Về sáng tác tản văn

Chủ Nhật, 29/10/2023 16:52

Phùng Ký Tài sinh năm 1942 tại Thiên Tân, Trung Quốc. Ông hoạt động trên nhiều lĩnh vực từ văn chương, hội họa đến bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Thiên Tân nói riêng, Trung Quốc nói chung.

Trong lĩnh vực văn chương, ông sáng tác rất nhiều thể loại, từ thơ ca đến văn xuôi, từ tùy bút đến truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết. Với thể loại tản văn, Phùng Ký Tài đã ra mắt nhiều tuyển tập như: Trong sương mù ngắm Luân Đôn, Chim ngọc trai, Hải ngoại thú đàm, Không gian xám… Đề tài trong tản văn của Phùng Ký Tài được trải rộng trên nhiều phương diện, từ du kí, phong tục văn hóa, nghệ thuật hội họa, văn chương, đến những cảm nhận tinh tế, những rung động chân tình nhất của tâm hồn con người trước vẻ đẹp của thiên nhiên: một con chim nhỏ, một bông hoa, một cái cây, hay thậm chí chỉ là một tiếng sáo trời…

Với quan niệm: tâm theo người đi, bút theo tâm động, văn theo tâm thành, không câu nệ theo một khuôn mẫu cách thức nhất định, tản văn của Phùng Ký Tài được đánh giá là đầy tự nhiên, dễ đồng cảm với độc giả, song cũng tràn đầy mĩ cảm của một họa gia, một nhà nghệ thuật. Mỗi tản văn của ông đều giống như một bài thơ nhẹ nhàng, nhàn tản, và thư thái, giống như một dòng suối róc rách chảy vào nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn người đọc. Văn nghệ Quân đội trân trọng giới thiệu một bài phỏng vấn Phùng Ký Tài xung quanh thể loại tản văn.

+ Từ sau năm 1990, trên văn đàn xuất hiện một “cơn sốt tản văn” với đủ hình thức muôn màu muôn vẻ mà trước đây chưa từng có, như “tản văn nữ”, “tản văn đại văn hóa”, “tản văn tiên phong”, “hậu tản văn”, tản văn trên báo chí cũng như tản văn trên mạng… Trước hiện tượng như vậy, ông thấy thế nào?

- Do sự thị trường hóa của văn hóa, trước “cơn sốt tản văn” mà đợt sóng này chưa lắng xuống, đợt sóng khác đã dâng lên, phải thật sự thận trọng. Nó có thể là một kiểu “xây dựng thương hiệu” mà những doanh nhân đạo diễn. Tất nhiên, nó cũng có thể là một kiểu “xây dựng văn hóa”, đó là một căn bệnh cũ trên văn đàn: thích nhân danh, thích phong trào, thích tạo ra những làn sóng, thích có một lí do và một vị thế. Tựa hồ như vậy thì có thế thừa thắng xông lên, người đông thế mạnh, thành tâm điểm một thời. Thường thì sau khi cơn “sốt” đã hạ nhiệt, khói lặng mây tan rồi, cái còn lưu lại chỉ là một khoảng trống hoang vu. Thực ra tản văn rất cần một tâm thái bình thản. Một bộ tiểu thuyết có thể gây ra một trận “kinh thiên động địa”, nhưng một thiên tản văn thì không thế được, tản văn không có một trọng lượng cũng như năng lượng lớn như thế.

+ Những sáng tác tản văn gần đây, ông nhận thấy còn tồn tại những vấn đề gì cần phải chú ý?

- Lặp lại lẫn nhau, tạo tác không tự nhiên, đáng sợ nhất là tình cảm giả tạo.

+ Một con cá nhỏ, sau khi đã lớn lên, thì không thể sống được trong cái bể nhỏ nữa. Nó được thả về biển. Thế nhưng sau đó, con cá ấy rất khổ sở, bởi vì nó không bao giờ có thể chạm vào cái thành bể cá nữa. Cái thành bể cá ấy, chính là định nghĩa mà người ta đặt ra cho tản văn trước kia. Lấy thực tiễn sáng tác của ông làm tiêu chuẩn, ông hãy đưa ra một định nghĩa mới “thế nào là tản văn”, nói một chút những nhận thức cơ bản của ông đối với tản văn.

- Khi con cá nhỏ chạm vào được tâm linh của chính nó, chạm vào được linh tính của ngôn ngữ và vẻ đẹp cá tính của chính mình, thì nó đã chạm vào được thành bể của tản văn. Tiểu thuyết là thuộc về xã hội, tản văn là thuộc về chính mình. Nhưng những tiểu thuyết hiện nay đang cố gắng cá nhân hóa, còn tản văn thì dồn sức vào vô vàn hiện tượng mà gánh nặng không thể cáng đáng nổi. Về định nghĩa tản văn, có thể mỗi người đều có một cách nói. Tôi nghĩ, dù nói thế nào đi nữa, nó cũng không ngoài một câu: tản văn là những câu chữ lột tả tâm hồn. Nếu nói đơn giản một chút: Tản văn là văn tự của tâm linh. Từ đó chúng ta phân biệt giữa tản văn với tùy bút, tức là tản văn thì thuộc về tâm linh, tùy bút thì thuộc về trí óc. Tản văn bắt nguồn từ tâm linh, tùy bút thì đến từ sự suy nghĩ. Tản văn mang nhiều sắc thái tình cảm hơn, còn tùy bút thì chiếm phần lớn là suy xét biện luận.

