|
LƯU SƠN MINH
- Sinh năm 1974. Hiện sống và làm báo tại Hà Nội.
- Tác phẩm đã in:
+ Mưa sâm cầm (tập truyện ngắn).
+ Trần Quốc Toản (tiểu thuyết lịch sử).
+ Trần Khánh Dư (tiểu thuyết lịch sử).
|
- Tám năm mới hoàn thiện một cuốn tiểu thuyết, tôi không biết nên nghĩ rằng anh thong thả hay anh cẩn thận, hay anh quá kĩ tính với tác phẩm của mình?
+ Dĩ nhiên là tôi không thể “tự phong” cho mình là cẩn thận hay kĩ tính. Tôi chỉ biết mình viết rất mệt, đã thế tôi viết (và nói chung làm việc) rất tùy hứng. Không kể giữa chừng, thói mải chơi còn lôi tôi sa đà vào vô khối thứ. Hơn nữa, cũng không có yếu tố “sứ mạng” gì đó đối với tôi trong chuyện viết lách. Tôi chỉ viết khi mình thích, hoặc khi nhân vật thích tôi viết. Phần còn lại, hoặc là tôi đi chơi, hoặc là nhân vật của tôi đi chơi... Tôi không dám nói mình kĩ tính với tác phẩm, nhưng chắc chắn ngoài đời tôi là người rất kĩ tính. Biệt hiệu “mẹ chồng” do một đồng nghiệp nghĩ ra đã có cách đây gần hai chục năm rồi mà...
- Tại sao anh chọn Trần Khánh Dư trong số rất nhiều nhân vật “đáng kể” của nhà Trần cho cuốn tiểu thuyết này?
+ Tôi cũng không rõ tại sao ông tướng ngang ngược ấy lại chọn tôi viết. Suốt quá trình viết, có thể thấy rõ một cảm giác “được hỗ trợ” từ nhân vật. Những tư liệu cứ đột nhiên hiện đến trước mắt như đã có sự sắp đặt lâu rồi. Tôi cứ thế, đón về những tư liệu; và thậm chí, đón cả về những cảm hứng mà nhân vật dành cho.
Trần Khánh Dư là một ông tướng với tính cách đặc biệt, với số phận đặc biệt. Có rất nhiều điều để viết về ông, nào tài giỏi, nào phong lưu tình ái, nào cờ bạc... Tất nhiên, cũng chính vì thế mà tôi lại hết sức vất vả để mở đầu cuốn sách này. Phải đến lần viết lại thứ tư, tôi mới thực sự ưng ý với những chương đầu sách, để rồi tiếp tục lần mò cùng “ông tướng bán than” ấy.
- Trong buổi giới thiệu cuốn tiểu thuyết trên, anh có nói rằng anh và Trần Khánh Dư có nhiều nét tương đồng, và thậm chí sau một thời gian dài nghiền ngẫm về nhân vật này thì anh càng thấy anh “giống” ông ấy. Cái sự “giống” ấy nó tác động thế nào đến quá trình anh xây dựng nhân vật Trần Khánh Dư?
+ Nét tương đồng lớn nhất, có lẽ là ở xuất phát điểm: chúng tôi đều đã từng là “trẻ cứng đầu”. Tôi rất thích khái niệm này của một nhà nghiên cứu người Mĩ. (Dĩ nhiên, bà ta cũng vốn là “trẻ cứng đầu” - vì dường như chỉ có những người như thế mới thực sự có thể thâm nhập vào thế giới của nhau). Những sự ngỗ ngược luôn có một nét chung nào đó. Dĩ nhiên, do đặc điểm của con người, của bối cảnh xuất thân và thời cuộc, mỗi cá thể “trẻ cứng đầu” sẽ phát triển theo một hướng khác nhau (chắc chắn là hướng do chính cá thể đó tự chọn). Chính vì thế, trong khi viết, thậm chí có những lúc tôi cảm thấy vô cùng đồng cảm và chia sẻ với Trần Khánh Dư.
- Anh luôn nhắc đến nhà văn Hà Ân như một người thầy văn chương. Cái duyên giữa anh và cố nhà văn Hà Ân bắt đầu như thế nào? Ông đã ảnh hưởng đến anh ra sao trên con đường văn chương?
+ Hồi nhỏ, tôi rất yếu. Tôi cứ ốm đau triền miên và thường phải nằm một mình trong căn phòng nhỏ luôn tối om và ẩm thấp vì thiếu ánh mặt trời. Bên cạnh tôi ngày đó chỉ có những cuốn sách được ông ngoại mua cho. Và các nhân vật của Trăng nước Chương Dương hay Trên sông truyền hịch đã trở thành những người bạn của tôi sau khi được đọc đi đọc lại tới cả trăm lần. Tôi tin rằng họ tồn tại thực sự, họ đã sống ngoài đời thực - sống đẹp y như nhà văn Hà Ân đã tả. Và tôi chỉ có một mơ ước được biết sau những trang sách kia, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với những người bạn ấy.
