Ra trận là bản trường thiên bất hủ của thế hệ nhà thơ thời đánh đế quốc Mỹ. Mỗi bài thơ, mỗi tác giả góp mình vào đó như một chương khúc, một thành tố, cấu trúc nên sử thi thời oai hùng đó. Vấn đề xuất hiện ở đây là bản trường thiên ấy được phát sinh, tồn tại nhờ vào một hệ thống giá trị, quan niệm về giá trị của con người, thi sĩ thời ấy. Ra trận, đánh giặc, góp sức của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc chính là câu chuyện trung tâm của thời đại. Điều đó phải được nhìn nhận trong tính biện chứng của tinh thần cá thể, cộng đồng trước các biến cố trọng đại có liên quan đến vận mệnh toàn thể.

Thơ chống đế quốc Mỹ ra đời như là hình thái căn bản của ý thức, mỹ cảm con người hướng đến một phương thức hữu ích cho sự tồn tại, sự sống. Chất thơ của thời đánh Mỹ là ở đó, trong ý thức cao độ về trách nhiệm, về lẽ sống của con người. Các nhà thơ đánh Mỹ dấn thân vào cuộc chiến là dấn thân vào quá trình tìm kiếm chính mình, tìm kiếm khuôn mặt của thế hệ mình. Thơ sinh ra để làm hiện hữu chân dung con người trong tình huống mất còn của chiến tranh. Xét đến cùng, đó là mục đích tối cao của nghệ thuật. Các nhà thơ chống Mỹ đã làm nên diện mạo của thế hệ mình không chỉ bằng thơ mà bằng cả máu xương, bằng cả những mất mát, thất tổn không gì có thể bù đắp nổi. Điều đáng suy ngẫm là trong con mắt của lớp người hậu chiến, những người sinh ra khi chiến cuộc đã đi qua, dường như thơ nói riêng và nghệ thuật nói chung không được sống như yêu cầu và bản chất vốn có của nó. Dưới những mệnh lệnh thì thơ ca, văn học nghệ thuật biến thành  thứ công cụ, thành súng đạn, thành vũ khí để đấu tranh. Họ - những con người ở ngoài, ở sau cuộc chiến đã phản ứng lại hiện trạng đó, cho rằng thơ đã bị lạm dụng cho những mục đích ngoài nghệ thuật. Nhưng hãy bình tâm để nhìn nhận một cách công bằng, từ ngày im tiếng súng, trong những bối cảnh hòa bình, thơ ca đương đại vẫn chưa có gì để so sánh với thơ ca thời đánh Mỹ. Họ nói về mục đích, yêu cầu của thi ca như là một nỗ lực hướng tới thứ thơ thuần túy. Chức năng thi ca là tối cao trong quan niệm của các thi sĩ đương đại, bởi thế họ đã chối bỏ những chức năng ngoài thơ được khoác lên thơ thời đánh Mỹ. Mâu thuẫn sinh ra từ đó. Sự hưng phấn của cá thể, đám đông về những cái khuất lấp, những điều bị mất mát trong thời chiến đã khiến cho “Họ” cổ súy một cách quá đà, bất công với thơ thời đánh Mỹ và qua đó với thế hệ cha anh của mình. Một khi chưa ý thức được rằng, quan niệm về thơ ở mỗi thời một khác, thì người ta vẫn cứ phân lập một cách siêu hình giữa chức năng thi ca và chức năng ngoài thi ca. Chức năng ngoài thi ca có lẽ được những người hậu chiến hình dung là vai trò tranh đấu, súng, gươm, chiêng, trống, tiếng hô, tiếng thét, những lời cổ vũ tinh thần con người trước chiến tranh. Từ quan niệm ấy, họ đề cao chức năng thi ca như là một hình thái biệt lập của ngôn ngữ thơ, với những tưởng tượng sinh ra từ bản thân ngôn ngữ, bay lên từ ngôn ngữ. Ngôn  ngữ thơ trở thành yếu tố thứ nhất, duy nhất trong việc kiến tạo thế giới nghệ thuật. Thơ chỉ vì nó, không vì bất cứ điều gì bản chất là một ngụy biện, bởi lẽ khi thơ vì nó chính là vì cuộc đời, vì nhân quần, xã hội, vì sự vận động của thi ca, mĩ học, hướng đến cái đẹp, để cuộc sống tốt hơn, nhân văn hơn.

