Hà Nội, tản văn và “những người muôn năm cũ”

Thứ Hai, 12/02/2024 06:06

. LÊ THỊ HƯỜNG
 

Hà Nội trở thành một vùng địa - văn hoá thẩm mĩ trong văn học nghệ thuật. Đất và người nơi đây chính là nguồn cảm hứng xuyên suốt văn chương nhiều thời. Trong sự “bành trướng” của tản văn hiện nay, có một mảng riêng về Hà Nội gắn liền với những tên tuổi tiêu biểu của nhiều thế hệ nhà văn. Tuy vậy, tản văn viết về Hà Nội có lúc không tránh khỏi sự lặp lại; những thắng cảnh, thiên nhiên, ẩm thực xuất hiện với tần suất cao, đến nỗi na ná như nhau. Thật ra, hoa đào, ngõ phố, phở… cũng làm toát lên được hồn cốt Hà Nội, nhưng viết nhiều, viết mãi thành nhợt nhạt, bay màu. Hà Nội có lẽ chẳng có gì khác biệt với các vùng miền khác trong quá trình đô thị hoá nếu không có hình ảnh những con người “muôn năm cũ”, những con người vừa chênh chao phấp phỏng hội nhập vừa níu giữ, hoài niệm chốn xưa. Theo Nguyễn Việt Hà, tác giả tập tản văn Con giai phố cổ, ấn tượng về Hà Nội không phải ở “mái ngói thâm nâu” hay “cây bàng lá đỏ” mà là ở người Hà Nội. Từ một góc nhìn, nhà văn gọi họ là “cao bồi già Hà Nội”, là “con giai phố cổ” với một phong độ rất riêng, rất “chất”; một thế hệ phong lưu, vừa lưu dấu của một lớp người muôn năm cũ, vừa in vết của Hà Nội nay.

Có một kiểu nhà văn viết về Hà Nội và có một kiểu người Hà Nội trong tản văn. Họ chôn nhau cắt rốn ở Hà Nội hoặc gắn bó máu thịt thành người Hà Nội. Họ là những con người đếm “5678 bước chân quanh hồ Gươm”, “đi dọc Hà Nội”, “đi ngang Hà Nội”, “đi xuyên Hà Nội” (tên các tập sách của Vũ Ngọc Tiến). Những con người “còn sống, còn viết về Hà Nội”, viết về Hà Nội mà “không biết chán, không thấy cạn vốn, cũng chẳng hề thấy mòn văn” (Băng Sơn). Họ là người lớn lên từ mảnh đất Thăng Long, dành cả đời văn để viết về Hà Nội nhưng “vẫn thấy chưa viết được bao nhiêu” (Đỗ Phấn). Họ yêu Hà Nội đến độ để lại vô vàn những dấu chân và cả dấu chữ trên mảnh đất này, để nghìn năm văn học còn lưu giữ dấu xưa. “Hà Nội còn một chút này” (Vũ Ngọc Tiến) một phần cũng bởi những con người muôn năm cũ ấy chăng? Có khoảng cách dằng dặc giữa Hà Nội ngày nay và dấu chân của những người Hà Nội cũ. Nói như nhà văn Nguyễn Khải trong Một người Hà Nội, họ như “những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố” rồi “rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ”. Nhưng qua tản văn, họ thật đến sinh động. Họ là những con người có tên, vang bóng của một thời hoặc không tên nhưng vẫn lưu giữ được nhân cách, phẩm chất nghệ sĩ giữa đời thường. Họ làm sống lại một không gian xưa, đồng hiện và xô lệch. Họ gắn liền với những cửa ô, hồ Gươm, 36 phố… Họ sống lại trong văn hoá ẩm thực. Họ làm dậy lại hương vị của mùa xuân, ngày tết.