Khi bắt đầu viết truyện ngắn lịch sử, tôi đã nhờ bạn tôi (lúc đó đang theo học tử vi bác Hà Ân) mang hộ những truyện ngắn lên nhờ bác đọc, rồi sau này là xin được gặp bác. Kể từ khi được gặp nhà văn Hà Ân, tôi thực sự cảm thấy hết sức sung sướng. Tôi được cùng bác ôn lại câu chuyện về các nhân vật, và cả được chứng kiến bác vượt qua tuổi già để viết xong tiểu thuyết Khúc khải hoàn dang dở. Tôi coi bác như Thầy, và thỉnh thoảng tôi lại cuống lên vì cảm giác bị Thầy giao bài như hồi viết cuốn Trần Quốc Toản.
Tôi viết cuốn Trần Khánh Dư rất lâu, rất ậm ạch. Bác Hà Ân thường hay hỏi han và đốc thúc, tới mức có đợt tôi trốn không dám lên vì sợ phải trả lời những câu hỏi của bác về cuốn sách. Bác mất, suốt những năm tiếp theo, mỗi ngày giỗ tôi đều lên thắp hương với tâm trạng của thằng học trò chưa nộp được bài cho thầy. Mãi năm vừa rồi, khi đã hoàn thành Trần Khánh Dư, lần đầu tiên tôi mới có thể thanh thản lên thắp hương sư phụ mà không canh cánh cái tâm trạng đó.
- Vẫn liên quan đến nhà văn Hà Ân, trong tiểu thuyết của anh, thỉnh thoảng lại có một câu chú thích: “Tìm đọc thêm… của Hà Ân”. Điều này có ý nghĩa thế nào?
+ Những chú thích đó đều xuất phát từ ý nghĩ của cá nhân tôi. Như tôi đã nói, khi đọc truyện của nhà văn Hà Ân, tôi luôn muốn biết thêm về các nhân vật. Và vì thế, khi “nối dài” các nhân vật của Thầy sang tác phẩm của mình, tôi đột nhiên có ý nghĩ “xui” độc giả tìm đọc thêm để biết rõ hơn về thân phận của những nhân vật mà họ vừa mới gặp.
- Nhân khi anh đề cập đến việc “nối dài” cuộc đời một số nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn Hà Ân, tôi muốn hỏi: Cách làm này, theo anh có lợi gì cho nhà văn và tác phẩm? Vì sao anh làm vậy?
+ Về mặt cá nhân, tôi không coi việc nối dài này là một “thủ pháp” và cũng không nghĩ đến chuyện việc đó có lợi hay không. Đây vẫn là một vấn đề thuần túy của riêng tôi. Tôi đã tin một cách tuyệt đối ngay từ khi còn nhỏ vào những nhân vật hư cấu của nhà văn Hà Ân. Tôi không thể bịa ra được những nhân vật khác để “thế thân” cho những người bạn từ thời thơ ấu đó. Vì thế, khi bắt đầu viết về triều Trần, tôi đã xin phép sư phụ để được viết tiếp về các nhân vật này. Với riêng tôi, việc sư phụ đồng ý, giống như một sự thừa nhận cũng như niềm tin của Thầy vào khả năng kế tục của tôi... Nhắc lại chuyện này, trong tôi vẫn còn nguyên cảm giác vui sướng khi nhận được cái gật đầu của sư phụ.
- Trở lại với nhân vật Trần Khánh Dư. Anh từng nói, kì lạ là ông sống ở thế kỉ XIII nhưng lại có suy nghĩ rất gần với đời sống xã hội thế kỉ XXI. Anh đã xây dựng nhân vật này như thế nào? Có thể định lượng khoảng bao nhiêu phần trăm trong đó là hư cấu?
+ Hiếm khi có nhân vật nào lại làm tôi phải tiếp cận theo lối nhập vai. Vì thế, tôi có thể nói chắc luôn rằng tự tôi không thể rạch ròi định ra bao nhiêu phần hư cấu. Tôi thấy mình trong nhân vật, và cứ thế hành trình cuộc đời ông diễn ra trên bàn phím, với những điểm tựa là các cứ liệu lịch sử tôi đã thu thập được. Tôi chỉ việc kể lại những gì mình thấy, từ trong thế giới quan của một nhân vật - mà như tôi đã nói, có những điểm tương đồng với chính tôi.
