Mùi của sự sống

Thứ Hai, 13/09/2021 00:31

(Đọc Mùi hoàng kim, tiểu thuyết của Bảo Thương, Nxb Hội Nhà văn, 2020)

. HOÀNG THỤY ANH

 

Tính dục, trong Mùi hoàng kim của Bảo Thương, không nằm ở bề nổi, nhằm làm màu, câu view, gây shock, mà lặn tự nhiên vào bề sâu, trở thành phạm trù thẩm mĩ, nhằm hóa giải nỗi đau trong chiến tranh cũng như sự khốn cùng của cuộc sống hậu chiến. Bằng sự chú trọng liên nối trong và sau chiến tranh, bên này và bên kia, âm và dương, mơ và thực, khát khao và chết chóc, thân phận và tình yêu, mặc cảm và ẩn ức..., tác phẩm đã dự phần vào các mảnh vỡ phức tạp của đời sống, những khuất nẻo của chiến tranh. Cái khốc liệt, đau thương, mất mát, dư chấn… trở thành điểm nhìn trung tâm và cảm hứng sáng tác của Bảo Thương. Những nỗi đau, bi kịch được chị gọi tên di chuyển từ không gian này sang không gian khác, từ thời gian này đến thời gian khác, hình thành nên lớp sóng thân phận, tiếng nói của chấn thương. Các nhân vật của chị đã tự phản tỉnh, vượt qua những đày ải của cuộc đời bằng “Mùi hoàng kim” của dục tính.

Tiểu thuyết Mùi hoàng kim của Bảo Thương

Sau chiến tranh, từ Quảng, Khai, Khải, thằng câm, ả điếm, Nga, Khiêm, Thắng, anh Tính cho đến những cựu lính không tên trong cuốn tiểu thuyết của Bảo Thương đều cô đơn, lạc lõng, bất lực trước bản án nghiệt ngã của số phận. “Làm thằng người con ơi, khổ lắm, khổ đến đâu chừng cho hết, khôn như thằng anh mày cũng khổ, ngu đần như mày cũng khổ, rồi biết lấy gì để lấp cho đầy những lỗ của thằng người mà tạo hóa trót nặn ra đây. Khổ.”

Nhân vật trong Mùi hoàng kim không thể tựa vào ai khác ngoài mình, ngoài chính vết thương của mình, để lăn xả, vượt lên số phận “dòn mỏng” của bản thân mà tiến về phía trước, sống trọn vẹn với niềm kiêu hãnh của một “thằng người”. Trong chiến tranh cũng như sau chiến tranh, họ biết yêu mình để yêu đời. Đam mê và khát vọng - cái nhân vị đặc biệt này sẽ thôi thúc họ tìm giá trị sống trong “những thứ cực nhọc nhất, khốn nạn nhất”. Khải, Nga, anh Tính cháy hết mình trong ham muốn của thanh xuân. Lão Quảng, ả điếm, Khải, thằng câm đương đầu với cuộc sống chật vật, tù túng, tẻ nhạt cũng bằng khát khao nhân bản ấy. Dù ở hoàn cảnh nào, kể cả trong chiến tranh, họ cũng xác tín “sống đã rồi mới chết”.

Lão Quảng lạc lõng trên chiến trường và lạc lõng ngay giữa xô bồ hậu chiến. Kí ức đau thương không ngừng đè nén, đẩy lão vào vòng xoáy nghiệt ngã của số phận. Có lúc lão bị nhấn chìm, có lúc ngoi lên, có lúc phó thác mặc kệ cuộc đời xô đẩy. Bảo Thương để lão tự gom nhặt vết thương, tìm ánh sáng trong bóng tối, tìm niềm vui trong đớn đau. Vết thương của lão được nối dài, vắt sang gia đình lão, vắt sang cuộc đời hai đứa con. Hai đứa con của lão là bằng chứng hiện hữu những di chấn tinh thần mà lão phải gánh gồng suốt cuộc đời mình: một đứa chấn thương tâm hồn, “tự kỉ tim”, sống khép kín, ẩn mình; một đứa tật nguyền, “tự kỉ lời”, chỉ làm bạn với thạch sùng, với cái tivi. Cuộc sống của lão trở nên ý nghĩa hơn khi được ả điếm bù đắp. Từ chỗ đơn thuần “trao đổi” chuyển dần thành tình cảm trai gái, yêu đương, lão thấy có niềm tin hơn vào cuộc sống. Tâm hồn lão cũng trở nên bao dung, vị tha hơn với người vợ lăng loàn của mình. Thì ra, những va đập cuộc đời không hề làm con người lão tầm thường đi. Những nhàu nhĩ số phận giúp lão sống thật với mình, sống trách nhiệm với gia đình.

