Kiến tạo không gian – Một thi pháp trường ca!

Thứ Năm, 01/07/2021 10:21

PGS.TS NGUYỄN THANH TÚ

 

Lý thuyết mới nhất về thể loại văn học trên thế giới coi trường ca là một mô hình nghệ thuật như ngôi nhà có nhiều cột chống là thơ, truyện, kí, tùy bút, kịch, và cả lý luận-phê bình (trường ca phương Tây hiện đại chuộng chất triết học). Nhìn từ thể tài (nội dung) thì trường ca là một bản tổng phổ âm thanh (ca) của anh hùng ca, bi ca, tụng ca, hoan ca. Như vậy trường ca là thể loại mang tính tổng hợp nhưng mang tính thống nhất cao. Ở ta vẫn chưa có cách hiểu cụ thể, ngay khái niệm “trường ca”, nếu hiểu là “bài ca/thơ dài” thì thật chưa bao quát được các tính chất trên. Khái niệm luôn mang tính tương đối. Có khi tên gọi tiểu thuyết nhưng chỉ là một truyện ngắn kéo dài ra, ngược lại có truyện ngắn là một tiểu thuyết cô ngắn lại (trường hợp Chí Phèo). Phê bình thường bị mang tiếng, có một lý do là mang lý luận thể loại nọ vào phân tích thể loại kia. Thực ra tại cả anh cả ả, cả nhà sáng tác và nhà phê bình.

Là sự giao thoa giữa truyện và thơ, trường ca vừa phải có cốt truyện của văn xuôi vừa phải có hình ảnh, ngôn từ giọng điệu của thơ. Không có tứ thì bài thơ bị loãng, hình ảnh sẽ tản mạn. Cốt truyện có thể coi là cái tứ, là xương sống của trường ca, là cái mạch để tác giả neo gửi tâm trạng, thi liệu, cảm xúc. Ngang qua bình minh có cốt giản dị là câu chuyện về một người lính tên Khôi Nguyên quê miền núi Điêu Lương cực bắc Tổ quốc là bộ đội hải quân đang đóng quân ngoài đảo xa. Đây là cách lựa chọn tối ưu để phục ý đồ nghệ thuật là mở ra sự đa dạng các không gian của đất nước mình, có miền núi, có trung du, đồng bằng và biển cả. Nó ít nhiều thỏa mãn yêu cầu của trường ca hiện đại khi có xu hướng kiến tạo các lớp mô hình không gian lồng vào nhau (không phải là chồng xếp) để tạo ra một mô hình đa tuyến tính, giằng níu, tương hỗ nhau. Biển là cội nguồn sự sống nên trong tâm thức người miền núi cũng có biển: “Tích cổ chép rằng, mọi người đàn ông đồng rừng, trưởng thành ắt thuộc về biển cả/ Những đứa trẻ chân trần thi nhau trèo lên đỉnh núi. Thấy bốn biển chìm trong bể mây. Làng xa mờ như hòn đảo nhỏ” (Chương I. Khởi từ Điêu Lương). Xu hướng đồng nhất miền núi và biển cả để tạo ra cảm giác về quan hệ máu thịt, thống nhất giữa các miền quê Tổ quốc: “thuở ở Điêu Lương vác cung tên đi săn/ tóc gáy dựng mỗi khi rừng rất lặng/ trước lúc cha mình nằm lại mãi nơi này/ người dạy/ dẫu rừng hay biển/ im ắng mấy khi là tín hiệu bình yên” (Chương II. Linh thoại); “Một ngày mặt đất Điêu Lương bỗng ấm sực/ Đàn châu chấu ma la đà chân ruộng/ Chiếc khăn sương mang hơi biển phập phồng” (Chương IV. Vẽ lại bình minh)...

