Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á: “Tôi đã được trao cơ hội thật quý giá!”

Thứ Năm, 06/10/2022 16:37

Đặt chân tới nhiều quốc gia trên thế giới, xuất bản 16 đầu sách, tổ chức 17 cuộc triển lãm, đi Trường Sa 7 lần và mới đây trở về từ hành trình vượt 8.000km đồng hành cùng Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan… nhiếp ảnh gia (NAG) Nguyễn Á đã luôn tạo được ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng. Phía sau “thương hiệu” của những bộ ảnh lay động, thậm chí “chấn động” của ông là nhiều câu chuyện thuộc về chiều sâu của một người có thâm niên trên dưới 30 năm cầm máy ảnh. Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện cùng NAG gắn liền với những kỉ lục về giải thưởng.

Về những “đặc sản” Việt Nam…

- Thưa nhiếp ảnh gia Nguyễn Á, đầu tiên xin được chúc mừng ông đã trở về sau chuyến đồng hành cùng Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc và ra mắt sách ảnh cùng chủ đề. Ông đã đặt chân tới nhiều quốc gia trên thế giới, vậy chuyến đi này có gì đặc biệt?

NAG Nguyễn Á: Nhiều người cũng hỏi tôi: Tại sao lại được Bộ Quốc phòng ra quyết định đồng ý cho sang nước bạn? Thậm chí là: Có “quen biết” ai không? Có “chiến lược” gì không? Thực ra, tôi chỉ có trái tim, nụ cười và những cuốn sách. Trước đó, tôi đã tìm hiểu kĩ về Lực lượng Gìn giữ hòa bình. Năm nay đã là năm thứ 8 Việt Nam cử người sang. Tôi cũng có gửi những cuốn sách ảnh của mình tới lãnh đạo Bộ Quốc phòng với mong muốn được nhìn nhận, tin tưởng và tạo cơ hội. Đó là những việc tôi hoặc bất cứ ai cũng có thể làm. Tuy nhiên, khi có trên tay quyết định của Bộ Quốc phòng, tôi đã rơi nước mắt, đó thực sự là một niềm xúc động lớn lao, nghẹn ngào, khó tả. Mọi chuyện cứ như trong giấc mơ. Tôi đã được trao cơ hội thật quý giá; được đến một trong những nơi xa nhất, nghèo nhất, nóng nhất và khổ nhất; được gặp gỡ những đối tượng mà cả cuộc đời có thể không bao giờ tiếp cận được… Sao mà không nghẹn ngào, xúc động cho được? Ngay cả bây giờ, khi trò chuyện với bạn, tôi vẫn rưng rưng, lâng lâng, khó diễn tả cảm xúc ấy một cách đầy đủ và rõ nét.

- Chuyện tác nghiệp ở Nam Sudan chắc hẳn cũng vì thế mà mang dấu ấn khác biệt so với những quốc gia, vùng lãnh thổ mà ông đã đi qua?

