Buổi học sau cùng

Thứ Ba, 28/05/2024 06:41

Alphonse Daudet (1840-1897) là một nhà văn hiện thực và nhân đạo lớn của nước Pháp, nổi tiếng với truyện ngắn “Buổi học cuối cùng” viết năm 1872. Truyện ngắn Buổi học cuối cùng của Daudet đã được dịch và đưa vào sách giáo khoa trường phổ thông ở Việt Nam gần đây với bản dịch quen thuộc của Trần Việt và Anh Vũ in trong cuốn “Những vì sao” của Nxb Văn học 1981. Tác phẩm của A. Daudet vào Việt Nam khá sớm và ngay từ năm 1926 đã xuất hiện 2 bản dịch tác phẩm Buổi học cuối cùng. Đó là bản dịch của Lương Ngọc Hiền in trên Thực nghiệp dân báo, ngày 10 Juillet {tháng 7} năm 1926 và bản dịch của anh em Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm với bút danh Phạm Dật Công và Phạm Mộng Tiên in trong cuốn "Gương thiếu niên – Đông Tây nghĩa hiệp ái quốc tiểu thuyết" xuất bản tháng 10 năm 1926. Dưới đây là nguyên văn bản dịch tác phẩm “Buổi học cuối cùng” của nhà văn A. Daudet do Phạm Dật Công và Phạm Mộng Tiên dịch do nhà nghiên cứu Lí Học cung cấp cho VNQĐ. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

.ALPHONSE DAUDET

Sáng hôm ấy, muộn quá không đi nhà trường được, tôi đã sợ phải mắng lắm rồi, mà nhớ đến thầy Hà Miên {Hamel} dặn rằng sẽ hỏi về tiếng Pa-ti-síp (participe[1]), tôi chẳng thuộc chữ nào, lại càng sợ lắm nữa. Một lát, tôi nghĩ ngay ra một diệu kế nhất định nghỉ buổi học, chạy nhẩy ngoài đồng chơi vụng một mẻ.

Gió lặng khí hòa, trời quang mây tạnh, thật là ấm áp và sáng sủa lạ lùng.

Bên rừng cây đàn sáo véo von, dưới ngọn cỏ quân Phổ tập tành, coi hệt như một bức tranh thơ trời mới vẽ. Cảnh trí ấy thật cám dỗ lòng tôi, dễ hơn, mạnh hơn là mẹo pa-ti-síp nhưng tôi cũng còn chút đảm lực chống cự lại, bèn tếch thẳng ngay đến trường, chẳng tiếc cảnh bận tình chi nữa. Khi qua tòa thị trưởng, tôi trông thấy có đông người đứng lại trước cái bàng yết thị, nơi này là nơi ròng rã 2 năm trời, chúng tôi thường đến xem mà biết được những tin tức buồn, những trận mạc thua, những vũ hịch, những quân lệnh. Tôi nghĩ vậy không dừng gót lại, bụng bảo dạ rằng: “Lại còn việc gì nữa thế”?

Rồi tôi chạy qua chỗ trường sở thấy bác thợ rèn Uất Trì {Wachter} đang đứng đó với người thợ bạn đọc yết thị gọi tôi mà bảo rằng:

- Cậu bé kia, vội vàng làm chi, hôm nay cậu đến trường còn sớm chán!

Tôi tưởng bác ta chế nhạo tôi, tôi nín lặng hổn hà hổn hể vào ngay trong sân trường.

Thường thường như mọi hôm thì lúc bắt đầu học tiếng ồn ào ngoài phố cũng nghe thấy, nào tiếng bàn học mở ra đậy lại, nào tiếng bài đọc riêng, đọc chung và tiếng thước thầy gióa đập trên bàn và tiếng kêu “im đi một tí”. Tôi vẫn nhân lúc ồn ào ngồi ngay vào ghế cho êm chuyện chẳng ai trông thấy. Song chính hôm đó thì cả lớp đều lẳng lặng như sáng ngày chủ nhật vậy. Trông vào chỗ cửa sổ mở, đã thấy anh em lớn bé ngồi cả ở ghế, thầy Hà Miên thì đi đi lại lại, tay cắp cái thước bịt đồng. Cảnh tượng êm đềm lặng lẽ, tôi ở cửa bước vào, độc giả tưởng tượng xem lúc bấy giờ tôi thẹn thùng e sợ thầy biết là nhường nào. Thế mà không may quá. Thầy Hà Miên nhìn tôi một cách khoan dung chẳng thịnh nộ gì, thong dong bảo tôi rằng: Pháp Lang {Franz}, con ngồi vào chỗ, ta đã định cứ giảng không đợi nữa.”

Tôi bước qua ghế, ngồi ngay vào bàn học. Bấy giờ hơi lại hồn, tôi mới nhận ra là thầy giáo tôi mặc áo lễ phục xanh, mũ quả cầu thêu, mũ áo này thầy giáo tôi chỉ thường mặc những khi trọng thể như ngày quan khám trường hay phát phần thưởng.