Nói tới tâm linh là nói tới bản chất của văn hóa, vì cái gốc, mục tiêu, động lực của văn hóa là con người, tâm linh thuộc về và chỉ con người mới có. Chịu sự quy định của những đổ vỡ do xã hội hậu công nghiệp, những khám phá mới về sinh lý người, về vũ trụ mà trên thế giới hiện nay triết học tâm linh rất phát triển. Họ coi con người sống trong 3 thế giới là vật chất, tinh thần và tâm linh. Tâm linh gần gũi nhưng không đồng nhất với tinh thần. Đó là những quan niệm, suy nghĩ về thế giới tổ tiên, về những giấc mơ, linh giác, linh hồn, tập quán ngàn xưa...Có hai câu chạm tới triết học: “ở đâu có linh hồn/ ở đó có quê hương” (Chương III. Ảo giác). Trường ca nói nhiều tới “bùa ngải” (còn gọi đạo bùa. Bài hát “Cây trúc xinh” (Quan họ Bắc Ninh) có câu: “Anh Tư không yêu tang tình là em đi lấy í/ Lấy í lấy đạo bùa, qua lới í như phải yêu...”). Ngay mở đầu tác phẩm đã có chuyện “bùa ngải”: “người lạ tới đây không tìm mộ/ chỉ thao thao khơi lại những giấc mơ/ chuyện bùa ngải đến giờ còn có thật/ mà người đi báo mộng chẳng muốn về”. Đặt vào bối cảnh đi tìm mộ liệt sĩ ở biên giới mà không thấy (hy sinh vì pháo giặc bắn không còn xác để chôn) nên hàng năm người thân chỉ còn cách đến nơi đó tưởng niệm rồi kể về những giấc mơ...Gạt lớp sương mù tâm linh kia là cái lõi của sự thật: sự hy sinh; tình nghĩa; lòng biết ơn...

Mở đầu và đi suốt trường ca, hình ảnh này tạo ra sự mờ hóa không gian, đẩy không gian thực về với không gian mơ của phong tục tập quán. Chuyện “bùa ngải” là chuyện tình yêu. “Bỏ bùa” nhau có khi chỉ là cái nhìn, là giọng nói, xa hơn là cái gương cái lược... Làm cho nhau mê đắm nhau, đó là bùa. Thế nên “bùa ngải” ở đây là chất keo kết dính, làm không gian nọ lồng vào không gian kia. Chàng lính Khôi Nguyên giữ biển có “đạo bùa” của người yêu quê nhà nên càng yêu hơn, càng rắn rỏi, vững vàng, kiên cường hơn. Và sự tương đồng ngược lại, người yêu Khôi Nguyên lúc nào cũng nhớ đến biển... “Bùa ngải” đã kéo cả thế giới biển về với cô, về với những người xứ núi...

Kiến tạo không gian tâm linh để thiêng liêng hóa không gian vật chất biển trời, qua đó gieo một niềm tự hào về chủ quyền Tổ quốc: “bỗng thấy đền đài hiển hiện mặt sóng/ muôn đỉnh mây rồng uốn phượng chầu/ gió thổi miết ngàn lau lồng lộng/ khắc vào mỗi tấc lòng kí tự quan san” (Chương IV. Vẽ lại bình minh). Thế là biển không chỉ là biển mà còn có cả quá khứ lịch sử vàng son đáng tự hào (đền đài, rồng phượng, bãi lau người anh hùng thời xưa tập trận, nơi biên ải đuổi giặc xâm lăng).

