Cha ông ta chống tham nhũng như thế nào?

Thứ Sáu, 25/03/2022 10:43

. Thanh Hà

 

Việc chống tham nhũng sớm nhất có trong truyện “Thánh Gióng”. Có nhiều dị bản kể chi tiết khi người ta đưa ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt đến, Gióng bèn vỗ vào ngựa, ngựa bẹp dí. Gióng bảo ngựa thiếu ruột, gan, tim, phổi thì chạy sao được. Thế là quan quân phải đưa ngựa về rèn cho đầy đủ. Đây là chủ đề phụ nhưng có ý nghĩa chê trách sự thiếu trách nhiệm, cười cái tính bớt xén, dối dá (mà nay chúng ta đang gặp ở bất cứ đâu), nếu không phát hiện sớm sẽ rất nguy hiểm. Là người Việt ai cũng biết và khâm phục trí tuệ cũng như nghệ thuật dân gian đã góp vào lịch sử tạo hình thế giới một bức họa độc đáo, đặc sắc là bức tranh dân gian Đông Hồ “Trạng Chuột vinh quy” (hay còn gọi là “Đám cưới Chuột”). Ngày nay dưới góc nhìn ký hiệu học người ta thấy đấy là một mã nghệ thuật, trong sự giới hạn không gian bức tranh là sự phân phối tuyệt vời các hình tượng để ký gửi tầng lớp các ý nghĩa. Sở dĩ có hai tên gọi bởi đó cũng chính là “chìa khóa mã”mở ra hai lớp ý nghĩa cho biết thân phận (thân thế) nhân vật chính là Chuột (đã đỗ Trạng nguyên)“vinh quy” có “ngựa chàng đi trước, kiệu nàng theo sau” và không gian mã phong tục là “cưới vợ” có cảnh rước dâu, không có âm thanh nhưng người xem như cảm thấy có âm thanh. Chỉ qua những nét vẽ đã thấy tâm trạng nhân vật, cao hơn thấy cả bản chất một xã hội thời xưa. Mở quyền sách hay là mở ra một thời đại thì với bức họa quý này chỉ nhìn vào cũng thấy thấp thoáng, xôn xao những hình ảnh của quá khứ! Là người Việt, chỉ cần một vốn kiến thức nhất định thì ai cũng hiểu cái ý nghĩa cơ bản của nó.

“Trạng Chuột vinh quy” hay “Đám cưới Chuột” mà lại có con mèo già chiếm cả một khoảng không gian lớn góc phía trên, trang trọng, đầy uy lực, rất kẻ cả, rất bề trên. Lẽ ra trong không gian náo nức của đám hội “Trạng vinh quy” hay “đám cưới” thì các nhân vật phải vui vẻ, hớn hở nhưng ở đây lại đầy bất an, lo lắng, đầy sự cảnh giác...Người xemnhận ra có một “mã” sinh hoạt tham nhũng và hối lộ. Những con chuột đi đầu “dâng” đến Mèo những thức ăn ngon như bồ câu, cá chép thì Mèocũng không có biểu hiện hành động gì. Nó coi như đấy là chuyện đương nhiên, thường tình. Nhìn cách “ứng xử” này người ta sẽ đoán Mèo sẽ không “vồ” chuột như theo quy luật tự nhiên nữa, mà sẽ để cho “đám vinh quy” (đám cưới) này đi qua. Vì nó đã được “cống” những thứ kia...!!!

Một chủ đề (một lớp mã ý nghĩa) chống nạn tham nhũng, nạn ăn hối lộ thật tuyệt vời!

Đồng thời cũng cho thấy người dân đen ngày trước sao mà khổ thế, sao mà thảm hại làm vậy. Bọn quan tham (mèo) thì cứ nhởn nhơ, ngồi để ăn của đút, còn đám dân (chuột), dù có đang trong không gian náo động nhất, vui nhất, thiêng liêng nhất thì vẫn nơm nớp lo sợ bọn cướp ngày!

Ý nghĩa phổ quát bật toát ra: phải tiêu diệt chế độ giai cấp kẻ quyền hành giàu có bóc lột, nhũng nhiều kẻ nghèo,dưới đáy!

Phải chăng còn một lớp ý nghĩa khác: nếu xã hội còn nạn tham nhũng, hối lộ thì kẻ ăn của đút và kẻ đưa hối lộ sẽ vĩnh viễn không cùng đồng loại. Cả kẻ tham nhũng và kẻ đưa hối lộ sẽ mãi đều là con vật (loài mèo chuột), trong đó kẻ đưa hối lộ (chuột) tự mình làm hại/nhục mình, tự mình hạ thấp mình trước kẻ tham nhũng có quyền thế (như mèo)!?