NAG Nguyễn Á: Tôi may mắn khởi đầu hành trình tới Nam Sudan với các đồng chí ở Bệnh viện Dã chiến 2.4 và khi trở về thì lại đồng hành cùng Bệnh viện Dã chiến 2.3. Hành trình một tháng theo chân Lực lượng Gìn giữ hòa bình mà được tiếp xúc với hai bệnh viện cũng là một cơ hội ngỡ chỉ có trong mơ. Khó nhất trong tác nghiệp đó là cơ hội được tiếp xúc với người dân bản địa. Họ ở trong khu trại tị nạn cách ngăn với nơi đóng quân của Bệnh viện Dã chiến chỉ bởi một hàng rào. Mỗi ngày, ở bên này, tôi không ngừng tưởng tượng và nghĩ ngợi về những con người nghèo khổ, phải sống dựa vào lương thực viện trợ của Liên Hợp Quốc. Chụp ảnh trong Bệnh viện Dã chiến là nhiệm vụ cần thiết, cuốn hút, nhưng chưa đủ. Tôi luôn tự nhủ và ước ao được mở rộng giới hạn, sang phía bên kia hàng rào. Tất nhiên, chúng tôi sẽ được tạo điều kiện vào thời điểm hợp lí nhưng không phải cứ muốn là được. Mọi quy định rất nghiêm ngặt nhằm bảo đảm sự an toàn. Trong quá trình một tháng đó, bất cứ giờ nào tôi cũng có thể bấm máy chụp ảnh từ sáng sớm cho đến tối. Khi có bệnh nhân tới khám, tôi ở bệnh viện túc trực để tác nghiệp. Khi các đồng chí quân nhân đi dân vận, tôi được đi theo ra bên ngoài. Ở đó, môi trường tác nghiệp không có bất cứ sự sắp đặt trước nào, mọi khoảnh khắc đều được ghi lại bằng hình ảnh. Ngày nào tôi cũng cầm máy ảnh, thậm chí ngủ cũng mơ có chiếc máy ảnh trên tay. Tôi luôn đau đáu một điều: Những bức ảnh hôm nay phải mới hơn, tốt hơn hôm qua; phải làm sao dựa vào câu chuyện của những chiến sĩ mũ nồi xanh để truyền cảm hứng cho tất cả mọi người. Chuyến đi của tôi bắt đầu từ 27/4 đến 27/5, và khi ra sách ảnh là ngày 1/7. Tức là, từ ngày đi đến ngày ra sách tôi chỉ có 64 ngày. Với thời gian có hạn ấy, tôi luôn cố gắng hết sức, thậm chí khi trở về tôi đã sụt 5kg. Tôi muốn vừa chụp ảnh, vừa biên tập thực sự chu đáo và kĩ lưỡng để chuẩn bị cho tác phẩm.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á sinh năm 1968 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế: Giải A, Giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc năm 2010, 2017, 2018; Giải A, Giải thưởng Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam 30 năm đồng hành cùng đất nước đối mới; Cúp vàng Xuất sắc 2014 cho sách ảnh Hoàng Sa - Trường Sa biển đảo Việt Nam. Đã xuất bản nhiều sách ảnh kết hợp triển lãm ảnh gây được tiếng vang: Họ đã sống như thế; Nick Vujicic và những ngày ở Việt Nam; Hoàng Sa - Trường Sa biển đảo Việt Nam; Đờn ca tài tử - Lời tự tình của dân tộc, quê hương; Hầu đồng Việt Nam; Chúng tôi là Việt Nam; Sài Gòn ngoan cường; Hành trình cùng Lực lượng Gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan (2022)…

- Giá trị nào của Việt Nam khiến ông tin rằng đó là một “đặc sản” ở nước bạn?

NAG Nguyễn Á: Ngoài ấn tượng về những con người Việt Nam tinh nhuệ, dũng cảm, giỏi chuyên môn, ngoại ngữ, có tấm lòng nhân hậu thì có rất nhiều phẩm chất, đặc thù khiến tôi chú ý và rung động khi dõi theo. Đầu tiên, đó là kỉ luật. Có những đồng chí lãnh đạo, có đồng chí làm chuyên môn, có lái xe, cấp dưỡng... nhưng dù đó là ai, kể cả giám đốc Bệnh viện Dã chiến vẫn phải thay phiên trực ở cổng. Tiếp theo, đó là vẻ đẹp tâm hồn Việt. Trung tá Trịnh Mỹ Hòa, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến 2.3 không chỉ giỏi công tác chuyên môn, điều hành mà anh còn nổi tiếng ở việc trồng cây. Đại diện Liên Hợp Quốc và các nước bạn rất ngạc nhiên khi thấy anh tặng cây giống và hướng dẫn người dân địa phương trồng cây. Không thể tưởng tượng được giữa nơi thiếu nước, nắng nóng khủng khiếp, mọi điều kiện đều khắc nghiệt như thế mà bệnh viện lại toàn cây xanh, khu tăng gia của quân nhân Việt Nam đầy đủ giàn bí, bầu, mướp, và các loại rau, hoa hướng dương, hoa muống, hoa sử quân tử... Bởi thế, mọi người còn gọi Trung tá Trịnh Mỹ Hòa với biệt danh thân mật là anh “Hai lúa”. Nhóm sáng tạo của Bệnh viện Dã chiến 2.3 còn để lại ấn tượng khó phai với nhiều tác phẩm: Bản đồ sỏi các nước dành tặng cho các đơn vị bạn; Bức tranh Bác Hồ và các Lực lượng Gìn giữ hòa bình bằng vỏ lon tái chế; Trang trí phòng họp sang trọng của phân khu dành tiếp khách; Chong chóng từ phim X quang đã sử dụng tặng trẻ em… Hoặc những khẩu trang thêu chữ Việt Nam do các y bác sĩ tự làm, phát cho người dân bản địa mà họ rất quý ở bối cảnh đại dịch.

