. TỐNG NGỌC HÂN
Đứa hàng xóm nhà tôi, mới tuần trước ngạc nhiên, “Giờ em mới biết chị là nhà văn đấy”. Tôi khẽ cười. Cuối cùng thì cũng có vài người ở đây biết tôi là nhà văn. Mà ai khi biết điều này cũng đều ngạc nhiên cả. Bởi vì họ thấy tôi không khác gì họ.
Đúng là tôi không khác gì họ thật. Tôi cũng có mái tóc ngắn giống chị nhân viên dọn buồng phòng trong nhà nghỉ, để thuận lợi cho công việc và dễ dàng tự gội dưới vòi nước. Tôi cũng có cái quần nhiều túi giống chị Tây du lịch bụi, để đựng tiền, điện thoại và một vài thứ đồ linh tinh. Tôi cũng mặc những chiếc áo hoa nhiều màu giống cô hàng mã để những ngày Sa Pa mưa tối đất tối trời, nhìn vào áo mình cho đỡ u ám... Tôi còn thấy mình giống chị bán măng, giống anh bán củi, giống chị rửa bát thuê trong quán phở. Đôi lúc, sang trọng hơn tí, tôi thấy mình giống chị giáo viên phố, giống em lễ tân trong khách sạn, giống nhân viên thu cước điện thoại, giống bà chủ tịch hội phụ nữ cắp sổ đi đôn đốc chị em... Tôi giống quá nhiều người. Thực ra, không phải là tôi giống họ, mà trên con đường đến với văn chương, tôi đã lần lượt là họ... Nên tôi hiểu họ hơn bất cứ ai. Và hiểu tôi hơn bất cứ ai.
Nhà nhiếp ảnh Huy Thức của Hội Văn học - Nghệ thuật Lào Cai lần đầu tiên tìm thấy tôi ở Bảo Yên, khi ấy, toàn thân tôi bọc trắng một lớp bụi đá ở công trường, bên cạnh cái máy xay đá và những cây búa lớn. Ông thán phục tôi lắm. Giữa chốn bụi bặm ầm ã, lại có con bé tuổi ngoài đôi mươi, làm thơ trong trẻo thế kia. Ông cho tôi tiền đi chợ và bảo, “Nhuận bút của tao đấy”. Tôi không nhớ mình đã rưng rưng cảm động thế nào, khi lần đầu tiêu tiền nhuận bút của người làm văn nghệ. Rồi những bài thơ nho nhỏ của tôi in trên tạp chí Văn nghệ Lào Cai vào những năm 2000 mang đến cho tôi một cảm giác rất lạ. Cảm giác như một nửa con người tôi đang thuộc về một cõi khác, vừa thực đến nghiệt ngã, vừa ảo đến diệu kì. Tôi tạm gọi đó là cõi văn. Năm 2002, căn nhà của tôi ở Bảo Yên bị hỏa hoạn thiêu rụi. Những ngày nương náu ở Hội văn nghệ tỉnh, tôi thật sự thấm thía nỗi buồn trắng tay. Hai mươi sáu tuổi đầu và hai lần trắng tay ra khỏi nơi ở. Thơ tôi bắt đầu ngấm vị chua chát cay đắng. Tôi nói với nhà văn Đoàn Hữu Nam, khi đó làm biên tập ở Tạp chí Văn nghệ Lào Cai, “Có khi, em viết truyện thôi, thơ không nói được hết đâu”. Đúng là khi ấy, thơ không mang hết tôi và những tâm sự của tôi. Và tôi viết truyện ngắn. Lần lượt Giấc mơ, Bàn tay người đàn ông, Chuyện kể về đêm... ra đời trong năm 2003 - năm tôi đặt chân lên Sa Pa. Tôi viết tay trên cuốn sổ nhỏ, thường vào cuối ngày, sau khi đã tròn trịa những bổn phận. Cứ lặng lẽ viết, lặng lẽ sống và chìm vào những số phận quanh mình. Không ai biết là tôi viết truyện hay làm thơ cả.
Đời người có những cột mốc. Tôi cũng không thể nào quên những cột mốc làm nên tuổi bốn mươi của tôi. Nhưng tôi là người không ưa kể lể. Ghét ôn nghèo kể khổ, không thích ai xót thương, tội nghiệp mình. Tôi chỉ thích nhắc lại những kỉ niệm khiến tôi vui thôi. Văn chương là niềm cứu cánh của tôi. Văn chương đem đến cho tôi những vui buồn định mệnh. Tôi ở xa, thi thoảng có việc ra thành phố và ghé qua Hội văn nghệ tỉnh, mọi người thường cho tôi ứng nhuận bút của bài thơ hay truyện ngắn... vừa mới được tạp chí duyệt in. Hay những giải thưởng văn nghệ hằng năm, người ở thành phố chỉ được ôm bằng, thì tôi đã được ứng trước tiền thưởng. Tôi luôn thấy mình được ưu ái, bao bọc bởi những thương mến mà bạn văn chương và độc giả Lào Cai - nơi tôi sống, và Phú Thọ - nơi tôi sinh ra lớn lên - dành cho mình.
