Cuba ở Trường Sơn

Thứ Sáu, 18/06/2021 10:37

. NGUYỄN HỮU QUÝ
 

5 giờ 30 phút ngày 11/12/2020, Đại tá Trần Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam điện cho tôi. “Chuẩn bị nhé, 30 phút nữa chúng tôi sẽ đến đón nhà thơ đi Đa Krông”. Theo kế hoạch, lãnh đạo Hội cựu binh từng chiến đấu công tác trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại sẽ tổ chức khánh thành bia lưu niệm đoạn đường Đông Trường Sơn do bộ đội Việt Nam và chuyên gia, công nhân Cuba xây dựng trong hai năm 1974 - 1975.

Đường Trường Sơn trong những năm chiến tranh

Quốc lộ 9 mờ sương trong cái lạnh se se đầu đông. Con đường nổi tiếng thời chiến tranh chống Mĩ nay thành hành lang kinh tế Đông Tây nối Việt Nam - Lào - Thái Lan qua cửa khẩu Lao Bảo xe cộ ngược xuôi nhộn nhịp. Hòa bình rồi nhưng trên mảnh đất Quảng Trị còn lưu lại không ít dấu tích chiến tranh mà ta có thể kể ra ngay như cầu Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc, đảo Cồn Cỏ, Thành Cổ, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn… Có lẽ chưa nơi nào nhiều nghĩa trang liệt sĩ với số lượng người hi sinh trong chiến tranh lớn như ở đây. Chỉ tính riêng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn đã có trên 10 nghìn người từng là bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến có mặt trên tuyến đường Hồ Chí Minh những năm đánh Mĩ khốc liệt. Họ ngã xuống giữa tuổi thanh xuân trở thành bất tử trong tâm tưởng của đồng đội và nhân dân. Không ai khác, chính sự hi sinh của những người lính, người dân ấy đã dựng nên những đỉnh Trường Sơn tâm linh trong bát ngát sắc xanh bồ đề, mỗi tia nắng giọt mưa tiếng chim nơi thượng nguồn sông Bến Hải mang những thầm thì khuất vắng nhưng quá đỗi thiêng liêng. Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn/ Mười nghìn lời ca trong bài ca lớn/ Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/ Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta/ Mười nghìn con đò thương về bến đợi/ Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa… Tôi đã nghe những thầm thì kì lạ như thế trong cái đêm thao thức ở trại viết Văn nghệ quân đội vào mùa hạ năm 1996 tại Đồ Sơn để bật dậy chép thành bài thơ Khát vọng Trường Sơn. Trên đường lên Đa Krông, Đại tá Trần Văn Phúc nhắc lại với tôi về bài thơ này, anh nói thêm: “Nhà thơ đã nói được cái tình Trường Sơn của anh em đồng đội, những người hi sinh và những người đang sống đều chung như thế”.

Nói sao hết được về Trường Sơn, cả anh hùng kì tích và mất mát đau thương. Không phải vô cớ mà thế giới cũng kinh ngạc và khâm phục về đường mòn Hồ Chí Minh. Con đường được sự chở che của Đức Phật như nhà báo Pháp từng nói, vào thời Việt Nam chống Mĩ. Trong những người nước ngoài yêu Việt Nam, Fidel Castro là số 1. Vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Cuba, người bạn thân thiết của nhân dân ta có câu nói bất hủ: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Ngày 15/9/1973, Fidel lừng lững trong bộ quân phục màu xanh ô liu quen thuộc đến cao điểm 241 (Cam Lộ, Quảng Trị) còn ngổn ngang dấu tích chiến cuộc, phất cao lá cờ của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam. Lời Chủ tịch dõng dạc: “Các đồng chí hãy đem lá cờ bách chiến bách thắng này cắm giữa Sài Gòn”. Một hình ảnh đẹp lưu lại lâu dài trong lòng người dân hai nước Việt Nam - Cuba anh em. Fidel coi cuộc kháng chiến chống giặc Mĩ xâm lược của dân tộc ta như là nhiệm vụ của Cuba. Vì thế, ta không lấy làm lạ khi chính phủ và nhân dân nước bạn đã hết lòng ủng hộ Việt Nam trong những tháng năm chống Mĩ. Từ năm 1965, Fidel đã khẳng định: “Lập trường của chúng ta chỉ có một. Đó là: phải dành cho Việt Nam tất cả sự hỗ trợ cần thiết! Phải hỗ trợ bằng cả vũ khí và con người”. Ngày 26/7/1966, tại quảng trường Cách mạng Jose Marti trước hàng nghìn đồng bào mình, Fidel nói: “Chúng ta cũng dành cho nhân dân Việt Nam câu khẩu hiệu của chúng ta đang được họ thực hiện một cách mẫu mực và xứng đáng: Tổ quốc hay là chết! Chúng ta nhất định thắng!”

