Vài nét về cấm kị luân lí

Thứ Hai, 20/09/2021 00:56

. NGUYỄN ANH DÂN
 

1. Theo phê bình luân lí học văn học (khởi sinh từ Trung Quốc), cấm kị luân lí (ethical taboo) là những quy phạm, định chế, nguyên tắc đạo đức không được phép xâm phạm hay phá vỡ nhằm đảm bảo trật tự luân lí của cộng đồng. Cấm kị là nhân tố cốt lõi góp phần hình thành và duy trì trật tự luân lí của con người. Quá trình phát triển của văn minh nhân loại đã chế độ hóa hai đại cấm kị là hôn nhân nội tộc và giết hại người thân (còn gọi là “cấm hôn nội tộc” và “totem cấm sát”(1)). Khi cấm kị luân lí bị tấn công thì trật tự luân lí bị phá vỡ, dẫn đến tình trạng hỗn loạn luân lí, khiến con người phải đối mặt với khốn cảnh luân lí(2) hay lưỡng nan luân lí(3), cuối cùng rơi vào bi kịch.

2. Từ thời cổ đại, loạn luân luôn bị ngăn cấm thông qua các định chế quan hệ trong thị tộc nhằm duy trì nòi giống, trật tự xã hội và ổn định văn hóa. Bronislaw Malinowski khẳng định: “Loạn luân phải được ngăn cấm bởi vì (...) loạn luân không tương thích với sự thiết lập những nền móng ban đầu của văn hóa. Ở loại văn minh nào mà phong tục, đạo đức và pháp luật cho phép loạn luân, thì gia đình sẽ không còn tồn tại. Ở độ tuổi trưởng thành chúng ta sẽ chứng kiến sự phá hủy của gia đình, từ đó xã hội hỗn loạn hoàn toàn và truyền thống văn hóa sẽ không còn có thể tiếp tục nữa.”(4) Cho phép loạn luân sẽ tàn phá ba phương diện quan trọng của một diễn trình lịch sử cùng với sự lên ngôi của hỗn loạn luân lí.

Chẳng hạn, trong tiểu thuyết Bão táp triều Trần, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã miêu tả hiện tượng hôn nhân nội tộc trong tôn thất nhà Trần. Mục đích cơ bản của “truyền thống” này là đảm bảo tập quyền huyết thống. Đánh đổi lại cảm giác an toàn về chính trị là sự vi phạm các rường mối đạo đức luân lí. Tình trạng loạn luân công nhiên này không chỉ tấn công con người về mặt sinh học mà còn phá hủy con người và xã hội về mặt văn hóa. Nhà Trần rơi vào bi kịch “vương triều sụp đổ” do nhiều nguyên nhân lịch sử nhưng cũng một phần không nhỏ đến từ lựa chọn luân lí của các nhân vật nhà vua.

3. Trong Bão táp triều Trần, cuộc hôn nhân chính trị của Lý Chiêu Thánh và Trần Cảnh chìm sâu trong bi kịch kể từ khi đứa con của hai người chết yểu. Chiêu Thánh sau đó ngày càng yếu ớt, gặp khó đường sinh nở. Quan thái sư nhận thấy ngai vàng non trẻ và nhà Trần ấu thơ sẽ bị uy hiếp nghiêm trọng. Do vậy, Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung đã bắt tay nhau để cho Trần Cảnh lấy Thuận Thiên công chúa lúc bấy giờ đang là vợ của Trần Liễu. Thời điểm diễn ra tấn kịch “cướp vợ”, Thuận Thiên đang mang thai ba tháng. Trần thái sư biết rõ điều này và âm mưu loạn luân của ông rất có thể đã bắt nguồn từ đó. Sự kiện này đẩy Trần Cảnh vào một lưỡng nan luân lí. Nếu đồng ý lấy Thuận Thiên, vua trẻ sẽ phản bội đạo lí làm người, nhất là thân phận luân lí(5) nhà vua hiện tại - bậc quân vương làm gương thiên hạ - lại càng phải tuân thủ các định chế liên quan đến cấm kị luân lí. Tuy nhiên, dù ở góc độ thân phận nào, chồng của Chiêu Thánh, em vợ của Thuận Thiên, em trai của Trần Liễu, con rể của Trần Thị Dung, thì việc lấy Thuận Thiên công chúa đều đi ngược lại những chuẩn mực giáo dục mà Trần Cảnh thụ hưởng. Nhưng nếu khước từ cuộc hôn nhân ấy, Trần Cảnh sẽ đối đầu với Trần Thủ Độ - ông chú quyền lực và đầy mưu mô. Sâu xa hơn là trách nhiệm lịch sử với một hiện thực đang dần hiển lộ: tuyệt tự. Nhà vua không có đích tử nối ngai là một cú đánh chí tử vào ngôi vương vừa mới soán được. “Đạo diễn chính trị” Trần Thủ Độ không hề mong muốn kịch bản này xảy ra và ông đã ra tay. Trần Cảnh bị mắc kẹt trong một khốn cảnh luân lí như vậy. Bất kể thế nào, cuối cùng “liên minh loạn luân” Trần Cảnh - Thuận Thiên vẫn được hình thành. Thực chất cả Trần Cảnh, Lý Chiêu Thánh, Thuận Thiên hay Trần Liễu đều không được quyền lựa chọn. Họ bị đẩy vào tình thế ép buộc hay thụ động lựa chọn mà thôi.

