Tính đại chúng của sự đọc và huyễn tưởng tinh thần của văn học

Thứ Bảy, 03/12/2016 00:07
(Trường hợp một số tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh)
. HOÀNG PHONG TUẤN

Tính đại chúng (popularity) trong lĩnh vực văn hóa là một vấn đề không mới, nếu hiểu nó từ góc độ đường hướng nghiên cứu văn hóa đại chúng (popular culture), vốn thịnh hành ở Mĩ từ giữa thế kỉ XX. Tuy nhiên, tính đại chúng được xem xét trong phạm vi nghiên cứu tiếp nhận văn học thì phải đến thập niên 80 của thế kỉ XX mới được chú ý qua các công trình của John G.Cawelti và Janice Radway, sau đó được khái quát và đào sâu hơn bởi Michel de Certeau, Tonny Bennett và một số người khác.
 
1. Tính đại chúng của sự đọc liên quan đến việc văn bản văn học làm thỏa mãn nhu cầu tinh thần đời thường của người đọc: nhu cầu giải thoát, nhu cầu giải trí. Trong tâm thức của con người luôn tồn tại xung đột giữa điều mong muốn và thực tại không thể đạt đến, xung đột ấy tạo nên nhu cầu được giải phóng khỏi thực tại bề bộn và bó buộc hằng ngày, khỏi những sầu muộn, đau khổ luôn đeo đẳng. Một thiếu niên đang trưởng thành cảm thấy mình gò bó trong các quy định của bố mẹ, các quy tắc của nhà trường, những quy tắc đòi hỏi họ phải là một người trưởng thành hay một công dân gương mẫu, nhưng thế giới phong phú và kì thú của cuộc sống liên tục mời gọi họ: trải nghiệm giới tính, khẳng định cái tôi, giải phóng các tiềm năng còn chưa được khám phá... Một người phụ nữ mà xã hội truyền thông cung cấp cho họ những mẫu hình lãng mạn của tình yêu, những chân trời của địa vị xã hội và sự tự do mà các diễn ngôn bình đẳng giới tôn tạo như là các giá trị của hiện đại và văn minh, trong khi trên thực tế, văn hóa truyền thống, những ràng buộc của bổn phận đang trói buộc họ hay đang chờ đợi họ, họ muốn vượt thoát chúng nhưng nhiều khi bất lực. Những cá nhân luôn cảm thấy chịu thiệt thòi trong một xã hội mà sự sản xuất vật chất lên ngôi: những căn biệt thự hào nhoáng, những chiếc ôtô lộng lẫy, những sản phẩm thời trang... hấp dẫn họ, nhưng tất cả đều nằm ngoài tầm sở hữu của họ. Trong sâu thẳm mọi người đều cảm thấy hiện thực hằng ngày là trần trụi, nhàm chán và bó buộc; một thế giới khác, lãng mạn hơn, khốc liệt hơn, siêu phàm hơn, hay thậm chí là đẫm máu hơn nơi các tác phẩm hư cấu sẽ đem đến sự giải phóng và niềm vui cho họ. Trong thế giới đó họ có thể là một cô gái say đắm trong tình yêu tự do, một anh hùng bất khả chiến bại, một siêu nhân đi xuyên thời gian, hay thậm chí là một con quỷ dữ chôn giấu nỗi đau u uẩn trong sâu kín tâm hồn. Xung đột giữa ham muốn và thực tiễn tạo thành những ám ảnh đeo đẳng nội tâm con người, đòi hỏi được thoả mãn, giải phóng và cân bằng trong một thế giới hư cấu, tưởng tượng.

