Cuốn sổ tay đặc biệt của liệt sĩ Vũ Văn Dậu

Chủ Nhật, 26/12/2021 00:06

. TIỂU LINH

Trong quá trình tìm kiếm thông tin của các liệt sĩ hi sinh xuân Mậu Thân 1968 hỗ trợ chương trình Đi tìm đồng đội, nhóm tình nguyện viên đã tìm được bản chụp cuốn sổ tay của liệt sĩ Vũ Văn Dậu với rất nhiều thông tin hữu ích. Xác định đây là di vật đặc biệt của liệt sĩ nên nhóm đã tìm thông tin thân nhân và trao lại cho họ món quà ý nghĩa này.

Cuốn sổ đặc biệt

Cuốn sổ do phía Mĩ thu dung được trong một trận đánh và được chụp lại toàn bộ, lưu tại Trung tâm Việt Nam và lưu trữ, Đại học Texas, Hoa Kì. Cuốn sổ tay với đầy đủ thông tin của chủ nhân là Vũ Văn Dậu, quê ở Tân Dân, Nông Cống, Thanh Hóa. Ngoài ra, còn có thông tin của bà Trần Thị Bé và chị Vũ Thị Mùi - là vợ và con gái của liệt sĩ. Ngay từ đầu cuốn sổ, liệt sĩ Vũ Văn Dậu đã cho thấy hình ảnh người lính Cụ Hồ kiên cường bất khuất, luôn hướng về con đường duy nhất là cách mạng: “Đối với thanh niên, không gì say sưa bằng làm cách mạng, không gì tự hào và hứng thú bằng hi sinh và chiến đấu cho cách mạng”; “Làm cách mạng mà không xuýt xoa, run rẩy, vượt qua bao giông tố, bão táp để đi tới thắng lợi hoàn toàn mà cứ chờ đến lúc đất nước được thanh bình, hoa đã cười, chim đã hót, lúc đó mới ra tay vùng vẫy thì có khác nào như chim én nhạn mùa đông muốn bay mà không cất cánh”… Trong một trang khác, ông viết: “Cách mạng trao tôi cho tôi và tôi nguyện làm một người quân nhân trung thành quyết giữ gìn toàn vẹn tài sản của cách mạng”.

Lần giở từng trang của cuốn sổ, tôi đọc được rất nhiều chia sẻ của một người lính trong những năm tháng chiến tranh ác liệt: “Dũng cảm trong lửa đạn có lẽ dễ hơn dũng cảm bền bỉ trong nắng gió dãi dầm. Bây giờ tôi mới hiểu rằng cái lửa âm ỉ của mặt trời đòi hỏi sức chịu đựng của da thịt. Còn cái lửa nghìn độ của chiến trận thử thách sức mạnh của trái tim, người chiến sĩ phải tôi luyện trong cả hai thứ lửa ấy”.

Từ cuốn sổ tay, chúng tôi có được thông tin về liệt sĩ Vũ Văn Dậu. Ông từng là Tổ trưởng Đặc công Tiểu đoàn 252 Đặc công Thủy, đây là đơn vị thực hiện nhiệm vụ bám đánh các sông thuộc hệ thống sông Sài Gòn. Với một người lính, việc giữ gìn các đồ cá nhân khi tham gia trận đánh đã khó khăn nhưng với người lính đặc công thủy thì còn khó khăn gấp bội phần. Khi nhận nhiệm vụ, toàn bộ quân tư trang hay kỉ vật đều để lại đơn vị. Thế nhưng không hiểu bằng cách nào đó, liệt sĩ Vũ Văn Dậu đã mang theo mình, để rồi khi ngã xuống, cuốn sổ đã được phía Mĩ thu dung ở gần sân bay Tân Sơn Nhất.

Là một trong những người chuyên tìm kiếm thông tin liệt sĩ Việt Nam từ hồ sơ và tư liệu Mĩ, anh Phạm Ngọc Phúc ở Đồng Nai chia sẻ: “Khi tìm kiếm thông tin các liệt sĩ ở Thư viện Đại học Texas, tôi thấy rất nhiều giấy tờ quan trọng của các liệt sĩ như giấy lấy gạo, quyết định thăng cấp, thư, ảnh… Tuy nhiên, khi tìm được cuốn sổ của liệt sĩ Vũ Văn Dậu, tôi rất xúc động bởi tôi đọc thấy tình cảm của một chiến sĩ cách mạng với tình yêu quê hương đất nước, hi vọng vào tương lai, vào hòa bình… Chính vì vậy mà tôi muốn tìm và gửi lại cho gia đình. Tôi cũng hi vọng cuốn nhật kí sẽ lan tỏa được với các bạn trẻ tình yêu quê hương đất nước của một chiến sĩ đã hi sinh xương máu của mình để bảo vệ Tổ quốc”.

Ngay khi nhận bản chụp cuốn sổ tay của liệt sĩ Vũ Văn Dậu, tôi đã gõ lại toàn bộ các trang viết của ông, sau đó in thành một cuốn sách nhỏ. Ngoài ra, tôi cũng chủ động liên hệ Ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa nhờ tìm kiếm thân nhân liệt sĩ.

Cuộc gặp cảm động

Đối với mỗi gia đình có người thân ra trận, may mắn thì còn giữ lại được vài bức thư còn hầu hết chẳng có tin tức gì. Chính vì vậy, những di vật sưu tầm được sau chiến tranh của một liệt sĩ đều là kỉ vật vô giá với người thân. Và với những người làm công tác chính sách quân đội, ai cũng hiểu rất rõ vấn đề này.