4. Bên cạnh loạn luân thì sát nhân trực tiếp hay gián tiếp cũng là một cấm kị luân lí mà một số nhân vật nhà vua trong Bão táp triều Trần đã phạm phải. Cấm kị là kết quả của việc tiến hành kiểm soát các thành tố thú tính, tức bản năng, trong cơ thể người. Hai loại bản năng cần phải kiềm tỏa triệt để, theo S.Freud, chính là bản năng tính dục và bạo lực người thân(6). Với Trần Dụ Tông, nhân vật nhà vua này vừa để nhân tố nhân tính của mình bị nhân tố thú tính khống chế, để cho bản năng tính dục mặc sức tung hoành, vừa xem việc giết người là quyền hành của người làm vua. Vì lẽ đó mà Trần Dụ Tông trở thành một trong những nhân vật nhà vua phi luân nhất trong Bão táp triều Trần. Ngay từ khi còn là đương kim thiên tử, Trần Dụ Tông đã mê đắm sắc dục, bỏ bê triều chính, không màng lời can gián của thầy dạy Chu An, đến nỗi nhà giáo đáng kính này phải ngao ngán từ quan. Dụ Tông tôn thờ hành lạc vô hạn với sự hỗ trợ đắc lực của những viên quan bất nhân, đứng đầu là Trâu Canh. Chính hắn là thủ phạm làm vua liệt dương từ năm 3 tuổi. Đến năm vua 15 tuổi, Trâu Canh lại hiến kế bắt cóc 21 đứa trẻ giết lấy mật làm thang cho bài thuốc hồi dương của Dụ Tông. Cũng chính hắn bày trò cho Dụ Tông thông dâm với chị ruột của mình. Dụ Tông sớm được khơi dậy dục năng, lại được tự do loạn luân, tất yếu triệt tiêu ý chí lí tính(7), để mặc ý chí tự nhiên/ tự do(8) kiểm soát bản thân, ngày càng dấn sâu vào tội lỗi. Vua nói với mẹ rằng: “Con thấy mẫu hậu không nên quá quan hoài đến vài chục cái mật của đám trẻ con bẩn thỉu kia. Thử hỏi, mạng sống của chúng có gì đáng quý. Đến hàng ức vạn đứa cũng thế thôi, cứ gì vài chục đứa. (…) Còn như sinh mệnh của trăm họ đều thuộc quyền vua. Vua muốn làm gì thì làm.”(9) Vua không dĩ dân vi bản mà chỉ “dĩ dâm vi bản”, “dĩ sát vi lạc”. Vua không màng triều chính, không chăm lo con dân, chỉ lo thỏa mãn đam mê dục tính của bản thân. Bậc đế vương mà coi mạng người như cỏ rác như vậy thật là bất nhân. Người làm vua mà bất chấp đạo lí như vậy thật là thương luân bại lí. Sự hủ bại của Dụ Tông lại diễn ra trong bối cảnh thiên tai liên miên, mất mùa đói kém, dịch bệnh hoành hành, sưu cao thuế nặng, cướp bóc ngang nhiên, bề tôi lộng hành, vua lại không ngừng xây cất cung thất khiến cho phu phen, phu hồ chết đói, chết gục, chết dịch… Vua không trực tiếp cầm dao giết người nhưng gián tiếp đẩy biết bao người vào chỗ chết thì cũng chẳng khác gì vua đang giết người tập thể! Kết cục của Trần Dụ Tông thật bi thảm: ngày càng kiệt quệ, cuối đời luôn trong tình trạng mê sảng về các tội lỗi, sự ác độc của mình, lúc nào cũng thấy người chết oan đến đòi mạng. Cuối cùng thì vua chết trong sự vui mừng ngấm ngầm của con dân cả nước. Dụ Tông một đời bại hoại đạo đức vì những xâm phạm thô bạo của nhân vật này đối với cấm kị luân lí. Cái chết của vua có giá trị như sự giải thoát đại nạn. Lê dân đi tiễn vua không nhỏ một giọt nước mắt xót xa mà như còn phấn khích: “Rõ ràng là họ đưa tiễn ông không phải vì lòng tiếc thương, mà chính là họ tiễn đưa sự dối trá, thói tàn bạo vô luân, lòng tham bẩn và tính ích kỉ về huyệt mộ.”(10)

