Dòng chảy

'Mặt trận phía Tây vẫn yên tĩnh', khát vọng về một phim chuyển thể trọn vẹn

Thứ Tư, 09/11/2022 09:50

Theo những cập nhật mới nhất, Mặt trận phía Tây vẫn yên tĩnh tính cho đến nay đã nắm giữ vị trí đầu bảng cho phim nói tiếng nước ngoài được stream nhiều nhất trên nền tảng Netflix. Kể từ khi ra mắt ở Liên hoan phim Toronto, tác phẩm của đạo diễn người Đức Edward Berger đã nhận được những phản ứng tích cực.

ÁP LỰC KHI XUẤT HIỆN MUỘN

Nếu năm ngoái bản dựng lại West Side Story từ nhà làm phim Steven Spielberg đã được ca ngợi đến không tiếc lời, thì năm nay, All Quiet on the Western Front (Phía Tây không có gì lạ hay Mặt trận phía Tây vẫn yên tĩnh) của tiểu thuyết gia Erich Maria Remarque lần thứ 3 được chuyển thể bằng ngôn ngữ điện ảnh.

Bám theo tiểu thuyết cùng tên vô cùng nổi tiếng của nhà văn Đức Remarque, Mặt trận phía Tây vẫn yên tĩnh không chỉ chịu áp lực khi bản chuyển thể điện ảnh 1930 giành được 2 giải Oscar quan trọng cho Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất, mà bản truyền hình 1970 cũng thành công tương tự, với Quả cầu vàng cho Phim truyền hình xuất sắc nhất.

Không dừng ở đó, Đệ nhất Thế chiến đã là bối cảnh cho biết bao tác phẩm chuyển thể từ lớn đến nhỏ. Người xem thì đã có thể đọc hết các chủ để này lấp đầy kệ sách. Vào năm 2019, bộ phim 1917 có chung bối cảnh từ nhà làm phim người Anh Sam Mendes cũng lọt được vào vòng cuối của giải Oscar… Những điều đó ngày càng cho thấy Mặt trận phía Tây vẫn yên tĩnh là khó đạt được thành công đột phá.

Cảnh những người lính trên mặt trận phía Tây.

Kể về anh chàng lính Đức trẻ tuổi, Paul Bäumer, bộ phim đi theo những chàng trai trẻ 17, 18… để đến phía Tây gia nhập vào quân đoàn Đức tham gia chiến tranh vào năm thứ ba, 1917. Vỡ mộng bởi những giấc mơ oai hùng tự họ tưởng tượng hoặc được mớm cho ở nơi trường học, thứ đón chờ họ ở nơi chiến trường là những đường hào trở thành đặc trưng của giai đoạn này, với đói, lạnh, cái chết và sự ám ảnh về những tội ác…

Tuy gặp khá nhiều bất lợi như đã nói trên, thế nhưng điểm chính yếu nhất vẫn là khó khăn để chuyển thể được một cách trọn vẹn cuốn tiểu thuyết này của Remarque. Trong hàng chục tác phẩm của mình, Phía Tây không có gì lạ là nổi tiếng nhất và được đánh giá cao nhất của ông. Nó không phải một sử thi anh hùng như Lửa yêu thương, lửa ngục tù; mà thay vào đó nó là một bản cáo trạng được viết vô cùng tiết chế, khó mà tả được bằng các ngôn ngữ điện ảnh.

Những ảnh hưởng ấy có thể nhìn thấy phần nào khi bản “thuần Đức” của Edward Berger có phần kiệm lời. Nếu so với 1917, mọi chỉ dấu nhằm ám chỉ vất vả, cực nhọc cũng như khó khăn của thời đại ấy không được hiện rõ. Mắc kẹt giữa một cốt truyện rất khó chuyển thể, thêm đó là 2 phiên bản đã rất thành công, 1 phim điện ảnh ở phía đối nghịch đã được ghi nhận… Mặt trận phía Tây vẫn yên tĩnh buộc phải sáng tạo, kết quả là ít nhiều ấn tượng cũng kịp hiện diện, mặc cho không thể theo sát như tác phẩm gốc.