Chẳng những thầy giáo tôi mà cả lớp tôi coi như cũng có việc gì bất thường và trọng thể lắm. Tuy thế lại còn một điều khiến cho tôi ngạc nhiên nhất là trông những bàn ghế thường để không ở chỗ đằng cùng lớp, người trong làng ngồi la liệt lẳng lặng như chúng tôi cả, nào ông cụ Ô Di {Hauser} có đưa cả quyển vần Tây cũ gián gặm tứ tung đi để trên đầu gối và cái kính để trên trang sách.

Lạ mắt lạ tai tôi đang lấy làm ngơ ngác thì thầy Hà Miên bước lên giảng tọa cất tiếng nhẹ nhàng uyển chuyển như nói với tôi lúc vào lớp, bảo chúng tôi rằng:

- Các con, lần này là lần cuối ta dạy các con đây. Có lệnh ở Bá Linh (Berlin) sang chỉ được dạy tiếng Đức ở các trường gần A Tản (Alsace) và Lô Liên (Lorraine) thôi, mai thầy giáo mới sẽ đến, nay là bài học cuối cùng của các con, ta xin các con để ý.

Mấy nhời ấy làm cho tôi choáng cả người lên. À, những quân khốn nạn, ra nó yết thị ở tòa thị trưởng thế đó. Hôm nay là buổi học chữ Pháp sau cùng của mình ư! Mình mới biết viết, thế ra không được học nữa chăng? Có lẽ chỉ học được đến đấy thôi ư! Khổ chưa! Bấy giờ tôi bực mình vì nỗi đã bỏ phí bao nhiêu thì giờ như mây bay như nước chảy, nào nghỉ học để đi kiếm tổ chim, đi trược bằng trên sông Sa (Saar). Lạ chửa kìa! Những quyển sách trước tôi con là chán ngán rẻ rúng mang là nặng nề lôi thôi bây giờ hình như nhẹ nhõm gọn gàng và thương yêu quý hóa như một người cố hữu không dứt tình đi được, còn có khác chi tâm sự thầy Hà Miên đối với người với cảnh A Tản này. Nghĩ đến thầy sắp đi không được học thầy nữa, không được gặp thầy nữa khiến cho tôi quên hẳn những phạt những thước của thầy. Ái ngại thay cho thầy.

Bây giờ tôi mới biết thầy mặc lễ phục là để tỏ lòng mến tiếc buổi học cuối cùng, mà cũng đến bây giờ tôi mới hiểu tại làm sao những bậc kì lão trong làng đến họp cả đằng cuối lớp kia.

Hình như những bậc ấy tiếc rằng sau này chẳng được đến đấy luôn nữa, tưởng cũng là một cách để cảm tạ thầy giáo chúng tôi trong bốn mươi năm trời chẳng sai cái thiên chức ông thầy, trên đối với nhà nước, dưới đối với dân làng và một cách biểu lộ cái cảm tình nghĩa vụ đối với Tổ quốc lúc bại vong.

Tôi nghĩ đến đấy thì tôi chợt nghe tiếng gọi tên tôi, đến lần tôi phải đọc. Tôi đã định hết sức đọc một hơi cái mẹo Pa ti síp rất có giá trị, cho to tát, cho rõ ràng không vấp váp, song từ mấy chữ đầu tôi đã ấp a ấp úng cứ đứng lắc la lắc lư trong ghế, tấm lòng bứt rứt, nét mặt băn khoăn, không còn dám ngẩng đầu lên nữa, khốn nạn chưa!

Tranh minh họa

Tôi nghe thấy thầy Hà Miên bảo tôi rằng: “Pháp Lang, ta không mắng con đâu, như thế tưởng con cũng đã phải phạt lắm rồi. Ngày nào cũng nói rằng: Chà, còn chán thì giờ, mai sẽ học. Đấy, bây giờ con xem đấy…

Chao ôi! Thật là một cái đại bất hạnh cho thành A Tản này, bao giờ cũng quen lối nói “còn chán thì giờ mai sẽ học”.

Bây giờ những quân Đức kia có quyền mỉa mai chúng ta rằng: Thế nào, các anh tự phụ là người Pháp mà các anh không biết nói biết viết tiếng các anh. Thật chẳng oan chút nào, còn cãi làm sao được. Nhưng Pháp Lang khốn nạn kia ôi, từ xưa đến nay chẳng những một mình con tội nặng nhất đâu.

Chúng ta cũng có một phần lớn đáng trách cả đấy. Cha mẹ các con có yên trí nức lòng cho các con đi học đâu, người còn muốn bắt cá con đi làm bờ ruộng, góc vườn, máy sợi, máy tơ để kiếm thêm dăm xu, bảy hào.

Chính ta nữa, dễ ta không có điều tự trách chăng? Đáng lẽ ta bảo các con học, ta lại chả sai các con đi tưới vườn cho ta đó ư? Và khi ta muốn đánh cá bạch lư, hay ta có ngại gì cho các con mà không cho các con nghỉ đâu?...

