Những bài học kêu gọi đoàn kết của Bác Hồ

Chủ Nhật, 19/03/2023 07:49

. DƯƠNG HÀ AN
 

Sinh thời Bác Hồ không tự nhận mình là nhà thơ. Trò chuyện với nhà văn Nga Ruf. Bersatxki, Người nói: “Tôi là cây bút tiểu phẩm, nhà chính luận. Gọi tôi là người tuyên truyền - tôi cũng không tranh cãi; nhà cách mạng chuyên nghiệp - là đúng nhất”[1]. Bác có lần nói với những người sống gần gũi với mình: “Bác làm thơ là cốt để tuyên truyền, có bài được, bài không, sao bài nào các chú cũng khen hay tất cả?”[2]. Chúng tôi thấy trong đời sống cũng như trong sáng tác của Người hoàn toàn thống nhất với quan niệm này. Nhưng điều đó hoàn toàn không mâu thuẫn với thực tế: Người là nhà thơ lớn, nhà văn kiệt xuất. Bởi một nhân cách vĩ đại ấy thì thơ văn đến như một lẽ tự nhiên. Và có lẽ giải thích của Tư Không Đồ, người mở đầu của “thi học thiền gia”, hiệu Biểu Thánh (837-908), là đúng với trường hợp này: “Tri phi thi thi, vị vi kỳ kỳ” (Biết không cố làm thơ mới ra thơ, chưa làm ra vẻ kỳ diệu mới kỳ diệu). Bác Hồ từng dạy hát để tuyên truyền cách mạng. Đồng chí Dương Chí Nần kể: “Ông Cụ bắt đầu dạy hát. Từng âm thanh trầm hùng, mạnh mẽ vang lên: “Dưới quyền uy người gieo lòng người bao thống tâm. Nao núng tâm hồn vì dân nước nòi nát tan. Trong lúc này đây phải cùng hăng hái ta đắp và xây tinh thần thân ái. Dưới uy quyền người, ta thấy trăm ngàn áy náy. Nhưng lòng quyết đi phá tan đời thảm thê trăm lần...”[3].

Bác Hồ từng dạy học ở Pắc Bó, và dạy học cũng rất “nghệ thuật”. Đồng chí Nguyễn Văn Toại ghi theo lời kể của Cao Hồng Lãnh, Dương Đại Long: “Hằng ngày Bác quy định mỗi người phải học thuộc một bài là một đoạn thơ hoặc là về địa lý, hoặc là lịch sử... Chúng tôi đọc, Bác làm thầy giáo và chấm điểm cho từng người. Ai đọc tốt, trơn tru, chứng tỏ là người có tinh thần chịu khó, Bác biểu dương ngay và chấm điểm cho đồng chí đó được đi máy bay. Ai đọc ở mức trung bình, không sai sót mấy, Bác gật đầu bảo “được” và cho đi ôtô. Ai đọc ư, a nhiều, phải đợi nhắc hoặc không thuộc bài, Bác tuyên bố người ấy phải đi xe bò. Và cố nhiên, sau đó, học viên này phải học lại bài cũ để hôm sau Bác kiểm tra lại. Cách cho điểm tượng trưng ấy của Bác có sức lôi cuốn chúng tôi rất mạnh. Bác là người biên soạn và sáng tác ra bài nhưng đến lượt Bác đọc, Bác cũng gấp sách lại rồi đọc thuộc lòng đoạn như anh em và Bác để cho chúng tôi bình chấm điểm cho Bác...”[4].

Đồng chí Dương Đại Lâm kể về Bác Hồ từng mượn văn tế để giác ngộ cách mạng: “Y hẹn, chiều hôm ấy Người trao cho tôi một bài văn tế mà bố cục, lời lẽ, quy cách giống như một ông tào cao tay nhưng nội dung thì rất mới, bao hàm một ý nghĩa chính trị sâu sắc, những câu văn thống thiết làm xúc động lòng người... Đọc đến đoạn đó ai cũng trầm trồ khen. Nhất là mấy ông già đã sống quá nửa đời người tủi cực, càng thấy lời văn như vận vào mình. Một người bỗng nói:

- Đúng quá, đúng quá! Văn tế của thầy tào nào làm hay thế?”[5].

