Dòng chảy

Đà Lạt còn đó, nhỏ nhoi, mong manh, dạt trôi

Thứ Tư, 10/11/2021 11:48

Người ta bất lực và bất khả kháng trước hiện thực vẫn đang diễn ra, nhưng rồi vẫn sẽ tìm ra qua những kí ức dẫu là của tự bản thân, hay nghe kể lại; về vùng đất của cái đẹp, cái lạnh, cái toàn vẹn; của những rung cảm tâm hồn hay nhất là của bầu không khí ôm trọn thiên nhiên vào người. Như Phạm Công Thiện một lần đã viết “Thà làm ăn mày ở Đà Lạt còn hơn làm triệu phú ở Sài Gòn. Thà làm ăn mày ở Ba-lê con hơn làm triệu phú ở Nữu - ước”; dẫu sao rồi thì, “Đà Lạt còn đó, nhỏ nhoi, mong manh, dạt trôi.”

Nguyễn Vĩnh Nguyên – tác giả của những tản văn viết về Đà Lạt như Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách hay Đà Lạt, một thời hương xa; cũng như những dự án biên khảo độc lập - đã viết về những đổi thay này trong bài tản văn Lá rơi có dội ở trong sương mù? như sau “Dọn sạch thiên nhiên là dọn sạch điều cốt lõi làm nên giá trị của một đô thị được xác lập ngay từ đầu. Hồn cốt đã bị phá hủy, thì trách chi những mảng màu trên hình thái cửa nhà nhăng nhố trở nên tột đỉnh nhố nhăng? […] Nhưng tôi đâu có buồn. Vì tôi tìm thấy Đà Lạt còn đó, nhỏ nhoi, mong manh, dạt trôi.” Và có vẻ đúng là như thế. Trong những ngày này khi mọi thứ đảo điên, các giá trị phù hoa lên ngôi ngự trị; thì những mảng miếng hồi cố lại là nguồn vui an ủi. Miền sương khói (Phanbook & NXB Văn hóa Văn nghệ, 2018) bao gồm những giai phẩm viết về Đà Lạt như một điển hình đưa chúng ta vào cơn ru ngủ, của những kí ức đẹp đẽ và vàng son.

"Miền sương khói" là cuốn sách tập hợp các bài viết, tác phẩm về Đà Lạt của nhiều tác giả.

Từ những truyện ngắn của các tác giả nổi tiếng như Hoàng Ngọc Tuấn, Đoàn Thạch Biền…; cho đến những tản văn nhiều suy ngẫm và có sức gợi của Trịnh Cung, Nguyễn Thị Minh Ngọc... Miền sương khói cũng mang đến hai bài biên khảo về lịch sử quy hoạch đô thị cũng như những hồi ức của người trong cuộc về “cái thị trấn buồn hiu” theo lời của nhà văn Nghi Thủy, trong những trang viết của Yersin, của Phạm Duy hay Phạm Công Thiện, Khánh Ly…

ĐÀ LẠT BẢNG LẢNG SƯƠNG MÙ

Vẻ đẹp gắn liền với mảnh đất ấy hầu như luôn luôn đến cùng khoảnh khắc mù sương. Ở đó, những người tưởng mình như “cây xương rồng kiên gan mọc trên sa mạc” khi đến đây rồi thì bỗng ngớ ra “mình cũng chỉ là một cây lau sậy mềm yếu” như trong truyện ngắn Nhà có hoa Mimosa vàng của Hoàng Ngọc Tuấn. Những nỗ lực phân định sự khác biệt của hai vùng đất cũng được nêu ra, như trong truyện ngắn của Hạ Tuyên - một tác già trẻ, rằng “Ở Sài Gòn mọi sự thức dậy đều giống nhau. Mọi nỗ lực đều dẫn về lối cũ. Ở Đà Lạt thì khác, phải thức đúng giấc thì mới kịp một cụm sương bay qua. Nắng xuống thì đã khác rồi.”

