Chiến sĩ cũ

Thứ Hai, 20/11/2023 00:10

. NGUYỄN HỘI
 

Đã nhiều lần tôi tính viết một bài báo về Tâm nhưng rồi công việc bộn bề, lại chặc lưỡi “lính trong nhà, viết lúc nào mà chả được”. Rồi quên bẵng đi. Một ngày cuối năm, Tâm rụt rè mang chậu phong lan lên tặng Ban Chỉ huy Đồn chơi Tết, rồi gửi lời chào tạm biệt để xuất ngũ, tôi mới giật mình. Vậy là Tâm đã đến ngày rời xa đơn vị. Thời gian trôi đi nhanh quá, ý tưởng bao lần vẫn chưa thực hiện được. Cảm giác buồn man mác, vì xa cậu chiến sĩ tình nghĩa như đứa em ruột thịt và vì ý định còn dở dang. Chậu lan hồ điệp Tâm dày công chăm sóc cho bông đúng dịp Tết Nguyên đán, rồi uốn cành, rồi phối màu… Những cánh hoa mềm mại như lụa, mượt mà như nhung, dập dờn như cánh bướm, đẹp rực rỡ ra đến tận ngoài giêng. Nhìn chậu hoa, nhiều người nhớ Tâm, nhắc về Tâm, nhắc về một tấm lòng như chính tên em vậy.

Hạ sĩ Nguyễn Văn Tâm chăm sóc cây cảnh tại khuôn viên đơn vị

Tâm là chiến sĩ thông tin. Trước khi nhập ngũ em đã tốt nghiệp kĩ sư bảo vệ thực vật ở trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ và đã đi làm cho Công ti Ngân Anh dưới Cần Giuộc, thu nhập mười mấy triệu đồng một tháng.

Ngày Tâm khoác ba lô về đơn vị tăng cường cho bộ phận thông tin, chúng tôi chưa chú ý đến em nhiều. Cũng bởi lúc ấy đang tăng cường chống dịch Covid-19, áp lực công việc hướng cả ra biên giới, tổng quân số đồn lên đến hơn một trăm người. Việc lớn bé gì cũng chỉ một loáng là xong. Nhưng từ ngày quân tăng cường rút, chiến sĩ ra quân một nửa, đồng chí Thành - nhân viên thông tin - được giải quyết nghỉ hưu theo chính sách, mảng công tác thông tin, liên lạc và một số nhiệm vụ hậu cần khác giao cả cho Tâm, ngoài ra em vẫn ôm trọn mảng “chuyên ngành”: chăm sóc phân thuốc, cắt tỉa toàn bộ hệ thống cây kiểng của đơn vị. Lúc bấy giờ Tâm mới thực sự tỏa sáng. Đêm, Tâm còn cùng đồng chí Đội trưởng Tham mưu hành chính kiêm Kế hoạch tổng hợp đi gác biên giới, vậy mà lúc nào gọi em cũng có mặt, chăm chú nhận nhiệm vụ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nhiều lúc chúng tôi hỏi: “Động lực nào khiến em luôn tận tâm với công việc và giỏi toàn diện như vậy?” Tâm cười bẽn lẽn: “Em có làm được gì đâu anh ơi, công việc nhiều em còn phải cố gắng hơn nữa ạ.” Nói thì nói vậy chứ, một ngày bao nhiêu công điện Tâm đều đảm bảo đúng giờ cho cơ yếu; khu vườn tăng gia, hệ thống cây xanh của đơn vị nhờ đôi bàn tay của em mà lúc nào cũng xanh non mơn mởn, những đường thế cây kiểng sắc nét như công viên kiểu mẫu. Đồng chí Chính trị viên nhận xét: “Một mình Tâm bằng cả mấy người gộp lại!”

Nhớ lần Tâm ốm, tôi xuống phòng thăm em, trán Tâm nóng hầm hập, mồ hôi túa ra ướt gối. Y sĩ Kiều Thành Phê khám xong bảo: “Tâm bị sốt siêu vi rồi, phải đi bệnh viện huyện điều trị.” Tâm bảo: “Cứ cho em uống thuốc quân y rồi ở nhà ít bữa xem sao đã, nếu không khỏi em mới đi viện, chứ việc nhà nhiều quá!” Vậy rồi Tâm đi hái lá thuốc nam, tự xông, uống thêm, ba ngày thì khỏi hẳn. Tâm không có bạn gái, chính xác hơn, từng có nhưng người yêu đã đi hướng khác, lúc Tâm nhập ngũ. “Cô ấy bảo em bị hâm, công việc đang ngon trớn, tự nhiên cái đi lính!” Nhưng Tâm quả quyết: “Em đi bộ đội vì thấy cần thiết phải thực hiện nghĩa vụ của người thanh niên với Tổ quốc, với cuộc đời. Sau này em có làm nên sự nghiệp thế nào cũng không hổ thẹn, cũng có cái để mà kể với con cháu mình!” Tôi thầm nghĩ, ở thời này, những suy nghĩ ấy quý lắm thay.

