Dòng chảy

Giữ ổn định địa bàn để phát triển cùng đất nước

Thứ Sáu, 02/09/2022 14:59

Kiên Giang là tỉnh tận cùng phía tây nam của Tổ quốc, có diện tích khoảng 6.346km2; địa hình đa dạng, vừa có đồng bằng vừa có rừng, núi, biển, đảo; đường biên giới bộ giáp Campuchia dài gần 50km, bờ biển dài 200km. Trên vùng biển rộng hơn 63.000 km2 có 143 hòn đảo lớn nhỏ thuộc 5 quần đảo: Hải Tặc, Bà Lụa, Nam Du, Thổ Chu, An Thới; tiếp giáp với các nước Campuchia, Thái Lan và Malaysia. Từ lâu, Kiên Giang được nhiều người biết đến là vùng đất văn hoá và du lịch nổi tiếng bậc nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Xuất phát từ địa lí và điều kiện tự nhiên mang tính đặc thù nên tỉnh Kiên Giang được xem là vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của khu vực cũng như cả nước. Cuộc trò chuyện với Đại tá Nguyễn Văn Ngành, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Chỉ huy trưởng và Đại tá Lê Hoàng Vũ, Tỉnh uỷ viên, Chính uỷ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang sẽ cho bạn đọc hiểu rõ hơn về vùng đất tận cùng này cùng sự cống hiến, hi sinh của những người lính Kiên Giang hôm qua và hôm nay.

PV: Thưa đồng chí Chính ủy, lịch sử Kiên Giang gắn liền với lịch sử phát triển vùng đất Nam Bộ và lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc. Kiên Giang cũng là địa phương giàu truyền thống văn hóa với những tên đất, tên làng đi vào văn học và thơ ca. Vùng U Minh Thượng thuộc Kiên Giang còn là căn cứ của Quân khu 9 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Nếu nhắc lại cả quá trình hơn 300 năm thì khá dài, xin đồng chí bắt đầu câu chuyện từ giai đoạn đầu Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 tại Kiên Giang...

Đại tá Lê Hoàng Vũ: Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc nói chung, tỉnh Rạch Giá và Hà Tiên (nay là tỉnh Kiên Giang) nói riêng. Cuối năm 1932, Chi bộ Đảng đầu tiên tỉnh Rạch Giá thành lập tại Ranh Hạt, thuộc Vĩnh Thuận ngày nay. Giai đoạn 1932-1940, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiêu biểu là các đồng chí Quản Trọng Linh, Phan Ngọc Hiển, Nguyễn Thanh Hòa, Hồ Văn Tẩu… và các cơ sở Đảng được gây dựng nhiều nơi trong tỉnh, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân trong tỉnh phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Ngày 29/1/1941, Tỉnh ủy lâm thời Rạch Giá được thành lập do đồng chí Lưu Nhơn Sâm (Mỹ Hòa) làm Bí thư. Liên Tỉnh ủy Cần Thơ giao Đảng bộ Rạch Giá xây dựng U Minh Thượng thành khu căn cứ và xây dựng xưởng chế tạo vũ khí. Tỉnh ủy Rạch Giá chọn chùa Tam Bảo ở thị xã Rạch Giá (nay là thành phố Rạch Giá) làm đầu mối liên lạc và là nơi cất giấu vũ khí từ U Minh Thượng chuyển về.

Đầu năm 1945, khí thế cách mạng của nhân dân Kiên Giang khá sôi nổi. Các tổ chức Mặt trận Việt Minh, Thanh niên Tiền phong, Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc… ra đời và hoạt động mạnh mẽ, đều khắp. Ở thị xã Rạch Giá và các thị trấn trong tỉnh, tổ chức Thanh niên Tiền phong tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nhiều người trong bộ máy ngụy quyền mất lòng tin vào Pháp và Nhật ngả dần về phía cách mạng. Một số người đứng đầu các tổ chức tôn giáo tuy động cơ và chính kiến khác nhau, nhưng cũng ráo riết hoạt động chống lại chính quyền phát xít Nhật. Nam nữ thanh niên và trung niên trong các tổ chức quần chúng cách mạng sôi nổi luyện tập quân sự. Phong trào nhân dân tự võ trang bằng tầm vông vạt nhọn, giáo mác, dao găm… diễn ra sôi động, rộng khắp; lực lượng du kích tổ chức một số trận đánh thắng lợi, thu vũ khí của địch.

