Wole Soyinka: “Không nên mong đợi văn học sẽ làm được gì”

Thứ Sáu, 27/10/2023 15:08

Sinh năm 1934 tại Abeokuta, một vùng rừng núi thuộc Yoruba - tây nam Nigeria, Soyinka là nhà văn châu Phi đầu tiên nhận giải Nobel Văn chương vào năm 1986.

Ông từng học tập ở Anh, thành lập 2 công ti kịch, là giáo sư văn học so sánh và hiện đang sống giữa Nigeria và California. Tác động của ông đối với văn học có thể được coi là sánh ngang với hoạt động chính trị. Bị bỏ tù ở quê nhà vào những năm 1960, ông phải chịu đựng 22 tháng biệt giam trong tổng số 27 tháng bị giam giữ. Số lượng tác phẩm của ông tương đối phong phú, với hơn 45 vở kịch, nhiều bài thơ, tiểu luận, hồi kí, tiểu thuyết… đã được dịch sang hàng chục thứ tiếng. Chronicles from the Land of the Happiest People on Earth (tạm dịch: Biên niên sử về vùng đất của những người hạnh phúc nhất trên Trái Đất) là cuốn tiểu thuyết thứ 3 và là đầu tiên sau gần 50 năm mà giải thưởng lớn nhất réo gọi tên ông.

Văn chương và công bằng xã hội

Nhà văn Wole Soyinka, chủ nhân của giải Nobel 1986.

Cuộc gặp lần này diễn tra tại một khách sạn nằm trên con phố yên tĩnh. Paris hè này bỗng nóng bất thường. “Điều gì khiến ông năng động đến thế?” Tôi lập tức hỏi để làm dịu đi tâm trạng bứt rứt. Ông thở dài: “Tôi không biết nữa. Tôi biết lẽ ra mình nên chậm lại, nhưng mỗi một lần cố gắng giảm tốc thì lại có điều gì đó sắp sửa xảy ra, vậy nên lại phải tiếp tục. Bạn thấy đấy, tôi bị mất đi cảm giác yên bình nếu quay lưng lại với tình huống nào đó. Thành thật mà nói, tôi nghĩ đó là một thiếu sót lớn, vì tôi đang tước đi thứ mà bản thân biết thực sự rất cần. Nếu tôi không cố gắng để tâm trí mình tĩnh lặng một chút thì chắc tôi đã phát điên từ nhiều năm rồi, vì vậy vấn đề của tôi là phải rút [khỏi thế giới] bất cứ khi nào có thể.”

Soyinka gọi hành động đó như của một kẻ khổ dâm trong tủ quần áo. Ông giải thích rằng: “Điều đó cũng có nghĩa là tước đi những gì mà bản thân tôi cảm thấy thích thú. Con người luôn phải chiến đấu vì không gian sáng tạo của mình, chiến đấu vì nó! Hãy rút lui bất cứ khi nào có thể và rồi biết ơn vì chính điều đó, đồng thời tiếp tục chờ đợi cơ hội thỏa mãn bản năng và đừng bao giờ hi sinh điều đó. Nếu có thể cân bằng được cả hai [hoạt động chính trị và viết lách] thì không sao, nhưng nếu thấy nội tâm vẫn đang gào thét thì hãy im lặng, chỉ cần đóng cửa và chạy đi thôi.”

Ý thức mạnh mẽ về công bằng xã hội đã khiến ông chịu áp lực và sự ngược đãi suốt cuộc đời mình, thế nhưng ông luôn kiên trì. “Tôi biết là thật khó tin nhưng tôi chỉ thích bình yên trong tâm hồn thôi. Tôi thích đắm mình trong một môi trường thực sự yên tĩnh, nơi tôi tìm thấy chủ yếu trong rừng. Nhưng nếu giữa lúc ra khỏi nhà và đi vào rừng mà bạn gặp phải điều gì đó không thể chấp nhận được trên đường đi, thì nó có thể là vấn đề lớn, và bạn không thể tận hưởng những gì mình muốn cho đến khi nào đã giải quyết xong những gì mình thấy.”

