Thơ đương đại Trung Quốc nhìn từ “sự kiện Lê Hoa”

Chủ Nhật, 10/10/2021 00:56

. NGUYỄN THỊ THÚY HẠNH
 

“Sự kiện Lê Hoa” gắn với tên tuổi của Triệu Lệ Hoa, một trong những nhà thơ đương đại được đánh giá là có tính định hướng, gây tranh cãi và thôi thúc khám phá nhất của nền thơ Trung Quốc trong thập niên đầu thế kỉ XXI. Tháng 9/2006, một bộ phận sáng tác của Triệu Lệ Hoa lan truyền trên mạng và bị cư dân mạng phản ứng hết sức mạnh mẽ. Hành vi giễu nhại lẫn mô phỏng thơ Triệu Lệ Hoa thực sự “đã trở thành một trận cuồng phong” trên internet và truyền thông Trung Quốc, có sức ảnh hưởng rộng rãi và được xem là một sự kiện văn học, văn hóa lớn nhất kể từ phong trào Thơ mới (Tân thơ vận động) của Hồ Thích và Quách Mạt Nhược (1917). Đồng thời, sự kiện Lê Hoa cũng châm ngòi cho một trào lưu thơ ca/ ngôn ngữ mới - trào lưu pop style, thịnh hành trong suốt 5 năm (2006 - 2010) tại Trung Quốc.

Nhà thơ đương đại Trung Quốc Triệu Lệ Hoa. Ảnh: TL

“Thơ nước dãi” và hai sự vi phạm

Tại Trung Quốc những năm 1990, tính chất thị trường hóa trên mọi phương diện của đời sống xã hội là nguyên nhân tạo nên sự phát triển của văn hóa đại chúng. Điều này cũng khiến cho thơ ca và nhà thơ lâm vào tình trạng bị ngoại biên hóa; đồng thời như một hệ quả, tinh thần lí tưởng, cái cao cả, anh hùng của thơ ca thập niên 1980 đã bị phá vỡ, nhường chỗ cho khuynh hướng thế tục hóa. Trong khi truyền thống thơ ca Trung Quốc chú trọng vào tinh thần mài giũa ngôn từ, sáng tạo hình tượng, vận dụng tính hài hòa của âm vận, thì thơ Triệu Lệ Hoa - chịu ảnh hưởng của trào lưu thơ khẩu ngữ mà các thi sĩ tiên phong theo đuổi từ những năm 80 của thế kỉ XX (như Hàn Đông, Vu Kiên, Dương Lê, Lý Á Vỹ…) - lại tịnh tiến đến giá trị bình dân phổ thông, sử dụng khẩu ngữ nguyên sinh, chủ trương “cự tuyệt ẩn dụ”, nhằm phát triển một không gian tự do và dân chủ hơn cho ngôn ngữ thơ. Các nhà thơ theo trường phái thơ khẩu ngữ cho rằng, lối viết trọng ẩn dụ của trường phái thơ “phần tử trí thức” - đại biểu là Vương Gia Tân, Tứ Xuyên, Âu Dương Giang Hà, và kể cả thơ Mông Lung trước đó - rất khó biểu hiện được tính chất sống động, đa biến của hiện thực, mà chỉ khẩu ngữ dân gian mới bảo lưu trọn vẹn cội nguồn sức sống của thơ ca. Thơ khẩu ngữ, vì thế tìm cách phục nguyên mối quan hệ giữa Hán ngữ và đời sống thường nhật, khiến ngôn từ trong thơ trở nên hài hước, thoải mái, thể hiện sự tôn trọng và trân quý của nhà thơ đối với chân tướng sự vật. Trong khi chuyển hóa kinh nghiệm đời sống thành tài liệu của thơ, thơ khẩu ngữ đã thoát khỏi lối viết tinh tế, hàm súc của thơ cổ điển, đồng thời bỏ qua thủ pháp tượng trưng, ẩn dụ mà thơ Mông Lung thường dùng, dẫn đến việc tạo ra một khoảng cách khá xa so với quan niệm về thơ của số đông quần chúng. Đề cao thủ pháp “độ không của trữ tình”, ngôn ngữ của thơ khẩu ngữ thiên về tự sự và gần giống với văn bạch thoại, làm thay đổi lối điệu ngâm của thơ truyền thống. Chẳng hạn, trong thơ Triệu Lệ Hoa, ngoài việc đưa khẩu ngữ xâm nhập vào thơ ở mức mạnh nhất, nhà thơ dường như muốn thoát khỏi cái thế giới duy ý nghĩa mà con người định vị, bằng cách viết về những thứ thường bị coi là vô nghĩa của hiện thực (chuyện bị muỗi đốt, hai đứa cháu rủ nhau đi chơi, tuyết rơi ở Lan Phường…), cho tới những chi tiết tầm thường của đời sống sinh hoạt tưởng chừng sẽ luôn bị thơ ca cự tuyệt: Tôi quyết không thể tha thứ/ những kẻ/ đi đại tiện/ nhà vệ sinh/ công cộng/ mà không chịu xối nước (Tôi quyết không thể tha thứ). Đây là lí do mà cộng đồng mạng đã đặt tên cho những bài thơ của Triệu Lệ Hoa là thơ nước dãi (the saliva poem), xếp chung nhóm với Ô thanh (phái thơ Nhảm) và Xa Diên Cao.