Đề cao bản thể, con người đương đại cho rằng, thời đánh Mỹ, trong tâm thức chung của cộng đồng, cá nhân đã bị triệt tiêu. Cá nhân bị triệt tiêu đồng nghĩa với việc những nhu cầu cốt thiết của con người không có cơ hội được phát sinh, phát triển. Đây cũng là một bất công mà lớp người hậu chiến đang tạo nên khi đứng trước các giá trị đã qua. Khi cái tôi thời Thơ mới soi ngắm chính nó, cái tôi bản thể trong thơ đương đại soi mình vào các giá trị phổ quát của con người thì cái tôi thời chiến, trong thế đứng đối đầu với hiểm họa chung, đã soi vào cộng đồng, đã nhập mình vào lẽ sống đại toàn. Những hình thái ấy cần phải được tôn trọng như nhau trong lịch sử và trong tiến trình vận động của thơ ca.

Thơ chống Mỹ và thế hệ nhà thơ chống Mỹ là nhân vật chính của thời mà họ thuộc về. Chính trong những vần thơ lửa cháy, trên những bước đường hướng ra tiền tuyến, ý thức phản biện và tư cách của người trí thức thời chiến đã được thực hành. Nhiều lúc tôi tự nghĩ, con người, trí thức đương đại đã làm gì để hiện thực hóa tư cách tồn tại, hiện diện của mình? Phản biện để sáng tạo và kiến tạo đó là quy luật tất yếu của nghệ thuật, của đời sống lành mạnh, đúng nghĩa. Tuy nhiên, vấn đề sẽ trở nên dễ hiểu hơn khi con người, dân tộc, ngay trong những thời khắc này, khi đứng trước các nguy cơ bị xâm phạm, mạch nguồn tự tôn dân tộc đã chảy tự ngàn xưa, bùng nổ trong thời chống Mỹ lại trỗi dậy ở đương thời. Cái tôi bản thể hẳn sẽ thấy mạnh thêm khi đọc lại những bài thơ của: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Huy Cận, Giang Nam, Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo… Khi Tổ quốc lên tiếng gọi, khi đất nước “chập chờn bóng giặc” người ta mới thấy hết giá trị của lời nói, của thi ca cất lên để xốc lại tinh thần, để cổ vũ và đấu tranh. Chiến tranh là biến cố nằm ngoài mọi dự tưởng của con người. Tuy nhiên, khi nó trở thành một tình huống bất khả kháng, khi vận mệnh chung bị đe dọa, điều kỳ lạ là một khả năng tập hợp, đoàn kết được sinh ra và giải trừ những toan tính cá nhân.

Con người đương đại là một thực thể sống trong bối cảnh tự do, hòa bình nên có điều kiện để bày tỏ các nhu cầu bản thể. Đó là lý tưởng, nhưng đó không phải là cái có sẵn thường hiện nếu nhìn từ bản chất, quy luật của các hình thái sống. Nhìn lại lớp người đi trước, thế hệ nhà thơ hôm nay có lẽ cần phải suy ngẫm nhiều hơn về tư cách nhà thơ, tư cách công dân và trách nhiệm xã hội của mình. Sự hưng phấn thái quá về bản thể cần phải được kiểm soát từ chính bản thể để nó không phải là mối đe dọa cho an toàn tinh thần con người, không bất công với các giá trị của quá khứ. Thơ chống Mỹ và các nhà thơ thuộc thế hệ này, trong tư cách là những giá trị, cần phải được trân trọng và đánh giá đúng mức, khách quan, bình đẳng, phù hợp với bối cảnh, tình huống mà họ kiến tạo, hiện diện. Và, kỳ thực, nếu hiểu đời sống là một nỗ lực để hiện diện, thì thơ ca thời đại đánh Mỹ, thế hệ các nhà thơ, nhà văn chống Mỹ đã nỗ lực hiện diện một cách đầy quyết liệt và tự hào. Điều đó, trong tình thế đương đại, đôi khi chiếu cái nhìn chất vấn vào chúng ta.

Tiến sĩ NGUYỄN THANH TÂM
Nguồn: QĐND