Đa phần tản văn về Hà Nội thường dựng chân dung của thế hệ văn nghệ sĩ một thời và tên tuổi còn vang bóng. Cuộc đời, tác phẩm, cách ứng xử của họ khiến người đọc hình dung về một “thế hệ vàng” trong đời sống Hà Nội mà họ dự phần. Lịch sử văn học đã ghi lại dấu tích của nhiều danh nhân, nghệ sĩ từng sáng tác vì/về Hà Nội, trong tản văn đương đại họ càng thêm sống động. Qua lối viết đặc trưng của tản văn, các tác giả thường chấm phá vài nét nhưng gói gọn được phẩm cách của một số người con Hà Nội.

Nguyễn Việt Hà bàn nhiều về văn học nghệ thuật (Đàn ông viết tạp văn, Khi đàn ông không đọc, Đàn ông lao động nghệ thuật, Con giai phố cổ, Thiếu nữ bên hoa gì)..., trong đó có những gương mặt làm nên một Hà Nội nghìn năm. Nguyễn Việt Hà bàn xa về trước là Cao Bá Quát, “một người đàn ông Việt tinh hoa kiêu sa vô đối”, “một đại danh sĩ khí tiết lồng lộng từng nhất sinh đê thủ bái mai hoa”; bàn gần hơn là về một thế hệ hội tụ nhiều tinh hoa của văn hoá, văn học Việt Nam thế kỉ XX: Vũ Bằng và Thương nhớ mười hai; Nguyễn Tuân, Kim Lân - “hai nhà văn tiền bối tương đối cao về nhân cách cũng như văn cách”; Đoàn Phú Tứ với bài thơ Màu thời gian “vào loại lạ lùng nhất của phong trào Thơ mới”, “lần đầu tiên trong tiếng Việt, thời gian vốn dĩ siêu hình đã hiển lộ tròn màu rõ nét”; Vũ Đình Liên qua “một màu phơn phớt huyền hoặc rất khó tả của kí ức - Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ”.

Viết về Nguyễn Tuân, bằng con mắt thẩm mĩ tinh tế, khi phàn nàn về sự thay đổi màu vôi của tháp Rùa, Đỗ Phấn đã “thỉnh” nhà văn ngông bậc nhất vào tản văn hiện đại của mình: “Theo cụ Nguyễn, tháp Rùa cứ nên quét vôi trắng như xưa nay vẫn thế. Cũ đi quét lại. Vẫn trắng. Đó là màu trắng êm đềm của kí ức. Một kí ức trọn vẹn duy nhất còn tồn tại trong lòng người Hà Nội hôm nay. Cái kiêu kì bác bậc văn hoa của cụ Nguyễn hóa ra rất gần với chuẩn mực thẩm mĩ hàn lâm” (Tháp Rùa). Bằng con mắt hội họa, Đỗ Phấn làm sống lại nét tài hoa của người họa sĩ tài danh qua bức tranh nổi tiếng trong kho tàng mĩ thuật Việt Nam, bức Đêm giao thừa hồ Gươm vẽ bằng sơn mài (Hà Nội thì không có tuyết).

Người muôn năm cũ trong tản văn của Nguyên Ngọc là Tân Nam Tử Nguyễn Văn Vĩnh - “một nhân vật cao lớn đến kì lạ của đất nước”; là Tô Hoài - người mà “cả cuộc đời vẫn còn nguyên cái nhìn tươi rói thuở Dế mèn phiêu lưu kí); là Bùi Xuân Phái - nhà danh hoạ miệt mài vẽ phố cổ Hà Nội. Tranh Bùi Xuân Phái đã trở thành máu thịt của Hà Nội, nó khiến hồn xưa Hà Nội vĩnh viễn không mất đi. Nhà văn Nguyên Ngọc nghe được hồn phố trong hoài niệm về phố Phái: “Cứ đi thử đi, một mình, thật khuya, sẽ có thể nghe thức dậy một thời Kẻ Chợ…, nghe thức dậy một “Hà Nội phố Phái”, chỉ có Hà Nội mới có thể đẻ ra được cái ông Bùi Xuân Phái kì tài kì quặc nhìn phố Hà Nội cứ xiêu vẹo tuyệt vời như thế. Hà Nội Phái mới đích thật là Hà Nội thật” (Dọc đường).