Nam Sudan, một quốc gia tuy còn bất ổn, còn muôn vàn khó khăn nhưng người dân vẫn luôn lạc quan, tươi vui và vô cùng mến khách, mỗi lần gặp đoàn Việt Nam, họ đều nở nụ cười và nói: “Việt Nam good, Việt Nam number one”. Tôi cảm thấy tự hào khi hình ảnh đất nước mình hiện diện thật đẹp trong trái tim họ. Qua những chi tiết nhỏ này, có thể cảm nhận rằng những chiến sĩ mũ nồi xanh của chúng ta không chỉ nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế mà còn có chiến lược lâu dài nhằm bảo vệ môi trường, củng cố niềm tin và tình đoàn kết hữu nghị với bạn bè quốc tế. Ta đến với một đất nước không chỉ qua bối cảnh, nhiệm vụ, mà còn là sự ấm áp trong tâm hồn. Mỗi bức ảnh phải chứa đựng trong đó hồn cốt dân tộc, phải là sự kết nối các nền văn hóa và phải có sự tinh tế.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á giao lưu với người dân tại Nam Sudan

- Trong quá trình ghi lại những khoảnh khắc quý giá bằng hình ảnh, kỉ niệm nào gắn với Nam Sudan để lại ấn tượng sâu sắc với ông?

NAG Nguyễn Á: Trước chuyến đi đó là đám tang của Liệt sĩ, Trung tá Đỗ Anh hi sinh khi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Trong niềm xúc động đến nghẹt thở, tôi vẫn cầm máy ghi lại từng khoảnh khắc. Sự hi sinh của Liệt sĩ là mất mát lớn đối với gia đình và Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Tôi vẫn luôn dõi theo gia đình nhỏ có vợ và hai con anh. Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, thiếu vòng tay ấm áp của cha, các cháu vẫn được vỗ về, an ủi trong vòng tay đồng đội của cha mình. Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã đến thăm, tặng quà động viên các cháu. Tiếp theo đó là cảnh xuất quân của Bệnh viện Dã chiến 2.4 với sự có mặt của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Bố mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng, con tiễn cha, đồng nghiệp tiễn nhau. Trong nhiều bức ảnh mà nước mắt tiễn đưa và nụ cười hi vọng hòa quyện thì tôi nhớ tới bức ảnh mình chụp vợ chồng Trung úy Vũ Anh Đức và Nguyễn Ánh Hồng, thành viên Bệnh viện Dã chiến 2.4 từ cửa máy bay tươi cười chào tạm biệt. Họ có con trai mới 4 tuổi, cháu không ra sân bay tiễn bố mẹ để bảo đảm an toàn trong dịch bệnh Covid-19. Họ chia sẻ rằng, đêm trước khi bố mẹ lên đường, cậu bé biết chúc bố mẹ hoàn thành tốt nhiệm vụ và hứa ở nhà sẽ ngoan. Bé được gửi bà ngoại chăm sóc. Sang Nam Sudan, mỗi khi rảnh rỗi, tôi thường chứng kiến đôi vợ chồng gọi điện về nhà, kể chuyện về con một cách say sưa. Đó là những phút giây đầy tình cảm, ấm áp và gợi lòng trắc ẩn. Đó là lúc đi, còn ngày về cùng Bệnh viện Dã chiến 2.3 tại sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 27/5, tôi cũng khóc. Ánh mắt, nụ cười, cảm xúc của con người ở Nam Sudan, dù họ là ai, làm gì, độ tuổi thế nào… cũng đều rất khác. Bởi thế, ngoài những bức ảnh đã triển lãm và có trong sách ảnh, tôi vẫn lưu giữ cả một kho ảnh phong cảnh, con người, động vật… mà khi có cơ hội chắc chắn sẽ ra mắt công chúng.

- Là nhiếp ảnh gia gắn bó với người lính cũng như các hoạt động quan trọng của Quân đội, ông cảm nhận thế nào về hình tượng người lính hôm nay?

