Dòng chảy

Vẻ đẹp của truyền tích trong tấm áo mĩ thuật

Thứ Ba, 26/04/2022 13:08

 Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ và Nam Hải dị nhân liệt truyện của Phan Kế Bính là hai tác phẩm quan trọng trong kho tàng văn học trung đại và cận đại Việt Nam. Hai tác phẩm này đã gắn liền với lịch sử văn học của chúng ta bởi nguồn gốc lịch sử và những yếu tố đặc trưng như văn hóa, tâm linh và đời sống tâm hồn của người Việt. Tiếp nối thành công của Lĩnh Nam chích quái, Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục ra mắt bạn đọc hai tác phẩm trên với hình thức artbook (sách mĩ thuật). Một triển lãm tranh minh họa hai cuốn sách vừa được tổ chức cùng với việc giới thiệu chúng đến bạn đọc.

Buổi ra mắt sách mang tên Vẻ đẹp của truyền tích với sự tham dự của họa sĩ Nguyễn Công Hoan, họa sĩ Tạ Huy Long, nhà nghiên cứu văn học Trần Thị Băng Thanh và nhà nghiên cứu lịch sử Vũ Đức Liêm.

Các diễn giả tham dự buổi triển lãm và ra mắt sách.

Truyền kỳ mạn lục (Ghi chép tản mạn những truyện lạ) là tác phẩm duy nhất của danh sĩ Nguyễn Dữ. Sách gồm 20 truyện, được viết theo thể loại truyền kỳ. Cốt truyện chủ yếu lấy từ những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, sau đó biến tấu theo phong cách cá nhân của Nguyễn Dữ. Ra đời sau Truyền kỳ mạn lục khoảng 4 thế kỉ, Nam Hải dị nhân liệt truyện cũng có sự kết hợp đầy ấn tượng giữa “kỳ” và “thực”. Cuốn sách tập hợp những câu chuyện kể về các dị nhân nước Nam, những người mà tên tuổi của họ gắn liền với điều khác thường (có hình dáng bất thường, có tài lạ, có sự tích huyền bí, kì quái...).

Nhà nghiên cứu văn học Trần Thị Băng Thanh chia sẻ: trước khi có triết học thì con người đã có văn học truyền kỳ. Sẽ có gì đó bên ngoài sự hiểu biết của con người, để dẫn còn người đi vào quỹ đạo khuôn khổ người ta sẽ có một cái gì đó để định hướng. Ở Trung Quốc, chế độ phong kiến hà khắc, thị dân muốn được giải phóng và hạnh phúc nên thể loại truyền kỳ ra đời được nâng lên từ những giai thoại, ghi chép. Ở Việt Nam truyền kỳ ra đời bởi sự bất mãn của giới trí thức với chính quyền vương triều và sự suy thoái của chính sự. Viết truyện xưa để phúng truyện nay. Truyện viết về ma nhưng thực ra là truyện về con người.

Truyền kỳ mạn lục phản ánh sâu sắc bức tranh hiện thực của một thời kì rối ren trong lịch sử Việt Nam. Thông qua các nhân vật kì ảo như thần tiên, ma quái, …, tác phẩm gửi gắm ý tưởng phê phán nền chính sự hỗn loạn, vua chúa hôn ám, bề tôi thoán đoạt; tệ nạn, cờ bạc, trộm cắp, tật dịch, ma quỷ hoành hành, khiến cuộc sống của người dân lương thiện phải chịu nhiều lầm than. Tác phẩm này được mệnh danh là “thiên cổ kỳ bút”. Thế giới Nguyễn Dữ xây dựng trong Truyền kỳ mạn lục vừa có thần tiên, vừa có con người, vừa chân thực mà cũng vô cùng huyền ảo. Khi xuyên qua lớp sương mù đượm chất truyền kỳ, ta sẽ thấy một thế giới chân thực. Đó là nỗi trăn trở về thời cuộc, tấm lòng trân trọng và ngợi ca những nhân cách thanh cao, cứng cỏi, những anh hùng cứu nước, giúp dân, không kể họ ở địa vị cao hay thấp.

Không thể không nhắc đến những bức tranh minh họa được họa sĩ Nguyễn Công Hoan thể hiện rất thành công trong ấn bản này. Chia sẻ về công việc nhiều công phu, thử thách và cũng đầy cảm hứng này anh nói rằng, 20 truyện khi vẽ anh đều ngập ngừng nâng lên hạ xuống trong từng nét vẽ. Họa sĩ Nguyễn Công Hoan hài hước nói: “Tôi thích gặp ma nhưng không gặp bao giờ nên phải tưởng tượng ra để vẽ ma quỷ cho mỗi tác phẩm. Điều đó mang đến sự tự do trong sáng tạo. Tuy nhiên phải nhấn mạnh rằng, ma cũng có số phận, thân phận. Tôi dùng tình cảm để vẽ, để thể hiện đặc thù của mỗi nhân vật. Ma quỷ nhắc chúng ta sống tốt sống thiện hơn”.