Thời chúng tôi ở lính trên biên giới, về phép bà mẹ nào cũng kể giống nhau: toàn mơ thấy con mình chết! Đấy là lô gich tự nhiên của tình cảm: càng yêu quý càng sợ mất con. Thì ra người ta phân biệt tinh thần với tâm linh là vậy. Con trẻ chưa có tâm linh, mới có tinh thần. Chỉ là người lớn qua chờ đợi, qua đau khổ, qua phấp phỏng phập phồng hy vọng...mới có tâm linh. Nên những người vợ miền núi có chồng, có người yêu ngoài đảo xa thường sống bằng tâm linh là đúng thực tế. Trường ca này nói thay họ: “bao người đàn ông đều như cha/ đàn bà quê tôi lại ngậm ngùi nuôi những mùa ngải đắng/ gửi kẻ tha hương hình bóng một vầng trăng/ lời thề hẹn chân đồi chỉ chim muông thấu...”. Cây “ngải đắng” ngoài đời là có thật, còn “ngải đắng” để làm “bùa” thì có khi chỉ là sự tưởng tượng. Nhưng sự mơ hồ này càng đẩy không gian tâm linh xa rộng hơn, về phía không gian vật lý (hình bóng một vầng trăng); về không gian, thời gian tâm lý (lời hẹn chân đồi). Hai chữ “ngậm ngùi” được dùng đích đáng nhất để phát huy nội hàm nghĩa: là chịu đựng, là than thở một mình, là “cầm lòng vậy”, là sự hy sinh tuổi xuân...

Không gian lồng vào không gian, tuy là thực tại nhưng vẫn chịu sự quy chiếu của tâm linh: “trà đồng hương cho anh em uống dè/ giữa biển khơi ngửi thấy mùi biên viễn/ tớ bảo người Điêu Lương tặng đấy/ đồng đội nào khóe mắt chợt cay/ vùng núi đồi cha cậu ấy hy sinh/ giờ chưa về lại” (Chương VI. Chuỗi ngày sao biển). Từ một sinh hoạt thực tại đã kéo không gian vật lý chồng lên nhau (không gian miền biên viễn Điêu Lương và không gian giữa biển khơi). Đồng thời không gian tâm linh lồng vào không gian vật lý (vùng núi đồi cha cậu ấy hy sinh và nơi đang uống chè tức giữa biển khơi). Đây là thủ pháp đồng nhất hóa không gian của nghệ thuật hiện đại phát triển mạnh ở thời toàn cầu hóa. Khép lại trường ca vẫn là sự đồng nhất: “Khắp núi non, đồng đất, sông ngòi...Đều bất tử trong hình hài ngọn sóng” để bật ra ý nghĩa sự thống nhất non sông đất nước này là mãi mãi!

Nhân vật chính của trường ca là người phụ nữ. Khôi Nguyên và đồng đội kể cho nhau nghe hầu như là về người mẹ, người yêu. Kể về chuyện cha hy sinh: “đồng đội mang về chiếc ba lô của cha.../mẹ chôn chiếc ba lô đắp thành mộ gió/ chôn tuổi xuân mình/ chôn mái tóc xanh/ con xót điếng dòng suối dài đen nhánh”; người con cũng hy sinh: “tháng bảy gió sa cành duối/ quầng sáng sau nhà trông đợi người về/ hai cha con nhường nhau gõ cửa/ khe khẽ trổ vào phên liếp một cơn mơ” cũng là để nói về mẹ.

Kết lại trường ca là sự mở ra một không gian khác, không gian của những người phụ nữ giàu đức hy sinh: “Ai kia hỏi những người đàn bà về nỗi hy sinh, mất mát của mình. Họ dõi mắt biển mây, khẽ nhủ mà như hát: khi rất đau, không ai còn nhận ra nước mắt chính mình. Khi dành cả cuộc đời mà chờ đợi. Cuộc đời đó cũng chẳng còn là của riêng ai”. Họ đã hóa thân cuộc đời riêng của họ vào cuộc đời chung đất nước!Với trường ca này Lữ Mai phát huy được thế mạnh nữ tính để làm hình tượng da diết, nồng nàn hơn!

Ngang qua bình minh cho thấy nghệ thuật trường ca là nghệ thuật kiến tạo không gian. Chỉ tiếc tác giả chưa làm rõ được đặc thù của từng mã không gian nên có những lệch pha của những nốt nhạc thể loại. Ngôi nhà trường ca này đủ kèo cột chính, hầu như đủ mọi chi tiết nhưng chưa phải là một hệ thống kiến trúc hoàn chỉnh, tinh tế. Nhưng vẫn nhận rõ cái tâm huyết, cái ý đồ sáng tạo đểcho thấy một trường lực đầy hy vọng!

N.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)