Đi tìm ảnh của bạn tôi

Chủ Nhật, 15/10/2023 00:27

. PHAN VƯỢNG
 

Năm 1978. Một buổi chiều lất phất mưa, đang chốt ở rừng Lò Gò tỉnh Tây Ninh, hai người lính trinh sát chúng tôi được lệnh lên Đại đội 9 cáng thương. Lần đầu tiên được giao nhiệm vụ này, tôi thật sự lúng túng, không biết nên bắt đầu từ đâu. Tôi chạy sang trung đội vận tải mượn đòn và võng. Một người lính đưa đòn, hỏi võng đâu thì được bảo, lính ai chả có võng, lấy luôn của họ mà khiêng. Chúng tôi vác đòn, khoác súng băng rừng đi. Đến nơi, trận chiến đã im tiếng súng, hỏi thương binh, đại đội trưởng bảo hôm nay có một đồng chí hi sinh, thi thể vẫn còn đang trên chốt, các cậu xuống Trung đội 3, họ chỉ vị trí cho. Chúng tôi định đi ngay thì anh gọi vào trong hầm chỉ huy, bảo: Các cậu ngồi đó, đợi tớ viết giấy chứng tử. Hí hoáy một lúc, anh đưa cho tôi mảnh giấy trắng nhỏ bằng bàn tay. Tôi đọc lướt qua: Đồng chí: Nguyễn Đình Tư; Sinh ngày… tháng… năm... Quê quán… Không tin vào mắt mình, dây thần kinh hai bên mang tai giật giật. Tôi đọc nhanh lại lần nữa. Trời ơi, thằng Tư!

Minh hoạ: Đặng Tiến

Thấy tôi đứng như trời trồng, đại đội trưởng hỏi: Sao thế, sai sót chỗ nào à? Đồng chí đi làm nhiệm vụ ngay đi, không Pốt quay lại bu bám bây giờ đấy. Nhớ bỏ tờ giấy này vào túi áo của liệt sĩ rồi cài cúc cẩn thận nhé. Tôi nhìn đại đội trưởng, giọng run run: Anh ơi, đây là thằng đồng hương cùng huyện với em, hai đứa nhập ngũ một ngày, cùng một đơn vị huấn luyện… Tôi đưa hai bàn tay che mặt, giấu giọt nước mắt yếu đuối của mình. Thấy tôi xúc động, anh đặt tay lên vai an ủi như một người anh rồi kể: “Mấy ngày trước địch bắn pháo dữ lắm, nhưng hôm qua chỉ cầm canh, thỉnh thoảng lại rộ lên một đợt cối 82, cối 60. Chúng không tấn công đồng loạt mà tiến hành bu bám đột nhập, chỗ nào ta cũng phát hiện thấy địch, hậu cần không tiếp tế được cơm nước, bộ đội vừa đói vừa khát, ai nấy mặt mũi nhem nhuốc đầy cát bụi và khói súng. Số anh em tân binh Hà Bắc, Hoà Bình, Nghệ An mới bổ sung vào được lính cũ chỉ bảo và thực hành hơn một tháng đã dạn dày kinh nghiệm, nhất là anh em Nghệ An quê cậu thích nghi nhanh, dũng cảm, rất tự tin. Ban chỉ huy quyết định chọn Trung đội 3 làm mũi đột phá ra xa chốt một ki lô mét đánh tạt sườn trái vòng về phía sau để thông đường tiếp tế. Sáng nay, lúc 5 giờ 40 phút, tôi cùng Trung đội 3 xuất kích. Tiểu đội cối bắn 20 quả dọn đường, sau khi cối bắn giãn xạ, chúng tôi bắt đầu tiến ra. Cách chốt khoảng hơn trăm mét thì gặp địch. Địch không đông như ta tưởng, chỉ vài ba chục, nhưng một thằng sử dụng đến hai ba loại súng, nên cảm giác chúng đông lắm. Tư là y tá đi cùng tiểu đội chủ công của Trung đội 3. Sau khi đuổi địch ra xa chốt khoảng một ki lô mét, trên đường về, một quả pháo chụp nổ gần đội hình…”

Kể đến đây, anh dừng lại vuột tiếng thở dài. Thôi các cậu đi đi.