Tôi bối rối hỏi ông liệu điều đó có nghĩa là ông chưa bao giờ có ý định trở thành một nhà văn song hành với làm chính trị hay không. "Không! Không bao giờ!" Ông trả lời mà không chần chừ chút nào. “Tôi không biết nữa. Người ta không nên mong đợi văn học sẽ làm được gì. Nhà văn chỉ cần mở ra được những khả thể là quá đủ rồi. Bởi lẽ một cái gì đó đang được trình bày, một quan điểm khác đang được mở ra, điều đó mới là quan trọng. Người viết cần phải thành thật. Một khi đang viết thì đó chính là sứ mệnh.”

Một thế giới đảo lộn

Chỉ ra mắt 3 cuốn tiểu thuyết (hàng trên), nhưng Wole Soyinka vẫn được ca ngợi là một trong những nhà văn Phi châu quan trọng nhất.

Đó là năm 1986, khi Wole Soyinka đoạt giải Nobel Văn chương còn Elie Wiesel được trao cho giải Nobel Hòa bình. Thế giới lúc đó hứa hẹn điều gì và tình trạng của nó ngày nay ra sao? Chiến tranh và sự di cư, chính phủ độc tài, chủ nghĩa khủng bố... “Lấy Gabon làm ví dụ đi. Một triều đại gia đình nắm quyền trong 50 năm, thao túng các cuộc bầu cử một cách liên tục. Nó đáng bị lật đổ, nhưng, liệu quân đội có tốt hơn không? Họ đã cho thấy mình cũng suy đồi, tham nhũng như phần còn lại. Thật là đau lòng,” ông nói.

Tác phẩm của Soyinka luôn có nguồn gốc từ những huyền thoại và bí ẩn của lục địa Phi, cũng như từ kinh nghiệm sống của bản thân ông, khi bị bỏ tù 2 lần, vào năm 1965 và một lần nữa từ 1967-1969, bị nhà độc tài Sani Abacha tra tấn, kết án tử hình, và buộc phải trốn nhiều lần, trong thời gian dài vì sự an toàn của bản thân mình. Văn học có thể làm gì trước sự hỗn loạn, bất công và bạo lực như vậy? “Chà,” ông nói với giọng khàn khàn, “trình bày thực tại và chỉ thế thôi. Ngoài ra, không làm gì cả. Tuy vậy văn học không hề bất lực hay là tầm thường, bởi lẽ những kẻ nắm quyền đôi khi phải kiểm duyệt nó và khiến văn nhân trở nên cùng quẫn”.

Chuyển sang chủ đề về việc ông bị giam giữ, khi hỏi nhà tù đã thay đổi con người ông thế nào, ông đã đáp rằng “Khi ra tù, tôi rất cay đắng, nhưng không phải vì phải vào tù, mà là bởi cách đối xử mà mình nhận được. Nhưng quan trọng nhất là tất cả những gì sai sự thật về tôi. Tác phẩm của tôi trở nên cay đắng, sau đó thì tôi chuyển sang nhìn vào xã hội, thân phận con người, từ đó tạo ra thế giới vi mô. Đó chính là điều mà tất cả các nhà văn đều làm. Một trong những vấn đề mà một nhà văn viết về xã hội thường trực gặp phải là nguy cơ trở nên bi quan, phẫn uất và hung hăng.”

Tác phẩm ông đề cập đến là Madmen and Specialists (tạm dịch: Kẻ điên và Chuyên gia), một vở kịch dài về cuộc Nội chiến Nigeria (1967-1970) và được coi là tác phẩm đen tối nhất của mình. Ngoài ra ông cũng kể lại giai đoạn ngồi tù trong The Man Died: Prison Notes (tạm dịch: Người đàn ông đã chết: Những ghi chép từ nhà tù) vào năm 1972 - vở kịch mà Nigeria cuối cùng đã cấm diễn vào năm 1984. Trong khi Death and the King's Horseman (tạm dịch: Cái chết và Người giữ ngựa của nhà vua) trình diễn lần đầu vào năm 1976, đã khiến Soyinka được cả thế giới ca ngợi.