Tháng 8/1945, Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh Rạch Giá và Hà Tiên thành lập, khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa. Sáng ngày 27/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Rạch Giá, nhân dân được trang bị các loại vũ khí thô sơ và một ít súng lửa, súng trường đã nhất tề vùng lên. Hàng vạn đồng bào thuộc các quận An Biên, Châu Thành kéo vào thị xã Rạch Giá kết hợp với nhân dân nội thành rầm rập xuống đường, bao vây các cơ quan đầu não địch, buộc tên chủ tỉnh Trịnh Tấn Truyện đầu hàng. Sau đó, lực lượng khởi nghĩa tỏa đi các hướng tước vũ khí địch, mở cửa nhà giam thả hết tù chính trị, lùng bắt bọn gian ác, tiếp quản các công sở. Trưa cùng ngày, tại sân vận động Rạch Giá, Ủy ban khởi nghĩa long trọng tuyên bố chính quyền tay sai phát xít Nhật bị lật đổ; Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Rạch Giá do đồng chí Trần Văn Luân làm chủ tịch ra mắt quần chúng trong không khí tưng bừng phấn khởi. Hàng vạn nhân dân dự cuộc mít tinh lịch sử này đồng thanh hô vang: “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm”… Cũng trong ngày ngày 27/8, nhân dân các quận, xã trong toàn tỉnh cũng đứng lên khởi nghĩa, giành thắng lợi trọn vẹn.

Đối với Hà Tiên, ngày 28/8/1945, gần 4.000 quần chúng có tổ chức từ Hòn Chông và các làng lân cận kéo về thị xã kết hợp với đồng bào nội ô chiếm các công sở; sau đó đến sân vận động dự mít tinh chào mừng Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Hà Tiên do ông Nguyễn Ngọc Lầu làm chủ tịch. Đến đây, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám của lực lượng cách mạng và nhân dân tỉnh Kiên Giang giành được thắng lợi vẻ vang.

PV: Vâng! Và ngay sau đó cùng với nhân dân Nam Bộ và cả nước, quân và dân Kiên Giang lại bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mĩ. Trong những năm tháng ấy, lực lượng vũ trang (LLVT) Kiên Giang cũng đã vừa chiến đấu vừa trưởng thành với những trận đánh ghi dấu vào lịch sử, thưa đồng chí Chỉ huy trưởng?

Đại tá Nguyễn Văn Ngành: Trước hết, xin được chia sẻ một số thông tin để bạn đọc tạp chí Văn nghệ Quân đội hiểu thêm: Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Khu ủy Khu 9 về chuẩn bị LLVT bảo vệ chính quyền và thành quả cách mạng, đầu tháng 9/1945, Hà Tiên và Rạch Giá, mỗi tỉnh tổ chức một Đại đội Cộng hòa vệ binh với quân số gần 100 người. Ngay sau khi thành lập, Đại đội Cộng hòa vệ binh tỉnh Rạch Giá ra quân đánh trận đầu giành thắng lợi lớn xóa sổ đồn lính Nhật, bắt sống và tiêu diệt 27 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị. Với sự kiện này, ngày 10/9/1945 được chọn và công nhận là ngày thành lập, cũng là ngày truyền thống của LLVT tỉnh Kiên Giang.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, LLVT tỉnh luôn đoàn kết, sát cánh cùng nhân dân, kiên cường bám trụ, tự lực tự cường, anh dũng chiến đấu, đẩy mạnh các hình thức chiến tranh du kích, đồng thời phối hợp với các đơn vị của Quân khu tổ chức các trận đánh lớn, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề, tiêu biểu như các trận: Ngã ba Di Hạn (Gò Quao), Cây Bàng (U Minh Thượng), Cờ Trắng (Hà Tiên), Cầu Quằn (Rạch Giá), Sóc Xoài (Hòn Đất)... Giai đoạn 1953-1954, LLVT tỉnh phối hợp tiến công, bao vây tiêu diệt nhiều đồn, bót địch; tiêu biểu là chiến thắng Bàu Môn và chiến thắng Xẻo Rô trong tháng 3/1954, giải phóng hoàn toàn quận An Biên. Đây là quận đầu tiên ở Phân Liên khu miền Tây giải phóng, góp phần cùng cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; nhất là mở rộng vùng giải phóng liên hoàn với hơn 5/6 đất đai và dân số, đồng thời phối hợp xây dựng và bảo vệ căn cứ kháng chiến của Khu 9.