NAG Nguyễn Á: Đó luôn là lực lượng tinh nhuệ, hiện đại, sáng tạo, cởi mở. Họ được thừa kế truyền thống quý báu của dân tộc ta, cũng được thụ hưởng tầm chiến lược của đội ngũ lãnh đạo, chiến lược đối ngoại của Quân đội nhân dân Việt Nam. Suốt quá trình làm nghề, tôi nhận được rất nhiều bài học quý giá từ những người lính. Họ không chỉ có trí tuệ, lòng quả cảm mà còn tạo được niềm tin lớn lao. Đó là điều quan trọng nhất. Trước khi nhìn vào tài năng, yếu tố đầu tiên còn là anh có tạo được niềm tin hay không. Ở những môi trường đặc biệt như biên giới, hải đảo hay môi trường quốc tế là Nam Sudan, những người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tạo được niềm tin đặc biệt.

Để “cái tôi” đập mạnh…

- Quanh năm bận rộn với các dự án lớn trong nước và quốc tế, cũng không làm cố định ở một cơ quan nào, điều gì dẫn tới lựa chọn đó của ông?

NAG Nguyễn Á: Tôi trải qua tuổi thơ nghèo khó và cực nhọc, có tới 11 anh chị em, bản thân bươn chải khoảng gần chục nghề nghiệp và từ nhỏ đã làm chân đưa báo rồi mê đọc sách báo. Ở tuổi thanh niên, tôi giã từ sự nghiệp thể thao với “tài sản” là cái chân và cái tay gãy. Nhờ kiên trì và sự giúp đỡ của gia đình, mọi người chung quanh mà tôi có ngày hôm nay. Tôi cảm nhận tính mình như con ngựa hoang, thích đi đây đi đó. Đôi khi, tôi thấy việc gắn bó với một môi trường công việc là hợp lí với mình bởi làm gì mình cũng sẽ nỗ lực hết sức, đam mê hết sức. Song, có lúc tôi cũng lại cảm thấy nó không hợp với mình, bởi cái tôi không thể đập mạnh trong môi trường tập thể. Thực ra, làm cố định ở đâu đó hay không cũng không quá quan trọng.

- Với người làm nghề tự do mà tác nghiệp những đề tài lớn của xã hội như đại dịch, biển đảo… liệu ông có gặp trở ngại về khâu thủ tục, xác nhận để có cơ hội bấm máy?

NAG Nguyễn Á: Thời điểm bùng phát dịch Covid-19, tôi không xin được giấy của Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh để đi tác nghiệp. Rất may, tôi kết nối và xin được giấy thông hành để đi đường do một Bệnh viện Dã chiến cấp, nếu không tôi đã không thể làm được gì trong lúc căng thẳng nhất của đỉnh dịch. Đi Trường Sa hay Nam Sudan tôi đều trình bày lí do, mục đích rõ ràng và chờ đợi sự chấp thuận. Tôi cho đó là điều hết sức bình thường. Nói rằng tôi có “chiến lược” cũng đúng, bởi tôi không bao giờ làm việc mà không đặt ra kế hoạch. Thậm chí, kế hoạch cần chuẩn bị kĩ lưỡng từ khá lâu, có sự dự đoán, dự báo. Trong thâm tâm, tôi rất biết ơn cách nhìn nhận, mục đích hướng tới tương lai của các cấp lãnh đạo. Họ từng chia sẻ rằng, có rất nhiều nhiếp ảnh gia cũng muốn có cơ hội như tôi, đồng thời muốn nhận được câu trả lời vì sao tôi là người được lựa chọn chứ không phải ai khác. Những băn khoăn đó được hồi đáp rằng: Chờ ngày về của người cầm máy, sẽ có câu trả lời. Đó là may mắn, cũng là áp lực cho tôi. Chẳng hạn, được đến Nam Sudan là một nhẽ, nhưng làm có tốt hay không lại là chuyện khác. Rất nhiều yếu tố khách quan sẽ tác động vào. Vậy ta phải làm gì? Ta không thể hời hợt, làm chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt mà cần thả hồn mình vào. Phải bấm máy từ trước khi diễn ra sự việc cho tới phút cuối cùng. Phải mang một trái tim dành cho cộng đồng. Nếu anh cá nhân một chút sẽ khác ngay, không tỏa sáng được đâu. Những ngày tháng tác nghiệp trong lòng dịch bệnh, tôi cảm tưởng mình như đã ở một thế giới khác, giữa những người đã chết, giữa đoàn xe cấp cứu chạy liên tục… Một thành phố từng phát triển, sôi động, văn minh… vì đâu nên nỗi? Tôi nghĩ rằng, trong công việc sáng tạo, tạo ra tác phẩm chưa đủ, phải tìm hiểu nguyên nhân, phải thường xuyên dịch chuyển và tự vấn để hiểu được giá trị tinh thần con người, cuộc sống.