Đà Lạt trong chính trí nhớ được hồi cố bằng đủ thứ giác quan, từ thính giác với những giai điệu dẫu cho có đẹp như của Chopin cũng không sánh bằng. Nó còn là mùi mùi phở chiều lẩn khuất trong sương nhẹ, vẫn là mùi hành, củi ngo quen thuộc. Đó còn là xúc giác của sự lạnh băng, không bởi chỉ trong không khí, mà còn chính từ trong con người, với những băng lãnh tỏa ra bao phủ cái nhân con người. Đà Lạt trong Miền sương khói là một nhân ảnh dao động mù mờ giữa cõi hư thực, để từ đó những Hàn Mặc Tử, Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Lê Uyên Phương đến với người thưởng bằng những rung cảm vô cùng ý nhị.

Những kí ức của Trịnh Cung về quãng thời gian ở ngôi nhà số 11 đường Hoa Hồng với bà Nghiên để cho ra đời tác phẩm mang nhiều dấn ấn Trên vùng an nghỉ; hay một thời hoa mộng của đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc về Đà Lạt trước bước ngưỡng vọng của một cô bé… càng làm dầy hơn một Đà Lạt xa xưa. “Có những thành phố khi ghé qua, bạn sẽ ngửi được khí âm của cõi khác, hoặc khí vị sân si, hoặc mặn mòi duyên biển, hoặc hiếu khách hiền hòa, hoặc nhạt nhòa nhàm chán. Cái vị của Đà Lạt, ngày nhỏ với tôi là thành phố của Mộng.”

MỘT CHỐN HOANG VU

Không biết có phải vì cái lạnh lẽo cố hữu không mà những tác giả trong giai phẩm này đều như lần tìm vào quãng thời gian đẹp nhất và nhiều kí ức của mình. Từ những kho sách lớn, những con dốc xưa của Phan Dũng; cho đến không khí Giáng sinh và phố chè xưa của Bùi Kim Thành. Đà Lạt và cái rung cảm của mình đã biến từng cá nhân một trở thành lữ khách. Nếu Italio Calvino hay W.G.Sebald đi suốt vẩn vơ trong những mảnh đất hoài niệm tự mình tạo ra, thì ai từng đã hút ngửi Đà Lạt cũng sẽ tự hào vì mình cũng có một sự liên kết, phần nhiều sâu sắc hơn là hời hợt, như Modiano và những khu phố của mình.

Người Đà Lạt như một bộ tộc nằm riêng khỏi những cảm nhận cá nhân. Ở đó, cái lạnh của bầu không khí cũng ám suốt họ, tỏa ra những bầu băng lãnh, khiến con trai thì lạnh lùng quyến rũ; con gái thì kiêu kì sang cả. Người Đà Lạt, như những ghi chép của Nguyễn Hàng Tình, “phần lớn là lương dân, sống chậm, khá hay giàu cũng tự nhiên, từ từ, đủng đỉnh. Thiên nhiên mơ mộng làm con người hiền, ít nham hiểm, và cũng ít tham lam. [...] Người Đà Lạt "gốc thông" thì không thích ganh đua hơn thua.” Chính cái nhẩn nha và bầu không khí có nhiều nhấm nháp đã hình thành họ, để rồi biểu trưng ra một vùng đất vô cùng riêng tư, như một lãnh địa gom hết vào mình, những gì đẹp đẽ và tuyệt diệu nhất.

Tác Phẩm "Trên Vùng An Nghỉ" của Trịnh Cung.

Đà Lạt còn là vùng đất của dòng kí ức chứa nhiều biến động và các mảnh vỡ của một lịch sử đã xa. Đó cũng là nguồn cảm hứng của những thi nhân, những văn nghệ sĩ, của Hàn Mặc Tử rớm lệ co ro, của Tương Phố khóc chồng như mưa thu rả rút. Đó còn là Phạm Công Thiện đếm lá thông rơi, còn là Nhất Linh thích chơi lan rừng, là Trịnh Công Sơn cùng với Khánh Ly lên đồi uốn nốt hay là Lê Uyên & Phương đắm đuối nụ hôn đầu. Uông Thái Biểu và Theo dòng ký ức đã khắc họa được hết được những điều này, để rồi “Lâu đàu tráng lệ và những túp lều cỏ. Sang hèn gì thì cũng về nẻo xả mù mịt.”

