“Phải giúp họ tiến bộ mà sống chứ!” – Lời của trái tim yêu thương

Thứ Bảy, 27/01/2024 08:54

. PGS.TS ĐẶNG QUỐC BẢO


“Phải giúp họ tiến bộ mà sống chứ!”. Đó là câu nói của Bác Hồ với nhà văn Nguyễn Công Hoan. Chuyện được chính nhà văn Nguyễn Công Hoan kể lại. Năm 1946 nhà văn được gặp Bác để báo cáo về tình hình báo chí. Theo tình cảm thông thường nhà văn nói suy nghĩ của mình là “tờ báo viết kém sẽ đình bản ngay”. Thật không ngờ Bác nói: “Phải giúp họ tiến bộ mà sống chứ!”[1]. Ở ngoài đời, nhiều khi chỉ cần nghe một câu nói thôi nhưng để lại trong lòng ấn tượng sâu sắc, thì chỉ một câu nói ngắn gọn này đã cho thấy một tâm hồn yêu thương vĩ đại biết bao!

Đối với văn nghệ sỹ Bác dành một tình yêu thương riêng của mình, cách của một trái tim nghệ sỹ đến với tấm lòng nghệ sỹ. Nghệ sỹ Hoàng Châu Ký kể, cuối 1955 một số nghệ sỹ được mời lên biểu diễn phục vụ khách nước ngoài. Sau khi khách về hết, các diễn viên mới thu dọn hậu trường. Bỗng Bác xuất hiện, nói: “Lúc nãy Bác được ăn mà các cháu không được ăn, nên Bác ra thăm lại, sợ các cháu tủi. Nhưng ăn ngoại giao ấy mà, không ngon đâu”[2]. Đấy là điều “áy náy” chỉ có ở những bậc đại nhân!

Các anh chị em nghệ sĩ xiếc còn nhớ mãi kỷ niệm một lần biểu diễn ở Hội trường Ba Đình, Bác vào tận hậu đài sân khấu, thăm hỏi, động viên mọi người. Đột nhiên, Bác quay sang hỏi đồng chí phụ trách tổ chức đêm diễn hôm đó: “Chú đã chuẩn bị bồi dưỡng cho các cháu sau buổi diễn chưa?”. “Thưa Bác, chúng cháu đã chuẩn bị ạ!”. “Thế chú định bồi dưỡng cho các cháu món gì?”. “Dạ thưa Bác, bánh mì patê và nước chanh ạ!”. Nghe vậy, Bác tỏ vẻ không vui, Bác nói: “Xiếc là môn lao động nghệ thuật rất nặng nhọc, nếu là chú sau khi làm việc mệt nhọc, chú có muốn ăn bánh mì không? Bác đề nghị chú cho các cháu ăn món ăn có nước...”[3]. Nghệ sỹ ưu tú Tú Lệ nhớ một lần kể cho Bác nghe những buổi diễn dưới tầm pháo địch hoặc dưới những trận mưa rào, nhưng khán giả vẫn ngồi xem rất đông. Tưởng được khen, nhưng Bác nghiêm giọng nói: “Làm như vậy không tốt, không đảm bảo tính mạng và sức khỏe cho nhân dân cũng như cho diễn viên...”[4].

Nghệ sỹ Tuyết Nhung, diễn viên cải lương khắc sâu kỷ niệm một lần được Bác đỡ dậy khi ngã trong lúc biểu diễn thời trẻ. Đó là khóa cải lương đầu tiên của Trường Nghệ thuật sân khấu biểu diễn màn cải lương “Trần Quốc Toản ra quân”. Diễn viên Tuyết Nhung đóng vai Quốc Toản chẳng may trượt chân bị ngã, “bỗng nhiên, tôi nghe thấy tiếng nói đầm ấm của Bác, giản dị, yêu thương, trìu mến làm sao: “Nào! Bác đỡ anh hùng dậy!”. Tôi bàng hoàng mở mắt ra, mà ngỡ mình đang trong giấc chiêm bao: Bác đã đến bên tôi lúc nào không biết. Nhanh như tia sáng, nhẹ như làn gió ấm, Bác đỡ tôi lên, độ lượng, hiền từ. Vừa nói, vừa cười, vòng tay Người dang rộng: “Nào! Bác đỡ anh hùng dậy!”[5].

Nay-hơ-vin, dân tộc Giơ-rai, diễn viên hát, tự hào về món quà mỗi người của đoàn văn công Tây Nguyên một chiếc áo dạ rất đẹp. Nhưng nhớ nhất là lời dặn của Người: “Các cháu mặc ngay áo bông vào không thì bị sưng phổi đấy!”. Khi đoàn mới trình diễn được nửa chương trình thì Bác lại bảo nghỉ. Bác nói: “Diễn như vậy là đủ, các cháu mới ra tập kết chưa quen chịu lạnh, nếu làm nữa sẽ ốm đấy!”[6].