- Ông có kinh nghiệm gì về sự lăn xả với nghề khi thâm niên đã trên dưới 30 năm cầm máy ảnh?

NAG Nguyễn Á: Phải học! Và không ngừng học. Đến bây giờ, sau nhiều chục năm làm nghề, bắt đầu từ máy ảnh chụp bằng phim, mỗi khi chụp một bức ảnh, đêm đến tôi vẫn ám ảnh liên tục về công việc. Chúng ta muốn học tập, tư duy thế nào đi nữa mà thấy trước cuộc sống, con người, trái tim lại lạnh thì tác phẩm sẽ bị “khử” ngay tức khắc. Một cái tôi đập mạnh, nhưng cũng phải là cái tôi dành cho cộng đồng, cho cái chung. Điều đó thể hiện sự can đảm, đam mê, muốn làm cho đến cùng không phải cho bản thân mà luôn nghĩ vì cộng đồng, mong ghi lại những hình ảnh lịch sử, những ngày tháng không thể nào quên của cuộc sống và đất nước. Nghề ảnh, xét cho cùng là nghề dạy nghề. Đừng bao giờ ngại hỏi. Mà hỏi được những người giỏi kinh nghiệm trong nghề cũng như có kiến thức xã hội thì chắc chắn bạn sẽ tiến bộ rất nhanh.

- Ngoài cá nhân tác giả, còn yếu tố nào quan trọng giúp cho các tác phẩm nhiếp ảnh đến được với công chúng một cách hiệu quả và lay động?

NAG Nguyễn Á: Đó là người biên tập. Cần có người biên tập giỏi nghề, không được vô tâm, hời hợt, ích kỉ. Họ sẽ tác động vào sự thành bại của từng tác phẩm. Trong nhiếp ảnh, ảnh bộ thường thể hiện mạnh nhất tư duy, cá tính và thẩm mĩ của tác giả. Đây cũng là mảng cần nhất về biên tập. Nhiều khi, chỉ một sự gợi mở, gợi ý… nho nhỏ cũng làm nên những thay đổi đáng kể.

- Có những ý kiến cho rằng, ở bối cảnh hiện nay, khi văn hóa “nhìn” có vẻ vượt trội hơn “đọc” thì cũng là lợi thế để các nhiếp ảnh gia tạo nên sức ảnh hưởng?

NAG Nguyễn Á: Tôi có cảm nhận phần nào về câu chuyện này. Như bản thân tôi thường xuyên đọc báo, xem ảnh, xem truyền hình. Nếu không đọc, không xem sẽ cảm thấy có gì đó không ổn. Nói về văn hóa nhìn, tôi cho rằng những người trẻ đang góp phần làm thay đổi đáng kể cách nhìn nhận về tư duy, văn hóa. Mỗi dịp giao lưu tại các trường đại học trong cả nước, tôi còn phát choáng về sự thông minh táo bạo của họ. Các nhiếp ảnh gia trẻ cũng vậy, họ khiến tôi cảm phục và trân trọng. Thí dụ, trong đại dịch Covid-19, có rất nhiều tác phẩm của tác giả trẻ gây ấn tượng và xúc động mạnh. Bộ ảnh Những ngày tang lặng lẽ giữa dịch Covid của tác giả Duy Hiệu thể hiện rõ ý chí, sự kiên nhẫn của những người làm báo dũng cảm. Chàng trai ấy mới 25 tuổi. Bức ảnh chụp một người già ngồi co ro để tay che lên khẩu trang và không thể tiễn đưa người thân đang được lực lượng y tế chuyển ra khỏi nhà bộc lộ nỗi đau đớn, một cách trần trụi. Các cuộc thi của nhiếp ảnh thế giới thường chấm điểm cảm xúc. Bởi đó chính là điều khủng khiếp nhất mà một bức ảnh mang lại. Hay tác giả Hữu Khoa, một phóng viên giỏi, sinh năm 1988 ở Kiên Giang. Bộ ảnh Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh đoạt giải B Giải Báo chí quốc gia 2021 là bộ ảnh tôi thích. Ở đó, không chỉ có yếu tố báo chí mà trên hết còn là nghệ thuật, còn thể hiện được rõ cái tôi trong tác phẩm.