Tuy nhiên, nhìn từ chiều sâu của phương pháp sáng tác, thơ khẩu ngữ Triệu Lệ Hoa dường như đi theo một xu hướng khác với lối thơ khẩu ngữ mà Dương Lê - thành viên của phái thơ Phi phi đồng thời là chủ soái của phái thơ Nhảm đề xuất. Về mặt lí thuyết, Phi phi theo đuổi cách làm thơ chỉ sử dụng những từ ngữ đơn giản và minh bạch, tìm cách loại bỏ ngữ nghĩa trên con đường trở lại với âm thanh của các từ và xem đây là sự hoàn nguyên về trạng thái tuyệt đối của thơ ca trong ngôn ngữ. Trong khi đó, thơ Triệu Lệ Hoa, mặc dù cũng chủ trương vận dụng chất liệu của “văn nói”, nhưng không chú trọng thực hành mặt âm (âm thanh), mà lại hướng về mặt nghĩa. Ở những sáng tác thành công nhất của nhà thơ (Tôi đặt một, Một người phụ nữ khao khát được yêu, Con đường trong mắt xe hơi, Chết trên đường cao tốc, Gió cát thổi qua…), lối viết thơ khẩu ngữ đã phát huy hiệu năng của nó bằng cách sử dụng một ngôn ngữ đơn giản để tạo nên tính đột phá của ý tưởng:

Tôi đặt một từ vừa vặn

vào dòng thơ

giống như nhấn một viên đạn vào

nòng súng

câu hỏi dưới đây trở nên

quan trọng:

tôi sẽ bắn ai?