Thế giới hư cấu nơi các tác phẩm văn học, điện ảnh, ca kịch hiện đại... cung cấp những mẫu hình (formula) giải phóng người đọc khỏi thế giới thực tại và những ám ảnh nội tâm trong và bằng các huyễn tưởng (fantasy). Calwelti phân biệt các huyễn tưởng tinh thần và các huyễn tưởng thể chất. Các huyễn tưởng thể chất là các ấn phẩm khiêu dâm, chúng cũng đem đến cho ta sự giải phóng, sự thỏa mãn và sự cân bằng, nhưng chỉ là ở khía cạnh thể xác thuần túy. Trong khi đó con người không chỉ muốn giải phóng thể chất, mà còn (chủ yếu là) muốn thoát khỏi các ám ảnh nội tâm, những đau buồn và thất vọng trong tình yêu và cuộc sống. Vì vậy, những huyễn tưởng tinh thần của văn hóa nghệ thuật đại chúng mới là những cơ chế giải phóng nội tâm đúng nghĩa. Ông sơ khởi phân loại các huyễn tưởng tinh thần: hành trình mạo hiểm (adventure), trong đó các nhân vật anh hùng trải qua bao gian nguy và kết thúc với thắng lợi hoặc hoàn thành nhiệm vụ đạo đức; tình yêu lãng mạn (romance), trong đó nhân vật nữ trải qua những trắc trở trong tình yêu và cuối cùng có được hạnh phúc với người mình yêu; khám phá bí mật (mystery), trong đó nhân vật khám phá và theo đuổi những bí mật ẩn giấu; thế giới công bằng (melodrama), trong đó một thế giới hỗn độn được điều chỉnh bằng những hành động thiết lập công lí hoặc công bằng của nhân vật chính; sinh vật và thế giới ngoài trái đất (alien beings or states), trong đó xảy ra sự xâm lăng của sinh vật ngoài trái đất, những sinh vật khát máu hay những con zombie, hay nhân vật lạc vào một thế giới khác đầy những con bọ, những người khổng lồ.

 
tinh dai chung


Các mẫu hình văn học (literary formula) kiến tạo nên một cơ chế cho sự giải phóng, thỏa mãn và cân bằng thông qua các huyễn tưởng. Đầu tiên, chúng tạo nên các hoàn cảnh, tình thế và biến cố khơi gợi trong người đọc kinh nghiệm của mình về thực tại và về bản thân, để họ hóa thân vào nhân vật, cảm thấy như là nhân vật đang phải đối diện với những vấn đề mà họ từng đối diện nhưng bế tắc trong thực tại. Tiếp theo, chúng gợi nên những phẩm chất, khả năng, hay điều kiện nào đó có ở nhân vật để có thể vượt qua các biến cố ấy, đồng thời đó cũng là những điều mà người đọc mong muốn có được từ trong sâu thẳm tâm hồn mình. Cuối cùng, nhân vật vượt qua được những biến cố, dù đạt hay không đạt được mục đích, cũng đem lại sự thỏa mãn hay sự cân bằng cho người đọc, giải phóng họ khỏi những ám ảnh nội tâm, đem lại niềm thanh thản, để họ tiếp tục trở lại với thực tại đời thường trần trụi, nhàm chán và bó buộc hằng ngày.

Theo Calwelti, các mẫu hình văn học này dựa trên tính quen thuộc của kinh nghiệm đọc và tính mới của sự trải nghiệm trong tiến trình đọc. Mẫu hình quen thuộc của các chi tiết, nhân vật gợi nên trong người đọc chờ đợi những yếu tố cá biệt xảy đến nơi một tình huống được dự đoán trước. Trong truyện Harry Potter, Harry Potter là một cậu bé mồ côi, sống chung với gia đình Dursley và bị cậu quý tử Dudley ức hiếp, xem thường. Đây là mẫu hình cậu bé mồ côi quen thuộc, và khi đọc, người đọc chờ đợi những biến cố sẽ xảy đến với cuộc đời cậu bé: một cuộc phiêu lưu, một sự ngược đãi ngày càng tăng, hay là một phép màu kì lạ. Những mẫu hình quen thuộc ấy cắm rễ sâu xa trong cổ mẫu (archetypes) tộc loài: cậu bé mồ côi hay cô bé mất mẹ phải sống chung với dì ghẻ độc ác và rồi ông bụt xuất hiện.

