Hướng theo tư tưởng thẩm mỹ mácxit

Chủ Nhật, 09/12/2018 03:40

. Nguyên Thanh

Theo Lênin, tư tưởng là nhận thức và khát vọng của con người. Từ ý này chúng ta hiểu tư tưởng luôn là thế giới quan, là một lập trường xã hội nhất định. Có thể hiểu cụ thể hơn, tư tưởng là mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể qua đó biểu thị một tâm trạng, một thái độ trước hiện tượng đời sống. Ví dụ trước một hành vi cao thượng người ta thấy khâm phục, muốn noi theo; trước một sự việc tha hóa người ta thấy khinh bỉ, ghê tởm, muốn xa lánh…

Tư tưởng luôn là thuộc tính của con người, vấn đề là tư tưởng nào, sâu đậm ra sao. Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật càng cần phải có tư tưởng, vì đây cũng là một lĩnh vực của nhận thức và thể hiện khát vọng. Hơn nữa vì vận động theo quy luật của tình cảm nên càng phải cần đến tư tưởng để định hướng bạn đọc vươn lên hướng về phía cái chân thiện mĩ. Khác với tư tưởng ở các lĩnh vực khác, tư tưởng trong tác phẩm văn học nghệ thuật phải là tư tưởng thẩm mĩ. Thẩm mĩ là cái đẹp, cái lý tưởng, nhưng phải đặc sắc, độc đáo, khác lạ. Tư tưởng thẩm mĩ chính là sự nhận thức, là quan niệm riêng của nhà nghệ sĩ trước đời sống, mà thiếu nó thì tác phẩm không còn là tác phẩm, vì nhạt nhẽo, không có cái riêng, không có bản sắc, và do vậy không thể nói một cách thuyết phục về một vấn đề đang đặt ra. Đã là một nhà văn bao giờ cũng phải có tư tưởng thẩm mĩ riêng, thước đo tài năng của họ trước hết cũng là ở đó.

Nhà văn nào cũng viết về cuộc sống và con người nhưng nhà văn có tư tưởng tích cực, tiến bộ luôn vì con người thì nâng cao giá trị nhân văn, qua đó nói với bạn đọc rằng con người là tất cả, hãy yêu thương, trân trọng, quý mến con người. Tục ngữ Việt có một câu tuyệt vời: “Người ta là hoa đất”. Hoa luôn là sự vật đẹp nhất, quý nhất, đáng trân trọng nhất. Hoa là tinh túy của đất trời, là vẻ đẹp của tạo hóa. Hoa luôn thơm ngát, ấm áp và thiêng liêng. Hoa luôn có sắc màu, trong trắng và vương giả, quý phái. Hoa còn là sứ giả của tình người đến với tình người, của lòng người chân thành đến với những miền tâm linh thanh khiết. Không ngẫu nhiên trong tình yêu, hôn nhân, trên bàn thờ, trên giáo đường…không thể thiếu hoa. So sánh con người với hoa, hơn nữa, với “hoa đất” thì đúng là người Việt đã có một triết lý cực kỳ coi trọng, tôn trọng con người, coi con người là giá trị nhất trên trái đất này. Con người tuyệt vời biết bao!

Tư tưởng thẩm mĩ không biểu hiện riêng lẻ, độc lập mà luôn hòa tan vào hình tượng. Không phải cứ lớn tiếng nói yêu là thể hiện được tình cảm của mình, mà phải biểu hiện một cách tự nhiên không lộ liễu, không tô vẽ qua hình tượng. Nhà thơ Hoàng Cầm có câu thơ cực hay trong bài thơ Bên kia sông Đuống nổi tiếng: “Những cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu tỏa nắng”. Chỉ là nói về hình ảnh cô gái quê chân chất, mộc mạc tưởng chẳng có gì mới mẻ, đặc sắc. Nhưng nhờ có một trái tim vô cùng yêu quý con người nên đã giúp nhà thơ có một so sánh đắt, tinh tế, ví cái cười của những cô hàng xén kia như nắng mùa thu. Mà nắng thì luôn tỏa sáng, tỏa ấm. Nắng đem lại sức sống, hy vọng, niềm ham sống tới con người. Thế là những cô gái quê kia không còn là những con người bình thường nữa, dưới cái nhìn chiêm bái ngưỡng vọng của nhà thơ họ đã trở thành cả một vũ trụ vĩ đại lớn lao nuôi dưỡng vạn vật sinh sôi nảy nở. Thì ra trong văn chương kỹ thuật chỉ là thứ yếu, cái quyết định, cái chi phối kỹ thuật chính là tư tưởng.