Đặc biệt nhất là Bác dùng nghệ thuật làm phương tiện giáo dục đạo đức, ý chí cách mạng, mà như chúng ta đều biết hạt nhân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng đoàn kết. Một loạt tác phẩm được Người viết trước 1945 nhằm mục đích kêu gọi đoàn kết: Con cáo và tổ ong, Hòn đá, Chơi giăng... Nghệ sỹ Nguyễn Kiểm nhớ lại lần Bác đến thăm anh chị em nghệ sỹ: “Bác đề nghị các trưởng đoàn hát. Thấy các ông bầu lúng túng không hát được, Bác liền gỡ rối: - Nào hát một bài! Bác dứng dậy giơ tay bắt nhịp trước. Như mở cờ trong bụng vì được Bác Hồ tìm cho lối thoát, các trưởng đoàn và tất cả mọi người đều đồng thanh: kết đoàn chúng ta là sức mạnh.

Là những nghệ sĩ biểu diễn chúng tôi càng thấy ý nghĩa lớn lao của hai chữ đoàn kết. Trên sân khấu nếu không đoàn kết sẽ không khớp giao từng nốt nhạc, từng lời ca, từng động tác, từng nhịp phách thì sẽ bị gẫy, sẽ bị hỏng và sẽ bị khán giả la ó...”[6]. Nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh như tâm sự với Bác về một lần cả hai vợ chồng được gặp Bác: “Bác lại vui vẻ bảo: - Cô chú hát Bác nghe một bài. - Hai chúng cháu hát không hay, nhưng chúng cháu đã vâng lời Bác, đứng nghiêm trước Bác và hát song ca bài Kết đoàn. Chúng cháu hát xong, Bác cười rộng lượng:

- Cô chú hát không hay, nhưng vì hát Kết đoàn, Bác cũng thưởng cho mấy cái kẹo.

Chị em bạn bè cùng chúng cháu cười ran. Không khí thật là ấm cúng.

Năm ấy, chị em làm mứt khoai, dưa món. Nhận được quà Tết của chị em, Bác rất vui. Bác trả lời bằng hai câu thơ: Cám ơn các cháu, các cô/ Mứt khoai, dưa món, Bác Hồ khen ngon”[7].

Câu chuyện Bác đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp càng cho thấy Người rất có ý thức lấy văn nghệ để nhắc nhở ý thức đoàn kết.

“Bác lắng nghe, niềm xúc động ngời lên khoé mắt. Còn người biểu diễn thì hoàn toàn không chờ đợi tiếng vỗ tay, anh Văn đánh tiếp để Bác nghe bài Sô-na-tin của Bê-thô-ven.

Bác nghe chăm chú, rồi chợt hỏi:

- Chú có chơi các bài dân ca của ta không?

Cây đàn liền vang lên bài Trống cơm rồi bài Trảy hội đêm rằm mà anh Văn vẫn ưa thích và hay chơi.

Bác Hồ tỏ ra thích thú rõ rệt. Đã dứt tiếng đàn, Bác mỉm cười, gật gù:

- Chú đánh hay đấy... nhưng mà... - Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã rời cây đàn, đứng nhìn Bác, chờ đợi. -Nhưng mà, chú đã đánh được bài Kết đoàn chưa?

Thật là bất ngờ, nhà tướng như bị đột kích, tuy nhiên anh tươi cười thưa với Bác:

- Dạ, chưa.

Bác Hồ còn tươi cười hơn, rồi Bác cười thật sự mà rằng:

- Đánh giặc, chú đánh cả trận to lẫn trận nhỏ. Đánh đàn, chú phải đánh cả bài khó lẫn bài dễ mới là giỏi. Bài Kết đoàn ai cũng hát, chưa đánh được bài Kết đoàn thì chưa giỏi, hà hà...”[8]. Đồng chí Vi Quốc Bảo nhớ lại bài học do Bác Hồ giảng trong Dự hai lớp huấn luyện: “Khi giảng về vấn đề đoàn kết, Bác lấy thí dụ một bó đũa: nếu tách từng chiếc ra thì bẻ dễ gãy; trái lại, nếu để cả bó đũa thì không tài nào bẻ gãy được”[9].

Đồng chí Hoàng Quốc Việt kể một câu chuyện sinh động khi Bác “trực quan” về vấn đề đoàn kết. Ngày 6-3-1951, ngày thứ tư của Đại hội Liên Việt, Bác đến thăm. Bác bảo một đồng chí thanh niên đứng gần đấy đi lấy cho Bác mấy chiếc gậy. Mọi người chưa rõ Bác làm gì. Khi đồng chí thanh niên mang gậy đến, Bác cầm bó gậy, rồi đưa cho một cụ chiếc gậy:

- Xin cụ bẻ cho!

Cụ già bẻ gẫy chiếc gậy.

Bác đưa số gậy còn lại cho đồng chí thanh niên:

- Chú bẻ cả bó đi!

