Từ lòng biển vút lên…

Thứ Tư, 23/06/2021 00:28

. HOÀNG THỤY ANH
 

Trường ca Ngang qua bình minh của Lữ Mai (Nxb Văn học, 2020; giải Ba Giải thưởng sáng tác về biên giới, biển đảo giai đoạn 1975 đến nay của Hội Nhà văn Việt Nam) gồm 8 chương thông nối với nhau bằng sợi dây khá quen thuộc: mối quan hệ giữa tiền tuyến và hậu phương. Tuy nhiên, Lữ Mai đã biết lạ hoá mô hình quen ấy bằng cái tứ người đã khuất thức cùng người sống. Những câu chuyện về người lính, đàn bà, thiếu nữ, trẻ con… ở Điêu Lương xuất hiện lúc cõi dương, lúc cõi âm, lúc đất liền, lúc hải đảo, tách biệt và hòa nhập đến bất ngờ.

Cái lõi tự sự - chuyện về gia đình Khôi Nguyên chỉ là điểm tựa để Lữ Mai gửi gắm chất hiện thực, còn yếu tố trữ tình mới là nơi chị phóng chiếu một tâm hồn giàu xúc cảm và suy tưởng. Men theo tâm trạng và bước chân di chuyển của các thế hệ người lính ở một vùng đất có tên gọi Điêu Lương, Lữ Mai khoác lên chiếc áo kì ảo, huyễn hoặc của giấc mơ, của những ảo giác, linh giác.

Không gian đi - về giữa hai cõi âm - dương trong trường ca Ngang qua bình minh tạo nên một thực tại khác biệt, thực tại của sự cảm nhận, nhằm khai mở chiều sâu của thế giới tâm linh, cụ thể là thế giới tâm linh của những người lính nằm tận sâu lòng biển. Không gian đặc biệt này, có thể nói, là phương tiện nghệ thuật để Lữ Mai khái quát hóa và khẳng định tình yêu Tổ quốc luôn vĩnh cửu, bền chặt trong trái tim người lính hải quân: chúng ta là con của biển/ sẽ từ lòng biển vút lên.

Biển, đảo - ấy là nơi ghi dấu những năm tháng đấu tranh bảo vệ chủ quyền hết sức phức tạp và tàn khốc. Lữ Mai vừa liệt kê vừa thể hiện cái nhìn khái quát khi gắn bó hình tượng biển với chiều dài lịch sử dân tộc. Những chiến hạm mang tên đất, tên người/ Lý Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung, Trần Hưng Đạo/ Hà Nội, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng…, những trang sử từ ngàn năm tổ tiên đến nơi này/ đã giăng lưới lũy thành đầu sóng/ đã dựng cọc vót chông/ viết lên cờ bay bằng máu của mình/ Nam quốc sơn hà/ thiên thư/ định phận… là bản anh hùng ca thôi thúc quyết tâm của các thế hệ người con đất Việt.

Bao đời nay, dòng máu nóng của những người lính đã đổ xuống, thấm vào cát, thấm vào san hô, thấm vào muối cho hành trình hướng về biển, “đi tới biển”: Biết bao nhiêu con người nằm lại vùng đất lạ. Từ đó, giữa biển lòng, muối được sinh ra; giữa đại dương này/ mỗi hạt cát đều linh thiêng buốt nhói/ găm vào mắt người ẩn ức chơi vơi. Cha ra biển. Con ra biển. Anh ra biển. Em ra biển. Những thế hệ nối/gối nhau ra biển, một lòng hướng về biển, chọn cho mình thế đứng mũi tên, sẵn sàng chối bỏ mọi cuộc trở về/ nếu chỉ giản đơn là thân xác, để rồi mãi tuổi đôi mươi/ mãi chung nhịp đập/ mỗi người còn trồng tỉa giấc mơ riêng. Hình tượng biển trong Ngang qua bình minh, do đó, trở thành biểu tượng của ý chí, niềm tin chiến thắng; nỗi nhớ vô bờ của đất liền và khơi xa; khát khao vươn ra biển cả của những chàng trai mới lớn; những gian khổ, dở dang, li tan dội xuống cuộc đời người lính; ước mơ hồn nhiên muốn khám phá của con trẻ…

