Dòng chảy
CUỐN SÁCH HÉ LỘ NHIỀU CHIẾN CÔNG THẦM LẶNG CỦA NGÀNH TÌNH BÁO QUÂN ĐỘI - 1

Cho những tầm nhìn xa...

Thứ Sáu, 03/03/2023 15:00

Bạn đọc đã từng kinh ngạc trước cuộc đời bí ẩn của Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức qua các cuốn sách Tình báo không phải là nghề của tôi của nhà văn Khuất Quang Thuỵ hay Ông tướng tình báo và hai bà vợ của nhà văn Nguyễn Trần Thiết thì lần này cuộc đời ông đã chính thức được vén màn ở một góc độ khác bởi một cuốn sách chân thực mà người viết ở một cự li gần nhất có thể với nhân vật, có lúc như hoà vào nhân vật, bởi sự gắn bó giữa hai người như là duyên phận, người mà từ học trò, cấp dưới, rồi được chính Đặng Trần Đức bồi dưỡng để có đầy đủ các phẩm chất, năng lực đảm đương cương vị của một nhà tình báo, một lãnh đạo cấp cao cho ngành tình báo quân đội và trở thành lãnh đạo cấp cao của Quân đội sau này, người đã gọi ông trân quý bằng danh xưng giản dị “người thầy”.
Cuốn sách Người thầy (Nxb Quân đội nhân dân, 2023) do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Uỷ viên trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng viết vừa ra mắt bạn đọc không những đã bộc lộ một mối quan hệ mẫu mực của tình thầy trò, ôm chứa những điều gần như sâu kín nhất của ngành tình báo quân đội mà còn hé lộ nhiều cống hiến, hi sinh thầm lặng, những sự chuẩn bị từ sớm, từ xa phục vụ cho việc đi trước đón đầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các quyết sách lớn. 

20 năm gói trọn một cuộc đời

Ở lời mở sách, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh viết rằng, chính những người con với người vợ đầu của Thiếu tướng Đặng Trần Đức nói rằng, sau hơn hai mươi năm biền biệt cách xa, khi đất nước giải phóng, dù đoạn đời hơn mười năm sau, họ đã được nhìn thấy bố, được sống gần bố hơn, không còn cảnh hun hút trong lòng địch cách trở người Nam kẻ Bắc, bặt bóng chim tăm cá nữa thì họ cũng vẫn không biết gì về những năm tháng hoạt động này của bố mình. Nghe vậy, ông đã hứa viết một cuốn sách về người thầy của mình, nhất là về quãng đời 20 năm mà ông được gần gũi anh Ba Quốc (tên gọi thân mật mà đồng đội vẫn gọi Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức). Và sau khi nghỉ hưu, khi đã bớt đi những vướng bận dành cho công việc của Đảng, Nhà nước và Quân đội là lúc Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thực hiện lời hứa ấy, lời hứa tự đáy lòng, cũng là món nợ nhân duyên với người thầy bình dị mà vĩ đại.

Cuốn sách Người thầy vừa được xuất bản bởi Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. 

Không phải là những trang tiểu thuyết trinh thám, không phải những điệp vụ được tái tạo với ít nhiều hư cấu, đó là những trang viết chân thực nhất, tận cùng chân thực và rất đỗi bình dị, hé lộ những tư liệu có một không hai của ngành tình báo quân đội. Đó thực sự là những trang tư liệu quý trong những ngăn tủ cao nhất của những người lính làm nhiệm vụ trong ngành tình báo quốc phòng.

Nếu như những cuốn sách về Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức trước đây đã bộc lộ phần nào giai đoạn hoạt động trong lòng địch của ông suốt 24 năm cũng như những hi sinh, thiệt thòi của ông và người thân với những câu chuyện thắt lòng thì ở cuốn sách này, bằng cái nhìn của người trong cuộc, gần nhất, kính cẩn nhất tác giả đã vẽ nên một chân dung đầy đủ, toàn diện về người thầy của mình, đặc biệt là những cống hiến của ông tại mặt trận Campuchia từ năm 1977 đến năm 1989.