Khác với những tác phẩm văn học tinh hoa, chủ yếu tạo nên biến đổi lớn trong kinh nghiệm đọc, đưa người đọc vào những thách thức của ngôn từ nghệ thuật và sự mơ hồ của các sơ đồ lí giải, các tác phẩm đại chúng nhìn chung là dễ đọc, người đọc không phải băn khoăn lựa chọn các chiến lược lí giải cho mình, thậm chí, chúng hầu như có sẵn các chiến lược lí giải được gợi ý. Sự đọc đại chúng là sự đọc mà người đọc chủ yếu là hồi hộp chờ đợi những sự kiện. Đây cũng chính là lí do mà các nhà nghiên cứu hàn lâm cho rằng sự đọc đại chúng là dễ dãi, đơn thuần giải trí.
 
2. Nhìn bề ngoài, khó có thể nói rằng các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh là mang tính đại chúng, nghĩa là cung cấp cho người đọc các huyễn tưởng tinh thần như các tác phẩm của văn hóa đại chúng. Tuy nhiên, xuyên qua thế giới các nhân vật thiếu niên, không gian đời thường của đồng quê, không gian nhà trường và gia đình, ta thấy Nguyễn Nhật Ánh đã kết hợp được một cách tinh tế và khéo léo những huyễn tưởng tinh thần như đã nêu ở trên.

Trong một số tác phẩm đặc sắc, Nguyễn Nhật Ánh tạo nên sự đan xen, kết hợp các huyễn tưởng khác nhau trên nền tảng một huyễn tưởng chính, thường là huyễn tưởng về thiết lập thế giới công bằng và huyễn tưởng khám phá điều bí mật trên nền huyễn tưởng tình yêu lãng mạn. Ý thức về việc tạo nên những huyễn tưởng tinh thần và việc phối hợp chúng để tạo nên sức hấp dẫn được ông lưu ý trong quá trình viết. Ông nhận thấy rằng độc giả nhỏ tuổi không chỉ quan tâm đến câu chuyện tình yêu, mà còn “bộc lộ một ước muốn lớn hơn, đó là ước muốn được thấy những con người tốt sống bên nhau, được thấy thế giới không ngừng hoàn thiện”. Vì thế, với ông, người kể chuyện “như gã mục đồng dẫn đàn cừu băng qua núi cao vực sâu và sau đó thuật lại chúng đã vượt qua hiểm nghèo như thế nào”. Nhưng để cho câu chuyện được hấp dẫn, ông cũng đưa vào những “yếu tố trinh thám” hay những nhân vật phụ “kì bí”. Đáng chú ý là ở một số truyện, sự hội tụ và kết hợp khéo léo của huyễn tưởng thiết lập thế giới công bằng và huyễn tưởng khám phá điều bí mật tạo nên những điểm nhấn nội dung cho tác phẩm.

Tiêu biểu cho sự kết hợp tinh tế và khéo léo này là tác phẩm Thằng quỷ nhỏ. Tác phẩm kể về tình cảm của hai người thiếu niên đến tuổi trưởng thành là Quỳnh, “thằng quỷ nhỏ”, và Nga, cô bạn cùng lớp ngoan hiền và nhân ái. Những chi tiết công việc làm thêm của Quỳnh, được phối hợp với tình cảm đầy éo le của anh dành cho Nga làm tăng thêm tính hấp dẫn cho tiến trình đọc. Thêm nữa, hình ảnh tội nghiệp, đáng thương của anh khi bị bạn bè bắt nạt, được khéo léo đan cài vào một số chi tiết thể hiện đức tính tốt đẹp của Quỳnh, đối lập với những trò ma mãnh, tinh nghịch và có phần hơi ác độc của Luận, dần gợi nên ở người đọc sự cảm nhận mang xúc cảm đạo đức và mong muốn điều gì đó công bằng đối với Quỳnh. Điểm nhấn nội dung của tác phẩm được tạo ra khi có sự kết hợp câu trả lời cho hai chờ đợi trong người đọc: chờ đợi được biết về nghề nghiệp của Quỳnh và chờ đợi được thấy sự đồng cảm, thấu hiểu của Luận đối với Quỳnh. Đó chính là tình tiết Luận nhận ra Quỳnh và hiểu được hoàn cảnh khó khăn, đồng thời tỏ ra tôn trọng bạn vì biết được ngoài giờ học bạn còn đẩy xe ba bánh kiếm tiền thêm.