Cấu trúc nền móng của tư tưởng là tình yêu thương và sự hiểu biết. Yêu thương đến tận đáy, chia xẻ đến tận cùng với nỗi đau và hi vọng của con người. Vẫn chưa đủ. Phải học hỏi, trải nghiệm, phải sống cho đã đầy, phải tích lũy thật nhiều vốn sống, vốn văn hóa. Ở phương diện này, nhà thơ vĩ đại Đỗ Phủ tự nhận thấy rằng phải đọc vạn quyển sách để khi hạ bút thì con chữ mới có “thần”.

Thế cho nên khi có nhiều bạn viết trẻ băn khoăn làm sao để viết ra một tác phẩm có tư tưởng thì câu trả lời hay nhất, ngắn và đúng nhất là câu của thiên tài Nam Cao: “Sống đã rồi hãy viết”!!!

Chúng ta vẫn quen phân tích rồi khái quát truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao là “bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người”. Trong khi đó trên thực tế, sống trong xã hội cũ thì những người dân nghèo bị áp bức đều chịu chung bi kịch này mà bằng chứng là ai cũng bị đánh thuế thân, thứ thuế đánh vào người đang sống, ai sống thì phải nộp thuế. Những anh Dậu, anh Pha, Chí Phèo… đều bị thế cả. Nên nói như trên là chưa nói được sâu sắc giá trị cơ bản của tác phẩm. Mở đầu thiên truyện là hình ảnh Chí vừa đi vừa chửi, Chí chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi cha mẹ đứa nào đã đẻ ra nó…Tức là Chí khát khao một sự đối thoại. Nhưng chẳng có ai thèm đối thoại, vì tất cả đã coi Chí ở hàng thú vật. Thành ra chỉ có mấy con chó “chửi” nhau với Chí. Như vậy Nam Cao đã đi trước thời đại mà gián tiếp nêu ra: bản chất con người là đối thoại; chỉ con người mới có thể đối thoại được với nhau; điều kiện đối thoại là hiểu biết, bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt, biết lắng nghe …Cả làng Vũ Đại không hiểu cái khát khao ở Chí Phèo muốn đối thoại bình đẳng để làm hòa với mọi người, không hiểu cái mầm lương thiện đang ấp ủ trong một hình hài thú vật…Cho nên bi kịch xót xa của Chí là bi kịch bị cự tuyệt quyền đối thoại, mà như thế có nghĩa là chết còn hơn sống…Chúng ta nhớ một truyện ngắn của Gorky kể về sự trừng phạt khủng khiếp nhất của bộ lạc nọ đối với một kẻ có tội là đuổi vào rừng để kẻ đó sẽ phải trở về loài thú vật và chết trong cô độc!

Cái quý nhất của nghề viết văn là tạo ra được tư tưởng thẩm mỹ riêng, càng là nhà văn lớn càng giàu có tư tưởng. Nhưng để có tư tưởng thì không hề dễ dàng, phải sống cho đã đầy, phải thương yêu căm thù cho hết mực, phải đọc cho thật nhiều sách, phải thật sâu sắc văn hoá nước nhà, phải nhập vào nhiều nền văn hoá khác…Có lẽ nên hiểu câu của Nam Cao “Sống đã rồi hãy viết” là một cuộc tạo vốn và tích vốn, vốn ở đây cần được hiểu rộng rãi hơn, vốn sống, vốn tri thức, vốn tình cảm,…Với số ít người trẻ cứ chăm chăm hô to cái “tư tưởng” của mình trong tác phẩm nhưng người đọc chẳng thấy tư tưởng đâu. Khổ thế. Vì họ ít vốn quá. Nhân vật, hình tượng, chi tiết là cơ thể thì tư tưởng là máu. Ít máu thì nhân vật không sinh khí, dật dờ…Máu là tinh chất của cuộc sống, nhà văn phải chuyển hoá cái tinh chất của cuộc đời vào trang sách.

Với thể loại thơ, do đòi hỏi nghiêm ngặt về câu chữ, cô đúc về dung lượng, sự khắt khe về thi pháp, sự bão hoà tình cảm, trâm trạng…làm sao nói được nhiều nhất trong lượng chữ ít nhất, thì hình như biểu hiện và khám phá tư tưởng cũng khó khăn hơn. Nhưng bắt buộc người phê bình phải nắm bắt cho được cái tư tưởng ấy. Vì đó là điểm nhìn nghệ thuật cũng là điểm tựa hình tượng, đó là nguyên tắc cắt nghĩa về thế giới nội dung cũng như hình thức…Lý luận văn học cố chỉ ra các nguyên tắc để tìm ra tư tưởng nhưng có một công thức chung là phải đọc, đọc nhập tâm, tức là ngoài lý trí còn phải đọc bằng cả hồn mình. Không đọc mà cũng viết được phê bình thì là “thiên tài”. Tư tưởng biểu hiện trong hình tượng, chi tiết…phải đọc kỹ, đọc sâu để hệ thống, chọn lọc để tìm ra các hằng số, các tín hiệu lặp lại, các hình ảnh, các biểu trưng đa nghĩa...

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)