Trong mưa

Chủ Nhật, 29/01/2023 00:05

 

Trương Khiết

Trương Khiết (1937 – 2022), người Phủ Thuận, Liêu Ninh, sinh tại Bắc Kinh, là nhà văn đương đại Trung Quốc. Từ tác phẩm đầu tay là truyện ngắn Đứa bé đến từ rừng rậm, Trương Khiết đã liên tục cho ra đời nhiều tập truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết và tản văn, như: Yêu là không quên; Tôi không phải bé ngoan; Đôi cánh nặng nề; Người thương tôi nhất thế giới đi rồi; Không chữ; Bốn con chó đợi cho ăn.... Trong đó có tiểu thuyết Đôi cánh nặng nề của bà được trao Giải thưởng văn học Mao Thuẫn lần 2 năm 1985, và tiểu thuyết Không ch” giành Giải thưởng Văn học Mao Thuẫn lần 6 năm 2005. Ngoài ra bà còn là một họa sĩ vẽ tranh sơn dầu. Trương Khiết mất vì bệnh vào tháng 1 năm 2022 tại Mĩ.

----------

Sau hơn hai năm cách li thẩm tra, cuối cùng tổ chuyên án cũng thông báo cho Dương Oánh biết, cô có thể về nhà thăm gia đình. 

Mẹ gửi thư lại, dặn dò cô khi về thì phải mang theo chăn nệm, vì cũng sắp đến mùa đông rồi.

Vì vô vàn nguyên nhân không thể hiểu nổi, gia đình ấy của cô đã tan đàn xẻ nghé từ bấy lâu: cha cô bị cách li thẩm tra, các em trai gái thì chia ra đưa đến ở mấy nơi thôn làng khác nhau, chăn nệm trong nhà cũng bị chia lẻ đi hết sạch. Hơn nữa mấy năm lại đây, cả nhà đều chỉ dựa vào tiền lương của một mình mẹ mà duy trì cuộc sống, lo thêm chăn nệm nữa thì khó khăn vô cùng.

Cô sửa soạn ba lô đâu đấy thì đi về phía phòng lái xe.

Vừa mở cửa phòng, màn khói đen đặc bên trong đã xông vào mặt khiến cô không mở được mắt ra. Vì suốt một thời gian dài phải thức thông đêm viết kiểm điểm dưới ánh đèn không đủ sáng, nên đôi mắt vốn sáng ngời của cô coi như đã bị hủy hoại rồi, đừng nói gì đến một chút khói hun, một cơn gió thổi, mà ngay đến việc thấy một chút ánh sáng mạnh cũng đã chảy nước mắt giàn giụa rồi.

Thậm chí cô không thể tin rằng hồi mình còn học đại học, thực sự đã có một bạn trai cùng lớp viết tặng cô một bài thơ tình thế này:

...

Ôi,

Ánh mắt sáng như đèn pha của em;

Đã xua tan đi bóng tối trong trái tim tôi…

Bài thơ ấy từng được truyền nhau đọc trong tiếng cười khúc khích khắp kí túc xá nữ sinh. Ôi trời, toàn là tên ngốc ấy nói linh tinh, ánh mắt với chả bóng tối.

Theo sau đó là một giọng nói thô khan vang lên: “Tiếp chiêu!”. Rồi “rầm” một tiếng y như một cái thùng gỗ đựng đầy đổ xuống sàn nhà.

Một cơn gió từ ngoài cánh cửa đang mở thổi vào, làm tan bớt màn khói đặc trong phòng. Cô nhìn thấy bên chiếc vỏ thùng cát-tông được sửa dùng làm bàn đặt chính giữa gian phòng, bốn gã đàn ông đang ngồi vây quanh vừa nhả khói vừa đánh bài. Mỗi khi họ đánh một quân bài ra, đều lấy hết sức quật mạnh xuống mặt bàn. Cô lấy làm lo ngại rằng cái bàn giản dị ấy, có thể sẽ bị quật bục thủng ra bất cứ lúc nào. Người ngồi đối diện với cửa ra vào, cái mũ mỏ vịt màu cà phê đội sùm sụp xuống tận mi mắt, khóe miệng ngậm lệch một điếu thuốc lá, nheo đôi mắt không muốn nhìn bất cứ cái gì trừ những lá bài trên bàn. Anh ta lười nhác thu dọn những quân bài tản mát trên mặt bàn, chia ra hai phần trên hai bàn tay, rồi giơ cao tay lên: những lá bài giấy xoạt xoạt bay đều ra khỏi lòng bàn tay anh ta, lần lượt từng cây xen kẽ rơi xuống chỗ bàn trước mặt anh ta.