Với Fidel, nói và làm luôn song hành. Ông yêu Việt Nam hết mực và cũng sẵn sàng làm cho Việt Nam hết mình. Năm 1967, giữa lúc chiến tranh diễn ra ác liệt, một đoàn cán bộ Cuba được cử sang Việt Nam và những người anh em được Fidel rất tin tưởng ấy đã bí mật vào Trường Sơn để khảo sát nghiên cứu thực địa tuyến chi viện chiến lược này. Bí mật, bí mật và bí mật. Vâng, đấy là nguyên tắc đầu tiên được quán triệt trong cả bạn và ta. Không để bất cứ điều gì bị lộ ra, đoàn cán bộ quân sự của bạn cũng phải lấy danh nghĩa là đoàn chuyên gia nông nghiệp và mang tên Gia đình Lê, gồm năm sĩ quan do một cựu chiến binh Quân khởi nghĩa chỉ huy. Trường Sơn đông nắng tây mưa, không ngày nào ngớt bom rơi đạn nổ đón Gia đình Lê. Được tận mắt chứng kiến những người lính Trường Sơn “xẻng tay mà viết nên trang sử hồng”, các bạn Cuba vô cùng khâm phục. Bản lĩnh, khí phách, tâm hồn của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến lay động mạnh mẽ trái tim của những người lính cách mạng đến từ bên kia bán cầu. Hình như không còn ngăn cách, ranh giới nào nữa giữa ta và bạn, tất cả hòa vào nhau như anh em ruột thịt trong một gia đình cách mạng rộng lớn.

Từ những lối mòn len lỏi giữa âm u đại ngàn của thời “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, tuyến đường Hồ Chí Minh bước sang giai đoạn thi công bằng cơ giới, với nhiều trục nhánh khác nhau kết nối lại thành hệ thống giao thông chiến lược trên trùng điệp Trường Sơn. Tuy vậy, để thực hiện trọn vẹn khát vọng của Bác Hồ kính yêu “Đánh cho Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào”, chúng ta không thể không nâng cao hệ thống đường Hồ Chí Minh. Ý tưởng Việt Nam được sự đồng thuận tuyệt đối của Cuba. Sau chuyến thăm Việt Nam tháng 9/1973, Chủ tịch Fidel thông báo với Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng và Chính phủ Cuba về yêu cầu của Việt Nam và được nhất trí hoàn toàn. Liền sau đó, hai công trình sư giàu kinh nghiệm của Cuba tập trung nghiên cứu kĩ các yêu cầu của Việt Nam rồi bay sang Hà Nội. Bộ Tư lệnh Binh chủng Công binh trực tiếp trao đổi với các công trình sư về việc tổ chức các đơn vị cầu đường, mua sắm trang thiết bị thi công, kinh nghiệm làm đường… Ta và bạn lên danh mục về các loại xe máy, phương tiện thi công cần thiết gồm: phòng thí nghiệm lưu động, máy cẩu, máy ủi, máy đào, máy xúc, máy rải và ép nhựa đường, các loại xe tự đổ, các máy móc phục vụ khai thác, chế biến gỗ của hai hãng nổi tiếng ở Nhật Bản là Komatsu.Ltd Nisan...

*

*           *

Cầu treo Đa Krông sau cơn đại hồng thủy miền Trung mùa thu năm 2020 vẫn vững chãi soi bóng xuống dòng sông cùng tên còn đục nước. Những đám mây màu xám phủ đầy trên bầu trời đang lác đác mưa. Xe chúng tôi qua cầu bon nhanh trên con đường đông Trường Sơn. Con đường ghi dấu tháng ngày lịch sử hào hùng, cả nước dồn sức cho những chiến dịch cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, từ Buôn Mê Thuột, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… đến Nha Trang, rồi Sài Gòn vỡ òa trong niềm vui toàn thắng ngày 30/4/1975. Mươi phút sau chúng tôi đã có mặt tại xã Đa Krông, nơi đặt một tấm bia khiêm nhường làm bằng đá được chế tác tại Ninh Bình có in quốc kì Việt Nam và Cuba với dòng chữ in hoa màu vàng sẫm nổi bật trên nền đen nhánh: Đoạn đường hữu nghị Việt Nam - Cuba. Phía sau xanh mướt màu xanh của những vạt rừng do dân trồng. Cạnh bên có mấy ngôi nhà sàn của bà con Vân Kiều. Cảnh yên bình và có phần vắng vẻ.