5. Hai nhân vật Trần Cảnh và Trần Dụ Tông đã phân tích trên đây thuộc về các bối cảnh xã hội và triều đại khác nhau, nói cách khác, họ suy nghĩ và hành xử trong những hoàn cảnh luân lí hay ngữ cảnh luân lí khác nhau. Khi phân tích cấm kị luân lí trong văn học cần thiết phải xem xét không gian luân lí tương ứng liên quan đến nhân vật. “Văn học là sản phẩm của lịch sử. Nếu chúng ta đọc văn học của lịch sử trong hoàn cảnh luân lí hoặc ngữ cảnh luân lí của ngày hôm nay thì rất có thể làm xuất hiện đối lập luân lí, tức nghịch biện luân lí trong bình giá văn học.”(11) Tác phẩm văn học (và cả nhân vật thuộc về nó) đều là sản phẩm của một quá trình lịch sử nhất định, được tác giả miêu tả và xây dựng trong một hoặc nhiều môi trường, ngữ cảnh. Mặt khác, bình giá các hành động luân lí của Trần Cảnh và Dụ Tông cần đặt trong hoàn cảnh luân lí của triều đại mà họ cai trị, nhìn nhận hành động từ các xung động(12) của mỗi người. Con người phá vỡ cấm kị luân lí xuất phát từ chỗ ý chí thú tính chiếm quyền kiểm soát, thoát li khỏi những chế ước đáng ra phải được thực thi bởi ý chí nhân tính. Khi thú tính lên ngôi thì bản năng được giải phóng, mầm mống cấm kị (loạn luân và giết người) được phóng thích, dẫn đến nhân vật phạm vào cấm kị. Cũng cần thấy rằng, bất cứ con người (nhân vật) nào cũng mang sẵn nhân tố nhân tính và nhân tố thú tính trong mình. Đó là hai phương diện cấu thành nhân tố Sphinx(13) mà bất cứ tồn tại luân lí nào, tức con người, đều sở hữu. Nhân tố nhân tính (hình thức biểu hiện của nó là ý chí lí tính) khống chế và kiềm tỏa nhân tố thú tính để con người tránh xa cấm kị, tuân thủ các quy phạm luân lí, chuẩn mực đạo đức. Cùng với đó, nhân tố thú tính (hình thức biểu hiện của nó là ý chí tự nhiên hay ý chí tự do) luôn hiện diện đồng thời với nhân tố nhân tính, chờ đợi cơ hội để thoát khỏi những chế định của nhân tố nhân tính, kéo con người về bản năng động vật tính. Trường hợp sau thì khả năng phân biệt thiện - ác (một trong những dấu hiệu luân lí quan trọng bậc nhất để xác định con người là con người) bị triệt tiêu (hoặc bị bỏ qua), cái thiện bị thay thế, cái ác chiếm thế thượng phong, ý thức luân lí của con người bị ý chí tự nhiên hay ý chí tự do kiểm soát. Quá trình xâm phạm cấm kị của họ hay các lựa chọn luân lí của họ đều xuất phát từ những đấu tranh giành quyền kiểm soát không ngơi nghỉ của nhân tố nhân tính và nhân tố thú tính.

6. Phân tích Bão táp triều Trần từ góc độ cấm kị luân lí chỉ là một ví dụ cụ thể, còn ở góc độ toàn thể, khảo sát bất cứ một văn bản văn học nào, theo quan điểm của phê bình luân lí học văn học, đều nhằm chuyển tải chức năng giáo dục đến người đọc. Đây không phải là đặc trưng riêng có của phê bình luân lí học văn học mà nó là một chức năng phổ biến của văn học. Điểm khác biệt nhất của phê bình luân lí học văn học chính là ở chỗ họ đã tuyệt đối hóa chức năng giáo dục thành “giáo dục luận”. Điều đó đòi hỏi các nhà nghiên cứu phê bình của trường phái này hết sức quan tâm các tấm gương đạo đức, các thấu thị luân lí để bồi dưỡng tâm hồn con người, giúp con người buông ác hành thiện, tiếp tục sứ mệnh cân bằng ý chí nhân tính và ý chí thú tính, để năng lực phân biệt thiện - ác được bảo toàn và thực thi, để con người là con người chân chính. Hẳn nhiên, đó là một sứ mệnh nhân văn và nhân đạo mà những người ủng hộ phê bình luân lí học văn học luôn hoan hỉ để thực hiện. Do vậy, xâm phạm cấm kị luân lí của các nhân vật như Trần Cảnh, Trần Dụ Tông trong Bão táp triều Trần đem đến cho người đọc những cảnh thị đạo đức cần thiết để mỗi người luôn ý thức được sự bấp bênh của nhân tố Sphinx trên cơ thể mình. Từ đó, con người phải luôn lưu tâm đến việc kiểm soát ý chí tự nhiên/ tự do, có như vậy họ mới thực sự giữ được nhân tính trước sự xâm lấn của thú tính.