+ “Cơn sốt tản văn” đã thúc đẩy sự phát triển đa nguyên hóa cho tản văn. Đồng thời, sự đa nguyên hóa của tản văn cũng khiến rất nhiều người viết, người đọc bị rối loạn trước câu hỏi “thế nào là tản văn hay?” Xin ông cho biết, tiêu chuẩn để xác định một thiên tản văn hay là gì?

- Thứ nhất, đó là tính phát hiện của đề tài; thứ hai, đó là những chi tiết chưa có ai từng sử dụng; thứ ba, ngôn ngữ sâu sắc, có những câu văn hay. Điều thứ nhất nói ở trên, thể hiện con mắt nhìn độc đáo của tác giả đối với cuộc sống. Điều thứ hai thể hiện sự mẫn cảm cũng như độ sâu sắc của tác giả trong việc quan sát cuộc sống. Còn điều thứ ba, thể hiện tài năng về văn học (ngôn ngữ) của tác giả.

+ Trong những sáng tác gần đây, đặc tính thẩm mĩ của tản văn được thể hiện ở điểm nào? Nó thông qua con đường đặc biệt nào, để nắm bắt và thể hiện trải nghiệm phức tạp trong thời đại hiện nay của chúng ta? Làm thế nào để nó có thể trở thành một hình thức ngôn ngữ thực sự đối mặt với sự trải nghiệm của tự thân chúng ta, đối mặt với linh hồn của chính bản thân chúng ta? Loại hình thức ngôn ngữ ấy có gì khác biệt với tiểu thuyết, thơ ca?

- Tiểu thuyết thì cần có những đoạn tản văn, nhưng tản văn thì không thể có những đoạn của tiểu thuyết. Thơ ca không thể dùng ngôn ngữ của tản văn, nhưng tản văn cần phải đột xuất có những câu chữ của thơ ca.

Người dẫn thuật trong tiểu thuyết thường thường là hư cấu, không phải là bản thân tác giả, cho nên ngôn ngữ văn bản của tiểu thuyết thường là ngôn ngữ cá tính của người dẫn thuật hư cấu, không phải là ngôn ngữ của chính bản thân tác giả. Nhưng ngôn ngữ trong tản văn chỉ có thể là của chính tác giả. Còn nữa, ngoài ngôn ngữ ra, xây dựng nên tiểu thuyết là tình tiết, còn xây dựng nên tản văn là những chi tiết. Cần phải nói rõ rằng, tản văn hoàn toàn không phải là xóa bỏ hư cấu. Nó không thể hư cấu nên sự kiện và nhân vật như là tiểu thuyết, nhưng nó có thể hư cấu bối cảnh và không khí. Hư cấu không phải là một sự giả tạo, mà là một sự sáng tạo. Hư cấu phục vụ cho sự cần thiết trong nội tâm của tác giả, đồng thời phục vụ cho sự cần thiết của thẩm mĩ.

+ Tác giả tản văn nào có ảnh hưởng lớn nhất với ông? (không phân biệt trong và ngoài nước, và số lượng từ một đến ba người). Tác phẩm nào của họ mà ông thích nhất? Và vì sao ông thích nó?

- Tác giả đầu tiên là Turghenev, với tác phẩm Bút kí người di săn (bản dịch của Phong Tử Khải). Lí do là: cuộc sống mà chúng ta ghi nhớ, đều mang tính phiến đoạn, một tản văn hay thể hiện ở một số phiến đoạn hay. Tác phẩm Bút kí người đi săn có vô số những đoạn hay, những phiến đoạn về cuộc sống và phong cảnh đẹp đến mê hồn.

Tác giả thứ hai là Tô Thức, với tác phẩm Tiền Xích Bích phú. Lí do là: Nó tràn đầy tính thơ và ý thơ. Trên thực tế, rất nhiều tác phẩm tản văn kiệt xuất Trung Quốc xưa đều mang đậm tính thơ và ý thơ. Xuất phát từ tính thơ và ý thơ đó, họ cảm thụ, thăng hoa và biểu hiện cuộc sống. Tô Thức đã cho chúng ta biết, đem cuộc sống biến thành nghệ thuật không phải ở trong việc viết lách, mà nó bắt đầu ngay từ việc cảm thụ cuộc sống.

Tác giả thứ ba là Lỗ Tấn, với tác phẩm Nhặt cánh hoa tàn. Lí do: ý cảnh nhân sinh được thẩm mĩ hóa là một đặc tính văn học rất cao quý.

+ Trong lịch sử phát triển văn học, có một hiện tượng rất lí thú, có một số tác giả mang nhiều gương mặt khác nhau, vừa là nhà thơ, lại là nhà văn viết tiểu thuyết, lại kiêm sáng tác tản văn. Ông nhìn nhận hiện tượng sáng tác trên nhiều thể loại như thế này ra sao?