NHỮNG BẢN QUY HOẠCH

Đà Lạt cũng được nhắc đến với những đổi thay nay đã không còn. Từ làn sóng khẩu trang, tính phiêu phỏng, chập giật đong đưa; cho đến những Đồi Cù trong Cỏ hồng của Phạm Duy nay thành sân golf. Đó còn là những ổn ào, va chạm của đời sống thường nhật mà nay “Phố đã biết kẹt xe. Chợ đã có móc túi và người, người đã hiếm hoi những ôn nhu của thuở nào.” Đà Lạt oằn mình chịu hết sức nén tối đa, của những “quy hoạch gia” mong biến nơi đây thành khu phố xá trông na ná nhau, sánh vai cùng các phố thị ở nơi đồng bằng.

Thế nhưng trước đó, Đà Lạt đã phải trải qua 5 năm bản thiết kế khác nhau, từ Paul Champoudry - Thị trưởng đầu tiên của Đà Lạt, với bản thiết kế năm 1905, nhằm biến nơi đây thành nơi dưỡng bệnh và hồi sức cho quan binh Pháp. 14 năm sau, để thực hiện ước mơ tưởng như quá lâu để mà chờ đợi ngay từ ban đầu, Jean O’Neil với những viễn kiến của Tiểu Pháp quốc, đã sử dụng lại bản quy hoạch đầu tiên, và biến Đà Lạt thành một thành phố nghỉ mát cho toàn Đông Dương, thậm chí là một số nước lân cận Viễn Đông.

Từ sau ba bản quy hoạch, của Ernest Hébrard nhằm chia nơi này thành ba thành phố nằm gọn trong một; của Louis-Georges Pineau với một lí tưởng “bảo vệ Đà Lạt khỏi sự xấu xí” và của Jacques Lagisquet đã tạm hoàn thiện; Đà Lạt ngày nay đã dần trở nên bê tông hóa với những ý muốn biến nơi độc nhất thành ra đại trà. Những thiên kiến “tránh đưa những thứ xấu xí vào Đà Lạt” hay “bảo vệ Đà Lạt khỏi sự xấu xí” nay đã không còn, mà thay vào đó, chỉ còn là những giả hiệu, những sự thông thường trông giông giống và không có gì độc đáo. Đà Lạt tự trong bản chất là một vẻ đẹp còn nhiều tiềm ẩn, nhưng càng qua nhiều bàn tay đẽo gọt, nó đã trở thành một nơi vô hồn và thiếu đặc sắc

Bản đồ quy hoạch khu trung tâm Hoà Bình của Đà Lạt đã được thông qua và trưng bày tại Rạp Hoà Bình năm 2019. Ảnh: TL

Thời gian gần đây, những người yêu mến Đà Lạt thêm một lần nữa quan ngại với quyết định quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình. Theo đó, công trình Dinh Tỉnh trưởng sẽ được “bứng lên” 28 mét so với vị trí ban đầu, trở thành Bảo tàng Đà Lạt ở điểm cao mới, kết hợp với các tiện ích hiện đại, từ dịch vụ khách sạn, thương mại… Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên mà những vàng son thời trước bị tháo dỡ, khi trước đó rạp Hòa Bình đã là ý tưởng tiên phong. Vẫn còn rất nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng đồ án quy hoạch mới là sai luật, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đưa ra ý kiến không nên xây dựng công trình khách sạn trên đồi Dinh, dựa trên đạo đức nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc. Dinh Tỉnh trưởng và những cảnh quan xung quanh từ lâu đã là đặc trưng độc đáo của kiến trúc cảnh quan Đô thị Đà Lạt.

Nhưng liệu có nên buồn không?

Miền sương khói một cách nhẹ nhàng đã trả lời được cho câu hỏi này. Người ta bất lực và bất khả kháng trước hiện thực vẫn đang diễn ra, nhưng rồi vẫn sẽ tìm ra qua những kí ức dẫu là của tự bản thân, hay nghe kể lại; về vùng đất của cái đẹp, cái lạnh, cái toàn vẹn; của những rung cảm tâm hồn hay nhất là của bầu không khí ôm trọn thiên nhiên vào người. Như Phạm Công Thiện một lần đã viết “Thà làm ăn mày ở Đà Lạt còn hơn làm triệu phú ở Sài Gòn. Thà làm ăn mày ở Ba-lê con hơn làm triệu phú ở Nữu - ước”; dẫu sao rồi thì, “Đà Lạt còn đó, nhỏ nhoi, mong manh, dạt trôi.”

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)