Bình luận văn nghệ  Phê bình văn nghệ

Ngọn nguồn Thơ mới?

Thứ Ba, 09/10/2018 00:33
. NGUYỄN THANH TÚ         
 
1 120268

Trong Thi nhân Việt Nam Hoài Thanh nhận xét: “Mỗi nhà thơ Việt Nam hình như mang nặng trên đầu năm bảy nhà thơ Pháp”. Sau này, trong Văn học Việt Nam 1900 - 1945, Phan Cự Đệ chứng minh Thơ mới chịu ảnh hưởng của gần một trăm nhà thơ Pháp, từ trường phái lãng mạn, nhóm Thi Sơn đến trường phái tượng trưng và cả một số trường phái suy đồi khác (Nxb Giáo dục, 2001, tr.573). Hoài Thanh và Phan Cự Đệ là những học giả, những đóng góp của hai ông về nghiên cứu, thẩm bình Thơ mới là rất đáng kính trọng. Nhưng những đánh giá, nhận định của hai ông dường như thành “mặc định”, từ đó cứ nói đến Thơ mới là người ta đều nói theo và yên tâm là đúng. Có người xác quyết mạnh mẽ rằng hai ngọn nguồn Thơ mới là Đường thi và thơ Pháp. Chúng tôi thấy nói như thế đúng nhưng chưa đủ và xin chứng minh một nguồn mạch quan trọng, cơ bản của Thơ mới chính từ thơ của cha ông ta. Do khuôn khổ bài viết, xin chỉ chứng minh bằng thơ Nguyễn Trãi và thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Người ta thường lấy lí thuyết của trường phái tượng trưng Pháp về sự tương hợp giữa các cảm xúc, là sự tương giao giữa hương thơm, màu sắc và âm thanh (Les parfums, les couleurs et les sons se répondent) làm tiền đề nghiên cứu Thơ mới. Dĩ nhiên không sai, vì điều đó nằm trong quy luật tiếp biến văn hoá. Nhưng ở thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có sự “tương giao” như thế, có khi còn đặc sắc hơn, trước hàng mấy trăm năm.

Đây là bài Thuật hứng (thơ Nôm) của Nguyễn Trãi: Con lều mọn mọn đẹp sao!/ Trần thế chẳng cho bén mấy hào/ Khách lạ đến ngàn, hoa chửa rụng/ Câu mầu ngâm dạ, nguyệt càng cao/ Những màng lẩn quất vườn lan cúc/ Ắt ngại lanh chanh áng mận đào/ Ngựa ngựa xe xe la ỷ tốt/ Dập dìu là ấy chiêm bao. Một thế giới tiên của “chiêm bao” nơi ngàn xa: con lều nhỏ, hoa, câu thơ hay, trăng, vườn lan cúc. Và có người “khách lạ” chắc không phải đến từ nơi “áng mận đào” (tức chốn công danh) mà đến từ miền cái đẹp khác, có vậy mới là khách tri âm! Sự “tương giao” ư? Hơn cả “quy định” của lí thuyết trường phái tượng trưng, còn là sự hài hoà tuyệt vời của hình ảnh (con lều nhỏ, trăng, vườn lan cúc, khách lạ), màu sắc (của hoa và trăng), hương thơm (từ vườn lan cúc), âm thanh (câu mầu, tức câu thơ hay). Thơ tượng trưng Pháp thời hiện đại có lẽ hiếm có câu thơ hay, triết lí như Câu mầu ngâm dạ, nguyệt càng cao - ngâm câu thơ hay (mầu) như đẩy trăng lên cao hơn. Nghệ thuật đích thực có khả năng tác động, chinh phục tới cả tạo hoá!

Thơ Ức Trai là một thế giới thực mà hư, khó phân biệt vì có cả trần gian và tiên cảnh, không có tục nhân chỉ có thi nhân và thi tiên. Đây là bài Làm chơi (bản dịch nghĩa): Sách tiên và quyển là nghề sinh nhai cũ/ Đói thì ăn rễ tùng và hớp ánh sáng/ Trúc có nghìn cây để ngăn khách tục/ Bụi không nửa điểm bợn đến núi nhà/ Trước thềm ngọc hạc rít, trăng chiếu chếch vào song/ Bến câu cá lạnh chìm, mái chèo gác bãi cát/ Ta vẫn vui say với bầu trăng gió đẹp. Bản dịch thơ: Và quyển sách tiên vốn nghiệp xưa/ Rễ tùng ánh sáng đủ sung cơ/ Có đây ngàn trúc ngăn phường tục/ Chẳng bợn non nhà mảy bụi nhơ/ Hạc rít trước thềm song chếch nguyệt/ Cá chìm ngoài bến, mái ghênh bờ/ Một bầu trăng gió bao vui đẹp/ Chẳng tốn đồng mua vẫn có thừa (nhóm Đào Duy Anh dịch). Nơi này chỉ có ánh sáng và hoa, có trăng có cây và sách, có “ngọc hạc”, có bến câu và mái chèo... Thanh cao, trong sạch đến tuyệt đối, hình như là nơi chỉ dành cho người tiên! Bài thơ của một thiên tài thật sự hiện đại khi con người chúng ta hôm nay thưởng thức, tiếp nhận phải huy động đủ mọi giác quan: thị giác (ánh sáng, trăng, bến câu, mái chèo); khứu giác (hương thơm); thính giác (tiếng ngọc hạc kêu); xúc giác (khí lạnh).