Ban đầu ông được giao làm Cụm trưởng Điệp báo tại Hà Tiên, sau đó tại chiến trường Campuchia ông đã chỉ huy lực lượng tình báo của ta, góp phần kiến tạo nền hoà bình cho Campuchia, giúp bạn xây dựng một xã hội bình ổn. Đây là giai đoạn Thiếu tướng Đặng Trần Đức chuyển mình từ tình báo quân sự sang tình báo chính trị, tình báo kinh tế và tình báo chiến lược.

Hai mươi năm gắn bó với người thầy đặc biệt, có lẽ Nguyễn Chí Vịnh là người duy nhất nắm được chuẩn xác, cặn kẽ và chi tiết nhiều câu chuyện, nhiều thông tin xung quanh cuộc đời hoạt động của ông Ba Quốc. Những biệt tài của nhà chỉ huy tình báo qua những câu chuyện, những tình huống cụ thể được kể lại vừa hài hước, vừa dung dị mà cảm động vô cùng. Hai mươi năm để gói trọn một con người có cuộc đời phức tạp cùng nhiều uẩn khúc. Hai mươi năm để vẽ nên một bức chân dung rõ đến từng nếp nhăn trên gương mặt ẩn chứa nhiều sóng gió của một nhà tình báo cách mạng bậc nhất của Việt Nam. Bức chân dung ấy không ai có thể là người vẽ tốt hơn người học trò Nguyễn Chí Vịnh.

Những điệp vụ có một không hai

Có thể nói cả cuộc đời ông Ba Quốc - Đặng Trần Đức là sống trong vùng địch và trong lòng địch. Bốn năm đầu là trong bộ máy công an của thực dân Pháp tại miền Bắc, dưới bí danh Nguyễn Văn Tá, trong vỏ bọc một người thân trong gia đình Đàm Y, một quan chức người Việt có uy tín trong bộ máy tay sai cho Pháp. Hai mươi năm sau ông tiếp tục dấn sâu vào hàng ngũ địch, vươn tới tận cùng sào huyệt của chúng, tìm cách len lỏi vào vị trí đắc địa nhất là cơ quan tình báo của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Sau giải phóng, ông vẫn tiếp tục cống hiến ở nơi tuyến đầu. Cùng đồng đội xây dựng lưới điệp báo hoạt động tại mặt trận Campuchia, ông tiếp tục sống trong vùng địch. Chỉ khác là lần này trong tổ chức của ta, bên cạnh có đồng đội, có cấp trên, có cấp dưới. Dù khó khăn thiếu thốn nhưng ấm áp sẻ chia. Ông đã lấy lại tên cúng cơm là Đặng Trần Đức nhưng vẫn dùng bí danh Trần Văn Quốc, thường gọi là ông Ba Quốc. Giai đoạn này, ông Ba Quốc chuyển từ một điệp viên, một cơ cán hoạt động mật sang cán bộ tình báo hoạt động công khai và sau đó là cương vị chỉ huy tình báo. 