Lữ Mai dựng chân dung người lính hải quân không đơn thuần là thông qua những công việc, thử thách mà họ đang hằng ngày đối mặt, mà ở đó, chị còn làm đầy lên thế giới tâm hồn, tình cảm hết sức chân thành của những người lính tuổi đôi mươi. Trong tương quan với không gian biển, nỗi niềm của họ trở nên thật hơn. Biển được Lữ Mai nhìn như cái tử cung mang giữ sự sống, luôn ôm chứa tình mẫu tử thiêng liêng: vòng tay mẹ hãy rộng dài nhấp nhô vỗ về như biển/ đủ cho tất cả chúng con. Biển là người mẹ, là điểm tựa tinh thần vững chắc của những người lính. Buồn vui của người lính đều trải ra giữa mênh mông biển khơi - nơi họ đối mặt với mọi nguy hiểm vô hình, bất ngờ. Từ thiên nhiên. Từ con người. Họ chỉ có thể cảm nhận bằng linh cảm: phương hướng mịt mù họ đo bằng linh giác/ bằng thước đo từ nhịp đập tim mình. Họ chiến đấu với nỗi nhớ quê nhà cắt cứa thịt da.

Kết cấu trường ca thiết tạo trên hai dòng tâm trạng, người sống và người chết, nhờ đó vĩnh cửu hóa ánh sáng tâm hồn của những người lính. Tương ứng với không gian huyền ảo là thời gian phi tuyến tính, đồng hiện, đan xen, dồn nén, pha trộn..., do vậy, những người lính Điêu Lương hiện ra với vẻ đẹp bi tráng, rất đời thường, vừa dấn thân mạnh mẽ vừa có chút nỗi niềm vương vấn. Nhân vật trữ tình Khôi Nguyên là nhân vật có khả năng đi - về giữa hai cõi. Chúng ta vừa gặp một Khôi Nguyên trong hình hài chàng trai mới lớn, với nhiều hoài bão, tâm huyết, quyết chí theo con đường mà cha đã đi, vừa gặp một Khôi Nguyên đầy tâm trạng, nhớ nhung, khát khao nơi đảo xa, và một Khôi Nguyên mượn giấc mơ để trở về khi mãi mãi nằm lại với biển cả. Khôi Nguyên chính là hình ảnh đại diện cho tâm hồn, tính cách, số phận của những người lính. Họ chết không mồ mả, thân xác và linh hồn của họ mãi mãi hoà vào biển xanh, nên con đường duy nhất để họ trở về chính là giấc mơ. Giấc mơ là cầu nối để họ có thể giao tiếp với người thân. Giấc mơ có khả năng tái hiện hiện thực cuộc sống của những người lính một cách chân xác nhất, đồng thời giấc mơ góp phần giải mã, làm đa bội hóa hiện thực.

Thông qua những linh thoại giữa người sống và người chết, Lữ Mai chuyển tải triết lí về giá trị sống, giá trị của tình yêu Tổ quốc. Sống là dâng hiến nhịp tim cá nhân cho nhịp sinh tồn của đất nước: bình minh đỏ dâng ngập/ nhịp đập kiêu hãnh rung lên/ Tổ quốc trong tim/ là nhịp sinh tồn/ là thịt xương máu đỏ/ là gió dọc dài tuổi trẻ đời trai/ là hoang dại/ là kiệt cùng tận hiến/ là đá san hô cất tiếng trường chinh… Lớp người này nằm xuống, lớp người khác sẽ thay thế: tôi thấy em mình/ đứa em trai ngày nào bé dại/ cứ mong một lần đến biển/ giờ đây lấy biển làm nhà/ xưa nó thường nhút nhát sợ ma/ tối ngủ mơ, tỉnh giấc đòi thắp đèn hạt đỗ/ nay làm đuốc giữa trùng khơiĐặc biệt, hình ảnh những người lính chống chọi kẻ thù trên biển, dùng thân mình bảo vệ lá cờ được Lữ Mai xây dựng bằng hình ảnh hết sức chân thực và cũng hết sức bi hùng: lạnh tanh bầy ác quỷ/ chúng xả súng đâm lê/ mỗi chúng tôi là một lá cờ/ vây quanh đảo nhỏ/ lá cờ như vòng tay/ lá cờ như tuổi trẻ/ đôi mươi trào dâng cơn dâu bể/ biến ảo phiêu linh trước đạn quân thù/ sau mỗi gương mặt kiên trung lặng im/ là trong ngực một lá cờ reo vẫy/ mỗi chúng tôi hóa một lá cờ/ bay vụt lên giữa biển/ dẫu cắn răng đau, dẫu lặng im tan nát/ vẫn mãi đứng đây và hát/ lời nhân dân non nước của mìnhDo đó, cái chết của những người lính đảo, trong trường ca của Lữ Mai, luôn mang vẻ đẹp bi tráng: lớp lớp anh hùng quấn lá cờ son/ tim ấm nóng nhuộm sao vàng thẫm máu/ còn yêu thương ấy, nghĩa là còn phên giậu/ ta sá gì phận cát dưới lòng sâu; ta quyết tử dẫu thân mình tan nát/ sóng sẽ cồn lên dựng vạn nếp nhà/ người nằm đó làng mọc lên từ đó/ ở đâu có linh hồn/ ở đó có quê hương. Triết lí về cội nguồn như thế đã thể hiện cái nhìn hết sức nhân văn và đầy cảm xúc tự hào của tác giả trường ca.