Có thể thấy rằng khá nhiều miêu tả ấn tượng của Remarque không được khắc họa trong tác phẩm này. Những chi tiết đẹp và đầy sức gợi như những tranh luận về chiến tranh, khung cảnh Detering đào ngũ khi nhìn thấy chỉ một nhành anh đào khiến nỗi nhớ nhà như cuồn cuộn lên, hay cảnh nghỉ phép về lại thăm nhà từ đó trở lại chiến trường có phần khó khăn… không được thể hiện một cách đủ đầy.

NHỮNG SÁNG TẠO MỚI

Tuy thế đạo diễn Edward Berger cũng cho thấy được một sự cố gắng trong các phân đoạn tả mới khá là ấn tượng. Như thể khi để đặc tả vòng xoay luôn không ngừng nghỉ của cỗ máy chiến tranh, ông đã mở đầu bộ phim bằng nồi nước lớn “tiệt trùng” quân phục của những người chết, từ đó đưa vào công xưởng may vá, và tiếp tục truyền lại cho những tân binh.

Màu đỏ không hề ghê tay của máu và sự tàn bạo được Edward Berger đem đến một cách trung thực và không giảm nhẹ. Tính “công nghiệp” triệt tiêu hết mọi cảm xúc của những công nhân may vá cũng như nhạc nền là những âm thanh mang tính gothic của guitar điện được cắt ngắn gọn, như đang dự báo cho những điềm gở.

Cảnh những bộ quân phục được quay vòng trong phim.

Về mặt hình ảnh, Mặt trận phía Tây vẫn yên tĩnh có nhiều những khung hình đẹp, lấy được toàn cảnh của rừng bạch dương cũng như khu rừng lá kim có phần độc đáo. Tuy thế quay phim có phần cố định khiến cho tác phẩm ít tạo được sự hồi hộp. So với 1917 có những cảnh quay lia theo chuyển động, thì bộ phim này của Berger khá “nghiêm chỉnh” và thiếu đột phá.

Về mặt nội dung, tác phẩm của Edward Berger vẫn cho thấy được một “lũ già nua” đã bị tàn phá khi mới chạm ngưỡng của tuổi 20. Những chàng trai ấy đã bị cuốn theo chiến tranh phi nghĩa, trong khi những gì họ đã mong muốn là một mối tình, là vòng tay mẹ và một tuổi trẻ khao khát dấn thân. Tính phi nghĩa, vô lí của chiến tranh đã được truyền tải một cách rõ ràng và đầy mất mát.

Như trong tiểu thuyết, Remarque viết: “Chúng tôi không thuộc vào giới thanh niên nữa. Chúng tôi chẳng muốn lao vào vũ trụ nữa. Chúng tôi là những thằng đào ngũ. Trước đây chúng tôi đang trong cái tuổi mười tám, bắt đầu yêu đời yêu cuộc sống, thế mà chúng tôi đã phải nổ súng bắn vào cuộc sống. Quả đại bác đầu tiên rơi xuống đã nổ trúng trái tim chúng tôi. Chúng tôi chẳng còn thiết gì đến nỗ lực, hoạt động và tiến bộ nữa. Chúng tôi không còn biết đến những cái ấy nữa, chúng tôi chỉ còn tin có chiến tranh”.

Các hình tượng như chiếc khăn của người thôn nữ, khung cảnh trộm vịt… cũng được giữ lại và được điều chỉnh cho mới mẻ hơn. Dụng ý ở khăn truyền tay (như trong nguyên tác là chiếc ủng của Kemmerich) cũng như tiếp nối thế hệ (ánh mắt trẻ con trong cảnh bắn Kat) như ngầm truyền đi một sự tương phản và cái vô nghĩa, phi lí của cuộc chiến tranh.

Với màu phim đẹp cùng các khung cảnh được đầu tư lớn… Mặt trận phía Tây vẫn yên tĩnh vẫn cho thấy được những cảnh chiến tranh khốc liệt rất thực tế. Đánh giá về mặt thành công với tiểu thuyết gốc hoặc các bộ phim có chung đề tài, thì sản phẩm của Edward Berger vẫn chưa thật sự đặc biệt. Nhưng để diễn tả một cách chân thật trong vẻ đẹp của hình ảnh, thì đây là một tác phẩm có phần mạnh mẽ cũng như ấn tượng.

TUẤN ANH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)