Bác chăm sóc các nghệ sĩ thể hiện ở cả những hành vi nhỏ nhất. Phạm Văn Khoa, đạo diễn điện ảnh nhớ về “Hôm đến làm việc với Bác, một cử chỉ rất thân mật của Bác làm tôi xúc động, nước mắt cứ trào ra. Bác để tay lên vai tôi, và một tay Bác cài chiếc khuy cổ áo sơ-mi cho tôi”[7]. Từ những chi tiết này khiến chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Bác hay tặng quà, dù nhỏ cho mọi người. Tháng 9-1953, gặp và hỏi chuyện bà Tôn Nữ Lệ Minh, vợ nhà thơ Lưu Trọng Lư, Người gửi ba quả táo cho bà: “Bác gửi cô cầm về cho các cháu mừng”[8]

Bác dành tình thương yêu đặc biệt cho phụ nữ. Một tình yêu thương rất mực chân thành, chu đáo. Ai cũng xúc động trước tình cảm này của Người. Năm Bác Tôn gái 78 tuổi thì bị ốm nặng. Tự tay Bác Hồ cầm đến một niêu cá trê kho tiêu: “- Chị! Chị ăn đi, ngon lắm. Chính tay tôi kho cho chị đấy!”. Bác Tôn gái thích ăn cá trê. Đau ốm chỉ ăn cá trê”[9]. Đồng chí Nguyễn Thị Định, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam kể: “Năm 1968 tôi vô cùng cảm động nhận được món quà quý của Bác: chiếc lược làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ. Bác gửi lược cho cả hai cháu Châu và Quyên nữa. Chiếc lược đơn sơ mà sáng đẹp làm sao”[10]. Biết Nghệ sỹ Ái Liên ở nhà có bà cụ giúp việc trông nom cháu nhỏ, có lần Bác hỏi: “-Cô đi diễn thế, có khi nào mời bà cụ giúp việc đi xem không?”. Ái Liên lúng túng không biết nói sao. Bác lại hỏi: “- Bà cụ có biết là trông cháu để cô đi diễn không?” . “- Dạ, có ạ!”. “- Cho bà cụ biết là cô làm việc gì, làm như thế nào thì bà cụ càng phấn khởi, trông nom cháu tốt hơn chứ...”[11]. Đúng là lòng yêu thương chỉ có ở Hồ Chí Minh!

Chúng ta nhớ lại câu chuyện khi Bác đến thăm một đơn vị bộ đội, thấy đầu giường một chiến sĩ có dán hình một thiếu nữ, Bác liền hỏi chiến sĩ đó: “-Chú có vợ chưa?”. “-Dạ có rồi ạ!...”. “- Thím ấy đây phải không? Bác hỏi và chỉ vào chiếc hình. “-Thưa Bác không ạ! Cháu cắt ở họa báo ra đấy ạ!”. “- Sao chú không treo hình thím ấy?”. “- Dạ.. dạ…- Đồng chí ta đỏ mặt ấp úng. Bác cười và hỏi thêm: “- Nếu chú về phép thấy thím ấy treo hình người khác ở đầu giường thì chú nghĩ thế nào?” “- Dạ… thưa Bác… cháu… cháu xin treo hình nhà cháu ạ!”[12]. Với những chi tiết này chúng ta lại thấy hoàn toàn lôgich khi thấy Bác làm thơ để cảm ơn chị em, ví như bài Cảm ơn người tặng cam, cảm ơn nhà thơ Hằng Phương, hay cảm ơn chị em: “Cám ơn các cháu các cô/ Mứt khoai, dưa món, Bác Hồ khen ngon[13]. Câu thơ giản dị nhưng nặng tình và đậm chất nghệ sỹ.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt kể: “Bác yêu trẻ con một cách lạ! Đang trò chuyện, đọc báo mà nghe trên đài có tiếng trẻ em hát là Bác dừng lại nghe. Đã nhiều lần Bác thi với đồng chí phục vụ đoán xem bé vừa hát mấy tuổi. Rồi Bác bảo đồng chí ấy, lúc nào tiện, hỏi bên đài phát thanh xem. Mặc dù đồng chí ấy thường ngày về nhà vẫn chăm sóc con mà lại hay đoán sai, còn Bác thường là đoán đúng. Bác bảo một đồng chí ở gần Bác thỉnh thoảng đưa cháu nhỏ năm tuổi đến chơi với Bác. Cháu đến, Bác đã cầm sẵn trên tay mấy bông hoa cho cháu…”[14].