Gần nhất, có thể nhắc tới đề tài được cả xã hội và thế giới quan tâm đó là môi trường. Cá voi xuất hiện ở biển Đề Ghi (Phù Cát, Bình Định) là một hiện tượng hiếm gặp, rất thú vị. Để công chúng được ngắm những bức ảnh mãn nhãn là sự dấn thân của những nhiếp ảnh trẻ như Huỳnh Văn Truyền, Quỷ Cốc Tử... Họ đã thuê tàu đi theo cá voi, chụp bằng máy ảnh, điều khiển bay Flycam, không quản công sức và kinh phí. Có thể người ngắm ảnh chỉ cảm nhận được một hiện tượng kì thú của thiên nhiên chứ ít chú ý tới tư duy và cảm xúc người chụp. Thậm chí, người chụp ảnh còn phải tiên liệu về mức gió, nước… để có ảnh đẹp. Như chúng ta đã thấy, họ không cần chụp cả một con cá voi to, chỉ cần chụp cái miệng to, chỉ cần bay Flycam để so sánh giữa cá và tàu. Đề cập đến văn hóa nhìn, tôi tự hào về đồng nghiệp, nhất là đồng nghiệp trẻ. Họ làm những việc ta không làm được thì không cớ gì mà không ghi nhận. Lợi thế gì thì cũng phải lăn xả, hi sinh…

Điều gì cũng phải đi tới tận cùng…

- 7 lần đi Trường Sa, 1 lần tới vùng biển Hoàng Sa và ra mắt những cuốn sách ảnh ấn tượng về chủ quyền biển đảo Tổ quốc, hẳn trong ông cũng có những niềm tin về chính bản thân mình?

NAG Nguyễn Á: Không phải tôi tin mình sẽ làm tốt, mà tin rằng sẽ phải hết mình. Phải nghĩ rằng nếu không nắm bắt cơ hội thì mình không có cơ hội ghi lại những khoảnh khắc lịch sử quan trọng nữa. Tôi thích đi Trường Sa vào mùa cuối năm, biển động mạnh. Khi đó, tôi không chỉ chụp ảnh mà còn viết được, còn có cơ hội làm mới mình. Xuất thân là vận động viên thể thao, tôi đam mê sự vận động hòa quyện trong cảm xúc. Điều đó cũng như nhiếp ảnh, cần hội tụ đủ yếu tố tĩnh và động. Trải qua một chặng đường đủ dài với công việc này, tiếp xúc, va đập nhiều, tôi học từ những điều “cà chớn” nhất, “kì cục” nhất, miễn sao đừng để nó “nhập” vào mình là được. Tôi còn nhớ, năm 2013, lần đầu tiên diễn giả không chân không tay Nick Vujicic sang Việt Nam, diễn thuyết trước hơn 25.000 khán giả, hàng mấy trăm tay máy đều tìm cách tiếp cận nhân vật. Bỗng dưng trời mưa, toàn sân vận động Mỹ Đình ngập trong màn mưa. Quay đi quay lại, chỉ thấy còn mỗi mình, các đồng nghiệp đã di chuyển vào bên trong khán đài để… bảo vệ máy ảnh. Cũng có thể coi đó là sự kì cục của tôi, nhưng là khoảnh khắc có giá trị nhờ một bức ảnh độc nhất vô nhị được chụp trong mưa. Bắt đầu cuốn sách ảnh đầu tiên Họ đã sống như thế vào năm 2008, tôi đặt ra mục tiêu những gì tiếp theo phải là những “công trình”. Làm sách ảnh có thể khác với sách văn học hay các thể loại khác, tác giả phải tự biên tập, tính toán, tự chu đáo với… mình. Nhưng, có một điều nhiếp ảnh cũng giống như văn chương, đó là phải thể hiện cái tôi một cách mạnh mẽ. Lĩnh vực nào cũng thế, người sáng tạo tác phẩm đồng thời cũng phải mang phong cách của một người làm văn hóa.