Hơn 20 năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Kiên Giang là chiến trường tranh chấp quyết liệt, địch ra sức bình định lấn chiếm hòng tiêu diệt căn cứ U Minh và ngăn chặn tuyến đường vận chuyển 1C chiến lược của ta. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, LLVT tỉnh tiếp tục được xây dựng lớn mạnh cả về tổ chức và quy mô, trang bị và cách đánh; vừa hỗ trợ đấu tranh chính trị của nhân dân, vừa tổ chức các trận đánh tiêu diệt địch, giữ vững và mở rộng vùng căn cứ U Minh. Sự ra đời của Tiểu đoàn 207 ngày 20/7/1960 và tiếp sau là Tiểu đoàn 519 ngày 19/5/1972 thể hiện rõ ý chí, quyết tâm chính trị của Đảng bộ, quân và dân Kiên Giang trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; là niềm tin, tự hào của nhân dân và là nỗi ám ảnh, khiếp sợ của kẻ thù với những chiến thắng oanh liệt như trận Xẻo Rô (An Biên), Kè Một (Vĩnh Thuận), Cái Đuốc (Giồng Riềng) và với 78 ngày đêm phá vây Ba Hòn (Hòn Đất)... LLVT tỉnh cùng với nhân dân lần lượt đánh bại các âm mưu “bình định lấn chiếm”, gom dân lập “ấp chiến lược”, chiến dịch “nhổ cỏ U Minh”... góp phần cùng cả nước đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mĩ - ngụy, làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

PV: Đất nước thống nhất, trong khi chưa hàn gắn vết thương chiến tranh chúng ta lại buộc phải cầm súng bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia. Kiên Giang là một trong ba tỉnh trên địa bàn Quân khu 9 chịu nhiều mất mát…

Đại tá Nguyễn Văn Ngành: Đúng vậy. Nối tiếp truyền thống và những chiến công oanh liệt của các thế hệ đi trước, trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, LLVT tỉnh Kiên Giang tiếp tục vượt qua gian khổ, kiên cường chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược ngay từ trận đầu, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Tiếp đó, trong 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế vẻ vang (1979-1989), LLVT Kiên Giang cùng quân và dân Campuchia đoàn kết chiến đấu, đẩy lùi và tiến tới tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng tỉnh Kampot. Song song với nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng, LLVT Kiên Giang tích cực giúp nhân dân 4 tỉnh Kampot, Kep, Kohkong, Shihanukville củng cố, xây dựng chính quyền, đoàn thể và LLVT, phát triển kinh tế và giữ vững trật tự xã hội. Cùng với các đơn vị quân tình nguyện và chuyên gia của Việt Nam, LLVT Kiên Giang thật sự là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân Campuchia trong công cuộc giải phóng và kiến thiết đất nước.

PV: Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia, cùng với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ LLVT Kiên Giang đã không tiếc máu xương, xông pha nơi tiền tuyến, trực tiếp cầm súng chiến đấu, trong đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ anh dũng hi sinh cũng như để lại một phần thân thể trên chiến trường. Để bù đắp phần nào mất mát đó, LLVT tỉnh đã chăm lo các đối tượng chính sách như thế nào, thưa đồng chí Chính ủy?

Đại tá Lê Hoàng Vũ: Sau chiến tranh, Kiên Giang có hơn 100.000 người có công với cách mạng; trong đó, trên 15.000 liệt sĩ, gần 10.000 thương binh, bệnh binh và nhiều liệt sĩ nằm lại chiến trường vẫn chưa tìm được phần mộ. Vì vậy, thực hiện tốt các chính sách quân đội và hậu phương quân đội để đền đáp sự cống hiến, hi sinh của các thế hệ cha anh đi trước luôn được xác định là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng và là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Kiên Giang hôm nay.

Năm 2001, thực hiện quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đội K92 chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với trách nhiệm và tình cảm của mình, cán bộ, chiến sĩ Đội K92 đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng. Hơn 20 năm thực hiện nhiệm vụ, “bước chân tìm đồng đội” của cán bộ, chiến sĩ Đội K92 đi qua trên 150 xã thuộc 21 huyện, thành phố của 4 tỉnh Kampot, Kep, Kohkong và Sihanoukville, Vương quốc Campuchia; đã tìm kiếm, cất bốc, quy tập, hồi hương an táng 2.072 hài cốt liệt sĩ. Cùng với đó, công tác tìm kiếm trên địa bàn tỉnh đã cất bốc và quy tập 2.353 hài cốt liệt sĩ; nâng tổng số quy tập trong và ngoài nước lên 4.425 hài cốt liệt sĩ. Ngoài ra, công tác giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh, trọng tâm là chế độ chính sách cho các đối tượng theo các Quyết định số 290, 142, 62, 49 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai thực hiện hiệu quả. Theo đó, cơ quan quân sự các cấp trong tỉnh xác lập, thẩm định, báo cáo hồ sơ và tiếp nhận, tổ chức chi trả trợ cấp cho 38.379 đối tượng với 138,2 tỉ đồng. Mặt khác, từ năm 2007 đến nay, các cơ quan, đơn vị LLVT tỉnh tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, đồng thời vận động cán bộ, chiến sĩ và trích từ quỹ tăng gia sản xuất hơn 53 tỉ đồng xây tặng 1.286 “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội” và “Đại đoàn kết” tặng gia đình chính sách, cán bộ, chiến sĩ LLVT qua các thời kì và cán bộ tại ngũ gặp khó khăn về nhà ở.

