò ra trò chứ. Chú dạy chữ cho anh thì rõ ràng chú là thầy anh rồi.” Tôi sững người nhìn anh rồi nhớ mãi, nhớ mãi cái câu anh nói trong rừng Tây Nguyên mùa mưa năm ấy. Mãi sau này thấy thiên hạ hay nhắc câu Thầy ra thầy trò ra trò. Câu nói của người anh ít chữ năm xưa cứ như nói riêng cho chúng tôi vậy, nói cho những người còn sống đến bây giờ.

Lớp học kết thúc. Học sinh tuốt tuột được lên lớp bằng cái chứng chỉ “Về đơn vị chiến đấu”. Cái chứng chỉ bé bằng tay đóng dấu trung đoàn 64. Khi đi học về anh Canh được đề bạt B trưởng. Hai tháng sau, tháng 12 năm 1974 trong lúc đánh bọn e53 nống ra đường 21 để hành quân đi Pờ Lei Me thì anh Canh hi sinh. Mũi của anh đang đột phá thì một chiến sĩ vướng phải một quả US. Anh Canh nhào tới chụp quả lựu đạn ném đi nhưng không kịp. Một mình anh hứng trọn quả lựu đạn tai ác. Chiều ấy đưa xác anh về, cả lồng ngực bay mất. Thằng Lượng khóc hu hu. Chúng tôi ai cũng nghẹn tắc cổ họng nhìn thi thể trung đội trưởng chỗ còn, chỗ mất. Không lâu sau đấy thằng Lượng cũng hi sinh hôm đánh Tuy Hoà ngày 31/3/1975. Lúc hi sinh ba lô của Lượng vẫn còn lá thư nó viết nắn nót cho bố mẹ trên đường 7 mà chưa kịp gửi. Mộ của Lượng bây giờ ở nghĩa trang Phú Lâm, cái nghĩa trang ấy sao mà nhiều hoa cỏ may đến thế!

Bốn chục năm sau. Cái lớp học rất đặc biệt ở phía nam đường 19 Gia Lai ấy có còn ai nhớ lại và còn những ai đang sống ở đâu đó? Trong lớp học ấy có bao nhiêu người đã hi sinh? Những học trò lớp học ấy có ai trưởng thành nên ông này ông nọ? Chẳng ai dụng công tìm kiếm thống kê làm chi. Sự học ở lính không chỉ ở nguyên cái chữ, ở câu thơ, bài tập đọc hay sự hoạt ngôn, hoặc con tính nhẩm. Sự học của người chiến sĩ ở đạo làm người, đức hi sinh, lòng dũng cảm và chí khí chiến đấu mà trước hết là tình yêu thương con người. Sự học ở lính là trách nhiệm với đời, với vận mệnh của đất nước lúc lâm nguy. Như tôi đây, được học nhiều hơn anh Canh và thằng Lượng, mà câu nói của anh Canh năm ấy tôi đâu có nghĩ được và đâu có làm được như anh ấy. Nghe anh nói mà mình cứ tưởng mình mới là học trò của anh. Lại đến một ngày gọi là 20 tháng 11, nhớ anh và đồng đội, nhớ những thầy cô dạy dỗ tôi nên trò ngoan nên người, nhớ những đồng đội trong bom trong đạn bỗng thấy mình trở lại là học trò.

Suy cho cùng chúng tôi - những người lính sống sót trở về - cũng chỉ là kẻ ăn may và vay nợ. Chúng tôi vay nợ các thầy cô giáo ngày xưa. Vay nợ đồng đội, các anh, những người đã hi sinh để chúng tôi trở về đó thôi.

N.T.L

VNQD
Thống kê