Trong tiểu thuyết, Bảo Thương đã trao vai trò “thiên sứ” cho ả điếm. Đằng sau cái nghề mạt hạng của ả là bi kịch của cả một gia đình mà ả phải một mình lo toan: người mẹ bệnh tật và người anh nhiễm chất độc da cam. Là điếm nhưng ả rất mực đàng hoàng với lão Quảng, như một chia sẻ, bù đắp, xoa dịu, hóa giải, để lão bớt cô độc, cảm nhận rõ hơn tình yêu thương và sự bình an. Ả xuất hiện, khiến cuộc đời buồn bã sau khi vợ bỏ đi của lão trở nên tươi vui hơn và tình cha con của lão theo đó cũng được bộc lộ. Không những thế, ả điếm còn chủ tâm sắp đặt để nhiều chủ thể đực cái khác có cơ hội nếm trải và thụ hưởng đặc ân của cuộc đời. Ở đây, bằng nhãn quan nữ quyền luận, Bảo Thương đã khoác chiếc áo lấp lánh của huyền thoại lên ả điếm như là sự ưu ái đối với những thiệt thòi, éo le mà ả phải nai lưng mang vác. Ả không định đoạt được số phận của bản thân, nhưng ả không bỏ cuộc. Ả đã giúp gia đình, lão Quảng và hai đứa con của lão theo cách riêng của mình, dù phải chịu nhục nhã, đớn đau, nhưng đó là phần tốt đẹp nhất của ả. Ả có quyền kiêu hãnh về những gì mình đã làm. Sự hư cấu, tưởng tượng của Bảo Thương như thổi lên những khát khao và gửi gắm niềm tin, rằng con người không bao giờ gục ngã, mà luôn mạnh mẽ tìm mọi cách tranh đấu đến cùng vì quyền được là người bình thường, được tự do.

Tiếng nói, cái nhìn, lối viết của Bảo Thương không nhằm tái hiện sự khủng khiếp của chiến tranh, mà nhằm mở ra những đối thoại về lẽ sống - chết, được - mất của con người trong và sau chiến tranh. Tiểu thuyết này nhìn “nỗi buồn chiến tranh” từ phía tính dục. Tính dục mà Bảo Thương đào sâu giải phẫu đã phát huy sức mạnh và hiệu lực của nó, hướng con người đến sự nhân ái, giúp con người vừa kiếm tìm bản ngã vừa giải tỏa nỗi cô đơn ngập ngụa trong lòng, tự bồi đắp rồi chắp vá vết thương số phận cho nhau. Chị chỉ ra cuộc sống khổ đau, dằn vặt, khốn cùng của lão Quảng, chỉ ra những ám ảnh, trở trăn khôn nguôi của Khải, chỉ ra những lớp sóng tâm hồn đầy khắc khoải, bất hạnh của Khai và thằng câm, những nỗi niềm sâu kín của ả điếm, những khát khao mãnh liệt của Nga… Họ, không quá cường điệu khi nói rằng, đã đứng lên được nhờ dục tính.

Cốt truyện Mùi hoàng kim được tổ chức phù hợp với những mảnh vỡ số phận của các nhân vật. Mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại, chiến tranh và hậu chiến, thực tại và hư ảo, thân xác và khổ đau… được xử lí theo dòng chảy miên man, bất định, đứt nối của các nhân vật, tạo nên kiểu cấu trúc phức hợp. Hai tuyến truyện, chuyện cha con lão Quảng, chuyện của Khải, vừa chạy song song, vừa chạy đan xen nhau; đặc biệt, những điểm soi chiếu lên nhau giữa hai phần của tiểu thuyết thông qua sự luân phiên của ngôi kể thứ nhất xưng “tôi” khiến vết thương cuộc đời của các nhân vật trồi lên tự nhiên, chân thực. Những phân rã của chuỗi sự kiện bị chi phối bởi dòng ý thức, dòng ý thức lại phản chiếu những phức tạp, đổ vỡ, biến cố đau thương trong sâu thẳm tâm hồn của nhân vật.

Cảm nhận Mùi hoàng kim phải cảm nhận từ mùi của sự bất trắc, của mảnh vỡ. Rồi từ mùi của mảnh vỡ mà tìm thấy sức mạnh của vết thương. Bóng ma - Khải - bị mắc kẹt trong đau thương, chết chóc, và lão Quảng, con lão, ả điếm… đều có cuộc đời buồn bã, thiệt thòi, họ vẫn luôn chờ và mong ngóng một thứ tay vịn của cuộc đời. Trong tột cùng đau thương, trong nỗi chết, mùi tính dục là mùi của hạnh phúc, mùi của sự sống, là “Mùi hoàng kim”. Tiểu thuyết này, theo tôi, nếu được Bảo Thương tiết chế hơn, gia giảm liều lượng hợp lí hơn, thì người đọc sẽ bớt ngợp trong không gian tính dục, để thoáng khí hơn mà cùng tác giả đối thoại, suy tư, chiêm nghiệm, cật vấn về chiến tranh và hòa bình, về khổ nạn và giải thoát, về “con” và “người”, về liệu pháp cứu rỗi mà tính dục mang đến cũng như cái giá phải đánh đổi cho nhu cầu tính dục của con người…

Với tiểu thuyết Mùi hoàng kim, bằng cảm năng phân tâm học và chủ nghĩa hiện sinh, có thể nói, Bảo Thương đã tham dự vào dòng chảy văn học về chiến tranh nói riêng và văn học vết thương nói chung. Văn học muôn nơi muôn đời là để bênh vực con người, dù viết về đề tài gì đi chăng nữa.

H.T.A

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)