Truyện cười “Nhưng nó còn bằng hai mày”đích thực là một “tiếng cười hai chiều” vào bọn quan tham và vào cả những người dân ngu ngốc, dại dột. Chỉ vì một xô xát nhỏ không đâu vào đâu mà hai nông dân Cải và Ngô đưa nhau đến kiện nơi “cửa quan”, mà nghe đồn là một người xử kiện giỏi nhất vùng. Truyện này minh họa cho câu “Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ”. Cải nghĩ “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” bèn đút thầy Lý (người xử kiện) 5 đồng để mong được “xử thắng”. Chốn công đường trang nghiêm, thầy xử đánh Cải 10 roi. Nghĩ “thầy” quên đã nhận tiền, Cải xòe 5 ngón tay phải ý nhắc “thầy” đã đưa 5 đồng và thầy đã nói xử phải cho mình. “Quan xử” ngang nhiên xòe 5 ngón tay trái của mình úp lên 5 ngón tay của Cải và nói “Tao biết mày phải. Nhưng nó còn bằng hai mày!”. Thì ra “Thầy” đã nhận tiền của Ngô gấp đôi của Cải. Thế nên Cải vừa bị xử “đánh” vừa bị thua! Đúng là “nén bạc đâm toạc tờ giấy”! Tiếng cười hả hê toát ra hướng về kẻ tham nhũng chỉ biết đến tiền, lấy tiền làm thước đo phải trái. Nhưng cũng là tiếng cười ngậm ngùi đau đớn hướng về những kẻ thấp cổ bé họng. Tiếng cười xoáy sâu vào tâm lý hối lộ, đút lót thảm hại của đám dân nghèo ít học! Cả Ngô và Cải đều thua kẻ vừa có quyền thế vừa lưu manh, trắng trợn.Như vậy truyện còn là sự “minh họa” cho câu ca dao: “Nào ngờ cùng tổ bợm già/ Quan tham với lại quan tòa bạn thân!”.Đúng là “quan” tham do dân dại. Dân khôn, hiểu biết thì tự nhiên “quan” phải “liêm”!

Truyện “Sao không bảo tôi tuổi Sửu” lại là một cách kể hiện đại, người đọc phải kết nối hai khoảng thời gian, sự kiện mới thấy bản chất thật của vị quan có bề ngoài rất “liêm” này. Có vị quan huyện nghe đồn rất thanh liêm, không ăn đút lót của bất kỳ ai. Ở làng nơi quan sinh ra muốn nhờ quan bênh cho được kiện, bèn mang lễ vật đến, quan dứt khoát không nhận. Họ tìm cách đút lót “quan bà”. Nói mãi bà cũng nhận lời và mách “nhà tôi tuổi “Tí”. Làng đúc một con chuột bằng bạc, tôi thử cố nói giùm cho, may được chăng”! Được lời như cởi tấm lòng, dân làng về đúc một con chuột cống thật to, bằng bạc đặc...Về hưu, quan buồn, một hôm thơ thẩn trông thấy con chuột bạc, ông mới hỏi đâu ra. Bà vợ kể lại. Nghe xong, ông huyện mắng: “Sao mà ngốc vậy! Lại đi bảo là tuổi “Tí”! Sao không bảo tôi tuổi Sửu?”. Truyện dừng lại nhưng tiếng cười thì phá ra: quan này “liêm” chỉ là cái vỏ còn bên trong thì toàn tiền bạc cả thôi. Nếu vợ ông mà không ngốc thì bây giờ ông có cả một con trâu...bạc!!!

Truyện Nôm “Trê Cóc” không tập trung vào chủ đề chống tham nhũng nhưng có những chi tiết nói về “công đường” và nạn đút lót, hối lộ. Truyện có hai nhân vật chính là Trê và Cóc quen thuộc với bất kỳ ai. Cóc sống trên cạn nhưng đẻ trứng dưới nước. Trứng nở ra nòng nọc, Trê nhận là con mình. Cóc kiện lên quan. Vợ Trê chạy vạy tìm đến “thầy luật” Triều Đẩu. Triều Đẩu giới thiệu tới Thông Chiên giỏi hơn. Thông Chiên tìm chứng cứ nòng nọc giống Trê bèn trình quan Cóc vu khống. Bạn Cóc là Ếch giới thiệu “thầy kiện” Nhái Bén…Câu chuyện khoác cái áo ngụ ngôn để che cái thân nội dung sự sống diễn ra dưới thời phong kiến thật sinh động. Đó là cuộc sống của người dân trong những va vấp nảy sinh tranh chấp kiện tụng: “Muốn cho trong ấm ngoài êm/ Phải đưa lễ tốt các phiên mới đành”. Truyện có những cảnh hoạnh hoẹ, đục khoét, hối lộ, “vạch lá tìm sâu”, “bới lông tìm vết”, bẻ cong, mưu mô, liên kết, thủ đoạn, “tạo hiện trường giả”…Có thể coi truyện như một mô hình của cuộc sống ngày xưa được khúc xạ qua lăng kính văn hoá trào tiếu dân gian với tất cả những gì tươi non, tràn trề trong tính phập phồng đa dạng. Nhưng cái lõi đậm tinh thần nhân văn nhất của nó vẫn là khát vọng công lý: ở hiền gặp lành; có ân báo ân; có oán báo oán.