Nếu như quãng thời gian 20 năm hoạt động trong chế độ Việt Nam Cộng hòa Ba Quốc - Đặng Trần Đức đã viết nên biết bao câu chuyện li kì về ngành tình báo thì quãng thời gian 12 năm ở mặt trận Campuchia ông cũng để lại những dấu ấn đặc biệt. Có những chuyện ở Người thầy khiến bạn đọc tưởng như... không tưởng. Như là chuyện về Đội Z, một đội võ trang đặc nhiệm được chính ông Ba Quốc tuyển chọn và gây dựng với những con người đặc biệt, trong đó có nhiều người còn không biết chữ. Họ là những người không có trình độ văn hóa cao, không một ngày được đào tạo về tình báo nhưng lại có niềm tin và sự trung thành vô hạn với ông Ba. Nổi bật trong Đội Z là Tư Ẩn (Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Ngọc Ẩn), nhân vật đặc biệt nhất, người đã lập nên những chiến công có một không hai, thực hiện những điệp vụ bất khả một cách độc đáo vô cùng. Trong vụ bắt tên trùm lãnh đạo cao cấp của Khơ me Đỏ có biệt danh Mac chẳng hạn. Hắn là đối tượng săn lùng của nhiều lực lượng tình báo cả phía ta và bạn, cả tình báo công an và tình báo quân đội. Thế rồi người tóm gọn tên Mac lại là Tư Ẩn. Khi phát hiện dấu vết của tên này, Tư Ẩn đã báo cáo về. Nhưng tình huống nút thắt là khi Tư Ẩn đã bắt và trói gọn được tên ác ôn ấy rồi thì không cách gì đưa hắn về cơ sở của Phòng N được. Ngay lúc ấy có một chiếc xe lôi chạy đến, đó là loại xe kéo theo hai chiếc lu lớn chở mắm bò hóc người dân Campuchia thường dùng. Vậy là Tư Ẩn chặn lại, có bao nhiêu tiền trong túi đưa hết cho người lái xe và bảo anh ta đi. Sau đó Tư Ẩn ấn tên Mac bị trói gọn vào lu và lên xe oánh thẳng về đơn vị, vượt qua biết bao đồn bốt của các lực lượng một cách ngoạn mục. Về đến nơi, Tư Ẩn lao xe qua cổng, vừa chạy vừa hét ra hiệu. Đỗ xe trước sân, Tư Ấn xuống xe rút AK phang vỡ chiếc lu lôi "chiến lợi phẩm" ra trình ông Ba Quốc trong sự ngỡ ngàng thán phục của anh em đơn vị. Tư Ẩn sau này cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND theo đề nghị của ngành tình báo quân đội, Đội Z của Phòng N cũng được phong danh hiệu tương tự, là những điển hình của Đoàn 817 trên đất Campuchia.

Nguyên do của việc ta phải triển khai quân giữ gìn nền hoà bình của nước bạn là sau hiệp định Paris về Campuchia, tuy đã có hoà bình nhưng tình hình Campuchia có những diễn biến phức tạp. Các nước lớn đối với Campuchia và ba nước Đông Dương vẫn có những mưu đồ, can thiệp vào nội bộ nước này. Tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary tuy đã bị đập tan nhưng dưới sự hậu thuẫn của của nước ngoài vẫn gom tàn quân thành lập cái gọi là "Chính phủ ba phái" tiến hành chiến tranh du kích  gây bất ổn và tổn thất cho chính quyền non trẻ Campuchia. Còn nhớ, trong thời kháng chiến chống Mĩ, khi còn ẩn danh trong Phủ Đặc uỷ của chính quyền Việt Nam Cộng hoà, chính ông Ba Quốc đã báo tin cho Quốc vương Sihanouk về gói quà gửi cho Quốc vương có cài mìn nhằm ám sát vị Quốc vương theo chủ nghĩa dân tộc, phá âm mưu ám sát người đứng đầu Vương quốc Campuchia không phục vụ lợi ích và ý đồ của ngoại bang. Sau khi Việt Nam và Campuchia có hoà bình thì ông lại có những đóng góp để bảo vệ nền hoà bình non trẻ ấy.

Ông Ba Quốc - Đặng Trần Đức. Ảnh: TL

Một lần khác, một tên tình báo địch giả làm nhà sư Khmer đi khất thực. Cách tóm gọn đối tượng của Đội Z thường như vợt cá, khi đối tượng đang di chuyển sẽ ép lại chớp nhoáng và vợt lên xe của ta phóng đi ngay, tránh gây chú ý, kinh động dẫn đến bị lộ. Nhưng lần ấy gặp phải đúng đối tượng có võ. Khi bị đẩy lên xe UAZ, hắn xuống tấn gồng mình cứng ngắc khiến người của ta không sao đẩy hắn vào lòng xe được. Trong tích tắc Tư Ẩn thò tay xuống cù vào hai gan bàn chân của "nhà sư" khiến hắn nhột quá phải thả lỏng cơ thể. Thế là bị đẩy tọt vào xe gọn lỏn. Sau này, khi về lấy cung, cứ nhìn thấy Tư Ẩn là hắn lại tủm tỉm cười. Hỏi thì hắn nói rằng, cứ nghĩ đến lúc bị bắt và bị cù chân là hắn buồn cười không sao nhịn được.