Mỗi con người có tên hay không tên trong tản văn đã làm nên một thế giới sinh động, phản ánh thật cụ thể bức tranh đời sống của Hà Nội trong mạch nối với truyền thống. Có nhiều người lẫn trong đám đông nhưng thầm lặng giữ được bền lâu hồn Hà Nội. Họ níu giữ chút gì Hà Nội hôm qua. Họ là một kiểu người “có một con mắt thẩm mĩ hơn người và một tâm hồn thanh sạch sâu lắng của người thành phố lâu đời” (Gió đào vẫn thổi - Đỗ Phấn). Họ là những người bạn vong niên da sắp mồi, tóc đã bạc âm thầm níu lại những giá trị xưa khiến cho Hà Nội còn “giàn giụa tình người” (Bạn vong niên - Nguyễn Việt Hà). Họ là những người Tràng An muôn năm cũ, là “ông độc giả già có nhà lòng ống ở Hàng Bạc, là những người-đọc-sách, họ đưa màu/mùi của tết vào trong cái thư viện ngót nghét trăm tuổi rất rêu phong…, người Hà Nội cũ kĩ chân chính đều mơ hồ có thói quen đọc đấy, chẳng biết khi Hà Nội đã qua nghìn năm tuổi liệu có còn muốn giữ” (Một chỗ xuân Hà Nội - Nguyễn Việt Hà).

Viết về Hà Nội, Nguyễn Việt Hà ít miêu tả thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, mà tập trung phác hoạ chân dung “người Hà Nội”. Cách nhà văn nhìn về con giai phố cổ vừa hóm hỉnh giễu cợt vừa ấm áp: “Bọn họ thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống. Có bọn họ, Hà Nội hôm nay mới có nổi dăm bảy hàng phở ngon, vài ba quán cà phê thị dân sâu lắng”; “Ngày nay, lớp cao bồi già đang tuyệt tự dần. Chẳng biết họ hay hay dở, nhưng… không có họ, Hà Nội sẽ vĩnh viễn mất đi một khoảng trống bi tráng nhố nhăng” (Cao bồi già Hà Nội). Văn Nguyễn Việt Hà khô khốc, giọng điệu tếu táo, đôi lúc bất nhã, cay nghiệt, nhưng tản văn của ông có những khoảnh khắc thật mềm khi nhà văn ngoái nhìn và nhớ tiếc, về “Hà Nội bây giờ đã hết thật rồi những ô cửa sổ có ai đấy rưng rưng ngồi mông lung đọc”, về những người đọc vô danh ở Thư viện Quốc gia đường Tràng Thi - những người mà với họ “đọc là một nhu cầu tự nhiên nội tại riêng tư, là một cách sống, một kiểu tu tâm dưỡng tính hao hao như ngồi kiết già của Thiền Tông” (Khi đàn ông không đọc). Ẩn sau những bề bộn câu chữ đó là nỗi niềm của một nhà văn luôn giữ một tình yêu Hà Nội rất sâu với nhiều mong mỏi và hoài niệm: “Một thành phố rêu phong đáng trọng phải là một thành phố có vài hiệu sách cũ, nơi đám sinh viên trong trắng lê la ngồi đọc “cọp”. Phải có những gánh hàng rong vỉa hè mẹ truyền con nối, chiều muộn đông nghịt chị em xúm xít ăn. Và đương nhiên phải có những quán cà phê luôn thấp thoáng những bóng trung niên con đẻ của thị thành mặc vét, nhẩn nha ngồi thả khói” (Mặt của đàn ông). Trong tản văn Nguyễn Việt Hà có một miền nhớ rất sâu. Tác giả từng chia sẻ: “Khi nhớ, lẽ thường người ta vẫn nhớ về những gì đẹp đẽ. Để rồi, con người ta đâu dễ tránh khỏi những cảm thức xót xa khi những điều tốt đẹp đó không còn trong hiện tại. Bởi vậy, diễn ngôn của tôi có phần cay đắng, chua ngoa”. Giễu nhại, cay đắng, chua ngoa bởi Nguyễn Việt Hà nhận ra có một Hà Nội đã vắng đi nhiều thứ như là biểu tượng cho một Hà Nội xưa, như cách nói rất trừu tượng mà rất gợi của Đỗ Phấn: “Hà Nội đang vắng đi một cái gì đó tựa như Hà Nội”. Đó cũng chính là tiếng than dài xuyên suốt những tập tản văn của những người con Hà Nội viết về quê hương, dẫu lối viết và giọng điệu có khác nhau.