Hình ảnh “công đường” của thời trước được diễn tả“giống như thật” chỉ qua hoạt động của các con vật. Như cảnh “trình diện”: “Mè, Nheo, Trắm, Chép nhảy ra/ Khấn đầu lạy trước quan nha diện trình”; cảnh lo chạy vạy khi thua kiện: “Vợ chồng Trê những ngậm ngùi/ Ra vào phí tổn hết bao cũng đành”; cảnh đi tìm bạn bè mách bảo “thầy cãi”: “Cóc về dạo khắp các nơi/ Qua miền Chẫu Chuộc tới miền Ễnh Ương”…Đúng như cảnh sống thời đó, chỉ khác không phải người mà thay vào đó là hình ảnh những con vật gần gũi. Cóc thắng kiện trở về, cả làng mừng rỡ chia vui: “Tạ từ Cóc trở ra về/ Vợ chồng mừng rỡ đề huề ngổn ngang/ Bước ra khỏi chốn công đường/ Thông Chiên giật lễ, Đề Tôm cướp liền/ Ôm đầu vỗ vễ ngả nghiêng/ Kẻ đòi bầu rượu người xin bao chè”. Cảnh vui vẻ toại nguyện này chẳng khác gì đời sống con người, các hành động chia vui vừa có cái suồng sã, bỗ bã: “giật lễ”, “cướp liền” vừa có cái “lịch sự” rất “người”: “đòi”, “xin”…

Ca dao vẫn là phương tiện thuận lợi nhất để người dân xưa lấy đó làm vũ khí chống lại sự bóc lột tàn tệ của bọn phong kiến. Chúng đục khoét dân lành để xây dựng thành quách nhà cửa: “Vạn Niên là Vạn Niên nào/ Thành xây xương lính hào đào máu dân”. Câu này kết tội vua Tự Đức xây thành Vạn Niên (tức Khiêm Lăng)không chỉ đục khoét tiền bạc mà còn “đục khoét” cả máu, cả sinh mệnh của dân lính. Ca dao vùng Hà Nam lại vạch ra nạn tham nhũng từ những sự việc rất nhỏ: “Trời ơi có thấu tình chăng/ Mấy người đi đẻ mấy thằng ăn no/... Lý Nhưng ơi hỡi Lý Nhưng/ Tưởng là ông, hoá ra thằng ăn dơ”. “Ăn dơ” là “ăn bẩn”. Chuyện là có lý trưởng tên Lý Nhưng (thôn Đại Hoàng, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam)rất lạ đời đục khoét bằng cách “ăn” giấy khai sinh. Ai đến khai sinh phải nộp số tiền gấp 10 lần số tiền qui định...Thế là hắn “ăn” của “người đi đẻ”! Kẻ “ăn bẩn” thì thật bần tiện hết chỗ nói. Còn người kể cũng sâu sắc, thâm thúy vô cùng!

Tâm lý làng xã của văn minh lúa nước là “chín bỏ làm mười” để đoàn kết, nương tựa vào nhau, sự tham nhũng đục khoét của bọn quan ở chốn công đườnglại làm người nông dân thêm khổ sở nên người Việt xưa không quen, không ưa pháp luật. Người ta coi chẳng may phải đến “cửa quan” là việc “vô phúc” (Vô phúc đáo tụng đình). Vì “quan thấy kiện như kiến thấy mỡ”, sẽ làm trò “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, chưa biết có “được vạ” không nhưng “má đã sưng” rồi”. Thế nên người ta gửi những mong muốn chống kẻ gian tham ác bá vào văn học. Văn học hiện đại hôm nay kế thừa và phát huy công việc chống tham nhũng ấy như thế nào? Đó vẫn là mảnh đất để các nhà văn ươm những mầm cây xanh tác phẩm!

T.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)