Tôi gặp được nhiều người lính Trường Sơn ở buổi lễ này trong đó có những tướng lĩnh từng gắn bó với tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại như Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn; ba Phó Chủ tịch Hội: Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn; Thiếu tướng, AHLLVT Hoàng Kiền; Thiếu tướng Lương Sĩ Nhung; Thiếu tướng Tô Đa Mạn nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần của Quân đội. Các vị tướng đều đã trên dưới bảy mươi nhưng vô cùng nhiệt tình tận tâm với công tác Hội. Nói thêm, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam là một tổ chức xã hội tự lo hoàn toàn kinh phí cho hoạt động của mình. Như các anh thường nói, Hội chúng ta là hội tình nghĩa, vậy thôi. Tình đồng đội, tình đồng bào, kết nối quá khứ và hiện tại trong tình yêu Trường Sơn gắn liền với tình yêu đất nước bao la. Những ngôi nhà tình nghĩa, những tấm chăn tình nghĩa, những cuốn sổ tiết kiệm tình nghĩa, những đồng tiền ủng hộ tình nghĩa… được trao tặng cho những đồng đội khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, chịu hậu quả thiên tai hay gặp hoạn nạn. Nguồn kinh phí thu được chủ yếu nhờ vào sự đóng góp thiện tâm của những người lính Trường Sơn nay trở thành doanh nhân. Công trình lưu niệm đoạn đường Hữu nghị Việt Nam - Cuba này cũng do doanh nhân Nguyễn Thị Bình tài trợ hoàn toàn.

Thiếu tướng Tô Đa Mạn tuy tuổi ngoài tám mươi nhưng trí nhớ cực kì minh mẫn. Những gì xảy ra từ năm 1974 ấy hầu như chưa hề mờ phai trong tâm trí ông: “Phải nói các bạn Cuba rất tốt với Việt Nam. Nước bạn đâu giàu có gì, ở sát nách Hoa Kì lại bị phong tỏa nghiêm ngặt, thế mà vẫn dành 6 triệu đô la Mĩ mua máy móc hiện đại của Nhật gửi tặng Việt Nam. Nghĩa cử cao đẹp như thế nhưng không được làm công khai đàng hoàng đâu nhé; trong hợp đồng với nước Nhật bạn phải ghi là mua xe máy, thiết bị giúp Việt Nam dân chủ cộng hòa khắc phục hậu quả sau chiến tranh phá hoại. Hàng đưa thẳng từ Nhật về Cảng Hải Phòng, sau đó được chở vào Vinh, đều bằng tàu thủy rồi tiếp tục tổ chức đưa vào Trường Sơn. Cũng kì công lắm. Các chuyên gia, công nhân Cuba vừa trực tiếp thi công đường vừa huấn luyện, hướng dẫn cho bộ đội Việt Nam thực hành. Khi ta nắm vững kĩ thuật vận hành tốt rồi, thì các đơn vị của Việt Nam và các đội xây dựng Cuba tổ chức thi đua nhau. Hào hứng, sôi nổi lắm. Thương quý nhau như anh em vậy. Sau giờ làm việc, chiều chiều lại tổ chức đánh bóng chuyền. Những trận đấu bóng quốc tế trên Trường Sơn thật sôi động và vui vẻ”.

Theo Thiếu tướng Võ Sở thì từ trước tới nay, công binh Trường Sơn chỉ xây dựng các tuyến đường “quân sự làm gấp” với những trang thiết bị thô sơ. Nay xây dựng “đường cơ bản” là một thử thách lớn với bộ đội Trường Sơn. Tuy vậy, với quyết tâm cao, Bộ Tư lệnh đã huy động gần như tất cả lực lượng công binh đồng loạt thi công đường Đông Trường Sơn đoạn từ Khe Gát (Quảng Bình) đến Bù Gia Mập (Bình Phước). Riêng đoạn từ Đa Krông đi Bù Lạch do hai trung đoàn của Sư đoàn 473 thi công. Trung đoàn 6 thi công nền, Trung đoàn 515 thi công mặt. Trong quá trình xây dựng, bộ đội Trường Sơn nhận được món quà quý báu do các bạn Cuba gửi tặng như máy đào, xe cẩu, máy san, máy ủi, máy rải nhựa, xe ben, các thiết bị rất hiện đại lúc bấy giờ. Đoạn đường 42 từ Bến Tắt đi Cam Lộ dài 22 cây số; đoạn từ Đa Krông đến Bù Lạch 110 cây số được bộ đội Trường Sơn và đội xây dựng Cuba góp trí tuệ, công sức làm nên. Một dấu ấn không thể quên của tình hữu nghị có một không hai giữa Việt Nam - Cuba.