Người yêu trẻ và gửi vào đấy cả sự tinh tế của một nghệ sỹ. Ngày 15-2-1942 Người tặng cháu Nông Thị Trưng chiếc khăn mùi xoa có hoa đỏ và một chiếc còng gà luộc, theo quan niệm của người Tày là mong muốn một sự tốt lành, may mắn[15]. Tháng 8-1948 Bác gửi thư cho Trại Nhi đồng nghệ thuật I cũng là gửi tình thương của một người bác, người cha tới các con, các cháu: “Những bài nhạc, bài ca các cháu gửi, Bác đều nhận được cả... Bác khuyên các cháu luôn cố gắng cho tiến bộ và chúc các cháu luôn mạnh khỏe”[16].

Câu chuyện đồng chí Vũ Kỳ kể cho thấy Bác là một nhà giáo dục lớn với tất cả tình thương và tính khoa học. Sáng ngày 3-8-1960 Bác đón các cháu lớp mẫu giáo vào chơi. Một cháu khóc, cô giáo dỗ: “Cháu ngoan, nín nào! Nín đi, cô yêu, rồi cô cho xem con thỏ Bác Hồ nuôi”.

Bác ngắt một bông hoa, đến gần hai cô cháu, xoa đầu bé:

- Cháu ngoan, Bác cho cháu bông hoa đỏ, chứ nhà Bác không có thỏ đâu...

Cháu bé cầm lấy hoa và nắm ngón tay Bác để Bác dắt đi. Bác nói riêng với cô giáo: “Đối với các cháu, dù nhỏ, bây giờ cũng nói đúng sự thật, làm gương tốt và thói quen tốt cho các cháu”[17].

Ở Bác Hồ, tuy là Chủ tịch Nước nhưng khi tiếp xúc với mọi người thì không ai nhận thấy đó là nhà lãnh đạo, mà đó là một con người đích thực, dân giã, hòa đồng. Không hề có một khoảng cách với người dân, đấy là một phẩm chất của nghệ sỹ đích thực, vì nghệ sỹ bao giờ cũng ở giữa lòng dân. Nhà thơ Nông Quốc Chấn kể, tháng 2-1951 Bác đến Bắc Cạn. Mấy hàng dây chăng ngang dọc trước lễ đài sắp đứt vì đồng bào chen lấn xem Bác. Bác nói với bảo vệ: “- Các chú dỡ hàng dây ngăn này đi!”. Miệng nói tay làm, Bác nhổ hai cọc trước mặt, quần chúng liền tiến vào sát Bác”[18]. Ngày 6-1-1946 Bác về thăm làng An Thái (phường Bưởi - Hà Nội). Một cụ già mặc áo nâu, lưng còng, tóc bạc phơ, tay chống gậy tre lập cập từ ngõ trong ra. Thấy Bác, cụ xúc động làm rơi chiếc gậy xuống đường. Thấy vậy Bác Hồ cúi xuống cầm chiếc gậy ân cần đưa tận tay cụ”[19]. Thấy lao công quét rác suốt đêm, Bác ra nước ngoài xin một giống cây mà Bác gọi là “cây xanh bốn mùa”. Về nước Bác trao gói giống cho người phục vụ và dặn “Đây là loài cây mà mùa đông ít rụng lá. Chú trồng thử xem. Nếu chịu được khí hậu nước ta và xanh tốt thì sau này đem trồng dọc các phố, mùa đông vừa có cây xanh, vừa đỡ vất vả cho người lao công quét đường”[20]. Tình thương người, tình yêu nhân loại cần lao luôn là bệ phóng để cho tâm hồn nghệ sỹ thăng hoa, cất cánh; luôn là chất men nồng để chưng cất thành thứ rượu nghệ thuật tinh khiết, đậm đà.

Con người Hồ Chí Minh luôn vì con người, đặt con người cao hơn tất thảy. Sau này ở Việt Bắc gian khổ Người luôn chia sẻ cái ấm áp của mình cho bạn bè đồng chí. Ngày 15-1-1948, gửi thư cho cụ Đinh Công Phủ “Tôi gửi biếu Cụ một chiếc áo trấn thủ. Áo này là của đồng bào Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây biếu tôi. Cụ mặc ấm cũng như tôi mặc ấm”[21]. Ngày 4-2-1948 Người gửi thư cho ông Đặng Phúc Thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính:

Chú Thông

Tết nhất năm nay hoãn thịt xôi

Tết sau, thắng lợi sẽ đền bồi

Áo bạn biếu tôi, tôi biếu chú

Chú mang cho ấm, cũng như tôi”[22].