- Một thể tài hay một hình thức chỉ thích hợp để thể hiện một cái gì đó. Để biểu đạt một cái khác, thì phải sử dụng một hình thức và thể tài văn học khác. Thể loại văn chương không phải là chướng ngại đối với một tác giả, nó chỉ giúp đỡ và hoàn thiện thêm cho tác giả biểu đạt chính mình được tốt hơn.

+ Sáng tác tản văn hiện nay, đã đột phá tính đơn nhất của chủ đề, hướng tới sự phát triển đa chủ đề, thành một bản hòa tấu nhiều biến tấu. Ông có cho rằng, đó là phương hướng phát triển của sáng tác tản văn thế kỉ XXI không? Viễn cảnh của nó như thế nào?

- Đúng vậy. Tản văn hiện nay đang đi đến tự do, nó có rất nhiều khả năng. Nhưng chúng ta không thể làm thế nào mà đặt ra một quy định cho tản văn, và dự đoán “xu hướng phát triển” của nó. Cái thực sự ảnh hưởng đến sự thay đổi dòng chảy của tản văn là sự cải biến của cuộc sống và sự biến thiên của lịch sử thời đại, và còn nữa, đó là sự chuyển biến về thẩm mĩ của độc giả. Nói đến viễn cảnh phát triển thịnh vượng của tản văn mà chúng ta mong đợi, tôi nghĩ, dựng lên một mảnh trời tạnh ráo đó là cái ô, dựng lên một quang cảnh lớn mạnh cho tản văn thì cần phải có sự xuất hiện của một số nhà tản văn lớn.

+ Đây là một câu hỏi liên quan đến việc đọc sách. Có một hòn đảo lẻ loi giữa biển khơi, phong cảnh rất đẹp, mời ông đến đó nghỉ dưỡng nửa năm. Trên hòn đảo cách biệt đó, ông không phải lo đến chuyện ăn mặc, cuộc sống là đầy đủ. Nhưng rất đáng tiếc là, ở đó không có một ai khác qua lại giao lưu với ông. Để đảm bảo được hưởng cuộc sống tinh thần tự do, ông có thể đem theo một cuốn tản văn mà mình thích, chỉ một cuốn thôi, ông sẽ mang theo cuốn nào?

- Cuốn sách đó là: Phù sinh lục kí

+ Vì sao ông lại mang cuốn sách đó?

- Vì cuốn đó có thể đọc đi đọc lại. Giống như thơ vậy, đọc lên thấy thích thú, nó gợi lên cho mình nhiều suy nghĩ khác nhau. Một câu một chữ đều có thể sửa chữa trau chuốt và gặm nhấm. Lịch sử văn học Trung Quốc, phải thành thục về thơ trước tiên, sau đó mới là tản văn. Tản văn chịu ảnh hưởng của thơ, rất sành sỏi về chuyện “chuốt chữ”, và cũng rất rành việc vận dụng một từ đơn. Sự tinh thâm của tản văn chữ Hán cũng là ở đó. Không giống như sáng tác tản văn hiện nay, cứ viết là viết miên man, đọc xong rồi chẳng lưu lại được gì cả.

+ Trong các thiên tản văn mà ông đã hoàn thành, ông thích nhất là những tác phẩm nào (chỉ tính ba đến bốn thiên thôi), vì sao?

- Tác phẩm thứ nhất là: Trân châu điểu (Con sẻ vằn). Lí do là: Từ trong đó có thể nhìn ra được sự tìm kiếm của mình, tức là cảnh giới được coi là trên hết, bất kể là cảnh giới nhân sinh hay cảnh giới thẩm mĩ.

Tác phẩm thứ hai là: Thư trác (Bàn sách). Lí do là: rất nhiều phiến đoạn trong đó đều là của chính tôi. Trên phương diện có thể dùng văn tự thể hiện ra được nội tâm của mình hay không, đó là một tiêu chuẩn để tôi đoán định sự thành bại trong tản văn của mình.

Tác phẩm thứ ba là: Trí đại hải (Gửi biển lớn). Lí do là: Tôi rất ít đọc tản văn của mình, nhưng thiên tản văn này không biết tôi đã đọc nó bao nhiêu lần. Cảm giác của tôi mỗi lần đọc nó đều giống như được đến trước mặt Băng Tâm bằng xương bằng thịt vậy.

Tác phẩm thứ tư là: Quý Mùi thủ kí (Ghi chép năm Quý Mùi). Lí do là: Để viết ra những cảm nhận, thể nghiệm và suy nghĩ phức tạp của tôi trong công tác điền dã và điều tra về văn hóa, tôi từng thử đem tản văn, tùy bút và những văn bản nghiên cứu mang tính học thuật dung hòa với nhau làm một. Tôi cảm thấy thể văn đó vừa giúp được cho sử dụng của mình, mà viết ra cũng đắc tâm ứng thủ. Tất nhiên, cái đó chỉ thích hợp khi tôi viết những nội dung như vậy thôi

CHÂU HẢI ĐƯỜNG dịch từ nguyên bản tiếng Trung

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)