Thay vì dồn nén chất trữ tình làm bàn đạp để triển khai thi tứ, thơ Triệu Lệ Hoa quan tâm hơn đến những biểu đạt của một cá nhân độc lập đang suy tư về thế giới, chiêm nghiệm mối quan hệ giữa con người và ngoại cảnh - một thứ thơ nghiêng về tính duy lí khách quan, táo bạo nhưng không phô trương. Chẳng hạn, bài Gió cát thổi qua miêu tả sức mạnh của một cơn bão tác động đến sự vật, nhưng cái kết lại dựng lên tư thế của một cá nhân bản lĩnh: Gió cát thổi qua thảo nguyên dường như không gì cản trở được/…/ gió cát tiến vào thành phố/…/ chúng thổi tung tất cả/ thổi tung cùng với cảm xúc/…/ gió cát còn thổi qua tôi/ lúc thổi qua tôi/ liền dần dần suy yếu. Hình tượng người nữ, nếu có, thường xuất hiện với một tinh thần chủ động. Điều này đồng thời lí giải việc Triệu Lệ Hoa hiếm khi dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất mang tính chủ quan trong những bài thơ viết về tình yêu - một đề tài thường là tâm điểm của thơ nữ, mà chọn vị trí bên ngoài, qua việc sử dụng ngôi thứ ba làm khách quan hóa lời kể. Cách làm này được nhà thơ thể hiện chủ động và nhất quán trong các sáng tác (Một người phụ nữ khao khát tình yêu, Dora Maar, Thời khắc, Bánh màn thầu, Sức hút…), nhằm tiết chế tối đa tính trữ tình, tăng cường khả năng tư duy và đánh giá sự vật. Khi dùng ngôi nhân xưng, Triệu Lệ Hoa thiên về lối biểu đạt trung tính, thậm chí có thể nói là “phi giới tính”. Đặc điểm này khiến cho nhiều bài thơ của Triệu Lệ Hoa - giả sử nếu giấu đi tên tuổi tác giả - người đọc sẽ hoàn toàn mơ hồ trong việc xác định giới tính của người sáng tác. Ngôi nhân xưng thứ nhất không xuất hiện, “cô ấy” (đại từ nhân xưng ngôi thứ ba) được miêu tả dưới sự quan sát của nhà thơ:

Nàng nằm thẳng

tay có thể chạm tới cặp vú nhô lên

có một vết dài nơi bụng dưới

lõm xuống

lại gầy rồi, nàng nghĩ: “mình luôn

gầy từ bụng dưới trước tiên”

bên dưới nữa là xương mu

nhô lên, một sườn đồi thoai thoải

nào cỏ xanh, nào nước suối

tất cả đều cô đơn

(Dora Maar)

 

Phản ẩn dụ - thử nghiệm của thơ ca tiên phong

Thông qua sự phổ biến của internet tại Trung Quốc, có rất nhiều phái thơ ca tiên phong được thành lập, hầu hết chọn internet như một địa chỉ miễn phí, tự do và thuận tiện để công bố các thể nghiệm thơ. Sự ra đời của các trường phái, hiện tượng thơ ca đầu những năm 2000, chẳng hạn: sự thành lập tập san thơ Nửa thân dưới với chủ trương “phản ý tượng”, “phản thi ý”, “phản văn hóa” do Nam Nhân, Vu Ngang, Doãn Lệ Xuyên, Lý Hồng Kỳ, Trầm Hạo Ba lĩnh xướng (2001); phái thơ Rác giương cao ngọn cờ làm một cuộc cách mạng tinh thần trong thơ ca (2003); thi đàn Cấp Quang (2004) mời gọi những tranh luận tự do xoay quanh các vấn đề thuộc phạm trù sáng tác (như hiểu thế nào là “tân trữ tình”, “khách quan và chủ quan”, “thơ và đạo”, “kĩ thuật sáng tác thơ”, “sáng tác khẩu ngữ”, “viết về thân thể”...); cùng với sự phổ biến của blog tại đại lục từ năm 2005 về sau, v.v… đã góp phần tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của thơ ca Trung Quốc theo khuynh hướng đa nguyên hóa. Nhìn chung, các trường phái thơ ca khác nhau ra đời trong giai đoạn này như thơ Nửa thân dưới, thơ Rác, chủ nghĩa Không gian phòng ốc, thơ Cấp thấp, chủ nghĩa Vật, thơ Phi lí… đều đề xuất những quan điểm thi học mang tính tiên phong, xem “tự do” là cốt lõi của tinh thần sáng tạo, như Eugène Ionesco từng phát biểu trong một định nghĩa mang tính kinh điển: “Cái gọi là trường phái tiên phong, chính là tự do” (Bình luận về trường phái tiên phong).