Kĩ sư Nguyễn Văn Tâm (áo vàng) trên cánh đồng ở Sóc Trăng

Gần hai mươi năm công tác ở các đồn, trạm Biên phòng, tôi đã quản lí, giáo dục và công tác cùng biết bao nhiêu đồng chí chiến sĩ ở khắp các vùng miền trong cả nước. Ở đâu, với đồng chí nào tôi cũng đều nghiệm thấy câu khẩu hiệu từ thời cha anh ta đánh Mĩ “Hành động gương mẫu của người chỉ huy là mệnh lệnh không lời đối với cấp dưới” là đúng, nhất là đối với chiến sĩ. Nhiều đồng chí ở nhà “quậy” đủ kiểu, gia đình gửi vào Quân đội “mong các chú dùng kỉ luật sắt mà răn dạy các cháu nên người”. Những trường hợp ấy chẳng dễ “uốn nắn” chút nào. Biết là đang nhận những “ca khó”, nhưng trong môi trường quân ngũ, đã là đồng chí đồng đội với nhau, không giúp các em trưởng thành sao đáng mặt chỉ huy? Rồi “anh em với nhau” tâm tình, thủ thỉ, gỡ rối cho mọi “mớ bòng bong”, giải tỏa những bế tắc và làm sâu sắc thêm những tâm hồn tuổi trẻ. Anh em sẽ đâu vào đấy, ổn cả. Lúc đầu mới đụng chạm vào “cái tôi” của ai đó thì họ “xù lông nhím” lên, đến lúc chia tay nhau, nhiều đồng chí ôm ghì lấy chỉ huy khóc sướt mướt như chia tay người yêu ngày nhập ngũ. Nhiều đồng chí ra quân cả chục năm rồi vẫn giữ liên lạc với chỉ huy, lễ tết vẫn nhắn tin thăm hỏi. Có đồng chí còn đưa cả vợ con từ tận Cà Mau lên Long An thăm gia đình chúng tôi như người thân, ruột thịt trong gia đình.

Tâm về thăm đơn vị cũ vào đúng ngày thành lập lực lượng Bộ đội Biên phòng. Khi buổi họp mặt chuẩn bị bắt đầu, Tâm bất ngờ xuất hiện. Giữa bao nhiêu khách khứa và bà con cô bác, nhưng anh em trong đồn nhận ra Tâm ngay. Ai cũng tay bắt mặt mừng. Một tay em ôm giỏ quà, tay còn lại xách lồng vịt xiêm con. Tâm bảo: “Em xách bầy vịt nhà mới nở xuống cho anh em chiến sĩ nuôi làm giống.” Gặp lại hình ảnh mảnh dẻ thân quen và nghe Tâm nói, tự nhiên tôi thấy mắt mình cay cay. Tôi hỏi câu cắc cớ nhưng Tâm không chạnh lòng: “Ủa ngọn gió nào đưa em về đơn vị vậy?” Tâm cười nhỏ: “Em nhớ đơn vị quá!”

Tâm về thăm đồn, tình cờ được gặp Giám đốc Công ti Phân bón thuốc bảo vệ thực vật sinh học Trương Hoàng Đông THD từ thành phố Hồ Chí Minh xuống. Trương Hoàng Đông cũng là một chiến sĩ cũ của Đồn Biên phòng Bến Phố. Ra quân từ hơn hai mươi năm trước, Đông đi học đại học, mở công ti và trở thành triệu phú đô la tự thân. Phương châm phát triển của Công ti Trương Hoàng Đông THD là vì một nền nông nghiệp sạch, hướng đến sự trong lành của từng sản phẩm, phục vụ cộng đồng. Trong tổng doanh số của công ti, Đông cam kết trích một số phần trăm không nhỏ cho những việc làm thiện nguyện. Năm 40 tuổi, khi thực sự thành đạt, Đông quyết định tìm về đơn vị cũ, nhưng những đồng đội năm nào đều đã chuyển đi cả. Biết tôi đang công tác ở Đồn Biên phòng Sông Trăng, Đông tìm đến, ôm chầm như lâu ngày gặp lại “cố nhân”. Tại chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân biên giới”, Đông thay mặt công ti tặng hàng trăm phần quà cho những hộ dân nghèo. Ngày truyền thống của lực lượng, Đông dẫn nguyên đoàn nghệ sĩ “Chuông vàng vọng cổ” trên thành phố Hồ Chí Minh xuống phục vụ bà con biên giới, bao nhiêu chi phí Đông lo tuốt. Đông còn tặng nhà “Mái ấm biên cương” cho những gia đình khó khăn, gắn bó với đường biên cột mốc. Không một chút vụ lợi cá nhân, những hoạt động thiện nguyện Đông làm đều xuất phát từ cái tâm của một chiến sĩ biên phòng đã từng có hai năm trời “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con biên giới.

Nghe chúng tôi kể về Tâm, Trương Hoàng Đông như bắt được cục vàng trên thượng nguồn con suối mát. Một lời mời cộng tác trang trọng được vị giám đốc thành đạt dành cho chàng kĩ sư trẻ vừa trải qua hai năm luyện rèn và phục vụ trong quân ngũ. Câu chuyện đầm ấm nghĩa tình của những người lính cũ được viết lên giữa đời thường mà sao rưng rưng niềm xúc động. Chúng tôi tin, cây giống trưởng thành trong môi trường quân đội nay đã được ươm trồng trong mảnh đất tốt tươi màu mỡ và thực sự trong sạch.

Một ngày, qua video call tôi thấy Tâm diện sắc áo vàng tươi, tháp tùng Giám đốc Trương Hoàng Đông tổ chức hội thảo nhà nông giữa một cánh đồng ngăn ngắt mùa xanh, tận dưới miệt Kế Sách, Sóc Trăng. Lòng tôi chợt thấy rưng rưng về nghĩa tình của những người lính cũ.

N.H

VNQD
Thống kê