PV: Thưa đồng chí Chỉ huy trưởng, Kiên Giang là tỉnh biên giới, biển đảo, địa bàn rộng... đòi hỏi phải đầu tư lớn cho công tác quân sự, quốc phòng nói chung, xây dựng LLVT tỉnh nói riêng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Với ưu thế đa dạng các loại hình kinh tế biển, đặc biệt là khai thác và nuôi trồng thuỷ hải sản, du lịch... tỉnh đầu tư phát triển lĩnh vực này gắn với củng cố quốc phòng như thế nào?

Đại tá Nguyễn Văn Ngành: Địa bàn tỉnh Kiên Giang tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nhất là trên tuyến biên giới bộ và biển, đảo như buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép, tranh chấp giữa người dân sống hai bên biên giới, tội phạm hình sự, khai thác thủy hải sản trái phép, tranh chấp ngư trường trong vùng nước lịch sử… Tuy vậy, tỉnh đã tập trung xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; nhất là xây dựng, tổ chức lực lượng phối hợp tuần tra, kiểm soát, quản lí, bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo.

Trong 3 năm gần đây, từ khi thực hiện Nghị quyết số 36 ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và Chương trình số 47 của Tỉnh ủy, tỉ trọng kinh tế biển của Kiên Giang chiếm 80% GRDP toàn tỉnh, trong đó, dịch vụ và du lịch biển phát triển mạnh mẽ, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn khi khai thác đúng tiềm năng, lợi thế và đầu tư hạ tầng du lịch, nâng chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch... Đặc biệt, Phú Quốc phát triển thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mang tầm quốc tế theo đúng định hướng của Trung ương, từng bước khẳng định thương hiệu, lan tỏa mạnh trong và ngoài nước. Nghề nuôi trồng, khai thác, chế biến, xuất khẩu thủy sản tiếp tục gia tăng về sản lượng và chất lượng, từng bước vừa phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại vừa bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái. Kinh tế biển phát triển đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển và hải đảo, gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện đời sống nhân dân và củng cố quốc phòng, an ninh.

Gắn phát triển kinh tế biển với củng cố quốc phòng, an ninh, Đảng ủy - BCHQS tỉnh tích cực tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện tốt phương châm “mỗi bước tăng trưởng kinh tế - xã hội là một bước củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh”; các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển của từng ngành, từng vùng, từng khu vực, nhất là khu vực biển, đảo phải bảo đảm tính lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu dân sinh thời bình vừa bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thời chiến. Cùng với sự phát triển của các ngành nghề sửa chữa và đóng tàu, cảng biển, vận tải biển, khai thác, chế biến thủy hải sản, tỉnh luôn chú trọng gắn kết việc đưa người dân ra sinh sống trên các đảo gần bờ, xây dựng lực lượng tự vệ biển và làm tốt công tác đăng kí, quản lí các phương tiện kĩ thuật của nền kinh tế quốc dân, bảo đảm tốt động viên khi có yêu cầu; chú trọng huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển theo Nghị định số 30 năm 2010 và Nghị định số 130 năm 2015 của Chính phủ. Cùng với đó, tỉnh bố trí ngân sách xây dựng các công trình chiến đấu, các đồn, trạm biên phòng ở các đảo; xây dựng hệ thống đường ven biển, quanh đảo phục vụ dân sinh, quốc phòng; thực hiện chặt chẽ, hiệu quả Đề án xây dựng Hải đội dân quân thường trực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới. Nhờ sự triển khai đồng bộ đó, địa bàn tỉnh Kiên Giang luôn ổn định và phát triển cùng đất nước.