Không chỉ trở thành một khuynh hướng phong cách, tính tự sự còn được nhìn như một đặc điểm thẩm mĩ của thơ tiên phong những năm 1990, khi hầu hết nhà thơ tiêu biểu của phong trào này đều thử nghiệm lối viết thiên về tự sự: Trương Thự Quang, Tôn Văn Ba, Tiêu Khai Ngu, Trạch Vĩnh Minh, Tứ Xuyên, Trần Đông Đông... Phù hợp với đặc điểm thời đại, diễn ngôn tự sự thay thế diễn ngôn trữ tình, phản lại con đường tượng trưng hóa trong thơ truyền thống, nhằm tạo nên một ngữ cảnh mới, một thái độ khách quan và giàu lí tính của thi nhân khi quan sát, tưởng tượng hoặc bình giá thế giới. Những thử nghiệm trong lối viết khẩu ngữ của Triệu Lệ Hoa trên thực tế là sự nối tiếp Vu Kiên, Hàn Đông, Dương Khắc, Dương Lê - những nhà thơ tiên phong đầu tiên trong khuynh hướng viết thơ khẩu ngữ. Mặt khác, Triệu Lệ Hoa dường như cũng chịu ảnh hưởng của Tây Xuyên, Tang Lệ, Vương Gia Tân khi chú trọng đến tính suy tư triết lí và sự gắn kết trí tuệ, khai thác độ sâu tinh thần của “khẩu ngữ thuần túy”, yếu tố hài hước đen của chủ nghĩa hậu hiện đại. Nhà thơ sử dụng triệt để tiềm năng thi ca của khẩu ngữ, chức năng trần thuật của các từ để cấu trúc nên một không gian thi ý. Chẳng hạn, nói về tâm trạng của người phụ nữ đang khao khát tình yêu, Triệu Lệ Hoa có những cách biểu đạt độc đáo: Một người phụ nữ khao khát tình yêu giống như/ một con trai đang mở miệng/ khe hở này vừa vặn có thể bị một con cò/ dùng cái mỏ nhọn và cứng xâm nhập (Một người phụ nữ khao khát tình yêu).

Bên cạnh đó, Triệu Lệ Hoa chủ trương tỉnh lược tính từ hết mức có thể. Trong bài thơ Con đường trong mắt xe hơi, nhà thơ không dùng các tính từ để miêu tả con đường, mà dùng một loạt động từ nhằm thể hiện sự thay đổi, chuyển động và bất an của tư duy: Đường cao tốc không có miệng, nhưng (…)/ nó đã nuốt rất nhiều đồ vật/ nó còn có thể uống nước mưa/…/ nó có thể nói ra những lời đơn giản và máy móc/ nó thỉnh thoảng còn có thể rên rỉ, ho hoắng, thở hổn hển/ nó trực quan tư tưởng/ nó không hề lãng mạn; một con đường quên mất điểm bắt đầu/ một con đường quên mất nơi muốn đến/ một con đường tươi cười/ một con đường than khóc/ một con đường vì trót yêu một con đường khác/ mà mất trọng lượng/ mà giao hợp/ mà bay lên… (Con đường trong mắt xe hơi). Ở những thi phẩm mang tính cách tân của Triệu Lệ Hoa, những từ ngữ thông thường được kết hợp với nhau một cách linh hoạt, cấu trúc và ý tưởng mới lạ, độ phức tạp nội tại được thể hiện qua hình thức ngôn ngữ đơn giản. Bài Khi màu đỏ gặp màu xanh là một thử nghiệm của thơ khẩu ngữ trong khả năng lai ghép của thể loại. Tác giả sử dụng hình thức lời độc thoại nội tâm (niệm bạch) trên sân khấu kịch một vai, biến lời thơ trở thành lời nửa tự thuật nửa kịch, nói về màu sắc nhưng hoàn toàn không dùng tính từ để miêu tả mà động từ hóa màu sắc:

Khi màu đỏ gặp màu xanh

Chúng có yêu nhau không

Chúng có giao nhau không

Chúng có đánh nhau không?