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm như ông tiên nhàn làm thơ. Trong thơ ông cảnh tiên và cảnh thực hòa vào nhau, khó phân biệt: Vườn nằm bên cạnh am Mây/ Ánh nắng chiếu xuống không có bụi/ Rặng tre hoa, tự tay trồng/ Chống gậy đi, dép thơm mùi hoa/ Nâng chén ngọc màu hoa óng ánh/ Hạc nhả khói khi pha trà/ Cá đớp mực lúc rửa nghiên/ Thỏa hứng mặc sức thơ cuồng. Bài thơ có tên Lại tiếp thêm mười hai vần này là phép tương giao hài hoà tuyệt đối của các giác quan: thị giác (am Mây, rặng tre hoa, màu hoa óng ánh, khói); thính giác (tiếng cá đớp mực); khứu giác (mùi hoa). Mấy câu trong bài Bến sông ngụ hứng cũng dùng phép tương giao như thế: Ta yêu lều ta nằm giữa vùng sông nước trúc tre/ Cây dần thưa lá đỏ, chim mỏi về hót/ Rêu xanh chẳng quét, hoa rụng còn đầy mùi thơm/ Cảnh nhàn xưa nay chính là cảnh đất trời yên tĩnh/ Mải vui say với sách vở khiến ngày tháng dài...

Thơ mới 1932 - 1945 có rất nhiều cảnh xuân, tình xuân. Mạch nguồn ấy có thể được khơi từ thơ Trạng Trình vốn rất nhiều xuân - xuân biểu trưng cho cái đẹp, cho sự sống sinh sôi, nảy nở, ấm áp, tươi vui: Cuối xuân thích nhất là khí trời luôn hòa dịu (bài Chiều xuân); Ánh sáng xuân dịu, đúng là tiết tốt lành (bài Viết vui đầu năm). Mùa xuân là mùa tương giao tuyệt vời giữa con người, thiên nhiên, nghệ thuật: Thi tứ về hoa và chim sẵn có nghìn bài/ Gió lọt vào án sách và ghế, không một hạt bụi (bài Bến sông ngụ hứng)…

Thơ mới có nhiều mộng. Mộng ấy có thể là dư ảnh, dư hình từ thơ Nguyễn Trãi: Trăng sáng đêm qua trời tựa nước/ Chiêm bao cưỡi hạc tới tiên cung (bài Giấc mộng trong núi). Một vẻ đẹp tiên giới, không gian trong vắt, hư ảo với trăng, trời, nước, hạc, tiên cung. Hẳn là mạch nguồn lãng mạn bay bổng chảy đến Thơ mới và mãi sau này.

Thơ mới có nhiều trăng. Trăng ấy đã sáng ngàn năm trong thơ Nguyễn Trãi: Núi cũ đêm qua vấn vương vào mộng nhẹ/ Trăng chiếu đầy sông Bình Than, rượu chở đầy thuyền (bài Cảm hứng lan man). Sông nước hay sông trăng, thuyền rượu hay thuyền trăng? Trăng say, thuyền say, người say hay sông nước say? Tất cả đều vấn vương trong mộng. Đây không phải thơ của thi nhân mà là thơ của thi tiên! Hình ảnh “thuyền trăng”, “bến trăng” trong thơ Hàn Mặc Tử sau này có lạ, có thi vị hơn thơ Ức Trai?

Thơ mới đã làm nên “một thời đại rực rỡ trong thi ca” (Hoài Thanh). Thơ mới sẽ không đạt tới đỉnh cao như vậy nếu không kế thừa những áng thơ hay của dân tộc đã có từ những thế kỉ trước. Việc khơi lại nguồn xưa ở đây không nhằm mục đích đề cao quá khứ, mà muốn thêm một chứng minh: Thơ mới là sự cộng hưởng của ba nguồn - thơ dân tộc, thơ Đường, thơ Pháp - nên thật mới. Có thể lấy ví dụ với khổ thơ sau trong bài Nguyệt cầm của Xuân Diệu: Thu lạnh, càng thêm nguyệt tỏ ngời/ Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi/ Long lanh tiếng sỏi vang vang hận/ Trăng nhớ Tầm Dương nhạc nhớ người. Cũng là đa giác quan: thính giác (đàn, tiếng sỏi); thị giác (nguyệt, long lanh); xúc giác (lạnh). Và cũng rất hiện đại, mới mẻ khi tương giao nhiều cảm giác trong một sự vật, hình ảnh. Ở câu Long lanh tiếng sỏi vang vang hận thì trong tiếng sỏi có cả long lanh (thị giác) và vang vang (thính giác), không có hòn sỏi nào mà người đọc vẫn hình dung như chúng đang va đập! Kiểu tương giao như thế đã từng có trong thơ ca của cha ông ta.

N.T.T

Tranh trong bài: Nhà thơ Nguyễn Trãi. Nguồn: ST

 
VNQD
Tin tức khác
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)