Nhiệm vụ cấp thiết của Đoàn 817 khi đó là phải tìm, phát hiện, đập tan các mạng lưới tình báo do nước ngoài và Khmer Đỏ cài lại tên đất Campuchia, phát hiện âm mưu, thủ đoạn và chiến lược của các nước lớn nhằm giành lại quyền kiểm soát Campuchia, đồng thời đánh giá đúng hình thái chiến lược của cuộc chiến mới để mặt trận 719 giúp bạn giành thế chủ động trên chiến trường. Mặt khác, nhiệm vụ của Đoàn 817 còn là tham mưu cho cấp trên của ta đập tan các mạng lưới tình báo phản động do các thế lực thù địch cài cắm trên địa bàn các tỉnh phía Nam Việt Nam và dọc dải biên giới Tây Nam, nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, bảo vệ nền hoà bình, thống nhất của Việt Nam. Bởi thế, nhiệm vụ của Đoàn 817 là vô cùng quan trọng. Và góp phần vào những nhiệm vụ quan trọng đó không thể không kể đến vai trò của Phòng N, Đội X và Đội Z đều do một tay ông Ba Quốc, ông Ba Quang gây dựng và điều hành mọi hoạt động.

Còn nhiều những câu chuyện khác cho thấy sự cống hiến của lực lượng tình báo quân đội trên đất bạn Campuchia ở Người thầy. Họ đã có những đóng góp quan trọng trong việc chặn đứng nạn diệt chủng, và quan trọng hơn là cắt đứt những âm mưu của các thế lực núp bóng Khmer Đỏ, loại bỏ đến gốc rễ sự bất ổn cho nền hòa bình của bạn, ngăn ngừa từ xa nguy cơ đối với nền hòa bình của ta.

Những người tìm lối đi cho đất nước

Những cống hiến của ông Ba Quốc thời kì 24 năm nằm trong lòng địch thì đã được nói đến nhiều với những câu chuyện li kì, nhưng vẫn còn những điều chưa được kể, nay mới được đề cập đến Người thầy. Như là những thông tin xung quanh Chiến dịch Mậu Thân 1968 mà ông Ba Quốc nắm được từ phía địch gửi về cho ta hay như thông tin về Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, hay chuyện nắm bắt ý định của Mĩ sẽ dùng B-52 oanh kích Hà Nội trước khi đặt bút kí Hiệp định Paris về Việt Nam cũng như những khu vực sẽ bị đánh phá. Một bức điện của ông gửi ra Hà Nội viết: “B-52 sẽ đánh vào nhiều địa điểm ở Hà Nội, nhưng trong đó trọng điểm là khu vực sân bay Bạch Mai và đường sắt từ ga Hàng Cỏ”.

Ngành tình báo có nhiều điều không bao giờ nói ra được, không bao giờ phổ cập với đại chúng, thế nhưng, chỉ ở phạm vi những chuyện có thể nói ra được cũng đã khiến người đọc kinh ngạc đến ngỡ ngàng. Có những chuyện mà người ta chỉ lờ mờ biết, thì sau một khoảng thời gian nhất định đủ cho độ giải mật, màn sương mù ấy đã được vén hé, để chúng ta cùng nhìn lại những chặng đường đi của đất nước trong những thời đoạn khó khăn nhất, những người đứng đầu đất nước đã phải cân não tìm lối đi thế nào. Bạn đọc sẽ hiểu thế nào là tình báo, là công tác dự báo tình hình, dự báo về những điều xảy đến ảnh hưởng đến sự tồn vong của đất nước, của chế độ, giữ vững được nền hoà bình quý giá và sự bình an của nhân dân.