Tới chốt, tôi hỏi trung đội trưởng chỗ nằm của Tư, anh chỉ tay về phía trước. Hai thằng chúng tôi vác đòn chạy lên. Đến nơi, thấy Tư nằm như đang ngủ. Chúng tôi tìm quanh nhưng không thấy võng. Lấy gì mà khiêng đây. Hai thằng quay về trung đội. Loay hoay mãi chúng tôi cũng xin được một cái rồi trở lại.

Tôi đặt tờ giấy báo tử vẫn đang cầm trên tay xuống đất, bế Tư đặt vào võng, lặng người không nói được câu nào. Tôi không khóc nhưng thương bạn vô cùng. Chưa lần nào tôi thấy trái tim mình đau nhói thế này. Tôi nghẹn ngào gọi: Tư ơi!

Đây là lần đầu tiên trong đời tôi đụng vào xác chết. Cảm giác lúc đầu cũng hơi sợ sợ. Nhưng làn da vẫn còn hơi âm ấm, cơ thể đang mềm mại của người đồng hương làm tôi bình tĩnh lại. Tư bị một mảnh đạn pháo xuyên thẳng vào đầu, máu chảy ít, thành ra áo quần sạch sẽ. Vì luống cuống nên khi khâm liệm xong, khiêng Tư về hầm chốt Trung đội 3, tôi mới sực nhớ mình quên béng mất không bỏ tờ giấy ghi họ tên vào túi áo Tư.

Tôi thật sự lo lắng. Quay lại chỗ Tư nằm rất nguy hiểm vì lúc này bọn Pốt đã quay trở lại bu bám. Hay… Một ý nghĩ hèn nhát thoáng qua trong đầu. Nếu không quay lại, Tư sẽ trở thành liệt sĩ không tên và cha mẹ Tư sẽ không biết mộ của con ở đâu để tìm. Bạn bè, đồng đội biết chuyện sẽ không tha thứ cho tôi… Nghĩ vậy, tôi quyết định nói thật với người bạn đi cùng để tìm cách giải quyết. Anh khuyên tôi nên trở lại hầm đại đội để xin tờ giấy khác. Tôi gắt, để ông ấy chửi cho à! Và nhỡ ông ấy đi công chuyện rồi thì sao. Tôi quyết định nhờ anh bạn yểm trợ cho mình quay lại chỗ cũ. Hai thằng nhanh như hai con sóc luồn lách cây rừng đến vị trí lúc nãy. Một quả B40 xoẹt… oành… ngay phía sau. Lên đến nơi, tìm mãi chẳng thấy đâu. Chúng tôi đành quay trở lại hầm đại đội xin tờ khác. Tôi bị đại trưởng mắng cho một trận. Nhưng cuối cùng anh cũng ghi cho tờ giấy mới.

Mấy ngày sau, trong một trận đánh vận động, nghe nói đại trưởng bị thương khá nặng khi đang đứng chuẩn bị bắn quả B40 thứ hai. Thương anh quá.

Hầm của tiểu đội trinh sát chúng tôi nằm ngay cạnh con đường mòn đi lên chốt, cách Sở chỉ huy Tiểu đoàn khoảng bảy tám chục mét. Lần nào đưa tử sĩ trên chốt về, các đồng chí vận tải cũng đều để anh em nằm tạm bên trên căn hầm của chúng tôi, chờ đêm khuya vận tải trung đoàn xuống cáng về. Đã thành thông lệ, chúng tôi thường mở võng nhìn xem người hi sinh hôm ấy là ai, có đồng hương của mình không…

Lần này đưa Tư về, chúng tôi cũng khẽ khàng đặt xuống cạnh hầm. Tôi lục trong ba lô lấy chiếc khăn mặt và bình tông nước lạnh dấp ướt khăn rồi nhẹ nhàng mở võng lau mặt, lau người cho Tư. Tư nằm như đang ngủ, làn da không còn ấm nóng như lúc chiều. Tôi vuốt mắt cho nó. Mày sống khôn thác thiêng linh hồn ở đâu về nhập xác để đồng đội đưa về đất mẹ, Tư ơi! Tôi nói như vậy ba lần như thể các cụ ở nhà đang hú hồn cho người đã mất.

Đêm về khuya, trời mưa rả rích. Nằm dưới hầm mà tôi không tài nào ngủ được. Hai thằng nằm gần nhau mà âm dương cách biệt. Tôi nằm trong hầm cùng đồng đội ấm cúng thế này, còn nó một mình lạnh lẽo cô đơn giữa trời mưa gió. Tôi vùng dậy ra lục tung ba lô của nó tìm ni lông. Trời tối như bưng lò mò mãi mới thấy, tôi cắt ba sợi dây rừng, phủ ni lông lên thi thể Tư, cẩn thận cột ba vòng để gió không thổi mất.