Khi tôi gọi điện thoại cho Trung tá Nguyễn Văn Tuấn (nguyên Trưởng ban Chính sách - Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa) nhờ các đồng chí ở Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ tìm kiếm người thân của liệt sĩ Vũ Văn Dậu, đồng chí Tuấn đã sốt sắng chỉ đạo các anh em ở Ban Chính sách tìm càng sớm càng tốt. Và chỉ 2 ngày sau, chúng tôi đã tìm được người thân của liệt sĩ ở xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa; điều đặc biệt là vợ và con gái liệt sĩ Vũ Văn Dậu vẫn sinh sống tại quê nhà.

Ngày chúng tôi được Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa đưa về quê của liệt sĩ, thật cảm động khi nhìn thấy người vợ của ông đã gần 80 tuổi chống gậy ra đầu làng đón. Khi nhìn thấy những dòng chữ quen thuộc của chồng, bà Trần Thị Bé đã không nén được lòng mình, ôm lấy cuốn sổ mà run lên bần bật. “Ông ấy đi năm 1966 khi tôi vừa sinh cái Mùi được 1 tháng. Lúc nhập ngũ, hai chúng tôi còn ngoắc tay nhau và thề nguyện; tôi bảo ông ấy cứ yên tâm lên đường, ở nhà tôi sẽ thay ông ấy chăm sóc cha mẹ, người thân. Còn ông ấy thì dặn tôi ở nhà cố gắng nuôi con, thống nhất anh về. Thế mà… thống nhất rồi có thấy ông ấy về đâu…” - bà Bé nói trong nước mắt.

Cũng trong cuộc trò chuyện hôm ấy, chị Mùi tìm lại cho chúng tôi những bức thư của bố. Trong lá thư cuối cùng đề ngày 27/10/1967 có những lời lẽ đầy xót xa: “Và có lẽ… lá thư cuối cùng này, anh mong em hiểu cho anh… Bé nuôi con em nhé! Anh không biết nói gì với Bé lúc này, chỉ biết chúc em mạnh khỏe, nuôi con khôn lớn, nếu có điều kiện về thăm thầy mẹ, xin lỗi thầy mẹ hộ anh. Còn anh, chỉ có hẹn ngày thống nhất thôi… nếu không may… thì em… đừng quên anh nhé…”.

Đó là những lời cuối cùng mà liệt sĩ Vũ Văn Dậu gửi lại cho người vợ thân yêu của mình, để rồi sau đó, ông ngã xuống ở cửa ngõ Sài Gòn năm 1968; cuốn nhật kí đặc biệt của ông đã được phía Mĩ thu dung sau trận đánh. Chị Mùi bảo rằng, bố chỉ gửi cho mẹ 2 lá thư, mẹ giữ như bảo vật trong chiếc hộp gỗ, đọc đi đọc lại thuộc từng cái dấu chấm, dấu phẩy trong thư, với mẹ đó là kỉ vật thiêng liêng còn lại của bố.

Cuộc tìm kiếm vẫn tiếp tục

Theo hồ sơ lưu tại Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa thì trước khi hi sinh, liệt sĩ Vũ Văn Dậu là quân số của đơn vị J16 Đặc công; ông hi sinh ngày 26/2/1969 tại căn cứ Đồng Dù. Theo các tài liệu chúng tôi thu thập được thì đêm 26/2/1969, Tiểu đoàn Đặc công 3 của J16 và Tiểu đoàn 28 Đặc công của Sư đoàn 7 cùng tham gia tập kích căn cứ Đồng Dù. Sau trận đánh, cả hai phía đều hi sinh rất nhiều. Trong tư liệu phía Mĩ giải mật sau này thì sau trận đánh, Mĩ bắt được 8 tù binh và có 31 chiến sĩ giải phóng hi sinh. Trong danh sách 8 tù binh, không có ai tên là Vũ Văn Dậu nên rất có thể ông là 1 trong 31 chiến sĩ đã hi sinh. Hơn 50 năm qua, khu căn cứ Đồng Dù vẫn luôn được các cơ quan quân sự tìm kiếm nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả bởi khu vực này có diện tích lớn, việc tìm kiếm vô cùng khó khăn.

Hai năm kể từ ngày trao tặng lại cuốn sổ tay của liệt sĩ Vũ Văn Dậu, những tình nguyện viên vẫn tiếp tục tìm kiếm bản gốc nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Trong mùa đoàn tụ tháng 7 này, anh Phạm Ngọc Phúc đã gửi cho chúng tôi những dòng tâm sự vô cùng cảm động: “Hai năm kể từ khi tìm thấy bản chụp cuốn sổ tay của bác Dậu, tôi vẫn trăn trở khôn nguôi về việc tìm bản chính. Ngoài việc tìm ở Thư viện Đại học Texas, tôi cùng với các bạn bè của mình liên hệ các cựu binh Mĩ từng tham chiến ở Việt Nam hỗ trợ kết nối với các cựu binh với hi vọng tìm thấy bản gốc để gửi tặng gia đình liệt sĩ. Tôi nghĩ rằng, điều đó sẽ phần nào giúp họ vơi bớt mất mát sau cuộc chiến”.

T.L

VNQD
Thống kê