Đoạn, thầy Hà Miên bắt đầu giảng cho chúng tôi nghe về tiếng Pháp, thầy nói tiếng Pháp là thứ tiếng lịch sự nhất thế giới, minh bạch nhất, chắc chắn nhất, phải nên duy trì lấy, chớ có vong khước đi. Vì phàm một dân tộc nào dẫu phải lầm than nô lệ song giữ được tiếng của nước mình thì khác nào như giữ được thìa khóa ngục thất giam mình vậy. Nói xong thầy cầm quyển mẹo đọc bài học của chúng tôi cho chúng tôi nghe. Tôi rất lấy làm lạ rằng, như là tôi hiểu cả, mà những nhời thầy giảng hình như dễ cả.

Tranh minh họa

Tôi lại dám chắc rằng, có lẽ không bao giờ tôi lưu ý nghe kĩ như lần này mà thầy giáo tôi cũng vậy, có lẽ cũng chưa bao giờ kiên trì giảng nghĩa kĩ như lần này. Người ta nói rằng, trước khi từ biệt cái quyến thuộc thiếu niên, cái gia đình nghĩa tử, ông thầy đáng thương ấy muốn cho chúng tôi biết cái học vấn của thầy, thầy nhét cả vào trong óc chúng tôi một lúc cho gọn cho chóng. Bài học xong đến bài viết tập, thầy Hà Miên soạn những mẫu cho chúng tôi mới nguyên, viết chữ “Đại Pháp, A Tản, Đại Pháp A Tản” bằng rông[2] rất đẹp treo ở thép bàn biết khác nào như những lá cờ con con phấp phới tất cả chung quanh lớp. Thôi thì im lặng như tờ, người nào người ấy cặm cụi viết lách, chỉ còn nghe tiếng bút sàn sạt ở trên giấy. Một lát, đàn bọ xít ở đâu bay vào, song chẳng ai để ý, đến ngay những người bé nhất cũng yên tâm, yên trí cắm cổ kéo những nét gạch cho khéo, hình như hiểu rằng tuy là cái nét gạch đấy nhưng vẫn là chữ nước nhà vậy.

Trên mái nhà trường thì những chim bồ câu đang gù gù, tôi vừa nghe vừa nói:

“Có lẽ họ lại bắt những chim ấy gù bằng tiếng Đức nữa chăng”

Thỉnh thoảng tôi đưa mắt nhìn lên giảng tọa, thấy thầy Hà Miên ngồi không nhúc nhích động đậy, dán mắt vào những đồ vật ở quanh mình, hình như muốn thu tất cả cái nhà trường nhỏ vào nhãn quang.

Độc giả thử nghĩ xem, đã bốn mươi năm trời nào sân trường trước, nào lớp học sau vẫn bất di bất dịch, duy chỉ là những ghế những bàn là dùng lâu thì mòn sát nhẵn nhụi đi, những cây hạch đào đã cao nhớn và cây cẩu trảo chính thay thầy trồng bây giờ hoa đã chăng mắc tụ cửa sổ đến mái nhà. Đoạn trường thay! Thầy Hà Miên phải vĩnh biệt cái quang cảnh ấy và khi nghe tiếng em gái thầy đi đi lại lại trong buồng đang đóng đang khóa các hòm xiểng vì ngày hôm sau đã lên đường. Thế mà thầy vẫn ung dung giảng cho chúng tôi đến lúc hết giờ. Viết tập xong, chúng tôi lại học bài sử kí rồi những người bé cùng đọc Ba, Be, Bi[3], đều nhau vang cả lớp như là hát.

Tranh minh họa

Đằng cuối lớp kia, ông Ô Di mắt đeo kính trắng, tay cầm quyển vần cùng những người bé đọc từng chữ. Tiếng ông cụ đọc thổn thức nghe rõ lạ tai. Chúng tôi vừa muốn mỉm miệng cười vừa muốn chau mày khóc. Chao ôi! Bỗng đâu đồng hồ nhà thờ vừa điểm chuông chính ngọ rồi đến chuông cầu nguyện.

Vừa lúc ấy quân Phổ ở bãi tập kéo về kèn thổi inh tai ngoài cửa sổ. Thầy Hà Miên ở giảng tọa đứng dậy, mầu da nhợt nhạt, chả bao giờ tôi thấy thầy uy nghi như thế.

Thầy nói: Hỡi các con, hỡi các con… ta… ta….” Nhưng có cái gì nghẹn cổ, thầy không thể nói hết câu được.

Thầy quay lại bảng đen lấy miếng phấn cố hết sức viết thật to một câu

“Đại Pháp vạn tuế”

Đoạn thầy đứng nguyên đấy đầu gục vào tường chẳng nói gì, giơ tay làm hiệu

-Thôi, các con đi về

Lí Học sưu tầm và giới thiệu

Nguồn: Phạm Dật Công - Phạm Mộng Tiên: Gương thiếu niên - Đông Tây nghĩa hiệp ái quốc tiểu thuyết. Biên dịch và phê bình, in lần thứ nhất. In tại nhà in Thụy Kí HN 1926, từ trang 1 đến trang 8.

--------

1. Participle - Phân tử

2. Chữ rông: Kiểu chữ viết có nét tròn và đậm nét, thường dùng để viết văn bằng, giấy khen.

3. Nguyên gốc là: BA, BI, BÊ, BO, BU.

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)