. ĐINH TRÍ DŨNG
1. Lê Lựu là một nhà văn quân đội có nhiều đóng góp cho tiến trình đổi mới văn học sau 1986. Ông viết thành công trên nhiều thể loại: phóng sự, bút kí, truyện ngắn, tiểu thuyết, nhưng thành công nhất vẫn là tiểu thuyết. Sáu cuốn tiểu thuyết của ông, đặc biệt là Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông, Chuyện làng Cuội đã thể hiện một sự nhạy cảm đặc biệt trong việc phát hiện những vấn đề nóng hổi của đời sống. Tiểu thuyết của ông không có những cách tân táo bạo, nhưng cuốn nào cũng có những nét riêng về nội dung và nghệ thuật, đặt ra được những vấn đề để độc giả suy ngẫm. Một trong những nét độc đáo tạo nên sức hấp dẫn của tiểu thuyết Lê Lựu chính là thứ ngôn ngữ rất giản dị, đời thường, “ngấm chất bùn đất thôn quê”, nhưng đấy là cái giản dị của một ngòi bút từng trải, rất có nghề, am hiểu con người và cuộc sống trong tính bộn bề phức tạp của nó.
2. Trước hết, đọc tiểu thuyết Lê Lựu, người đọc được tiếp xúc với một người kể chuyện thông minh, tinh quái, hóm hỉnh, với một vốn từ vựng giàu có, tự nhiên, đậm chất đời thường. Lê Lựu từng trăn trở: “Phải viết cái gì đấy là của riêng mình, nếu không, lấy toàn câu chữ mậu dịch như Nguyễn Minh Châu nói thì mình chưa chết văn đã chết rồi”(1). Để cho văn mình khỏi “nhạt”, trước hết, Lê Lựu biết chắt lọc lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân. Ông đưa vào tiểu thuyết nhiều thành ngữ, tục ngữ bởi ông biết đó là thứ ngôn ngữ đã được tinh luyện: “khố rách áo ôm”, “đầu đường xó chợ”, “đui què mẻ sứt”, “quân hồi vô phèng”, “rách như xơ mướp”, “gái đĩ già mồm”... Có cả những cụm từ đang rất được ưa dùng như những thành ngữ hiện đại: “kinh nghiệm bụi bờ”, “dối trá thuần thục”, “trí thức tỉnh lẻ”, “đóng kịch ngây thơ”... Có lúc ông dùng nguyên một câu tục ngữ dân gian: “Những người chân cẳng làng nhàng, một đêm chấp cả mấy làng trai tơ”. Có lúc ông biến hoá nó trong cách nói của nhân vật: “Nếu không có được cái thế ấy thì có là ông tướng họ cũng vò nhầu nhĩ cuộc đời anh như một cái giẻ để họ chùi chân” (ca dao: vợ lẽ như giẻ chùi chân...), “Bác Địa chịu cam phận nghèo khổ người lúc nào cũng xanh như tàu lá, còn bà vợ cứ béo mầm, lúc nào cũng rửng mỡ rừng rực như bò động đực”. Theo thống kê của tôi, trong Thời xa vắng có 23 thành ngữ, tục ngữ, ở Hai nhà có 28, ở Sóng ở đáy sông có 18, ở Chuyện làng Cuội có 19…
Những cách so sánh, ví von sinh động của quần chúng cũng được đưa vào nhiều: “mặt cứ nghệt như mặt ngỗng ỉa”, “hong hóng như chó hóng chờ chủ”, “nghe như vịt nghe sấm”, “rửng mỡ như bò động đực”, “xanh như tàu lá”, “ướt như chuột lột”... Một điểm khá đặc biệt là Lê Lựu đưa vào tiểu thuyết của mình hàng loạt những từ tục: “đ...”, “đéo”, “đếch”, “cứt”, “đái”, “chó dái”... Chỉ thống kê các từ “đ...”, “đéo” đã có một số lượng như sau: Sóng ở đáy sông: 18 từ, Hai nhà: 10 từ, Chuyện làng Cuội: 11 từ, Thời xa vắng: 5 từ... Nhiều nhân vật của ông thường chửi thề, nói tục. Nhiều câu trần thuật của tác giả cũng khá “tục”, chẳng hạn đoạn tả cảnh nhục mạ bà Hiêu Đất trong Chuyện làng Cuội: “Hàng trăm mét, người bên đường thi nhau nhổ tới tấp vào mặt. Có lão ho lao vợ bỏ, đứng khòng khòng nhăm nhăm nhổ vào mồm chị, chị đã mím thật chặt hai môi nhưng cái bãi như là mủ, như là phân có cảm giác ai cầm cả xẻng xúc từ đâu hắt vào mặt chứ không phải là từ một cái mồm”. Không phải ngưỡng đọc của người nào cũng “chịu” được thứ ngôn ngữ “bụi bờ” này. Nhưng nói như Nguyễn Tuân: “Nghề văn là nghề của chữ. Chữ với tất cả mọi nghĩa mà mỗi chữ phải có được trong một câu, nhiều câu. Nó là cái nghề dùng chữ mà sinh sự, mà sinh sự thì sự sinh”(2). Thực ra, xu hướng đưa nhiều khẩu ngữ, trong đó có lớp từ tục vào văn xuôi là một hiện tượng không hiếm trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1986. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công. Lê Lựu biết dùng đúng cách, đúng chỗ, do đó cái tục không trở nên thô, phản cảm.
3. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Lê Lựu phong phú, đa dạng, nhiều thành phần: trí thức, nông dân, bộ đội, lưu manh, gái điếm… Tác giả tìm cách để người đọc được tiếp xúc trực tiếp với lời ăn tiếng nói hàng ngày của họ. Ngôn ngữ nhân vật nào phản ánh đúng bản chất nghề nghiệp, trình độ văn hoá, cá tính của nhân vật đó. Đây là ngôn ngữ của Tiến - một ông bí thư huyện uỷ rất am hiểu địa phương mình trong tiểu thuyết Thời xa vắng: “Chính tôi cũng đang đau đầu vì nó. Một vùng đất màu mỡ nhất huyện mà lại nghèo đói, lạc hậu nhất. Hàng chục năm nay nó không có sản phẩm gì đóng góp cho nhà nước ngoài mấy tấn lợn, dăm trăm con gà, vài chục tạ chuối tiêu, mươi lăm tạ đậu xanh, ít lạc, ít đậu nành... Nói nó là to, nhưng chỉ đủ làm “gia vị” cho các cuộc liên hoan, có ra tấm ra món gì đâu. Ngoài những thứ đó ra năm nào huyện cũng phải cứu tế, phải bán hàng trăm tấn gạo mà đói vẫn hoàn đói”. Lê Lựu đặc biệt gây ấn tượng trong những “ca” nhân vật va chạm, gây sự, giễu cợt, thoá mạ nhau. Những lúc ấy, họ hiện ra bằng đúng ngôn ngữ trần trụi, suồng sã của họ: “Đ. mẹ nó, điềm này làng Cuội ăn cứt”; “Mả mẹ thằng chó dái câm mồm đi cho bà đỡ lộn ruột”; “Say cái mả thằng bố mày từ sáng đến giờ đái ra mà uống à”... Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật mang đậm chất khẩu ngữ, ngồn ngộn chất sống, chẳng hạn đoạn đối thoại sau giữa Núi và Mai - một cô gái giang hồ, vô văn hoá trong Sóng ở đáy sông:
“- Này khép cái chân lại, đừng dạng tè he ra thế.
- Bụng to đ. khép được thì đã sao.
- Nói gì thế?
- Nói gì thì mày làm gì?
- “Bốp”
- Ối giời ơi, cái thằng mặt... nó đánh tôi”.
Trong đối thoại, ông để cho một số nhân vật dùng nhiều từ địa phương rất đắc địa. Chẳng hạn nhân vật Mai (Sóng ở đáy sông) thường lẫn lộn “l” và “n” theo cách nói của vùng Hưng Yên, Hải Dương, trong đoạn đối thoại với Núi dưới đây:
“- Anh giúp em với.
- Gì?
- Lấy sữa ở nàn pha cho con uống.
- Không đủ sữa cho con bú à?
- Cho con nhay thế thôi, em có sữa đâu. Núc mới đẻ cũng có nhưng chỉ được độ một tuần rồi phải cho con đi bú nhờ và mua sữa bò”.
Hay:
“- Anh bàn với em nà đi thăm bố mẹ. Còn đây nà mình đi nàm ăn kiếm tiền.
- Sao cô không về hỏi tôi đã.
- Về hỏi anh thì nỡ chuyến còn gì”.
Ngôn ngữ độc thoại nội tâm của nhân vật nhiều lúc cũng là ngôn ngữ đời thường, dung dị, không trau chuốt, kiểu cách. Có lúc ngôn ngữ đối thoại chuyển dần sang độc thoại một cách rất tự nhiên. Chẳng hạn đoạn độc thoại nội tâm của Châu sau lần va chạm với Sài nhân chuyện con ốm: “...bao nhiêu người đàng hoàng lịch lãm không yêu, đâm đầu vào cái thằng nhà quê thô kệch, dốt đủ mọi thứ mà cứ luôn luôn sợ người ta chê mình không giỏi, luôn luôn vỗ ngực ở chiến trường sống được, đấu trí đấu lực được với thằng Mĩ thì ở đâu cũng sống được, làm việc gì cũng được. Có được một năm học đại học là thỏa mãn, coi thường tất cả không thèm nghe ai, không thèm học thêm, cầm tờ báo, quyển sách là cốt che mặt để ngáy”.
Có người nhận xét về văn chương Lê Lựu: “Văn ông không rành rẽ, không mạch lạc nhưng có một chất nhựa gì đó ở bên trong. Nhiều khi cả đoạn, cả trang cứ thùng thình mà người đọc vẫn thấy thích”(3). Cái “chất nhựa” ấy, theo tôi chính là cách nói, cách diễn đạt dân dã, đời thường, rất gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân. Chính điều ấy đã tạo nên chất “văn xuôi” nóng hổi, bề bộn trong các tiểu thuyết của Lê Lựu. Mà chất “văn xuôi” ấy, theo Bakhtin, chính là đặc trưng cơ bản của tiểu thuyết.
Đ.T.D
-------
1. Nhiều tác giả, Thời xa vắng - tiểu thuyết và phim, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2004, tr.248.
2. Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên), Các nhà văn nói về văn, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, tập 1, 1985, tr.62.
3. Nhiều tác giả, Thời xa vắng - tiểu thuyết và phim, sđd, tr.284.