Ông Ba Quốc là người đầu tiên nắm được bản nghị quyết của Khmer Đỏ coi Việt Nam là kẻ thù truyền kiếp. Cái khó là tổ chức này khi đó vẫn mang danh Cộng sản, vẫn là bạn của Việt Nam nhưng đã có thế lực phía sau thao túng. Phát hiện của ông đã đi đến những nhận định sớm để đất nước ta có một ứng xử phù hợp, không bị bất ngờ với những diễn biến của tình hình khi biên giới Tây Nam bị tấn công. Bằng hoạt động tình báo ở địa bàn từ Kompong Som đến Koh Kong của Campuchia ông đã đưa ra được những nhận định về tác giả thực sự của nạn diệt chủng cũng như âm mưu của các thế lực núp bóng để giải quyết triệt để vấn đề Campuchia, sau năm 1975.

Thượng tá Nguyễn Chí Vịnh và Thiếu tướng Ba Quốc - Đặng Trần Đức trong một cuộc họp. Ảnh: TL

Làm tình báo không chỉ để giải quyết chiến tranh mà còn để tìm kiếm, kiến tạo hoà bình, khi mà một cuộc chiến cần dừng lại, nên kết thúc thì nó phải kết thúc như thế nào. Nổi bật ở Người thầy, bạn đọc sẽ được chia sẻ ít nhiều những thông tin về việc tìm kiếm, tái thiết hoà bình ở khu vực biên giới phía Bắc đang còn xung đột và tiềm ẩn những nguy cơ chiến tranh của thầy trò ông Ba Quốc những năm 1989 - 1990.

Sự bất ổn của Liên Xô và khối Đông Âu từ những dấu hiệu manh nha cũng đã được cặp thầy trò tình báo Đặng Trần Đức - Nguyễn Chí Vịnh nắm bắt và báo cáo kịp thời đến lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, cụ thể là ông Sáu Nam, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, khi đó đang đảm đương vị trí Chủ tịch nước. Từ những thông tin ban đầu đó, họ đã được ông Sáu Nam chỉ đạo tìm hiểu, báo cáo để đưa ra dự báo về sự sụp đổ của Liên Xô và sau đó để đi tìm câu trả lời sẽ ra sao Việt Nam? Một điều quan trọng nữa là công cuộc đi tìm gốc rễ của sự sụp đổ, tình báo quân đội đã xúc tiến những liên hệ, gặp gỡ tiếp xúc với một số nhân vật cấp cao trong bộ máy lãnh đạo của các nước Xã hội chủ nghĩa trước đây để nghe những ý kiến của họ, hòng rút ra bài học cho Việt Nam, giúp chúng ta có thể ứng phó, ngăn ngừa, giải quyết những nguy cơ và trụ vững như những gì diễn ra sau đó.

Quá trình bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc và sau đó là giải quyết quan hệ với Mĩ, hai nước lớn can dự vào cán cân thế giới theo chủ trương của lãnh đạo cấp cao những năm trước cũng đã có sự đóng góp của lực lượng tình báo quân sự, của cá nhân ông Ba Quốc. Cuộc gặp cấp cao bên lề một cuộc họp tại trụ sở Liên Hợp quốc năm 1995 giữa Chủ tịch nước Lê Đức Anh với Tổng thống Mĩ Bill Clinton là một sự kiện lịch sử đặt nền móng, là chìa khoá cho việc nối lại quan hệ Việt - Mĩ sau này đã có sự chuẩn bị rất lớn, rất kĩ của ngành tình báo quân đội cùng các bộ, ngành.

Có thể nói, đọc Người thầy, người đọc sẽ thấy rằng, nhiều quyết sách lớn về chính trị, quân sự, ngoại giao của đất nước đã được bắt đầu từ công tác dự báo chiến lược, trong đó có những dự báo quan trọng mang tính sống còn quyết định đến tương lai dân tộc. Lực lượng tình báo quân đội đã đáp ứng tốt yêu cầu đó như một sứ mệnh tự thân với những cống hiến thầm lặng, vô điều kiện mà cuộc đời của ông Ba Quốc - Thiếu tướng Đặng Trần Đức và những đồng đội xung quanh ông là một ví dụ điển hình. 

Kỳ 2:

Hoàn thiện bức chân dung về một huyền thoại tình báo Việt Nam

NGUYỄN XUÂN THUỶ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)