PV: Trong suy nghĩ của nhiều người, tỉnh Kiên Giang nổi tiếng về du lịch biển, từng bước ghi dấu ấn trong nước và quốc tế. Với đồng chí Chỉ huy trưởng và Chính uỷ, là nơi chôn nhau, cắt rốn, là người con của Kiên Giang, các đồng chí cảm nhận như thế nào trước những đổi thay của quê hương?

Đại tá Nguyễn Văn Ngành: Những năm qua, với tư duy dám nghĩ, dám làm, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Kiên Giang đưa vùng đất này vươn lên mạnh mẽ, trở thành “điểm sáng” trong 4 tỉnh kinh tế trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Kiên Giang đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, giảm dần tỉ trọng nông - lâm - thủy sản, tăng tỉ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Đến nay, Kiên Giang là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực và quốc tế, một trong những cực tăng trưởng của Đồng bằng sông Cửu Long về kinh tế - xã hội, hạ tầng kĩ thuật đô thị đồng bộ; cơ bản hoàn thành mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, Kiên Giang chú trọng các giải pháp đồng bộ tạo nhiều “mũi giáp công” như đầu tư hạ tầng cung cấp điện, hệ thống điện phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản tập trung. Đặc biệt, định hướng đến năm 2025, tỉnh phát triển 6 đô thị động lực gồm: 2 đô thị loại I là TP. Rạch giá và TP. Phú Quốc; 1 đô thị loại II là TP. Hà Tiên; 1 đô thị loại III là Kiên Lương và 2 đô thị loại IV là Giồng Riềng và An Biên.

Để đảm bảo tăng trưởng bền vững, Kiên Giang luôn coi trọng quản lí, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác và bảo vệ tài nguyên, môi trường; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; triển khai nhiều giải pháp phòng, chống lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn. Song song đó, phát triển hệ thống thương mại, đa dạng và nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch, đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài nước. Hiện nay, sân bay quốc tế Phú Quốc kết nối đường bay với 13 nước và các vùng lãnh thổ trên thế giới... Tôi sinh ra và lớn lên tại Kiên Giang, nơi đây cho tôi những kí ức tuổi thơ, những tấm lòng và tình yêu thương chân thật nhất. Vì vậy, khi nhìn lại tôi luôn phấn khởi, tự hào về sự phát triển mau lẹ của quê hương.

Đại tá Lê Hoàng Vũ: Tôi cũng tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này - nơi được ví như một Việt Nam thu nhỏ với điều kiện tự nhiên phong phú gồm rừng, núi, suối, bờ biển dài, bãi tắm đẹp, nhiều quần đảo và vô số danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Chỉ riêng Hà Tiên từ xưa được xem là điểm dừng chân trong chiều dài lịch sử mở cõi Đàng Trong, như bức tranh phóng to của họa sĩ thiên tài mang khối óc siêu tưởng qua cảm tác của cố thi sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phát: “… Có một ít hang động Lạng Sơn, vài ngọn đá Hạ Long chơ vơ ngoài biển. Một ít thạch thất sơn môn Hương Tích, vài cảnh Tây Hồ, đôi nét Hương Giang. Một ít chùa chiền Bắc Ninh, lăng tẩm Thuận Hóa, vài bãi cát Đồ Sơn, Nha Trang, Cửa Tùng, Long Hải…”. Một phong cảnh hữu tình với trời đất giao hòa, trăng nước miên man lay động núi đồi, hoa lá; gợi cảm xúc cho danh tướng Mạc Thiên Tích - chủ súy Tao Đàn Chiêu Anh Các - viết nên tuyệt phẩm Hà Tiên thập vịnh năm 1736.

Kiên Giang có địa bàn nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên bị tác động bởi nước lũ thượng nguồn. Hàng năm, cứ đến mùa nước nổi, hoạt động mưu sinh của người dân như đặt dớn, chài lưới... khá đa dạng. Công việc này gắn bó từ nhiều đời nay, trở thành một nét văn hóa đồng bằng. Người Kiên Giang mến đất, quý người luôn lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần nhân văn và gần gũi nhất. Dù kinh tế phát triển thế nào đi nữa thì trong mỗi con người Kiên Giang đều chứa chan tình cảm, nhiệt huyết và hiếu khách.

PV: Xin chúc mừng LLVT tỉnh Kiên Giang với những thành tích đã đạt được, với sự đồng hành vững chắc cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Cám ơn Đại tá Nguyễn Văn Ngành, Đại tá Lê Hoàng Vũ về buổi trò chuyện thú vị.

PV

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)