Gần sáng anh em vận tải trung đoàn mới xuống được để đưa Tư về. Trước khi chia tay, tôi hứa với nó: Tao sẽ giữ gìn cẩn thận tấm phim mà mày đã tặng tao, khi nào về nước tao sẽ rửa ảnh cho mày.

Hồi huấn luyện ở Quân trường Lam Sơn, Dục Mĩ - Phú Khánh (tỉnh Khánh Hoà bây giờ), đơn vị quản lí anh em tân binh chúng tôi chặt lắm. Thi thoảng, ngày chủ nhật được nghỉ, chúng tôi thường trốn trại ra thị trấn Dục Mĩ chơi và chụp ảnh. Một hôm, Tư khoe với tôi tấm ảnh chúng tôi chụp chung. Tôi bảo, còn tấm ảnh nào tặng bạn không. Nó cười thật thà, tao chỉ đủ tiền rửa ba tấm gửi hết về nhà rồi. Đợi phụ cấp tháng sau sẽ rửa thêm hai tấm nữa, tao và mày mỗi đứa một tấm. Lát sau, không hiểu suy nghĩ thế nào, Tư đưa tấm phim âm bản cho tôi bảo, mày cầm và tự rửa lấy nhé.

Chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ, chúng tôi lên đường chiến đấu. Tấm phim Tư đưa nằm im dưới đáy ba lô của tôi. Từ ngày Tư hi sinh, tôi chú ý giữ tấm phim ấy cẩn thận trong túi áo. Trong một lần đơn vị bị tập kích, ba lô và một số quân tư trang bị mất nhưng tấm phim ấy vẫn còn. Trước khi lên máy bay về nước, tôi cẩn thận kẹp nó trong một tờ tiền giấy của Campuchia. Vậy mà, đểnh đoảng thế nào, về đến Bắc Thái, tôi đem đồng tiền đó “khoe” với mọi người nhưng lại quên không cất tấm phim đi, và tấm phim ấy không biết đã rơi đâu mất.

Một thời gian sau tôi mới có dịp tới nhà Tư ở quê. Nhìn lên bàn thờ và bằng Tổ quốc ghi công thấy tấm ảnh không phải Tư, mà là bức vẽ theo tưởng tượng của một họa sĩ. Theo như anh trai Tư kể lại thì hồi đó Tư có gửi về cho gia đình một tấm ảnh làm kỉ niệm. Sau này Tư hi sinh, gia đình có nhờ người thân đưa ra tận Hà Nội in nhưng không hiểu sao bức ảnh lại bị thất lạc. Mấy năm nay tôi lần mò hỏi bạn bè cũ của Tư nhưng không ai còn lưu giữ tấm ảnh nào của Tư cả…

Nghĩ đến tấm phim bị mất, tôi ân hận vô cùng. Nỗi ân hận ấy cứ giày vò tôi. Và đó cũng chính là một trong những động lực giúp tôi quyết tâm trở lại thăm chiến trường xưa để gặp người bạn gái của Tư giờ đang công tác tại tỉnh Tây Ninh mà sau nhiều năm âm thầm tìm kiếm, tôi mới có được địa chỉ. Tôi tin và hi vọng người bạn gái ấy vẫn còn giữ ảnh của Tư, kỉ vật của mối tình đầu.

Tôi bay vào thành phố Hồ Chí Minh, chẳng kịp nghỉ ngơi, bắt xe luôn lên Tây Ninh. Đêm đó, tôi nghỉ tạm tại nhà một người bạn học thời cấp 3 đang là một doanh nhân của tỉnh.

Sáng hôm sau người bạn doanh nhân đích thân dẫn tôi đi. Tôi mặc bộ quân phục còn khá mới, tôi đeo thêm biển tên, phù hiệu rồi lên xe. Sau mấy lần hỏi thăm, mấy lần vòng đi vòng lại, xe dừng trước một ngôi nhà hai gian khá khang trang sạch sẽ. Một cháu gái khoảng mười một, mười hai tuổi chạy ra. Tôi xuống xe hỏi thăm, đây có phải là nhà cô Lan người Nghệ An không? Cháu chào chúng tôi và gật đầu xác nhận.