Chúng có biến thành màu

hồng phấn

Chúng có biến thành màu tím

Chúng có biến thành màu đỏ cam?

Chúng có biến thành một con sói

Chúng có biến thành một con

gà trống

Chúng có biến thành một con cá

bò da?

(Độc thoại nội tâm: giống như

con sói chạy trong tuyết giá

Với vẻ kiêu ngạo và cô độc

Giống con gà trống gọi trời

mau sáng lúc bình minh

Giống như một đêm không ngủ

Giống như con cá bò da kia

Rời bỏ dòng nước

Núp trong cái đĩa

Toàn thân trong suốt

Có vẻ thật là ngon)

 

Nó có biến thành một chiếc khăn

trải bàn

Rực rỡ màu

Batik?

Hậu sự kiện Lê Hoa: “XX thể” như một xu hướng của thơ ca đại chúng

Thời điểm xuất hiện sớm nhất của thơ ca mạng Hán ngữ có thể là năm 1991, khi Vương Tiếu Phi thành lập trang thơ ca mạng Trung văn tại hải ngoại ... Sang đến đầu thế kỉ XXI, chỉ trong hai năm 2000 - 2002 đã có rất nhiều trang mạng văn học được thành lập tại Trung Quốc, tạo ra những thay đổi lớn tác động tới nền văn học đương đại. Sự xuất hiện của thơ ca mạng Trung Quốc đã tạo nên một không gian đọc và sáng tác, một thế hệ tác giả và cộng đồng độc giả mới, hệ quả là hình thành một hình thức phê bình mới ngoài trang giấy - mà những tranh luận xung quanh thơ Triệu Lệ Hoa là ví dụ điển hình.

Với sự tham gia đông đảo của người dùng internet, thực tế, sự kiện Lê Hoa đã đi theo chiều hướng carnaval hóa, việc nhạo (mock) và nhại (parody) thơ Triệu Lệ Hoa trở thành một phương thức giải trí của cộng đồng mạng, nhằm xóa bỏ ranh giới vốn được thiết lập giữa nhà thơ quốc gia và quần chúng nhân dân. Thể Lê Hoa đã làm dấy lên sự quan tâm của phần lớn cư dân mạng trong việc thực hành sáng tác thơ, kích thích sự quan tâm của họ đối với thơ ca, đưa đến một thời đại mà mọi người đều có thể công bố những sáng tác của mình. Thơ Triệu Lệ Hoa - với tư cách là một văn bản gốc, hiện diện như một chủ tố được mô phỏng - khi lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội và được nhân rộng như các meme trong môi trường internet - đã bị thay đổi một cách có chủ ý bằng hành vi tái chế của cư dân mạng. Những meme văn bản do người dùng mạng tự viết nhằm mục đích nhại, được tái tạo, truyền bá và lây lan trên các website, blog hoặc mạng xã hội, cho thấy khả năng của internet trong việc biến hành vi sáng tác cá nhân thành một sự kiện mang tính toàn quốc, thậm chí toàn cầu. Sinh trưởng trong không gian liên mạng, mỗi meme thơ như vậy bao gồm rất nhiều meme liên quan, do chính người dùng thay đổi ngữ cảnh và truyền đạt để tạo ra ý nghĩa mới.