Đồng chí thanh niên bẻ mãi mà chẳng gẫy. Bác lấy lại bó gậy và nói:

- Một chiếc gậy, sức yếu như cụ đây bẻ phăng. Một bó gậy, sức lực lưỡng như đồng chí này không bẻ nổi”[10].

Câu chuyện của một người Tây NguyênY-Bi A-Lê-Ô (dân tộc Ê Đê) năm 1961 ra thăm Bác Hồ cho thấy Bác giáo dục đoàn kết thông qua những mẩu chuyện ngụ ngôn, cụ thể mà sinh động, hiểu sâu, nhớ lâu:

“Tôi mạnh dạn thưa với Bác:

- Đồng bào Tây Nguyên còn nghèo lắm, nghèo cả cán bộ nữa. Muốn xin Bác có nhiều cán bộ giỏi ạ!

Bác cười và nhẹ nhàng hỏi lại tôi :

- Đồng bào ta có nuôi gà không ?

- Thưa Bác, đồng bào nuôi nhiều gà lắm.

- Đồng bào nuôi nhiều gà như thế là tốt. Lần này gà đẻ năm trứng, lần sau sáu trứng, mười trứng, rồi nở thành con. Chính những con gà đẻ và nở trong vùng ấy mới thích hợp với hoàn cảnh ở đó.

Lúc đầu tôi tưởng Bác nói chuyện con gà thật. Nghe nói vậy, anh Lê Quảng Ba nhìn tôi cười. Lát sau tôi mới hiểu câu chuyện nuôi gà của Bác là phải đào tạo, nuôi dưỡng những cán bộ tại chỗ. Cứ mỗi năm có một, hai cán bộ đi làm việc, nhiều năm sẽ có cán bộ gương mẫu, hiểu tâm tư nguyện vọng của dân tộc mình”[11].

Mấy năm sau Y-Bi đã già lại được ra thăm Bác. Bác hỏi thăm sức khỏe của cụ Y-Bi, hỏi thăm cuộc đấu tranh chống Mỹ - ngụy của đồng bào Tây Nguyên.

Bác còn hỏi đồng bào có nuôi nhiều gà không, gà có lớn nhanh không?

Cụ Y-Bi hiểu ngay. Năm 1961, cụ được gặp Bác. Bác nói chuyện nuôi gà - tức chuyện đào tạo cán bộ tại chỗ.

Cụ trả lời:

- Thưa Bác, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nuôi nhiều “gà”, “gà” tốt, lớn nhanh… Hiện nay không những chúng tôi có “con gà” tại chỗ mà còn có cả con cháu ngoài Bắc vào. Đoàn kết tốt, chiến đấu tốt. Bác hỏi:

- Thế bây giờ cụ định trở vào Nam nữa à?...

Bác Hồ nói:

- Ra đây rồi, cụ già rồi, ở ngoài này tốt hơn. Cụ sẽ phát biểu trên đài, viết trên báo, nói cho mọi người biết Mỹ là kẻ xâm lược, ngụy quyền là kẻ tay sai. Nói cho nam, nữ thanh niên, nông dân đồng bào đoàn kết tốt, nhất định đấu tranh thắng to”[12].

Trong mọi hoàn cảnh Bác Hồ đều luôn dùng nghệ thuật vào mục đích tuyên truyền cách mạng, kêu gọi đoàn kết. Đó là mục đích cách mạng cao cả ở Người. Bài học đọng lại cho hôm nay với người lãnh đạo là phải thật chân thành, thật hiểu nhiệm vụ, nhất là hiểu sâu sắc đối tượng mới có thể thu phục được lòng người!

D.H.A


[1] . Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, tập 3. Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội 2010, tr 50.

[2]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, tập 2. Sđd, tr 135.

[3]. Nhiều tác giả - Bác Hồ, Hội văn nghệ Cao Bằng 1990. tr 198.

[4]. Phan Tuyết - Bích Diệp - Những chuyện kể về đức tính chuyên cần của Bác Hồ. Nxb Lao Động, 2008, tr 13.

[5]. Nhiều tác giả - Bác Hồ, Hội văn nghệ Cao Bằng 1990. tr 125.

[6]. Nhiều tác giả - Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990.tr 146, 147.

[7]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, tập 2. Sđd, tr 145,146.

[8]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, tập 2. Sđd, tr 149.

[9]. Nhiều tác giả - Bác Hồ, Hội văn nghệ Cao Bằng 1990. tr 90.

[10]. Con đường theo Bác. Nxb Thanh Niên, 1990, tr 293.

[11]. Nhiều tác giả - Avoóc Hồ (tập hồi ký) - Nxb Văn hoá Dân tộc, 1977. tr 220.

[12]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, tập 1. Sđd, tr 121

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)