Trước đó, 43 cán bộ chiến sĩ của Đoàn 559 được cử sang Cuba học tập về cách tổ chức thi công đường liên hoàn và kĩ thuật vận hành xe máy công trình mới. Hoàng Long Giang là một thành viên trong đoàn. Từ Đà Nẵng, nơi định cư gia đình bây giờ, khi biết Hội Trường Sơn vừa khánh thành bia lưu niệm anh điện ra cho tôi nhắc lại những kỉ niệm không thể nào quên của thời tuổi trẻ sôi nổi. Cũng để giữ bí mật, đoàn ta mang tên là đoàn thực tập sinh Hà Nam Ninh trước khi bay sang nước bạn. Ngày 30/12/1973, từ sân bay Gia Lâm đoàn bay sang Liên Xô sau đó mới bay tiếp sang hòn đảo tự do ngọt mía đường (có ghé lại Maroc) để cuối cùng tập trung tại trường đào tạo của Cục Công binh quân đội Cuba. Các bạn vô cùng yêu quý bộ đội Việt Nam, nhiệt tình truyền đạt kiến thức nên chỉ bốn tháng sau anh em ta cơ bản đã làm chủ được kĩ thuật để trở lại Việt Nam tiếp nhận máy móc và vào Trường Sơn thi công đường. Anh còn nhắc đến một người phụ nữ Cuba được cán bộ chiến sĩ ta gọi là mẹ. Mẹ Cuba. Đó là bà Melbahecnade, một thành viên của Chính phủ Cuba thời đó đã đến thăm cán bộ chiến sĩ ta học tập ở trường. “Không thể quên được nụ hôn của mẹ Cuba hôn lên má mình, đồng đội ạ”, Hoàng Long Giang cười nói với tôi. Nụ hôn ấm áp của tình hữu nghị anh em mà, quên làm sao được.

Chỉ vào một bức ảnh đen trắng, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn tươi cười: “Bia lưu niệm đầu tiên đó chú Quý ạ. Gọi là bia cho nó oai, chứ kì thực nó bé nhỏ như cột cây số bên đường”. Tôi đỡ lời: “Vâng, bé nhỏ thật nhưng nó mang ý nghĩa to lớn lâu dài, vượt cả thời gian và không gian thực là tình hữu nghị sắt son của hai nước vừa là đồng chí vừa là anh em Việt Nam - Cuba”. Giọng Thiếu tướng nguyên là Chính ủy Trung đoàn 515, đơn vị thi công mặt đường bồi hồi: “Khi làm xong đường, chuẩn bị chuyển quân sang nơi khác, chúng tôi thấy bâng khuâng lạ. Rồi đây, các bạn Cuba sẽ về nước, anh em ta cũng rời đi, chỉ có con đường ở lại…”. Tôi hiểu lòng anh. Bao nhiêu mưa nắng đã từng trải. Bao nhiêu vui buồn đã chia sẻ. Ta và bạn. Bạn với ta. Năm 1975, ngày nghe tin năm cánh quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, lá cờ vinh quang được kéo lên trên Dinh Độc lập, các bạn Cuba và Việt Nam ôm nhau hò reo, nhảy nhót. Vui quá. Mừng quá. Không cầm nổi nước mắt. Nước mắt Việt Nam. Nước mắt Cuba. Hòa vào nhau. Mặn. “Phải xây một cái bia lưu niệm. Ý nghĩ chợt lóe lên trong tôi. Và đơn vị chúng tôi đã thực hiện điều đó.”, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn kể tiếp.

Hãy sống trong một thế giới biết ơn. Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên ơn bạn bè quốc tế đã giúp ta trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành độc lập tự do, hòa bình cho đất nước. Công trình lưu niệm được dựng lên trên đoạn đường Hữu nghị Việt Nam - Cuba ở Đông Trường Sơn cũng nằm trong ý nghĩa tốt đẹp đó. Trong dịp khánh thành công trình, Đại sứ quán Cuba có tặng Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam một bức ảnh quý chụp Chủ tịch Fidel Castro trong bộ quân phục quen thuộc thời còn trẻ. Đôi mắt sáng nhìn về phía trước, bộ râu quai nón đen nhánh, toát rõ thần thái của một Con Người phi thường. Ông đã mất nhưng chẳng bao giờ khuất, như hôm nay vẫn đang đứng giữa Trường Sơn trùng điệp. Trong rào rạt gió rừng tôi vẫn nghe Ông nói về đất nước chúng ta: “Chỉ có một dân tộc đấu tranh để bảo vệ một sự nghiệp rất chính nghĩa, một sự nghiệp vì tự do, độc lập và những quyền lợi thiêng liêng nhất của mình, và chỉ có một dân tộc với lòng yêu nước sâu sắc và một tinh thần cách mạng phi thường mới có thể lập nên những chiến công lịch sử như vậy”. Ông là Cuba, ông cũng là Việt Nam. Fidel Castro!

Quảng Trị tháng 12/2020

N.H.Q

 

VNQD
Thống kê