- Từ Trần Khánh Dư, trước đó là Trần Quốc Toản, tôi rất muốn biết cách anh nghĩ về tiểu thuyết lịch sử. Thường thì chúng ta thấy văn học (và kể cả các loại hình nghệ thuật khác), có hai hướng khai thác: Bám sát các dữ liệu lịch sử chính thống, hoặc chỉ lấy nhân vật/ sự kiện lịch sử làm cảm hứng, còn thì tự cho phép mình hư cấu thoải mái. Anh xây dựng Trần Khánh Dư theo hướng nào?
+ Thật ra, bên cạnh tính khí ngang ngược và có lúc nổi loạn, tôi vẫn có những góc bảo thủ rất riêng. Tôi rất không thích việc nhà văn tự tung tự tác hư cấu tới mức nhân vật “bất thành nhân dạng”. Ngay từ nhỏ xíu, tôi đã rất bực khi xem những tác phẩm sân khấu mà trong đó, để tôn vinh nhân vật này, người ta tìm mọi cách hạ thấp những nhân vật khác.
Tôi không định tô hồng cho Trần Khánh Dư, càng không định bôi đen ông thêm nữa. Tôi chỉ muốn đặt những hành trạng của ông đã lưu trong chính sử vào một bối cảnh thực, để mà người đọc có thêm một góc nhìn khác về vị tướng này. Hơi lệch lạc một chút, tôi muốn cung cấp vài “camera ẩn” để người đọc có được cơ hội “xem các cảnh quay lại từ nhiều góc”, thay vì cứ phải “xem mãi một cảnh từ góc máy đã được chốt cứng” của các vị sử quan...
|
“Trần Khánh Dư là một trong những nhân vật kiệt hiệt, cũng thuộc vào loại phức tạp bậc nhất trong lịch sử nước nhà. Chính sử ghi công ông là một trong những người tham gia hai trận chiến lớn đánh Nguyên - Mông, trong đó góp công cực lớn trong chiến thắng đánh quân Nguyên lần thứ ba bằng việc đánh tan đoàn chiến thuyền chở lương của tướng hải tặc Trương Văn Hổ, dìm 17 vạn thạch lương của quân Nguyên xuống dưới những lớp sóng bể Đông hay bay hơi theo làn khói đốt thuyền. Nhưng, cũng chính sử, ghi chuyện ông dan díu với con dâu cả của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, lộ, bị cách tuột cả quan chức, tịch biên sạch gia sản và còn bị nọc ra đánh trăm côn, may mà không chết. Ông là người tham bỉ, có thể tận dụng việc quân để thu lợi cho cả nhà nước lẫn cá nhân mình... Ông cũng là
người đại đại thọ, ước chừng hơn trăm tuổi, sống qua
sáu đời vua Trần, chứng kiến đủ cả những vật đổi sao dời, các biến động lịch sử của đất nước cũng như trong dòng họ.
Viết về một nhân vật như thế có thể dễ vì đa tính cách, không “long lanh” một chiều như các nhân vật anh hùng cái thế khác trong lịch sử nước nhà, nhưng cũng cực khó bởi ngoài vài trang vẽ phác trong những cuốn sử, cần phải có một nội lực đủ thâm hậu để lấp vào khoảng trống mênh mông giữa những hàng chữ đơn sơ của sử quan ấy.
Với Trần Khánh Dư, Lưu Sơn Minh đã làm được điều đó”.
Nhà báo YÊN BA
|
- Vì sao tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn anh? Anh không có hứng thú với những đề tài khác hay anh cố tình tự thử thách mình ở một đề tài khó?
+ Tôi vẫn viết đề tài hiện đại, nhưng chỉ với truyện ngắn. Và tôi thì được cái rất dễ dãi với bản thân: tôi tự đặt ra cho mình yêu cầu là mỗi năm viết một truyện ngắn. Dễ dãi hơn nữa: những năm hoàn thành tiểu thuyết thì được phép không viết truyện ngắn nào... Chính vì thế, người đọc sẽ ít gặp tôi trong các đề tài hiện đại. Như đã nói, tôi mải chơi mà...
Còn về đề tài lịch sử, tôi cũng chẳng hiểu sao mình cứ phải vất vả đắm đuối cố bám theo con đường đó. Duyên, và nghiệp chăng? Hay là tên của cái truyện ngắn được giải Văn nghệ Quân đội (truyện ngắn Duyên nghiệp của Lưu Sơn Minh đoạt giải cuộc thi VNQĐ năm 1992 -1994 - Đ.B.T) đã “ám” vào tôi rồi?!
- Trần Khánh Dư được tái bản ngay sau khi phát hành theo như tôi biết thì chỉ khoảng nửa tháng. Đây thực sự là một sự kiện gây kinh ngạc cho tôi cũng như vô số người viết khác. Theo anh, việc một cuốn tiểu thuyết nghiêm túc, không phải dễ đọc, dày, giá bán cao… lại bán chạy đã chứng tỏ điều gì?