Ngày nay ông không coi mình là một tiểu thuyết gia, và gọi tiểu thuyết mà mình sáng tác là một “tai nạn”. Tác phẩm đầu tay của ông, The Interpreters (tạm dịch: Những phiên dịch viên), được xuất bản năm 1965 và tiếp theo là Season of Anomy (tạm dịch: Mùa bất thường) vào năm 1973. Ông thề rằng cuốn thứ ba cũng là mới nhất sẽ là cuốn cuối của mình. “Tôi sẽ không đi theo hướng đó nữa! Tôi chỉ biết bằng trực giác thôi. Sáng tác tiểu thuyết là một hành động lao động khổ sai. Một vở kịch thì khác, vì bạn biết rằng dù có trình diễn ở trên sân khấu thì bạn vẫn có cơ hội thay đổi chỗ này chỗ kia. Sân khấu là một quá trình đương sống. Còn tiểu thuyết thì bị đóng băng, và nó chỉ rã ra khi một nhà làm phim cố gắng đưa nó trở thành những cuộn âm bản.”

Biên niên sử về vùng đất của những người hạnh phúc nhất trên Trái Đất lấy bối cảnh ở một Nigeria tưởng tượng và xem xét tình trạng vô lý và phi đạo đức ở thời điểm đó. Ở Mĩ, một số người coi nó là bi quan, trong khi những người khác, đặc biệt là ở châu Âu, lại hoan nghênh nó như một sự châm biếm chính trị. “Mặc dù tôi không tự mình định danh, nhưng một số người nói rằng nó giống với truyện trinh thám, và tôi đáp rằng: hoàn toàn có thể, tại sao không? Tôi yêu thể loại này, và hồi còn trẻ, tôi từng ngấu nghiến chúng và luôn tự nhủ, một ngày nào đó tôi sẽ viết truyện trinh thám.” Ông cười. “Lúc đầu tôi không có ý định đó, nhưng trong quá trình viết, tôi chợt nhận ra rằng mình có thể khởi đầu bằng một yếu tố bí ẩn.”

Soyinka có thể tạo ra câu chuyện từ bất cứ thứ gì và ông cũng có thể viết ở bất cứ đâu. Ông nói “Tôi phải rời khỏi Nigeria để viết. Tôi phải chờ đợi năm này cho đến năm khác để thấy hoàn toàn tách biệt khỏi môi trường vật chất mà mình đang sống. Với cuốn sách mới thì tôi đã viết một số phần ở Sénégal và Ghana. Sau đó Đại dịch xảy ra, thế giới bắt đầu đóng cửa. Tôi đã ở Los Angeles dự đám cưới của con trai mình, đó là sự kiện xã hội cuối cùng đối với chúng tôi ẩn dưới tư cách của một gia đình, tính cho đến nay. Khi lệnh phong tỏa đến, tôi biết mình phải quay lại Nigeria, nơi duy nhất mà bản thân tôi vẫn coi là nhà. Vì vậy tôi lên máy bay. Không thể bay thẳng để đến Lagos, vì vậy tôi đến Ghana rồi tiếp tục đi bằng đường bộ, nhưng tôi đảm bảo rằng mình sẽ đến được Abeokuta. Và đó là nơi tôi đã hoàn thành cuốn sách mới này.”

Năm 2016, sau khi Donald Trump đắc cử Tổng thống, Soyinka hủy bỏ Thẻ xanh của mình. Cũng trong năm đó, Bob Dylan trở thành chủ nhân mới nhất của giải Nobel Văn chương. Ông nói “Giải thưởng văn học lẽ ra không bao giờ nên trở thành như vậy! Là người yêu nhạc và cũng đồng thời là nhà soạn nhạc, tôi tôn trọng chúng, nhưng có một thứ gọi là văn học, và luôn không đủ giải thưởng để mà tôn vinh những người hết lòng vì nó. Nếu họ trao giải thêm một lần nữa cho một nhạc sĩ, tôi sẽ gửi tất cả tác phẩm âm nhạc mà mình đã viết tới giải Grammy. Tôi biết những gì gọi là văn học, nhưng viết lời hay cho một bài hát không phải văn chương! Nếu muốn có giải Nobel về âm nhạc, được thôi, nhưng đừng lấy đi giải thưởng từ bộ môn này và mở rộng nó sang bộ môn khác!”

Khi hỏi giải Nobel có ý nghĩa gì đối với cuộc đời mình, Soyinka đã đáp lại rằng “Nó chẳng thay đổi gì cả đối với riêng tôi. Tất cả những gì nó làm cho tôi là tôi càng ngày càng phải đấu tranh cho sự ẩn danh của mình.”

NGÔ MINH dịch từ bài phỏng vấn của Aysegül Sert trên LitHub

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)