N.A.D

1. Nhiếp Trân Chiêu (2014), Dẫn luận phê bình luân lí học văn học, Nxb Đại học Bắc Kinh, Bắc Kinh, tr.261.

2. Khốn cảnh luân lí (ethical predicament) là những mâu thuẫn và xung đột hình thành trên cơ sở hỗn loạn luân lí, đẩy con người hay nhân vật văn học đến chỗ không biết phải giải quyết như thế nào cho ổn thỏa. Khốn cảnh luân lí có rất nhiều hình thức biểu hiện mà lưỡng nan luân lí là một trong những hình thức phổ biến nhất.

3. Lưỡng nan luân lí (ethical dilemma) do hai mệnh đề đạo đức tạo thành, liên quan và tác động trực tiếp đến lựa chọn luân lí (ethical choice) của con người. Đặc trưng của lưỡng nan luân lí đó là, nếu chủ thể (của lựa chọn luân lí) đưa ra phán định đạo đức đối với từng mệnh đề đạo đức riêng lẻ, độc lập thì lựa chọn luân lí nào của chủ thể cũng chính xác và phù hợp với nguyên tắc đạo đức phổ biến; tuy nhiên, nếu chủ thể lựa chọn chỉ một trong hai mệnh đề đạo đức thì sẽ khiến cho mệnh đề không được lựa chọn trở thành sai lầm, phản bội luân lí, đi ngược với nguyên tắc đạo đức phổ biến.

4. Malinowski, B. (2019), Tình dục và ức chế ở xã hội man dã (Minh Quân dịch), Nxb Thế giới & Song Thuy Bookstore, Hà Nội, tr.298.

5. Thân phận luân lí (ethical identity) quy định trách nhiệm và nghĩa vụ đạo đức tương ứng của mỗi cá nhân nên nó ảnh hưởng trực tiếp đến lựa chọn luân lí của mỗi người. Trong tác phẩm văn học, sự nảy sinh của mọi vấn đề luân lí luôn liên quan đến thân phận luân lí.

6. Nhiếp Trân Chiêu (2014), Dẫn luận phê bình luân lí học văn học, sđd, tr.261.

7. Ý chí lí tính (rational will) là những biểu hiện chủ yếu ra bên ngoài của nhân tố nhân tính (human factor). Thuật ngữ “lí tính” biểu thị năng lực tri nhận bậc cao đối với thiện - ác của con người. Lí tính đối lập với bản năng động vật tính của con người. Ý chí lí tính có khả năng khống chế hoặc kìm hãm ý chí tự do, định hướng và điều khiển ý chí tự do đi đến chỗ có lí tính.

8. Ý chí tự nhiên (natural will) hay ý chí tự do (free will) là hình thức biểu hiện của nhân tố thú tính - dấu vết động vật còn lại trên cơ thể người. Ý chí tự nhiên/ tự do là sự thể hiện bên ngoài của bản năng động vật tính. Loại ý chí này chịu sự chế ước của ý chí lí tính. Nhiệm vụ của ý chí lí tính là kiểm soát và biến ý chí tự nhiên/ tự do thành ý chí lí tính.

9. Hoàng Quốc Hải (2018), Bão táp triều Trần: Vương triều sụp đổ (Quyển 6), Nxb Phụ nữ, in lần thứ bảy, Hà Nội, tr.32.

10. Hoàng Quốc Hải (2018), Bão táp triều Trần: Vương triều sụp đổ (Quyển 6), sđd, tr.137.

11. Nhiếp Trân Chiêu (2014), Dẫn luận phê bình luân lí học văn học, sđd, tr.256.

12. Xung động ( impulse) là do ý chí phi lí tính (irrational will) chuyển hóa tạo thành. Xung động là một dạng hiện tượng tâm lí, trong đó tình cảm, cảm xúc thoát khỏi sự kiểm soát của lí tính.

13. Trong thần thoại Hi Lạp, Sphinx được miêu tả như một con quái vật có đầu của một người phụ nữ, thân của con sư tử cái, đôi cánh của đại bàng và đuôi rắn. Sphinx trấn giữ đường vào thành Thebes bằng cách đưa ra một câu đố dành cho người qua đường, nếu trả lời sai họ sẽ bị giết chết. Câu đố nổi tiếng của Sphinx thực chất là cách thức để nó tìm ra thân phận luân lí của mình: là người hay vật. Sphinx là hình tượng thể hiện tính người và tính vật trong cùng một cơ thể. Đây là cơ sở để phê bình luân lí học văn học xây dựng khái niệm nhân tố Sphinx.

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)