Tình yêu con người sâu nặng là cơ sở cho những quan niệm thực sự nhân văn, đậm một tình người. Một lần Bác thân ái phê bình nhà thơ Việt Phương “không có trận đánh đẫm máu nào “đẹp” cả, cho dầu thắng lớn.

Con người nghệ sỹ Hồ Chí Minh nặng ân tình. Ngày 19-5-1947, các đồng chí phục vụ tặng bó hoa rừng nhân ngày sinh nhật, Người cảm động, nói dành bó hoa này đi viếng mộ đồng chí Lộc, cùng cơ quan, vừa mất vì bệnh sốt rét[23].

Sinh thời, hầu như chiều nào có chút thì giờ rảnh rỗi là Bác không quên ra vườn ngắm nghía những mầm lá cam đang nhú và tìm bắt sâu cho cam. Vào dịp cam chín, hôm đoàn khách Liên Xô có anh hùng phi công vũ trụ Ti-tốp vào thăm Bác, Bác tự tay hái cam và tặng khách. Vừa trao trặng, Bác vừa nói vui: “- Của ít lòng nhiều, xin quý khách nhận cho”.

Nhân cuộc họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ, Bác bảo đồng chí giúp việc hái tặng mỗi vị một quả cam “cây nhà lá vườn”. Người tự tay lấy tặng mỗi vị một quả và nói rất chân tình: “- Cam của vườn Bác chắc không ngon ngọt bằng cam của bà con nông dân ta trồng, chú nào cần ăn thêm đường thì lấy...”[24]. Đây không phải là hành vi và lời nói của một vị Chủ tịch Nước, mà là lời của người Cha nói với những đứa con yêu, như nhắc nhở về đạo lý: ăn quả nhớ người trồng cây, mà người trồng cây vĩ đại nhất là Nhân Dân (mà như Bác nói là “bà con nông dân ta”).

Chỉ vài mẩu chuyện nhỏ ấy cũng đủ chứng minh nhân cách Bác Hồ vĩ đại và tỏa sáng là nhờ có nền móng vô cùng vững vàng là tình yêu thương con người. Đó cũng là vấn đề mà ở ngày hôm nay cả thế giới hướng đến, vì chỉ có tình yêu mới có thể gắn kết con người hướng về hòa bình, hạnh phúc!

Đ.Q.B


[1]. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sĩ. Nxb Văn học.1995, tr 34.

[2]. Nhiều tác giả- Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990. tr 50.

[3]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, tập 1. Sđd. Nxb Hội Nhà văn 2010, tr 312, 313.

[4]. Nhiều tác giả- Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990. tr 113.

[5]. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sĩ. Sđd, tr 294.

[6]. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sĩ. Sđd,.tr 265, 266.

[7]. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sĩ. Sđd, tr 8.

[8]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 5. Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, tr 375.

[9]. GS Trần Văn Giàu - Hồ Chí Minh vĩ đại một con người. Nxb Chính trị Quốc gia, 2010. tr 463.

[10]. Trần Đình Việt, Trần Đương...(Sưu tầm, biên soạn) - Bông hồng của Bác. Nxb Phụ nữ, 1985. tr 25.

[11]. Nhiều tác giả- Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990.(tr 105).

[12]. Ngọc Châu - Bài học Bác dạy. Nxb Công an nhân dân, 2005.tr 192.

[13]. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sỹ. Nxb Văn học, 1995.tr 132.

[14]. Ban Tuyên giáo Trung ương - Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị Quốc gia, 2009, tr 98.

[15]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử - Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, tập 2, tr 161.

[16]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 4, tr 239.

[17]. Vũ Kỳ - Càng nhớ Bác Hồ. Nxb Thanh Niên, 2008. tr 296.

[18]. Nhiều tác giả - Avoóc Hồ (tập hồi ký) - Nxb Văn hóa Dân tộc, 1977. tr 159.

[19]. Nguyễn Sông Lam, Bình Minh (tuyển chọn) - 120 câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nxb Thanh niên, 2010, tr 26.

[20]. Nguyễn Sông Lam, Bình Minh (tuyển chọn) - 120 câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nxb Thanh niên, 2010, tr 216.

[21]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử- Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, Tập 4, tr 149.

[22]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử- Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, Tập 4, tr 155.

[23]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử- Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, Tập 4, tr 83.

[24]. Hồng Khanh - Chuyện thường ngày của Bác Hồ. Nxb Thanh Niên, 2005.Tr 99.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)