Tựa như chẳng ai trong số họ nhận ra vừa có thêm một người nữa trong phòng. Dương Oánh không thốt một tiếng, tựa lưng vào khoảng tường cạnh cửa đứng hồi lâu. Cô không biết nên đưa ra lời thỉnh cầu của mình như thế nào, tuy rằng danh chính ngôn thuận thì “trường cán bộ” này đã có quy định: phàm những “chiến sĩ Mùng 7 Tháng Năm” (1)  muốn ra ga đi tàu đều có thể đến phòng lái xe đề nghị giúp xe đưa đi.

Người đội cái mũ mỏ vịt nhất định là có con mắt thứ ba, dẫu rằng con mắt thứ ba ấy mọc ở đâu thì cô cũng không nhìn thấy. Bởi vì rõ ràng là anh ta không hề ngẩng đầu lên nhìn cô, nhưng vẫn hỏi một câu: “Cần xe à?”

Dương Oánh gật gật đầu.

Người ngồi bên cạnh, ghé mắt liếc nhìn Dương Oánh dò xét: “Cô ta á? Không có cửa.”

Một sự im lặng khó xử, hàm ý phức tạp.

Chỉ nghe tiếng những quân bài phành phạch quật xuống mặt bàn. Lại có ai đó nhổ một bãi đờm xuống đất.

Cô quay đầu đi ra khỏi căn phòng ấy, tiện tay đóng chặt cửa lại, ngẩn ngơ đứng trước cổng hiệu bộ rất lâu. Ánh mắt chăm chú nhìn con quạ khoang đang nhảy qua nhảy lại kiếm ăn trên khoảng đất trống, trong đầu cô cứ trở đi trở lại mãi một câu hỏi rất giản đơn, nhưng không thể biết rõ được: Họ biết những gì về mình?

Ảnh minh hoạ.

Cô chỉ còn cách lấy lại tinh thần, chuẩn bị hết sức để đối phó với hơn ba chục dặm đường đi đến ga tàu hỏa.

Cây rừng bên đường đi đều đã úa tàn, những cành cây trơ trụi vươn lên bầu không, giống như muôn vàn những người yếu thế không biết trông cậy vào đâu, đang cầu khẩn một sự yêu thương vốn không hề có trên đời.

Bầu trời âm u, tô lên con đường vươn tới tận nơi xa xôi không cùng không tận, cũng như cánh đồng hoang hai bên đường toàn một màu mịt mờ xám xịt, vô cùng đơn điệu, vô cùng chán ngán.

Mưa đã rơi, con đường trở nên lầy lội. Những vũng nước trên đường, nhanh chóng ngấm hết vào đôi giày vải dưới chân cô. Nước mưa chảy tràn trên mặt cô, xuôi theo mái tóc đổ xuống. Cái chăn trên lưng bị nước mưa xối ướt càng ngày càng nặng, hai sợi dây thừng khoác trên vai, hằn sâu xuống hai bả vai cô.

Dương Oánh không nghĩ đến việc mang theo áo đi mưa. Khi mà nhân cách còn không che chắn được, thì dẫu có dùng áo tơi, vải mưa gì để che chắn cho thân thể mình thì nhẽ cũng chỉ là hoang đường và kì quái mà thôi.

Cô yêu mưa.

Khi còn bé, trong những cơn mưa ồn ào mùa hạ, cô luôn chỉ mặc một cái áo yếm, để chân trần rồi chạy ra giữa sân mà nhảy nhót, hò hét, chơi đùa. Cái áo bị nước mưa làm ướt dính chặt vào làn da bụng căng tròn.

Trời mưa í a …

Bong bóng phập phồng …

Ba ba đội mũ cỏ dông lên bờ í à …

Lúc nào cô cũng hát câu ấy.

Lớn lên rồi, cô thích cầm ô đi tản bộ dưới màn mưa dào dạt, nghe tiếng những giọt mưa gõ lộp bộp trên tán ô, mà gương mặt dưới tán ô kia, trong tiếng mưa rơi triền miên ấy lại càng khiến người ta thêm yêu mến hơn.

Còn bây giờ, sao cơn mưa này lại hành hạ cô vô tình đến như thế?