Chính xúc cảm đạo đức và thiện cảm đối với nhân vật Quỳnh làm nền cho sự nhìn nhận của người đọc về mối quan hệ giữa Quỳnh và Nga: người đọc chờ mong tình cảm của họ được suôn sẻ, và vui mừng khi Quỳnh và Nga nói chuyện lại với nhau, lo lắng khi họ xa cách nhau, và càng bất an hơn khi Khải cũng thể hiện sự quan tâm đến Nga. Cuối tác phẩm, cảnh ngộ bất ngờ của nhân vật xảy ra đưa cảm xúc của người đọc lên cao trào, và điểm nhấn ý nghĩa của loài hoa làm cho xúc cảm đạo đức về lẽ công bằng, xúc cảm tình yêu lãng mạn phối hợp hài hòa, người đọc cảm thấy thỏa mãn với những mong muốn lòng nhân ái, về sự công bằng mà có thể thực tại cuộc sống đã không đáp ứng được cho họ.

Tác phẩm Phòng trọ ba người lại là một sự kết hợp khéo léo khác. Câu chuyện kể về ba chàng sinh viên Chuyên, Nhiệm và Mẫn, cùng những cảm xúc đôi lứa dễ thương và xúc động của họ: Chuyên cảm mến Sương, cô bé hàng xóm cạnh phòng trọ; Nhiệm cảm mến Thủy, cô bé con chủ nhà trọ; còn Mẫn, với cơ thể khiếm khuyết, tật nguyền, luôn mặc cảm với chính mình và tự ti với các bạn cùng phòng. Hoàn cảnh này dẫn dắt đến tình tiết Mẫn nói dối bạn về việc mình có một cô bạn gái tên là Thanh Hương, thực chất là một học trò tên Thu Thảo mà Mẫn dạy kèm và nhờ viết thư giả làm bạn gái, và nói dối Thu Thảo về việc mình có cô bạn gái tên là Thủy. Câu chuyện diễn biến trên tuyến huyễn tưởng về tình cảm lãng mạn nhưng đan xen là huyễn tưởng khám phá điều bí mật liên quan đến cô bạn gái giả tưởng và huyễn tưởng về thiết lập thế giới công bằng qua nỗi mặc cảm thầm kín về sự thiệt thòi bản thân của Mẫn. Nút thắt của truyện là khi Thu Thảo (là Thanh Hương đối với hai người bạn cùng phòng) đến phòng trọ ba người của Mẫn. Quyển vở có chữ viết của Thu Thảo, vốn là nét chữ trong những lá thư lấy tên là Thanh Hương, là chìa khóa để cả ba người Chuyên, Nhiệm và Thu Thảo nhận ra nỗi mặc cảm và cô đơn sâu thẳm của người bạn khiếm khuyết, tật nguyền. Ở đây, nơi tình tiết nút thắt ấy là sự hội tụ của huyễn tưởng khám phá điều bí mật và huyễn tưởng về thiết lập thế giới công bằng gợi mở cảm xúc đạo đức và sự cảm thương của người đọc dành cho nhân vật.