Ai đến thăm tôi cũng thắc mắc, rằng tôi viết vào lúc nào. Không máy tính, không internet, không bàn làm việc. Đến tôi cũng chả nhớ là tôi viết vào lúc nào, nữa là bạn bè. Quay cuồng với bán mua, chắp vá thổ cẩm, con nhỏ và trăm thứ công việc nội ngoại, tôi vẫn in hai tập thơ và xuất bản hai tập truyện ngắn. Cuối năm 2012, tôi mua cái máy tính, tự gõ truyện, thay vì trước đó mang bản chép tay đi thuê đánh máy. Khi có máy tính, đầu năm 2013, qua bạn bè, tôi lân la làm quen với các báo Văn nghệ, Văn nghệ Công an, Tiền phong, Đại biểu nhân dân, Văn nghệ Trẻ, Lao động... Và chỉ một năm, với hơn ba mươi truyện ngắn in trên các báo, tạp chí trung ương, tôi được độc giả quan tâm và biết đến nhiều hơn. Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của tỉnh Lào Cai năm 2012 khiến tôi tự tin bước vào cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội 2012-2014. Chính cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm đó đã khiến tôi nảy sinh tham vọng thử thách chính bản thân mình. Tôi muốn biết sức tôi đến đâu, tạng tôi hợp với đề tài nào... Được in truyện trên Văn nghệ Quân đội là điều không tưởng với tôi trước đó, thì trong hai năm, tôi đã được in năm truyện ngắn ở đây. Cũng hai năm đó, tôi hoàn thành hai cuốn tiểu thuyết, Huyết ngọc và Âm binh và lá ngón (cuốn này sau đoạt giải C cuộc thi sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết và kí do Bộ Công an phối hợp Hội Nhà văn tổ chức). Cuối năm 2013, tôi tự tin nộp đơn và được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Sau khi vào Hội Nhà văn Việt Nam, tôi vẫn tiếp tục vắt mình trên những trang viết. Kể chuyện, đã thật sự trở thành niềm say mê của tôi. Tôi muốn được mọi người nghe chuyện tôi kể. Chỉ đơn giản thế thôi. Có người khuyên tôi đừng chạy theo giải thưởng, ảo lắm. Họ nói thế, cũng có cơ sở, vì ba năm liền (2013, 2014, 2015), truyện của tôi lọt top 10 truyện ngắn hay của Văn nghệ Trẻ và Văn nghệ, rồi giành các giải thưởng của Văn nghệ Quân đội, của Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn… Tuy nhiên, tôi không giải thích, vì chỉ có tôi mới biết, tôi viết văn vì điều gì. Với tôi, động cơ, lí do ấy thiêng liêng lắm, đâu dễ gì mang ra để bàn cãi mổ xẻ. Tôi coi văn chương là bạn. Tôi không hời hợt nông cạn với bạn, thì bạn không phụ tôi, thế thôi. Tôi nghĩ, nếu ngày nào đó, tôi ngừng viết, thì độc giả rồi cũng quên những Hồn xưa lưu lạc, Mầm đắng, Cổng làng, Đêm không bóng tối, Nước mắt để dành…, và quên cả tôi nữa.
Đường đến với văn chương của tôi, thực chất là con đường tôi đã và đang đi mỗi ngày. Con đường ấy sang trọng và giản dị như con đường lát gạch. Mà mỗi tác phẩm của tôi, tôi tự ví như một viên gạch. Muốn có nhiều viên gạch, thì phải viết thôi. Chính những viên gạch tác phẩm của tôi nâng bước chân tôi đi. Khi nào còn lấm láp mưu sinh quanh tôi, còn nhọc nhằn giả trá quanh tôi, còn bất công, còn đớn đau, còn hạnh phúc của những người sống quanh tôi, tôi còn viết. Còn ai muốn nghe tôi kể chuyện, tôi còn kể.
*
* *
Hiện giờ, gia tài tác phẩm của tôi đã là chục cuốn sách xuất bản. Đó là hai tập thơ, hai tiểu thuyết và sáu tập truyện ngắn. Và còn vài dự án in ấn trong năm tới nữa. Tôi chưa khi nào bằng lòng. Tôi vẫn nhớ như in lời của nhà văn Nguyễn Đình Tú, “Em phải mở mang đề tài, để nhắc đến em, mọi người không chỉ gọi em là cây bút của Lào Cai”. Và lời của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, “Các anh chị bây giờ viết giỏi lắm, triết lí cũng sâu cay lắm. Nhưng tôi cũng thắc mắc, cái chất hóm hỉnh, dí dỏm, hài hước của ngôn ngữ Việt đi đâu cả rồi”. Tôi luôn ghi nhận, tận dụng tất cả những cuộc gặp mặt, hội thảo, để lắng lọc những điều hay đẹp từ phía người đối diện. Tôi luôn coi bạn viết là thầy, để mà học hỏi. Rồi lại can đảm đối diện với chính mình bằng những câu hỏi tưởng dễ mà lại khó trả lời. Viết như thế, có giúp gì được cho người đọc không? Đã đủ nhân văn chưa?... Nên mỗi truyện tôi viết ra, đều là một sự khơi gạn, đắn đo kĩ càng. Không có lí thuyết nào áp dụng lên việc sáng tác của tôi cả. Tôi kể chuyện bằng con tim còn đủ nồng nàn và cái đầu luôn tỉnh táo trước những lằn ranh mong manh nhất. Văn chương là một sự cho đi. Nhọc nhằn với bao nhiêu trải nghiệm, bao nhiêu đắng đót để viết ra truyện. Rồi chia sẻ với mọi người. Cái hạnh phúc khi được chia sẻ kì diệu lắm. Chả thế mà bao nhiêu người muốn viết. Chả thế mà tôi luôn trong tình trạng bị nhân vật cầm tay dong đi trong cái biển đời đầy ắp những hỉ nộ ái ố. Đi đến mê mệt rồi thấy mình đang lâng lâng ở cõi khác: cõi văn. Ở cõi này, thi thoảng vẫn có những người hỏi nhau, “Đã đọc Tống Ngọc Hân chưa?”. Thật là khó diễn tả cái cảm giác khi nghe người đời gọi tên mình.
T.N.H