Có cái gì có thể bầu bạn với cô một chút trong cơn mưa vô tình này chăng? Cô ngóng nhìn ra bốn xung quanh, chờ mong có thể gặp được một người đi đường. Nếu không gặp được một người hành khách, thì gặp một con trâu, hay thậm chí là một con chó cũng tốt. Không có. Không có bất cứ thứ gì cả. Trong cái thời tiết như thế này, chớ nói đến người, mà ngay cả một con chó con ham chơi nhất, cũng rúc kĩ vào bụng mẹ mà ngủ rồi.

Làm bạn với cô chỉ có cây rừng với những cái cành khẳng khiu vươn cao lên trời, vẫn đang cầu xin trong vô vọng ở bên đường đi. Nước mưa xuôi theo những cành cây đen đúa chảy xuống … Cây cũng biết khóc ư? Lẽ nào có lúc nó cũng cảm thấy đau buồn?

Bàn chân cô, hòa cùng tiếng mưa đơn điệu, sải bước như một cái máy. Tựa như cô bẩm sinh ra đã sống trong thời tiết như thế, đã cõng trên lưng cái chăn bị nước mưa xối ướt như thế, đã đi hoài, đi hoài trên con đường như thế … Cô bỗng trở nên mơ hồ, lẽ nào trên đời này đã không còn một chút xíu gì có thể khơi dậy niềm mong muốn nữa? Ngay đến cả mong muốn tương cho kẻ nào đó một đấm cũng không còn?

“Toe … Toe …!” Từ sau lưng cô có tiếng còi xe ô-tô vọng lại, cô chẳng buồn quay đầu lại, chỉ tránh vào bên đường.

Một chiếc xe Jeep chạy vượt qua cô, rồi tiếp theo cô nghe tiếng phanh xe. Cửa xe mở ra, một chiếc mũ mỏ vịt màu cà phê thò ra, gọi to: “Lên xe đi!”

Dương Oánh ngoảnh đầu nhìn ngó khắp bốn xung quanh, giữa đồng nội mênh mông này chỉ có một mình cô. Cuối cùng cô cũng tin chắc rằng câu nói khi nãy là nói với mình.

Cái mũ mỏ vịt vẫn đội sụp sát tới mi mắt, điếu thuốc lá vẫn ngạo nghễ ngậm lệch bên khóe môi. Trong buồng xe chỉ nghe thấy tiếng cần gạt nước mưa cành cạch, cành cạch, quét thành những hình quạt nối nhau trên kính chắn gió phía trước. Con đường trước mặt, lúc chợt rõ ràng, lúc chợt nhòe nhoẹt. Trên vô lăng, hai cái tay thô lớn, lúc xoay sang bên trái, lúc xoay sang bên phải.

Hơn ba mươi năm, những sự việc đã trải qua, những bóng người đã tiếp xúc, chợt lướt qua trong trí nhớ như bay. Ôi, con đường số phận ngắn ngủi ấy của cô, rốt cuộc cũng giống như cảnh vật ở ngoài khung cửa kính này, lúc chợt mịt mờ, lúc chợt rõ nét.

Đến rồi.

Anh ta nhổ cái đầu mẩu thuốc lá ngậm trên môi ra ngoài, tàn thuốc đỏ rực tỏa ra một làn khói nhẹ tưởng chừng không nhìn thấy, “xèo” một tiếng rồi tắt lịm trên mặt đất tràn loáng nước mưa.

“Xuống xe đi!” – anh ta nói.

Tính suốt trước sau, đây là câu nói thứ ba anh ta nói với cô.

Dương Oánh lẳng lặng xuống xe, đến một câu “cảm ơn” cũng không nói, thậm chí đầu còn không ngoái lại.

Cô đứng lặng trên sân mưa, nghe tiếng cánh cửa xe đóng xoành một tiếng, sau đó là tiếng lùi xe, tiếng bùn nước văng, tiếng tăng ga, và cuối cùng là tiếng xe ô-tô đi khuất.

Rồi cô đi vào cái ga xép đìu hiu ấy.

CHÂU HẢI ĐƯỜNG dịch

 

1. Ngày 7 tháng Năm năm 1966, Mao Trạch Đông ra chỉ thị đưa cán bộ các cơ quan đảng chính, nhân viên các đơn vị văn nghệ, nghiên cứu, khoa học giáo dục về lao động cải tạo ở các nông trường mới được lập ra. Người ta gọi đó là “Trường cán bộ”, và gọi những người học tập cải tạo là “chiến sĩ Mùng 7 tháng Năm”.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)