- Bên cạnh những bài học từ người lính và đồng nghiệp… thì các nhân vật bình dị, thậm chí phải chịu nhiều bất hạnh trong cuộc sống đã nhiều lần xuất hiện trong tác phẩm có mang lại bài học nào cho ông không?

NAG Nguyễn Á: Tôi yêu những nhân vật của mình và nhận ra biết bao giá trị quý giá. Tôi từng chụp bộ ảnh về vợ chồng ông Nguyễn Văn Long và bà Đoàn Thị Tám Em ở Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp làm nghề nhặt ve chai, chài lưới… nhặt được túi xách có tài sản bạc tỉ đã trả lại cho người đánh mất. Họ rõ ràng là những người rất nghèo khó, cực nhọc, ông Long còn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải đi chăn trâu, làm thuê, làm mướn tự nuôi sống bản thân nhưng đáng quý nhất là họ đã trả lại tài sản cho người khác trong lặng lẽ. Tôi đã chụp ảnh hai anh em “hiệp sĩ công nghệ” Nguyễn Công Hùng và Nguyễn Thảo Vân - những người không may mắn bị tật nguyền nhưng không chịu đầu hàng số phận. Ám ảnh nhất với tôi là một kỉ niệm buồn, khi ngày nọ tôi vừa chụp xong cho Hùng bộ ảnh thì buổi chiều đó anh qua đời. Khi ấy, Hùng chỉ nặng 17kg, có người yêu là cô gái người Lào, họ cùng nhau đi miền Tây và Hùng mất ngay trên chuyến xe đò. Mối tình ấy khiến tôi rung động và chếnh choáng trong ý niệm: Cuộc đời này đẹp quá! Còn Vân, Vân nặng hơn 20kg, cũng có mối tình đẹp với chàng kĩ sư công nghệ người Úc. Họ khiến tôi cảm phục về sự can đảm, ý chí, và cảm thấu giá trị không giới hạn về tình yêu thương, sự tử tế của con người dành cho nhau.

- Ông có cảm thấy những giá trị mình nhận được thông qua giải thưởng và sự đón nhận của công chúng đã tương xứng với hành trình không ngừng nghỉ suốt 30 năm qua?

NAG Nguyễn Á: Tôi nghĩ rằng, người ta nhìn anh thì biết anh thế nào nên mọi thứ đơn giản với tôi là mang sự tử tế, khát vọng tới mọi người, gắng học tập, chắt lọc tinh hoa của người Việt Nam và bạn bè quốc tế. Tôi học ở nghề báo sự nhanh nhạy, chính xác và quyết đoán. Còn nhiếp ảnh, đến thời điểm này đối với tôi vẫn như một giấc mơ. Tôi nhận được rất nhiều từ bao nhiêu câu chuyện đẹp trong cuộc sống để yêu người, yêu đời và đó cũng là giá trị sống cốt lõi trong con người tôi. Điều gì cũng vậy, phải đi tới tận cùng. Phải lấy sự tử tế và công bằng làm yếu tố đầu tiên. Nói vậy thôi, nhưng tôi vẫn sợ làm tổn thương người khác mà mình không biết. Không ngừng bồi đắp chính mình, điều đó quan trọng lắm. Nghệ thuật không có may mắn, phải từ sự khổ luyện mà bước đi.

- Thời gian tới, ông có dự định để tiếp tục đồng hành với đề tài người lính, biển đảo và hướng tới cộng đồng xã hội?

NAG Nguyễn Á: Tôi vẫn tiếp tục sáng tác về những chủ đề này, để tôn vinh đất nước, con người Việt Nam. Sau mỗi chuyến đi, tôi có được nhiều năng lượng từ môi trường, con người, đặc biệt là những người lính đã và đang lan tỏa tình yêu nước, đoàn kết quốc tế với tài trí và tinh thần cống hiến cao cả. Với một người cầm máy ảnh, quan trọng nhất vẫn là được làm những điều mình thích, và thích những điều mình làm. Quan trọng hơn, tôi luôn thấy mọi thứ xung quanh đều nhẹ nhàng, đều đẹp và tôi yêu tất cả.

- Trân trọng cảm ơn nhiếp ảnh gia Nguyễn Á về cuộc trò chuyện. Chúc ông luôn dồi dào sức khỏe và không ngừng sáng tạo!

ĐOÀN VĂN MẬT thực hiện

VNQD
Thống kê