Là một sản phẩm của thời đại internet và truyền thông xã hội, sự kiện Lê Hoa đã châm ngòi cho trào lưu nhại lại các tác phẩm văn học hiện đại - chỉ những văn bản phái sinh bằng cách bắt chước một văn bản gốc mà giới nghiên cứu Trung Quốc định danh bằng thuật ngữ “thể XX”. Với cơ chế sinh thành tương tự như “Lê Hoa thể”, các “XX thể” thường phát sinh trong những lĩnh vực như điện ảnh, quảng cáo, mạng xã hội, sự kiện xã hội hoặc tác phẩm văn học và nhanh chóng trở thành trào lưu thịnh hành trên mạng Trung Quốc kể từ năm 2006 trở đi. Theo Báo cáo trạng huống đời sống ngôn ngữ Trung Quốc, trong vòng 8 năm từ 2006 đến 2014, sau thể Lê Hoa, đã có khoảng 15 thể XX xuất hiện trong lĩnh vực văn học, như thể Quỳnh Dao, thể Thái Đao, thể Mạc Ngôn, thể An Ni Bảo Bối, thể Ô Thanh... Những “thể XX” (hình thành trên cơ sở nhại các từ then chốt, nhại câu, nhại cấu trúc hoặc phong cách tác giả), có hình thức mới mẻ, ngắn và dễ bắt chước - được cư dân mạng tạo ra với mục đích giải trí, có tính chất hài hước hoặc châm biếm, gây sốc. Sự xuất hiện và phổ biến của “thể XX” cũng phản ánh nhịp sống nhanh của thời đại internet, trong môi trường mà các văn bản được sản sinh với tốc độ chóng mặt, dễ dàng mô phỏng nhưng cũng dễ bị rơi vào quên lãng. Sự xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật và đời sống do văn hóa internet tạo ra đã giải cấu trúc, cải biến phương thức sáng tác và thay đổi thi pháp thơ Trung Quốc đương đại. Hình thức đăng tải tác phẩm trên các website đã khiến mạng trở thành không gian vô tận cho sự tồn tại của những siêu văn bản. Từ đó, văn bản thoát khỏi tính chất độc lập tĩnh tại truyền thống để lưu truyền trong những khả thể sống động. Không gian mạng đồng thời xóa bỏ tính uy quyền chính trị, xây dựng những trung tâm siêu biên giới, siêu văn hóa, siêu ngôn ngữ, làm phái sinh những khái niệm chưa từng có trước đó như thơ liên văn bản (hypertext poetry), thơ network (network poetry), thơ instagram (instagram poetry), thơ ca công nghệ số (digital poetry) hay thơ hậu-internet (post-internet poetry)… tại Trung Quốc.

Sự kiện Lê Hoa thực chất là một lát cắt của một chuỗi mắt xích sẽ đòi hỏi được đào sâu hơn nữa những vấn đề phức tạp liên đới, như đặc điểm của thơ Trung Quốc qua các giai đoạn khác nhau của thời kì hiện đại, những bước chuyển hệ hình thẩm mĩ, đâu là thành tựu và hạn chế của thơ tiên phong, xu hướng và tương lai của nền văn học viết trên internet... Nhiều bài thơ của Triệu Lệ Hoa là những thử nghiệm chưa tới và vì thế chưa đủ thuyết phục người đọc, nhưng không thể phủ nhận ý nghĩa của sự kiện Lê Hoa và dấu ấn của nó trong văn hóa đương đại Trung Quốc. Từ phương diện đóng góp nghệ thuật, thơ Triệu Lệ Hoa đã thúc đẩy sự đơn giản, chân thực và tươi mới của thơ Trung Quốc đương đại ở một mức độ nào đó.

Dưới ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, văn học Trung Quốc đã bị đẩy sang tình trạng ngoại biên hóa, nhưng phản ứng của người đọc trước các sự kiện thơ ca, trong đó nổi bật là sự kiện Lê Hoa, cho thấy rằng, những kì vọng từ phía công chúng dành cho thơ vẫn luôn tồn tại - chừng nào số phận của văn chương là không ngừng tái sinh và kiến tạo cái mới. Trong bối cảnh thơ Trung Quốc hiện đại chuyển sang hướng nội, chú ý khai thác tính cá nhân, gia tăng thử nghiệm nghệ thuật khiến cho việc thưởng thức thơ ca trở nên phức tạp và khó đọc, thì việc tìm hiểu các hình thức biểu hiện của thơ ca những năm 1990 trở lại đây càng cần phải trở thành vấn đề hàng đầu trong nghiên cứu thơ Trung Quốc đương đại

N.T.T.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)