Nam Hải dị nhân liệt truyện là 55 câu chuyện với 55 nhân vật có thật trong lịch sử, chia thành tám nhóm: đại anh kiệt, danh thần, danh hiền, văn tài, mãnh tướng, vị thần linh ứng, vị tiên tích, người có danh tiếng. Đó là các bậc anh tài đất Việt như Bố Cái đại vương Phùng Hưng, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, danh nhân Nguyễn Trãi, văn tài Lê Quý Đôn,... Dưới ngòi bút của Phan Kế Bính, các câu chuyện về họ hoà quyện giữa những chi tiết chính sử lẫn những yếu tố dã sử, tạo cho cuốn sách một không khí vừa chân thực, vừa li kì, hấp dẫn nhưng cũng không thiếu chuyện hoang đường, mê tín, vốn là một trong những đặc thù của văn hoá dân gian.

Họa sĩ Tạ Huy Long là người đã mang đến diện mạo của các “dị nhân” trong cuốn sách này bằng những bức họa sinh động, màu sắc. Anh cũng được biết đến là họa sĩ chuyên vẽ về lịch sử. Chia sẻ về cơ duyên này, anh cho biết: “Tôi vẽ lịch sử vì đó là sự thôi thúc. Lịch sử là kí ức của tập thể nên không có đúng sai mà ở đó có sự lung linh. Nam Hải dị nhân liệt truyện là sự tiếp nối của Lĩnh Nam chích quái nhưng sau đó tôi bế tắc vì cho rằng mỗi tác phẩm phải có mỗi số phận khác nhau, cảm xúc sẽ khác nhau nên tôi phải tìm kiếm sáng tạo ra nét vẽ mới”.

Một minh họa trong "Nam Hải dị nhân liệt truyện".

Nam Hải dị nhân liệt truyện ra đời vào thời nhập nhoạng giữa phong kiến và phương tây. Nếu Lĩnh Nam chích quái là vẽ thần nhân thì Nam Hải dị nhân liệt truyện là vẽ con người. Dị nhân thì cũng là con người. Với cuốn sách này họa sĩ đã vẽ nhân vật ở góc độ hẹp hơn, góc nhìn rộng hơn. Chọn màu sắc gần gũi, phong cách vẽ rõ ràng, giản dị, họa sĩ muốn đi sâu vào nội tâm nhân vật. Anh bày tỏ: “Tôi cố gắng hiểu lịch sử theo cách của mình thôi chứ không chính xác biết được thời đấy như thế nào. Tôi muốn bày tỏ sự thông cảm thấu hiểu họ hơn chứ không phán xét họ. Có nhân vật tôi chỉ vẽ sau lưng thôi chứ mình biết gì về họ đâu. Vẽ với tôi là một hành trình đẹp”.

Không thể phủ nhận, mỗi cuốn sách có tranh minh họa đi cùng nội dung sẽ giúp bạn đọc có ấn tượng cụ thể hơn. Sách, truyện lịch sử có tranh minh hoạ cũng trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều. Hai cuốn sách trên được làm lại với cách thức là sách mĩ thuật sẽ đem đến diện mạo mới, cảm nhận mới, cảm hứng mới. Đây là hình thức làm mới lại những tác phẩm kinh điển.

Một minh họa trong "Truyền kỳ mạn lục".

Nhà nghiên cứu sử học Vũ Đức Liêm bày tỏ: tuổi thơ chúng ta đã gắn với những trang sử, những nhân vật quen thuộc trong lịch sử. Và bây giờ chúng ta được biết đến một Việt Nam kì ảo hơn, hấp dẫn hơn qua hai công trình này. Chúng ta cũng cần có những cách làm như thế này đối với lịch sử để hiểu lịch sử văn hoá Việt Nam bằng những tư duy của cha ông theo cách này. Chúng ta cần biết, cha ông không chỉ có đánh nhau mà còn cần nắm được họ ăn ở đi lại như thế nào, những mối quan hệ ứng xử của họ ra sao. Lịch sử càng sống động màu sắc thì càng trở nên hấp dẫn bạn đọc hơn.

Truyền kỳ mạn lụcNam Hải dị nhân liệt truyện là hai trong 65 cuốn sách được lựa chọn ấn hành nhân kỉ niệm 65 năm Nhà xuất bản Kim Đồng. Những người làm sách hi vọng sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc, đó là động lực to lớn để nhà xuất bản tiếp tục làm sách lịch sử với những cách làm mới, với những công trình tiếp theo.

ĐỨC SƠN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)