Chính điểm hội tụ này gợi nên nỗi đồng cảm sâu xa, đồng thời giải phóng những mong muốn sâu thẳm trong tâm can người đọc là những chàng thiếu niên đến tuổi trưởng thành cảm thấy chút nào đó mặc cảm về thân phận của mình trong thực tế. Ẩn ức của người đọc thiếu niên đã được phóng chiếu vào nhân vật. Họ đồng cảm với nhân vật cũng là đồng cảm với chính mình và thấy mình được đồng cảm. Đây là lí do mà Cawelti gọi đó là những huyễn tưởng nội tâm (moral fantasy) có chiều kích đạo đức, vì trong nó và vượt lên nó, người đọc cảm thấy mình được lắng nghe, được chia sẻ, thông qua tấm gương là tác phẩm.
Mặt khác, trong tác phẩm của mình, Nguyễn Nhật Ánh luôn gắn kết sự phối hợp các huyễn tưởng với trải nghiệm của tuổi trưởng thành. Nói cách khác, sự đồng cảm mà người đọc dành cho nhân vật chính liên quan mật thiết đến tiến trình trải nghiệm và khám phá bản thân, thấu hiểu người khác ở lứa tuổi trưởng thành. Xuyên qua các mẫu hình của cốt truyện và nhân vật của truyện Nguyễn Nhật Ánh, người đọc thiếu niên không phải cảm nhận và khẳng định bản ngã của mình qua hình ảnh các nhân vật anh hùng, nữ chính như ta có thể tìm thấy trong các tác phẩm đại chúng khác chẳng hạn Harry Potter hay Đấu trường sinh tử. Ngược lại, nổi bật trong các nhân vật của truyện Nguyễn Nhật Ánh là cảm nhận về sự trải nghiệm trưởng thành cho mình và với mình, qua các tình tiết và sự việc đời thường, quen thuộc. Các nhân vật nhận ra mình, hiểu thêm về bạn mình, hiểu thêm những tình huống trong cuộc sống, và hiểu thêm về chính mình từ những ngộ nhận.
 
3. Văn học đại chúng thuộc về dòng chảy văn hóa đại chúng, rộng lớn và phổ biến trong bất kì nền văn hóa nào. Nó chi phối và tác động đến đời sống tinh thần của thời đại hơn những gì chúng ta có thể hình dung. Nó một mặt sinh ra và phổ biến do nền sản xuất văn hóa hiện đại, mặt khác tồn tại để đáp ứng nhu cầu tinh thần của tầng lớp người đọc chiếm đa số: những thanh thiếu niên đến tuổi trưởng thành băn khoăn về chính mình và về những giá trị sống, những phụ nữ nội trợ và văn phòng, những người lao động bình dân mong muốn có khoảnh khắc thoát ra được cõi sống trần trụi, chật hẹp, đầy những lo toan và trách nhiệm... Vì vậy, tác động văn hóa và giá trị giải trí, cân bằng đời sống tinh thần của văn học đại chúng là điều các nhà nghiên cứu cần quan tâm hơn nữa.

Mặt khác, ở các nước Anh, Mĩ, việc nghiên cứu các tác phẩm đại chúng để rút ra những quy tắc, thủ pháp và chiến lược của sự đọc, làm chỉ dẫn cho sáng tác, đã diễn ra từ lâu và đạt nhiều thành tựu. Một phạm vi nghiên cứu có tính thực tiễn của thị trường, đồng thời khái quát được những vấn đề của tâm lí, xã hội của sự đọc như thế gợi ý rất nhiều cho thực tiễn sản xuất, phân phối các tác phẩm văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam, vốn dĩ là mảnh đất hầu như chưa được khai phá nhiều, và vì thế, còn để ngỏ cho sự chi phối và thậm chí là thao túng của các định chế sản xuất, truyền bá và kinh doanh văn hóa phẩm ngoại nhập.

H.P.T
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)