Tiếp chúng tôi là một thiếu phụ trên 50 tuổi. Bạn tôi giới thiệu mình là Thư quê Nghi Lộc định cư ở thành phố Tây Ninh từ hồi trẻ, còn tôi là bạn mới ở quê vào, hai chúng tôi có việc qua đây, tiện thể ghé vào thăm gia đình đồng hương, để xem thái độ chủ nhà thế nào. Chị cảm ơn rồi quay sang tôi. Có lẽ nhận ra nét quen thuộc, chị chăm chú nhìn như muốn lục lại kí ức, khiến tôi phải ngại ngùng quay mặt đi. Một lúc sau, chị ngập ngừng. Anh là… Có phải… là Phan, bạn Tư không ạ? Sau mấy giây ngỡ ngàng, tôi gật đầu: Vâng, tôi là bạn của Tư. Chị cầm lấy bàn tay tôi nắm chặt, giọng nghẹn ngào: Ôi! Anh Phan! Anh khác xưa quá… hơn 40 năm rồi còn gì. Tôi ngạc nhiên: Ủa, anh em mình đã gặp nhau lần nào đâu? Mà sao em biết anh là bạn của Tư? Chị bảo, cái biển tên trên áo mách chị điều đó. Hồi xưa, mỗi lần viết thư về, Tư hay kể về tôi và có gửi tặng chị tấm ảnh hai người chụp chung với nhau ở Dục Mĩ… Tôi kể cho chị nghe sự hi sinh anh dũng của Tư và nỗi ân hận của mình khi để mất tấm phim âm bản...

Sau khi rót nước mời khách, chị vào trong phòng làm việc lấy ra một tấm ảnh nhỏ đen trắng bằng bàn tay ép plastic cẩn thận đưa cho tôi. Anh ơi, Tư đây! Cầm bức ảnh của Tư, tôi không cầm được nước mắt. Tư ơi! Vậy là tao đã thực hiện được lời hứa với hai cụ là sẽ tìm được ảnh của mày. Biết tin này chắc cả nhà vui lắm.

Chị Lan kể, sau ngày Tư hi sinh, chị xin vào miền Nam làm việc với hi vọng tìm được mộ Tư, và rồi gặp chồng mình bây giờ, khi đó đang làm trong ban chính sách của tỉnh đội. Hiện chị đã có hai cháu một trai một gái. Cháu trai đang học đại học quân sự, cháu gái học cấp 2. Năm nào đến ngày giỗ, cả nhà cũng lên thắp hương cho Tư.

Đầu giờ chiều, chị đưa chúng tôi lên thăm Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên trên đồi 82. Tôi đưa mắt nhìn khắp bốn phía nhưng không nhận ra một nét thân quen nào. Ừ hơn bốn mươi năm rồi còn gì. Rừng tươi trẻ lại còn chúng tôi mỗi ngày một già nua nhưng tình cảm với rừng với đồng đội thì vẫn thế, ấm áp và chân thành. Chị Lan dẫn tôi đến viếng mộ của Tư, kế bên mộ Tư là mộ người bạn đồng hương cùng xã, liệt sĩ Đặng Văn Huy. Tôi gọi thầm trong nước mắt: Tư ơi! Huy ơi!

Hoàng hôn buông xuống núi rừng thật nhanh.

Không thể thắp hết cho tất cả anh em đồng đội đang yên nghỉ tại nghĩa trang biên cương này, tôi cầm nắm hương to trở lại đài tưởng niệm cắm lên đó, khấn vong linh của tất cả đồng đội đã ngã xuống cho sự bình yên của đất nước. Tôi chạy giữa các hàng mộ cố nhìn kĩ hơn một lần nữa, vì tôi biết cơ hội trở lại nơi này không nhiều.

Trên đường trở về thành phố, cậu lái xe mở ca khúc Bài ca không quên. Những ca từ với nhiều điệp ngữ cứ láy đi láy lại, xoáy xiết… Nhưng giờ đây có giây phút bình yên, sao tôi quên, sao tôi quên, bài ca tôi đã hát, với quê hương, với đồng đội, với cả lòng mình, tôi không thể nào quên…

Tôi nhắm mắt chìm trong giai điệu bài hát, trong lòng có cái gì đó dâng lên nghèn nghẹn.

P.V

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)