Viết nhiều về Hà Nội, Đỗ Phấn nhìn mảnh đất quê hương từ đôi mắt ấm áp lẫn giễu cợt xót xa. So với một số nhà văn cùng thế hệ viết tản văn, góc nhìn về Hà Nội của Đỗ Phấn thiên về thiên nhiên cảnh vật. Hà Nội trong tản văn Đỗ Phấn thay đổi qua bốn mùa, người Hà Nội cũng nương theo bốn mùa mà đổi thay tâm trạng. Nhưng thiên nhiên cũng chỉ là cái nền để nhà văn đề cập “câu chuyện văn hóa ứng xử của người Hà Nội bây giờ”. Trong tản văn Đỗ Phấn, người Hà Nội không hiện ra ở vị trí trung tâm mà thấp thoáng qua những sinh hoạt đời thường hoặc từ kí ức. Là một ai đó thầm lặng hoài cổ qua thú chơi hoa ngày tết, hay một ai đó thèm ngắm trăng; là “những người tinh tế khắt khe với ẩm thực”, biết “thèm một vị cà cuống trên đầu lưỡi”. Sành món ngon Hà Nội cũng là tiêu chí để đánh giá người Hà Nội thuần tuý. Trong Hà Nội thì không có tuyết, nổi bật là chân dung tự họa của Đỗ Phấn. Những cái tôi đồng dạng đồng điệu đó là những mảnh phân thân của nhà văn, một người Hà Nội luôn trân trọng những giá trị xưa. Tôi bày tỏ quan niệm của mình về nghệ thuật, về lối sống, về đạo đức. Tôi đến chợ hoa Hàng Lược để “ngắm nhìn lại gương mặt muôn năm cũ của người bán đồ cổ - những món đồ như những chứng nhân thầm lặng nghìn năm ngày mỗi hư hao”. Tôi nhớ về những cổ thụ in dấu chỉ của Hà Nội xưa - từ hàng cây sao xao xác tiếng cò ở phố Lò Đúc, những gốc sấu sần sùi, những cây me già rỗng ruột phơi mưa nắng, hàng cây cơm nguội nhánh hao gầy ở cuối đường Yên Phụ… phần lớn giờ mất dấu. Tôi yêu những con đường, ngõ phố Hà Nội và xót vì Hà Nội vắng đi nhiều thứ. Tôi nhìn Hà Hội bằng con mắt nhiều châm biếm và đầy tiếc nuối. Tôi kể về những ngày tết đã qua, về vỉa hè Hà Nội, về những xô bồ, nhôm nhoam của Hà Nội nay; về một lớp người dần vắng mặt và có một đám đông khác chen chúc sống mà sao Hà Nội vẫn cứ trống vắng.