+ Nói thật, chuyện này làm cả tôi lẫn nhà sách Đông A là bên đầu tư và phát hành đều bất ngờ. Hơn nữa, sự đón nhận của độc giả trẻ cũng làm tôi rất thích thú, vì tôi đã chuẩn bị tâm thế là sách lịch sử nói chung sẽ chỉ được các độc giả trung niên tìm đọc. Rõ ràng, các bạn trẻ cũng vẫn quan tâm tới lịch sử. Họ chẳng đã tự làm những clip tìm hiểu lịch sử của riêng mình đó sao. Nhưng nếu sách lịch sử cứ “uy nghi”, cứ “hàn lâm” một cách cao ngạo và xa vời, thì độc giả trẻ sẽ lập tức quay lưng. Dĩ nhiên, không thể không nhắc đến vai trò của Đông A trong chuyện này. Việc lựa chọn và hết sức vất vả mời bằng được họa sĩ Thành Phong vẽ minh họa và làm bìa đã thực sự tạo nên một hiệu quả tốt. Tôi luôn nói với họa sĩ Trần Đại Thắng, người dựng ra nhà sách Đông A, rằng tôi cám ơn anh ấy với vai trò của một bà đỡ mát tay cho cuốn sách...
- Có một người bạn hỏi tôi thế này: Trần Khánh Dư dễ đọc hay khó đọc? Tôi nói, nếu với một người am hiểu lịch sử vừa phải thì nên có cuốn Đại việt sử kí toàn thư, hoặc đơn giản là một thiết bị kết nối internet ở bên cạnh để vừa đọc vừa… tra. Anh có ý định khu biệt đối tượng độc giả cho cuốn sách không?
+ Bây giờ là thời đại của điện thoại thông minh mà, việc tra cứu cũng đơn giản chứ có khó lắm đâu. Tôi cũng được nghe tâm sự của nhiều độc giả về việc họ phải lật lại những trang đã đọc để khỏi quên nhân vật. Họ cũng nói sách không dễ đọc. Thế nhưng họ vẫn đọc hết. Đọc tiểu thuyết lịch sử chắc cũng phải khác đọc sách hư cấu thuần túy chứ, có sao đâu.
- Tôi nghe nói, một đơn vị sản xuất phim nào đó đã đề nghị mua bản quyền tiểu thuyết Trần Khánh Dư để làm phim. Mà anh thì lâu nay hình như không có hứng thú, hoặc không có niềm tin vào việc chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh. Anh sẽ quyết định thế nào cho việc này?
+ Sau khi truyện ngắn Duyên nghiệp của tôi lên phim, tôi hoàn toàn mất niềm tin vào những bộ phim chuyển thể. Và có lẽ, đến giờ vẫn thế... Bởi vậy, chắc tôi tạm thời sẽ không nghĩ tới chuyện này. Tôi không muốn xem một vị tướng nhà Trần nói chuyện với tướng Nguyên bằng một giọng chả khác gì chương trình Sân khấu truyền thanh mà tôi nghe hóng bên nhà hàng xóm hồi 1980.
- Được biết anh có ý định viết cả một bộ tiểu thuyết về nhà Trần. Vậy sau Trần Khánh Dư sẽ là nhân vật nào? Là sự kiện gì? Và quan trọng, bạn đọc sẽ phải chờ đợi anh khoảng bao lâu nữa?
+ Tôi đang chỉnh lại cuốn Trần Quốc Toản để tái bản vì nhiều độc giả của Trần Khánh Dư hỏi và giục giã quá. Bản trước in ở NXB Kim Đồng dành cho thiếu nhi, nên có một số điều về thân phận hay triết lí tôi phải hạn chế bớt; giờ thì lại bổ sung vào. Còn tiếp sau đó, sẽ không phải là cuốn sách về riêng một nhân vật nào nữa. Tôi sẽ viết về trận Bạch Đằng, hoàn thành nốt dự định mà Thầy tôi, nhà văn Hà Ân, chưa làm kịp. Thực ra, suốt mấy năm vừa rồi, các anh chị con của nhà văn Hà Ân vẫn giục tôi viết về Bạch Đằng; nhưng tôi đành phải khất rằng để viết xong Trần Khánh Dư đã. Giờ thì không còn cớ gì để khất nữa rồi...
Tôi cũng chưa biết tôi sẽ bắt các độc giả và chính mình phải đợi bao lâu cho tới khi được cầm cuốn Bạch Đằng Giang trên tay. Hi vọng là, các nhân vật sẽ thúc tôi viết nhanh, và lần này, các nhân vật đừng mải chơi như tôi nữa...
- Xin cám ơn anh!
ĐỖ BÍCH THÚY (
thực hiện)