Những mất mát của chiến tranh không bao giờ có hồi kết. Người đi đã đi xa, nhưng kí ức về họ vẫn không ngừng vỗ sóng, dội vào lòng người ở lại biết bao thương nhớ. Những người đàn bà Điêu Lương trong trường ca của Lữ Mai tóc xanh hay tóc bạc đều cô đơn, đều trọn kiếp thuỷ chung sinh con cho biển cả. Giấc mơ là nơi họ được thấy, được tự hào với người đàn ông của đời mình: Đàn ông làng đồng loạt trở về trong mỗi giấc mơ. Hoa đuôi chồn nâu đỏ phất phơ. Hóa cờ thiêng trên tay thiếu phụ.  Khi để họ trò chuyện với giấc mơ, khóc vào giấc mơ, Lữ Mai đã đẩy nỗi đau, nỗi cô đơn của họ lên đến đỉnh điểm: tháng bảy gió sa cành duối/ quầng sáng sau nhà trông đợi người về/ hai cha con nhường nhau gõ cửa/ khe khẽ trổ vào phên liếp một cơn mơ// từ bấy mẹ lặng im không nói/ nén nhang bùng cháy/ ngọn lửa đêm cúi lạy bóng ngườiNhững người đàn bà Điêu Lương còn trồng ngải, nuôi ngải chỉ để mong gặp lại những người đàn ông trong mỗi giấc mơ, bởi ngải đắng là trò thiêng của những kiếp đàn bà: Khi rất đau, không ai còn nhận ra nước mắt chính mình. Khi dành cả cuộc đời mà chờ đợi. Cuộc đời đó cũng chẳng còn là của riêng ai. Khắp núi non, đồng đất, sông ngòi… Đều bất tử trong hình hài ngọn sóng.

Trường ca Ngang qua bình minh có sự xuất hiện của nhiều tiếng nói: đàn ông, đàn bà, thiếu nữ, trẻ con, loài chim… Nỗi khổ đau, mất mát của chiến tranh hiển hiện trong vô thức, ảo giác của những người lính, trong buốt xót đầy lên của người mẹ, trong tóc úa phai sương của người vợ, trong câu chuyện của những người già... Đặc biệt, niềm đau thương ấy còn được cất lên từ tiếng nói của loài chim biển. Trừ chương 1 và chương 8, lời loài chim biển đều nằm cuối các chương. Đó là dạng đối thoại trong độc thoại. Lời loài chim biển một mặt như là sự chia sẻ, cảm thông với thân phận những người lính, mặt khác, mở rộng hơn không gian bao la, rộng lớn của đại dương như để nhấn mạnh những cạm bẫy, chông gai luôn rình rập ở phía trước, nhưng họ - những con người kiên trung - chưa bao giờ khuất phục. Bên cạnh lời loài chim biển, chỉ trừ chương 2, cuối các chương còn lại đều có phần chú thích được đánh dấu (*) như là khúc vĩ thanh tô đậm truyền thống yêu nước và ý chí kiên cường của những người lính Điêu Lương, đồng thời ca ngợi tấm tình thủy chung, toàn vẹn của những người đàn bà nơi đây.

Lữ Mai khám phá hiện thực và tâm hồn bằng yếu tố kì ảo, đo đếm yếu tố kì ảo vừa đủ, nhằm bổ sung, làm đầy, sinh động hơn hiện thực, chứ không lấn át hiện thực. Nhờ đó, chị vừa phản ánh khát vọng, nỗi đau hết sức gần gũi, chân thật, vừa soi chiếu những góc cạnh tâm hồn, tâm linh đầy bí ẩn của những con người ở cả tiền tuyến lẫn hậu phương. Bên cạnh đó, kiểu kết cấu phân mảnh, mở rộng, đảo trật tự không gian, thời gian… cũng góp phần nhấn mạnh hơn tính chất đa thanh của trường ca. Nhiều tiếng nói, nhiều điểm nhìn đã giúp Lữ Mai khái quát hoá, bất tử hoá hình tượng người lính đảo và những người đàn bà hậu phương trong lịch sử đấu tranh giữ vững chủ quyền Tổ quốc.

H.T.A

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)