Tản văn về Hà Nội không nghiêng lệch về một phía. Từ “con giai phố cổ” đến thế hệ công dân toàn cầu, Hà Nội có nhiều thay đổi nhưng vẫn có sự dung hợp văn hóa truyền thống và hiện đại. Tính chất liên văn hoá này khiến những trang tản văn luôn mở ra nhiều điều. Hà Nội được nhìn từ nhiều phía, hỗn độn mà có những khoảnh khắc lắng sâu, con người thì vừa níu giữ thói quen xưa vừa hoà nhập trong lối sống hiện đại. Nguyên Ngọc ít viết về Hà Nội nhưng nơi chốn ấy đã trở thành cõi riêng của một nhà văn gắn bó và “đã trót yêu Hà Nội”. “Đã phải lòng Hà Nội ngay từ buổi đầu”, Nguyên Ngọc có cái nhìn thiên vị khi cho rằng “cả đất nước, chắc chắn không có thành phố nào đẹp bằng, đáng để yêu và thương nhớ hơn”. Văn ông cứ chầm chậm mà lôi cuốn với giọng kể nhẩn nha, thật nhẹ mà sâu lắng. Nguyên Ngọc có cái nhìn sâu và tinh khi viết về cách con người tạo không gian sống xen kẽ với một không gian tồn tại mưu sinh. Nhà văn nhìn thấy cái tinh tế của người Thăng Long qua mặt sau của phố phường. Cảm giác về một Hà Nội xưa thanh lịch cứ đậm dần đằng sau một Hà Nội bộn bề. Mặt ngoài buôn bán sầm uất nhưng sau “một tấm rèm mỏng”, sau lớp mặt nạ mưu sinh là nét thanh lịch còn sót lại của người Hà Nội. Dùng biểu tượng rất cụ thể - “chỉ cách một bức rèm”, Nguyên Ngọc đối lập giữa đua chen buôn bán ở mặt tiền và “một không - thời gian hoàn toàn… Hà Nội Thạch Lam”. Trong không gian đó, hồn xưa Hà Hội thấp thoáng qua một đôi tràng kỉ đã lên bóng đen sẫm, một bức thuỷ mạc, không vẽ cái hiện thực mà vẽ cái trống không của vũ trụ, của cuộc đời, là những bức thư pháp trên giấy dó với “cái chữ vừa bay lên lại như nén lại kia: một chữ Tâm trang trọng”. Người Hà Nội đấy chứ còn tìm kiếm đâu xa. Nhà văn giải thích cái điều đã tạo nên bầu không khí cổ kính không thể thay thế được của một Hà Nội ở “phía sau” ấy là những con người. Là “bóng một người con gái, vẫn ăn mặc tân thời ấy chứ, vừa nhẹ nhàng đi qua, nhẹ như lướt trong cái khoảng tối mờ”. Là “một thanh niên, kì thực cũng đã đứng tuổi rồi, một chàng trai Hà Nội rất đỗi lịch sự khiêm nhường giản dị mà lại sang trọng, nhỏ nhẹ một cách thật tự nhiên”. Và sẽ thiếu đi chút ít hồn xưa nếu tác giả không điểm xuyết vào không - thời gian rất Hà Nội Thạch Lam ấy một mái tóc bạc phơ của bà cụ ngồi thanh thản trên chiếc sập gụ chân quỳ “chắc tuổi xuân còn nhiều hơn cả cụ”. Chính những bà cụ khuôn mặt vẫn còn giữ được những nét thanh tao ấy là những người “đã giữ được một khoảng không gian Hà Nội xưa”, đã “giành lại được cho mình một khoảng không gian cổ kính và vô giá, cái khoảng không gian còn lại của Hà Nội một thời văn hoá đến thế, văn minh đến thế, đẹp đẽ thanh lịch đến thế” (Còn một Hà Nội, ở phía sau).

Cách nhìn con người Hà Nội trong tản văn cho thấy Hà Nội là vùng văn hoá mở, không thể đóng khung trong khuôn khổ truyền thống mà thay đổi và phát triển trong sự hội nhập. Ở những thời điểm chuyển giao, sự đứt gãy văn hoá là tất yếu nhưng nhìn chung tản văn vẫn biểu hiện một Hà Nội trong sự nối tiếp xưa và nay. Sức bền của các trang văn về Hà Nội là ở lớp trầm tích văn hoá thẳm sâu và trên hết là ở “những người muôn năm cũ”. Dẫu còn hay mất, chính họ là người góp phần giữ gìn Hà Nội, lưu giữ và hòa nhập để trong sự phát triển tất yếu vẫn có sự cân bằng giữa truyền thống và hiện đại. Hoài nhớ nhưng không bảo thủ, các nhà văn tin rằng “thành phố ngày một trở nên đẹp đẽ bình yên và trật tự” (Đỗ Phấn).

L.T.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)